Giáo dục Việt Nam Cộng hòa/Giáo dục phổ thông/Trung học

Xem thêm

1. Nguồn tham khảo
2. Biên soạn cuốn sách

Ở giáo dục Trung học, học sinh học 7 năm, bao gồm: lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12; trước năm 1970 gọi là lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ, Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất (lưu ý phân biệt với cách gọi các lớp Tiểu học không có chữ "Đệ" ở trong tên). Trong 7 lớp thuộc bậc Trung học lại được chia ra làm 2 cấp: Trung học Đệ Nhất cấp (tương ứng với Trung học cơ sở ngày nay) và Trung học Đệ Nhị cấp (tương ứng với Trung học phổ thông ngày nay).

Tính đến đầu năm học 1973 - 1974, toàn miền Nam có 1.079.799 học sinh trung học, tức hơn 20% tổng số thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18. Về số trường, đến năm 1970 đã có 530 trường trung học công lập và tư thục.

Một số trường trung học công lập nổi tiếng như: Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long, Lê Quý Đôn, Võ Trường Toản, Marie Curie (Sài Gòn), Quốc Học (Huế), Trường Trung học Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ)... Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.

Trung học Đệ Nhất cấp

sửa

Trung học Đệ Nhất cấp bao gồm từ lớp 6 đến lớp 9. Học sinh từ bậc tiểu học phải thi vào Trung học Đệ Nhất cấp, kỳ thi này khá toàn điện, bao gồm thi các môn Toán, Văn, Khoa học thường thức... Các trường trung học công lập hằng năm đều tổ chức tuyển sinh vào lớp 6, kỳ thi có tính chọn lọc khá cao (tỷ lệ đỗ vào trường công lập chung toàn quốc khoảng 62%); tại một số trường danh tiếng tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn 10%. Những học sinh không vào được trường công thì có thể nhập học trường tư thục và phải trả học phí, nhưng do nhiều trường tư thục được các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài... bảo trợ nên mức học phí khá thấp, con em lao động nghèo vẫn có thể theo học được.

Một năm học được chia thành hai học kỳ (gọi là lục cá nguyệt). Từ lớp 6, học sinh bắt đầu phải học ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp), đến lớp 10, học sinh phải học 2 ngoại ngữ (gọi là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2); môn Công dân giáo dục tiếp tục với thời lượng 2 giờ mỗi tuần. Từ năm 1966 trở đi, môn Võ Việt Nam (Vovinam) cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường.

Học xong năm lớp 9, học sinh thi bằng Trung học Đệ Nhất cấp. Kỳ thi này lúc đầu có hai phần: viết và vấn đáp, nhưng từ năm 1959 bỏ phần vấn đáp, rồi đến năm học 1966 - 1967 thì bỏ hẳn kỳ thi Trung học Đệ Nhất cấp.

Trung học Đệ Nhị cấp

sửa

Trung học Đệ Nhị cấp là các lớp 10, 11 và 12 (trước năm 1970 gọi là Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất), tương đương Trung học phổ thông hiện nay. Muốn vào Trung học Đệ Nhị cấp thì phải đỗ được bằng Trung học Đệ Nhất cấp (tương tự như kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông hiện nay). Vào Đệ Nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong 4 ban để chuẩn bị cho định hướng học lên bậc đại học hoặc đi học trường kỹ thuật, hay ra cuộc sống (một số học sinh đang học Đệ Nhị cấp nhưng đủ 18 tuổi vẫn bị bắt đi lính). Bốn ban ở Đệ Nhị cấp thường gọi là A, B, C, D, trong đó:

  • Ban A: Khoa học thực nghiệm (Lý - Hóa - Vạn vật)
  • Ban B: Khoa học Toán
  • Ban C: Văn chương - Sinh ngữ
  • Ban D: Văn chương - Cổ ngữ (Hán văn hoặc chữ Latinh)

Ngoài ra, học sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai (Anh hoặc Pháp).

Trong hệ thống giáo dục miền Nam, một số trường trung học được phân chia theo giới tính, ví dụ như: Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản (Sài Gòn), Trường Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định), Trường Quốc học (Huế), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Võ Tánh (Nha Trang), Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)... dành cho các nam sinh. Các trường Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt (Sài Gòn), Trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh (Huế), Trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) chỉ dành cho nữ sinh. Học sinh trung học lúc bấy giờ phải mặc đồng phục, nữ sinh thì áo dài trắng, quần trắng hay đen, còn nam sinh thì mặc áo sơ mi trắng, quần màu xanh dương.

Ngoài trường phổ thông bình thường hay các trường chỉ dành cho nam hoặc nữ sinh, ở bậc trung học giáo dục Việt Nam Cộng hòa cũng có thêm một số loại trường khác, xin mời xem ở phần kế tiếp.