Giáo dục Việt Nam Cộng hòa/Giáo dục phổ thông/Trường tư thục

Xem thêm

1. Nguồn tham khảo
2. Biên soạn cuốn sách

Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ còn có hệ thống trường tư thục ở tất cả các tỉnh, thành phố, có những vùng chưa có trường công lập nhưng đã có trường tư thục. Quy chế đối với trường tư thục đã sớm được ban hành tại Dụ số 57/4 ngày 23-10-1956 cho phép mở trường tư ở cả 4 cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học, kể cả những trường tư thuộc các tôn giáo đang hoạt động hợp pháp.

Theo thống kê của Bộ Quốc gia Giáo dục, đến tháng 4-1968, ở miền Nam có 1.917 trường sơ, tiểu học tư thục với 359.589 học sinh và 6.406 giáo chức, chiếm 18,25% tổng số học sinh tiểu học toàn miền Nam; có 428 trường trung học tư thục, với 308.149 học sinh và 8.296 giáo chức, chiếm 65,43% tổng số học sinh trung học toàn miền Nam. Đến năm học 1970 - 1971, trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học. Con số này tính đến trước năm 1975, toàn miền Nam trong vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1/2 triệu học sinh học ở hơn 1.000 trường tư thục đối với cả hai cấp tiểu học và trung học.

Ở bậc trung học, số lượng trường công lập không nhiều, do đó, việc thi tuyển đầu vào khá gắt gao. Trong bối cảnh này, hệ thống trường tư thục đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều học sinh. Trường tư thục thu học phí để đảm bảo hoạt động, nhưng do có sự cạnh tranh giữa các trường và có cả trường tư thục tôn giáo nên mức thu học phí thấp, tạo điều kiện cho học sinh con em lao động nghèo vẫn đi học được. Có 2 hệ thống trường tư thục nổi tiếng là hệ thống trường Lasan của Giáo hội Thiên Chúa giáo và trường Bồ Đề của Giáo hội Phật giáo Thống nhất.

Tổng Giáo hội Thiên Chúa giáo sở hữu 226 trường trung học, 1.030 trường tiểu học. Trong đó có các trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình), và Regina Mundi (Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ Để ở nhiều tỉnh, thành phố. Tính đến năm 1970, trên toàn miền Nam có 137 trường Bồ Đề, trong đó có 65 trường trung học, với tổng số 58.466 học sinh.

Trường Bác Ái (Collège Eraternité) ở Chợ Quán với đa số học sinh là người Việt gốc Hoa cũng là một trường tư thục có tiếng do các thương hội người Hoa bảo trợ.

Ngoài ra còn có một số trường do chính phủ Pháp tài trợ như Marie Curie, Colette và Saint - Exupéry. Kể từ năm 1956, tất cả các trường học tại miền Nam, bất kể là trường tư hay trường do nước ngoài tài trợ, đều phải dạy một số giờ nhất định đối với các môn Quốc văn và Lịch sử Việt Nam. Chương trình học chính trong các trường tư vấn theo chương trình do Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành, ngoài ra có thể thêm một số giờ hoặc môn kiến thức ngoại khóa.

Số lượng học sinh trường công lập, bán công lập và tư thục giai đoạn 1954 - 1961
(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Bộ Quốc gia Giáo dục)
1954 - 1955 1955 - 1956 1956 - 1957 1957 - 1958 1958 - 1959 1959 - 1960 1960 - 1961
Công lập 20.999 24.691 30.693 41.272 51.547 61.932 71.701
Bán công lập 0 1.200 3.000 9.500 15.336 24.855 29.353
Tư thục 22.001 25.810 34.474 52.318 76.346 100.577 105.752
Tổng cộng 43.000 51.701 68.167 103.090 143.229 187.364 206.806