Giáo dục Việt Nam Cộng hòa/Giáo dục phổ thông/Tiểu học
|
Bậc Tiểu học có 5 lớp, gồm: lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 (trước năm 1970 lần lượt được gọi là lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì và lớp Nhất). Theo quy định của Hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục cưỡng bách (bắt buộc). Từ năm 1955, đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học. Cuối mỗi năm học, học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải ở lại lớp (lúc đó gọi là "học đúp"). Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác. Theo quy định chung trong chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục, học sinh tiểu học đi học 2 buổi/ngày, 6 ngày mỗi tuần, được nghỉ 2 buổi chiếu. Tuy nhiên, đối với các trường không có điều kiện, học sinh học 01 buổi/ngày và chia theo 2 ca sáng và chiều. Vào đầu thập niên 1970, toàn miền Nam có khoảng 2,5 triệu học sinh tiểu học, chiếm hơn 80% tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi; và có 5.208 trường tiểu học.
Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp 1 để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho đến hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tùy theo trường) tại các trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, ở các địa phương hay vùng nông thôn, học sinh bắt đầu đi học lớp 1 chậm hơn, từ 7 hoặc 8 tuổi.
Lớp 1 tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn Quốc văn; 2 giờ môn Bổn phận Công dân và Đức dục (Công dân giáo dục). Lớp 2, Quốc văn giảm còn 8 giờ, nhưng thêm 2 giờ Sử ký và Địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn Quốc văn, Công dân và Sử - Địa chiếm 12 - 13 giờ mỗi tuần. Một năm học kéo dài 9 tháng, nghĩ hè ba tháng (ở miền Nam nghỉ hè đúng trọn 3 tháng). Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ, bao gồm các ngày: Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Lễ giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Tết âm lịch, ngày lịch sử địa phương... Học sinh học giỏi có thể học vượt lớp (gọi là học phóng), ví dụ đang học lớp 3, nhưng học giỏi và nắm được chương trình lớp 4 thì có thể vượt lớp lên học lớp 5, tuy nhiên số này rất hiếm.