Tự làm một tạp chí/Viết các trang

Cách bạn viết và trình bày các trang tùy thuộc vào việc zine của bạn có chủ đề gì. Nếu là zine truyện tranh bạn tự vẽ thì tất nhiên bạn phải vẽ chúng vào. Nếu là zine đăng tin tức thì bạn phải sắp xếp các đề mục cho hợp lý. Vân vân và vân vân. Như đã nói ở phần giới thiệu, quyển sách này không đi sâu vào từng chủ đề của zine mà chỉ hướng dẫn một số điểm then chốt.

Một số cân nhắc chung

  • Mực màu sẽ tốn kém hơn mực trắng đen rất nhiều trong việc in ấn, sao ra nhiều bản. Đó là lý do tại sao phần lớn báo bạn đọc hằng ngày in trắng đen. Có rất nhiều cách để làm cho zine của bạn 'màu sắc' hơn. Bạn có thể sử dụng giấy đề can màu làm bìa hoặc in màu một hai trang (hoặc một góc nhỏ của trang, ví dụ như tiêu đề) hay bạn có thể dùng bút màu tô lên chúng sau khi đã sao ra nhiều bản.
  • Nếu bạn dùng máy in hoặc máy photocopy để in các trang của mình, có thể bạn sẽ thấy chúng không in hết trang, bỏ sót một phần rìa cạnh giấy. Bạn nên in một bản thử nghiệm trước.
  • Khi photocopy, độ đậm nhạt của trang có thể sẽ không hiển thị tốt. Trang zine chỉ có màu đen và trắng, không có các sắc thái đậm nhạt khác sẽ cho kết quả photocopy tốt nhất.

Vật liệu

Bút bi/bút chì...

 

Bạn có thể viết tay các bài viết của mình hoặc tự vẽ một số ảnh minh họa. Trong nhiều trường hợp, kết quả rất tuyệt!

  • Nên nhớ, bạn viết các trang làm sao để có thể photocopy tốt - nếu bạn photocopy chữ và hình ảnh tạo bởi bút chì thì thường kết quả in ra rất nhạt. Bút bi cũng có thể cho kết quả in nhạt Do đó, bạn nên chỉnh lại tùy chọn độ sáng (brightness) trên máy photocopy hoặc scan vào máy tính. Ảnh đã scan vào máy có thể điều chỉnh không chỉ độ sáng mà còn nhiều thuộc tính khác. Bạn cũng có thể dùng bút chì tô đè lên các chữ. Dù lúc đầu có dấu 2 hàng bút đè lên nhau nhưng khi photocopy, đường này mất nên kết quả thường khá đẹp.

Máy tính

 

Máy tính có thể thực hiện hầu như tất cả mọi thứ: viết, vẽ, thêm bảng, thêm hình từ camera, điện thoại, scan các ảnh bên ngoài,... Quyển sách này không đi sâu vào hướng dẫn từng tính năng một.

  • Nếu zine của bạn chỉ toàn chữ thì một chương trình soạn thảo văn bản như Microsoft Word hoặc LibreOffice là đủ. Trong khi Microsoft Word có bản quyền tính phí và mã nguồn đóng thì LibreOffice hoàn toàn miễn phí và mã nguồn mở. Chắc chắn bạn nên thử dùng LibreOffice.
    • Nếu bạn muốn zine của mình rực rỡ, đầy họa tiết trang trí thì chỉ một chương trình soạn thảo có thể không đủ. Bạn có thể dùng thêm một chương trình đồ họa, hoặc đánh máy bài viết của mình, in nó ra rồi cắt/dán hay làm bất kỳ hình thức nào khác để trang trí/sắp xếp bài viết cho đẹp hơn.
    • Phần lớn chương trình soạn thảo cho phép bạn chia cột các trang. Ví dụ bạn định dạng trang nằm ngang rồi dùng 'chia cột' (column) để chia trang ra làm hai, mỗi phần là một cột. Tính năng này giúp bạn phân loại đề mục theo cột và dễ dàng gấp lại khi cần.
  • Nếu bạn thường xuyên cần chỉnh sửa hình ảnh, một chương trình đồ họa tốt là cần thiết. (chương trình "Paint" trong Windows thực sự không giúp được nhiều!) Các phần mềm thu phí như Photoshop và Paintshop Pro rất nổi tiếng và rất tốt. Nếu bạn không đủ khả năng để mua chúng, và nếu bạn không muốn sử dụng bản vi phạm bản quyền (và luật pháp) của chúng đang bán tràn lan ở các tiệm phần mềm vi tính, hoặc kể cả khi bạn có khả năng mua bản gốc, bạn nên thử sử dụng một chương trình đồ họa tên GIMP (http://www.gimp.org). Chương trình này rất tốt, có đầy đủ tính năng không kém gì các phần mềm thu phí. Inkscape (http://inkscape.org) cũng là một chương trình đồ họa tốt, nhất là cho đồ họa vector. Scribus (http://www.scribus.net) chuyên hỗ trợ soạn thảo tư liệu để xuất bản. Cả ba phần mềm trên đều miễn phí, mã nguồn mở.
  • LaTeX - chương trình soạn thảo văn bản chuyên nghiệp (và miễn phí), đặc biệt thích hợp cho những zine về Toán hoặc các ngành khoa học khác.

Cắt và dán thủ công

Trong quá trình làm zine, có thể bạn sẽ phải dùng đến kéo và keo dán. Đó có thể là một tư liệu bên ngoài không có sẵn trên máy tính, hoặc một vài họa tiết bạn tự làm,...

Nên nhớ độ đậm nhạt ảnh hưởng chất lượng các bản sao. Và cũng nên nhớ rằng nếu bạn cắt và dán một tấm ảnh từ giấy bóng, loáng (ví dụ như trang bìa các tạp chí) thì chất lượng các bản sao sẽ rất tệ do bề mặt chúng phản chiếu ánh sáng khi máy photocopy lướt qua. Kết quả là bạn sẽ có cả một vùng trắng xóa hoặc trắng mờ trên các bản sao thay vì tấm ảnh mà bạn mong muốn.

Nếu bạn cắt và dán rất nhiều, bạn có thể scan chúng vào máy tính để có một bản sao gốc không có các đường viền và chỗ phồng lên do keo dán.

Hình ảnh

Hiếm khi hình ảnh cho kết quả photocopy đẹp. Bạn nên chọn ảnh nào có độ tương phản cao (tức các phần trên tấm ảnh có độ đậm nhạt khác biệt lớn: ví dụ màu trắng và đen có độ đậm nhạt khác biệt lớn nhất, trong khi màu vàng và màu xanh chuối có độ đậm nhạt khác nhau ít). Chọn tấm ảnh có ít chi tiết (ví dụ một khuôn mặt thay vì một đám đông) và không quá tối. Nếu có thể, bạn nên scan vào máy tính tấm ảnh bạn chọn và chỉnh lại độ sáng - brightness và tăng độ tương phản - contrast, rồi in nó ra, dán vào zine.

Khâu, may thủ công

Thay vì dán, bạn có thể đan, thêu, khâu, may một phần hoặc toàn bộ zine của mình. Các zine làm bằng cách này vẫn photocopy được (dù vậy nội dung vẫn phải có độ tương phản tốt). Zine của bạn sẽ rất đẹp nếu bạn biết cách khâu từng mũi viền lên các ảnh, hoăc đính thêm vài vật nhỏ xinh xinh bạn thêu, nhưng tất nhiên bạn phải có kiên nhẫn...