Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong biểu tượng
Trang đầu || Mở đầu | Tín ngưỡng | Biểu tượng | Nghệ thuật | Võ thuật | Chiêm tinh | Văn hóa Trung | Văn hóa Hàn | Văn hóa Việt | Văn hóa khác | Giải trí || Tác giả
Trong văn hóa Phương Đông, Bạch Hổ là một trong bốn linh vật trong Tứ phương thần và biểu tượng cho phía Tây và mùa Thu. Hổ gần gũi với đời sống con người nên có nhiều danh từ, thành ngữ mang tên hổ, thông dụng là ở Việt Nam và Trung Quốc: Con hổ oai hùng và đầy sức mạnh nên các võ tướng dũng mãnh, thiện chiến của triều đình xưa thường được ví như cọp và tôn xưng là Hổ Tướng (ông tướng mạnh như cọp). Trong chiến trận, đoàn quân bị mất tướng, coi như quân vô tướng như hổ vô đầu. Ấn tín của quan võ hay các vị tướng nơi trận tiền gọi là Hổ phù khi được cử ra trận, vị tướng cầm quân được nhà vua giao cho cái phù hịêu làm tin. Phù hiệu này làm bằng gỗ, bằng ngà hay bằng kim loại, khắc hình con cọp, cắt làm đôi, viên tướng được cầm một nửa, nữa kia nhà vua giữ, người nào nắm trong tay Hổ phù thì có thể điều động được binh lính.
Nơi ở và làm việc của quan võ, doanh trại của tướng quân chỉ huy quân sự cổ được gọi là Hổ doanh hay Hổ quân doanh, cánh cổng vào doanh trại được gọi là Hổ môn, cửa ra vào dinh của các tướng soái hay khu vực làm việc có treo bức trướng thêu hình hổ gọi là Hổ trướng. Đào Duy Từ có tác phẩm quân sự trứ danh mang tên Hổ Trướng Khu Cơ là một bộ binh pháp kinh điển của nền quân sự Việt Nam.[1] trong Truyện Kiều có câu: Trướng hùm mở giữa trung quân, ngày xưa người ta thường dùng da hổ làm thành cái màn lớn để chủ soái họp bàn nghị sự việc quân với các tướng, nên người sau quen dùng chữ Hổ trướng để chỉ chỗ làm việc của các tướng soái.[2][./Hình_tượng_con_hổ_trong_văn_hóa/Trong_biểu_tượng#cite_note-vanhoanghean.com.vn-2 [2]]
Bộ da lông hổ với những vệt vằn là biểu tượng sức mạnh của vị tướng, nó còn được nhiều thủ lĩnh, đại vương ở các dân tộc phủ lên ghế ngồi hoặc căn treo ở đại sảnh, làm tấm thảm. Trong dinh Độc lập, Nguyễn Văn Thiệu cũng đã từng căng da hổ ở đại sảnh. Người có bộ đi hùng dũng bước đi như cọp gọi là Hổ bộ và dáng đi của vua chúa cũng được gọi là Long hành hổ bộ tức dáng đi như rồng như cọp. Người được gọi là Hổ đầu là người có tướng mạo tốt, hùng dũng như cọp. Mặt người có mặt cọp (hổ diện), miệng cọp (hổ khẩu) và râu cọp (hổ tu) như hình tượng râu hùm hàm én mày ngài của Từ Hải trong Truyện Kiều là người có tướng mạo của một người anh hùng hoặc Trương Phi vểnh râu hổ. Mình hổ dùng để chỉ những người có cơ thể hoàn hảo, đầy sức mạnh (mình hổ, tay vượng, bụng beo, lưng sói). Hổ bôn là những người khỏe mạnh nhanh nhẹn và được gọi lên như Hổ bôn trung lang tướng. Hổ cứ tức cọp ngồi là chỉ đạo vào địa thế hiểm yếu. Hổ đầu tức đầu cọp cũng chỉ vào tướng mạng hùng dũng. Hổ lang chỉ về phường hung ác, tướng tá tả hữu gồm người khoẻ mạnh thì gọi là hổ lĩnh.
Ngày nay, hình ảnh con hổ được sử dụng làm linh vật, biểu tượng, biểu trưng, phù hiệu, huy hiệu, cờ hiệu, nhãn hiệu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức, hãng kinh doanh, công ty, cộng đồng, dòng họ, các võ phái, câu lạc bộ.... trong đó thường là biểu tượng của nhà nước và các lực lượng quân sự võ trang. Nó cũng được tìm thấy trong nhiều huy hiệu thời hiện đại.
Hổ Bengal là biểu tượng quốc gia (Quốc thú) của cả hai quốc gia Ấn Độ và Bangladesh.[3] Hổ Bengal cũng xuất hiện trên hầu hết các tờ giấy bạc của Bangladesh (Bangladesh Taka) và đồng xu 25 cent (poisha).[4] Hình tượng Con hổ Tippu (Tipu's Tiger hay Tippoo's Tiger) là một ví dụ về tầm quan trọng trong nhận thức về con hổ đối với người dân Ấn Độ như là một biểu tượng của sự phản kháng chế độ thực dân Anh dành độc lập dân tộc, biểu tượng ước lệ này mô tả cảnh một con hổ giết chết một tên lính Anh và đây là biểu tượng rõ ràng về chiến thắng của người dân Ấn Độ đối với đế chế thuộc địa của người Anh.[5]
Tại vùng Nam Á, hổ Bengal được gọi một cách trang trọng là hổ Hoàng gia Bengal (Royal Bengal Tiger). Hổ Bengal là biểu tượng của đảng bảo thủ Liên đoàn Hồi giáo Pakistan Nawaz. Con gái của nhà lãnh đạo đảng này là Maryam Nawaz sử dụng hổ trắng quý hiếm trong các sự kiện của mùa tranh cử.[6][7] Những thành viên của chính quyền miền Đông Bengal (tiếng Bengali: ইস্ট বেঙ্গল রেজিমেন্ট) của Quân đội Bangladesh cũng sử dụng Hổ Bengal làm phù hiệu cho mình với hình ảnh khuôn mặt của một con hổ. Biểu tượng của đội bóng chày Kolkata của Ấn Độ là một con hổ hoàng gia Bengal, đồng thời Đội bóng chày Bangladesh cũng sử dụng hình ảnh của hổ hoàng gia Bengal.
Hổ Mãn Châu là biểu tượng quốc gia của Nam Hàn và là linh vật trong Olimpic tổ chức tại Seul, Hàn Quốc (chú hổ Hodori - Hàn Việt: Hổ nhi). Hổ Mãn Châu được mô tả trên các lá cờ và huy hiệu của vùng lãnh thổ Primorsky, trên huy hiệu của vùng lãnh thổ Khabarovsk, cũng như trên nhiều huy hiệu biểu tượng của thành phố và quận, huyện trong khu vực vùng Viễn Đông nước Nga. Ngoài ra nó còn được mô tả trên các huy hiệu của Irkutsk. Hổ Mã Lai là biểu tượng quốc gia của Malaysia.[8] hổ Mã Lai được khắc họa trên quốc quy của Malaixia, biểu tượng của chính quyền, pháp đình cũng như biểu tượng của lực lượng cảnh sát hoàng gia Malaixia, ngân hàng quốc gia và là logo của Liên đoàn bóng đá Mã Lai. Cùng với sư tử, Hổ Mã Lai được thể hiện trên Quốc huy của Sigapore như một biểu tượng của nước này.
Một số đơn vị, bộ phận vũ trang của quân đội một số nước cũng sử dụng tên gọi của hổ làm biểu tượng cho mình như: Trong lịch sử thời cổ của Trung Quốc, Cơ Phát đã chỉ huy 3000 quân Hổ bí (võ sĩ tinh nhuệ) từng tham chiến trong Trận Mục Dã. Trong thời kỳ Tam Quốc ở Trung Quốc, triều Đình Tào Ngụy đã tổ chức và xây dựng Đội kỵ binh tinh nhuệ có tên là Hổ Báo Kỵ do Tào Thuần trực tiếp chỉ huy và từng tam chiến trong trận Đồng Quan đánh thắng lực lượng Tây Lương do hổ trướng Mã Siêu chỉ huy. Thừa tướng nước Ngụy là Tào Tháo lúc bấy giờ cũng xây dựng một lực lượng bảo vệ thường trực với tên gọi là Hổ Vệ quân do Hổ hầu Hứa Chử đích thân chỉ huy. Ở Nhật Bản thời kỳ Mạc Mạt có Bạch Hổ đội (Byakkotai) tham chiến trong trận Trận Aizu khi đó thành phần đội này chủ yếu là những người trẻ tuổi chủ yếu ở tuổi thành niên, samurai-nổi tiếng vì đã mổ bụng tự sát (seppuku) trên núi Iimori, nhìn xuống thành.
Tại Mỹ, cư dân Columbia đã thành lập lực lượng vệ sỹ gia đình, lực lượng đã trở nên với cái tên "Fighting Tigers of Columbia" (tức Mãnh Hổ Columbia), sau này Đại học Missouri-Columbia lập một đội bóng bầu dục mới thành lập của trường nên được gọi là "Tigers" nhằm tôn vinh những ai đã chiến đấu để bảo vệ Columbia, ngoài ra còn có tiểu đoàn Những con hổ Louisiana (Louisiana Tigers) do đại tá Roberdeau Wheat chỉ huy từng tham chiến trong trận Chiến dịch Thung lũng 1862, thời hiện đại, quân đội Mỹ còn có Sư đoàn không quân Phi Hổ của Hoa Kỳ (Flying Tigers) và Lực lượng Mãnh Hổ của lục quân Hoa Kỳ trong những trận thảm sát trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Ở châu Á thì có Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Nam Hàn từng tham chiến tại Việt Nam. Tiểu đoàn Minh Hổ của Quân đội nhân dân Việt Nam từng tham chiến trong trận Chiến dịch Đông Bắc II. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng sử dụng hình ảnh con hổ để biểu trưng cho một số đơn vị như: Tiểu đoàn biệt động Cọp đen của Sư đoàn 23 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Tiểu đoàn 42 Biệt động quân Cọp ba đầu rắn (KBC 4533), Tiểu đoàn Cọp Biển (tiểu đoàn 6) của Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng Hòa từng tham chiến trong Trận Thành cổ Quảng Trị, căn cứ Lôi Hổ ở Tây Nguyên của Việt Nam Cộng hòa. Sau này, Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil hay còn gọi là Hổ Tamil sử dụng tên gọi và hình ảnh con hổ trên tất cả các biểu tượng và tên gọi liên quan đến tổ chức này đặc biệt là sử dụng cho biểu tượng của các lực lượng vũ trang (Lực lượng Hổ biển hay Hải hổ: Biểu trưng về lực lượng hải quân của Hổ Tamil, Phi đội Hổ Bay chỉ đến lực lượng không lực của Hổ Tamil, lực lượng Hổ Đen chỉ về đội quân chuyên đánh bom liều chết của lực lượng này.
Một số loại vũ khí sử dụng sức mạnh công phá lớn được gọi là hỏa hổ, thanh đao được ví như hổ với câu: Đao như mãnh hổ, thương tựa giao long. Thanh kiếm của Kondō Isami được gọi là Hổ Triệt - "Kotetsu" (虎徹), là tác phẩm của một thợ rèn thế kỷ XVII tên là Nagasone Kotetsu, thực ra có thể được làm bởi Minamoto no Kiyomaro, một thợ rèn kiếm danh tiếng cùng thời với Kondō. Nhiều máy bay chiến đấu được đặt tên theo loài hổ (tiger). Không quân Hoa Kỳ cũng sử dụng máy bay tiêm kích biệt hiệu con hổ Northrop F-5 vào những năm 1960 ngoài ra còn nhiều máy bay chiến đấu được đặt tên theo loài hổ như: Grumman F-11 Tiger, Grumman F11F Super Tiger, Fieseler F 2 Tiger, De Havilland Tiger Moth, Eurocopter Tiger. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, cũng trong thời gian này, phe Đức Quốc xã đã chế tạo và đưa vào sử dụng những chiếc xe tăng lợi hại gồm 02 thế hệ là Xe tăng Tiger I và Tiger II, Sau này điện ảnh Nga dự lại bộ phim Tiger trắng (2012) để mô tả những trận kịch chiến với thế hệ xe tăng này. Còn có loại xe tăng P'okpoong Ho (Hán Việt: Bão Phong Hổ, Hanja: 暴風虎, tiếng Anh: Storm Tiger) là một loại xe tăng của Bắc Triều Tiên, xe tăng King Tiger -Tiger II (cọp vua) TVI của Đức, xe tăng Panzerjäger Tiger (P) Elefant. Về tàu chiến, có mười lăm tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh từng được mang cái tên HMS Tiger, theo tên loài hổ, Hải quân Anh còn có Lớp tàu tuần dương trực thăng Tiger là lớp đầu tiên loại này của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc, và cũng là những tàu tuần dương cuối cùng được chế tạo cho Hải quân Anh, xuất sắc nhất có chiếc HMS Tiger (1913).
Ngày nay, Câu lạc bộ bóng đá Đức là Bayer Muchen cũng được báo chí đặt biệt danh là con Hùm Xám xứ Bavaria. Cúp bóng đá vô địch các quốc gia Đông Nam Á trước đây còn có tên gọi là Tiger Cup do hãng Tiger Beer tài trợ. Đội bóng đá Hull City A.F.C. của Giải ngoại hạng Anh cũng sử dụng hình ảnh con hổ làm logo chính thức cho mình. Đại học Korea của Nam Hàn có biệt hiệu là những con hổ Anam và lấy hổ làm linh vật. Con hổ cũng là biểu tượng của Thế vận hội 1988 ở Seoul với hình ảnh là chú hổ Hodori (tiếng Hàn: 호돌이). Logo của Đội tuyển bóng đá Hàn Quốc là hình một con hổ cách điệu, bóng đá Hàn Quốc đã được biết đến là một mãnh hổ Đông Á với sức mạnh và tinh thần thi đấu quả cảm và đội tuyển bóng đá Hàn Quốc được đặt biệt danh là hổ Đông Á [9]
Hổ cũng được sử dụng trong quảng cáo hàng hóa như xăng dầu và đồ ăn nhanh. Một số hãng sử dụng con hổ làm biểu tượng cho mình như dầu nhớt Essso với câu khẩu hiệu: "Mãnh lực của hổ" và "Ới!! ông ba mươi", các hãng bia Tiger, bia Laruer in hình con hổ. Hãng hàng không Tiger Airways có logo với hình con hổ đang tung mình. Sau khi được giới thiệu năm 1951, đến những năm 70 của thế kỷ XX, hổ Tony bắt đầu được nhân hóa. Không chỉ là một biểu tượng quảng cáo do người đóng, hổ Tony còn có quốc tịch Mỹ gốc Italy và một gia đình đầy đủ với Hổ bà Tony, Hổ mẹ Tony, con gái Antoinette và con trai Tony bé, một phiên bản...gầy hơn của Tony và đang là linh vật của công ty Kellogg's Frosted Flakes. Năm 1974, Tony đạt giải "Chú hổ của năm" trong một quảng cáo lấy bối cảnh năm con Hổ của Trung Quốc.[10] Ở Đài Loan thì có Tiểu Hổ Đội (tiếng Anh: The Little Tigers; chữ Hán: 小虎隊), gồm ba thành viên Ngô Kỳ Long, Trần Chí Bằng và Tô Hữu Bằng, là ban nhạc của Đài Loan cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỷ XX
Con hổ còn là biểu tượng của kinh tế với thuật ngữ Con hổ về kinh tế (Tiger economy). Thuật ngữ những con hổ châu Á dùng để chỉ về các nên kinh tế của châu Á trỗi dây và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế thế giới ngoài ra quốc tế cũng dùng hình ảnh con hổ để chỉ về những quốc gia có sự phát triển kinh tế chẳng hạn như Con hổ Celtic (Celtic Tiger, tiếng Celtic: An Tíogar Ceilteach) chỉ về sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Cộng hòa Ái Nhĩ Lan giai đoạn năm 1995 đến năm 2000, Con hổ Baltic (Baltic Tiger) chỉ về nền kinh tế các nước Estonia, Latvia, và Lithuania trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế sau 2000 và kéo dài cho đến giai đoạn 2006-2007, thuật ngữ Tatra Tiger là biệt danh của nền kinh tế Slovakia giải đoạn 2002-2007[11] hay thuật ngữ Con hổ Vùng Vịnh dùng để mô tả sự tăng trưởng kinh tế của Dubai kể từ thập niên 1990 cho đến nay. Con hổ xứ Nordic (Nordic Tiger) là biệt danh để chỉ về nền kinh tế của Iceland.
Để chỉ về tính cách, sức mạnh, chiến công, tên gọi, biệt hiệu, danh xưng của nhiều người, vùng đất có đặt tên theo loài Hổ hay tên gọi ví von về con hổ, Người La Hủ một dân tộc ít người ở Việt Nam cũng tự đặt tên cho sắc dân mình gắn với con hổ, theo đó "La" là hổ, "Hủ" là sóc, "La Hủ" nghĩa là mạnh như con hổ, khéo léo và nhanh như con sóc. Một số tên người về hổ có thể kể đến như:
Ở Việt Nam trong lịch sử có nhiều danh thần, võ tướng có tên gọi gắn với con hổ như: Phạm Bạch Hổ, Lê Như Hổ (vô địch đấu vật thời nhà Lê), Bùi Cầm Hổ, Hoàng Đình Hổ, Phạm Đình Hổ (còn có tên gọi là Chiêu Hổ), Nguyễn Huy Hổ, Tăng Bạt Hổ, nhà văn Phạm Hổ, Đào Văn Hổ, Đại tá Trần Văn Hổ, Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) - nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp. Thời xưa thì có Tràng An tứ hổ (Nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn), Trường An thất hổ (bảy con hổ của kinh thành Thăng Long). Thời Tây Sơn có Tây Sơn thất hổ tướng[12] trong đó có Hám hổ hầu Võ Văn Dũng. Nhà Nguyễn cũng có Ngũ hổ tướng của nhà Nguyễn và Ngũ hổ tướng Gia Định, Nguyễn Hữu Tiến được gọi là Hổ tướng còn người Bắc Hà thì gọi ông là Hổ Uy đại tướng, Long Hổ tướng quân Trần Hầu, Lê Văn Hưng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được các phóng viên chiến trường gọi là một trong ngũ hổ U Minh Thượng, võ sư Long Hổ Hội (tên thật là Lâm Hữu Hội) danh chấn xứ Bạc Liêu võ sư Ngô Bông còn được gọi là Lâm Hổ, nhà văn Trương Duy Toản bút hiệu Đổng Hổ.
Đặc biệt là danh xưng Hùm xám hay cọp xám, hổ xám. Trong tâm thức người Việt, thuật ngữ Hùm xám còn là tên gọi đặt biệt hiệu cho nhiều anh hùng, hảo hán ở Việt Nam, với cấu trúc cụm từ là Hùm xám và địa phương nơi thành danh, như Hoàng Hoa Thám được tôn xưng là Hùm xám Yên Thế, ngoài ra còn có ông Nguyễn Minh Kỳ nguyên Chủ tịch Quảng Trị còn được đặt biệt hiệu là Hùm xám đường 9-Nam Lào, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Đình Bảy (tự Bảy Khiêm) được gọi là Hùm xám Trị Thiên, ông Đặng Văn Việt, Chỉ huy trưởng các trận đánh trên đường số 4 của Việt Minh được người Pháp gọi là Con hùm xám trên đường số 4, Anh hùng Lao động Nguyễn Phong Lưu được gọi là Hổ xám Trường Sơn, Nahria Ya Duck đệ Nhất Phó Thủ tướng Fulro được mệnh danh là Hùm xám Tây Nguyên[13] Trong võ học, những cao thủ võ thuật Việt Nam danh chấn cũng được đặt biệt danh là hùm xám. Võ sư Mã Thanh Long cũng được đặt biệt danh là Hùm xám Hòa Hưng, võ sư Huỳnh Long Hổ được mệnh danh là Hùm xám Quảng Ngãi[14] võ sư Hà Trọng Ngự với tuyệt kỹ quyền ba chân hổ được tôn xưng là Hùm xám miền Nam,[15] võ sư Hà Trọng Sơn cũng có biệt danh là Hùm xám miền Trung[16] cùng với võ sư Lý Xuân Hỷ người được mệnh danh là Hùm xám cao nguyên. Người Việt còn dùng thuật ngữ hùm xám để đặt tên cho các nhân vật nước ngoài như Đội bóng Bayern Munich được báo giới Việt Nam đặt tên là Hùm xám xứ Bavaria, thủ môn José Luis Chilavert được gọi là Con hùm xám Nam Mỹ.
Ở Trung Quốc có những người mang tên hổ như: Hoàng Phi Hổ, Đường Bá Hổ, Lôi Lão Hổ, Tô Hắc Hổ, Hàn Cầm Hổ, Hổ Tam Nương, Trần Hổ, Trương Văn Hổ, Thạch Hổ, Dương Hổ, Lý Hổ, Tào Hổ, Hàn Hổ (tức Hàn Khang tử), Hồ Sa Hổ, Nghiêm Bạch Hổ, Dương Hổ Thành, Chu Thiết Hổ, Triệu Bá Hổ hay Cơ Hổ, Chu Nguyên Hổ (朱元虎), Chiêu Hổ, Hoàng Đắc Công hiệu là Hổ Sơn, Đinh Đắc Tôn có ngoại hiệu là Trúng tiễn hổ (Hổ trúng tên), Đằng hầu Hổ (Đằng Hổ Quỹ), Mã Định Hổ (tự nhận là hậu duệ đời thứ 39 của Phục ba tướng quân Mã Viện). Thời Tam Quốc, Viên Thiệu được phong làm Hổ bôn trung lang tướng, Vu Cấm được phong chức Hổ uy tướng quân....Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung dùng hình tượng con Hổ để mô tả về hình dáng của nhiều viên tướng và dùng nó để ví về các anh hùng như: Tôn Kiên được danh xưng là Mãnh Hổ Giang Đông, Đổng Trác được xưng tụng là biên quan dã hổ (con hổ dữ ở vùng biên) Lữ Bố được Tào Tháo so sánh với hình ảnh của con hổ. Hứa Chử được gọi là Hổ Hầu (tên gọi do Mã Siêu đặt, ban đầu có tên là hổ si, tức con hổ dại), ngoài ra thì còn có danh xưng Ngũ Hổ tướng thời Tam Quốc chỉ về các viên tướng có sức mạnh như: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân, Hoàng Trung. Trong tác phẩm Thủy Hử, thì có Yến Thuận biệt danh Cẩm mao hổ, Lý Vân ngoại hiệu là Thanh Nhãn Hổ, Khiêu Giản Hổ Trần Đạt, Sáp Sí Hổ (Hổ chắp cánh) Lôi Hoành, Điền Hổ, Lý Trung có ngoại hiệu Đả Hổ Tướng Thời. Thời Nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích được nhà Minh phong danh hiệu Long hổ tướng quân, triều Minh cũng phong cho Vương Đài làm Long Hổ tướng quân, La Nhữ Tài được gọi là Đông Sơn hổ, Ngạch Diệc Đô được xưng là Đại hổ. Thời nhà Thanh thì có danh xưng Quảng Đông Thập Hổ (10 con hổ ở đất Quảng Đông) trong đó có Tô Hắc Hổ ngoài ra cũng có ý kiến xếp Hoàng Phi Hồng vào số này.[17]
Một số nước khác, các danh tướng cũng dùng tên gọi về Hổ để chỉ về mình như Takeda Shingen danh tướng thời chiến quốc Nhật Bản được gọi là Con hổ xứ Kai, đối thủ của ông là Uesugi Kenshin còn gọi là Nagao Kagetora (長尾景虎) (Trưởng Vĩ Cảnh Hổ) sau đó đổi tên thành Uesugi Masatora (上杉政虎) (Thượng Sam Chính Hổ). Vị vua của Triều đại Mogol là Babur được đặt tên có nghĩa là hổ, Vị vua Sher khan của Hồi giáo, Tipu Sultan là những vị vua lấy con hổ làm biểu tượng. Viên tướng Nhật Yamashita Tomoyuki còn được gọi là con hổ Mã Lai. Võ sư Kim Chấn Bát được đặt biệt hiệu là Kim Phi Hổ. Radamel Falcao García được báo chí gọi là mãnh hổ (El Tigre), Arthur Friedenreich cũng có biệt danh Mãnh hổ. Tiger Woods vận động viên golf số 1 thế giới được lấy từ tên người bạn quân nhân Việt Nam của bố anh Vương Dang Phong, người khiến bố Woods đã đặt tên cho anh cái nickname là Tiger. Sau này cái tên Tiger Woods đã trở nên quen thuộc, thời điểm mà anh nổi lên ở tầm quốc gia với giải trẻ và nghiệp dư cũng là lúc anh được biết đến với cái tên đơn giản Tiger Woods. Ngoài ra còn diễn viên Liliane Tiger.
Nhiều vùng đất, địa danh, công trình được đặt tên theo loài hổ như: Ở Trung Quốc có Long Hổ Sơn hay còn gọi là núi rồng-hổ, một địa danh linh thiêng của đạo giáo, Vực Hổ Khiêu tức hẻm sông Hổ Nhảy được đặt tên từ sự việc theo truyền thuyết, đây là đoạn sông xưa kia có một con hổ phóng từ bờ bên này sang bờ bên kia nên có tên là vực Hổ Nhảy (khiêu có nghĩa là nhảy - là phóng), Hổ Khiêu Hiệp (Hẻm núi Hổ Nhảy), tương truyền rằng để trốn khỏi một tay thợ săn, một con hổ đã nhảy qua con sông tại điểm hẹp nhất (rộng 25 m), do đó người ta gọi đây là hẻm núi Hổ Nhảy. Hổ Khâu, Hổ Môn nghĩa là "cổng hổ", Người phương Tây thường biết đến Hổ Môn qua tên gọi xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha là Bocca Tigris (nghĩa là "miệng hổ") hay Bogue, Hổ Lao Quan, Hổ Môn (trấn), Hổ Lâm, Cầu Hổ Môn, Đại Hổ Sơn (大虎山), cù lao Hổ Hạm (chữ Hán: 虎槛洲, Hổ Hạm Châu). Ngoài ra ở các nước khác còn có Sông Tigre ở Brazil, Sông Amba, Nong Suea (huyện) ở Thái Lan, và đặc biệt là sông Tigrit một trong hai con sông của dòng sông Lưỡng Hà.
Ở Việt Nam, tại Tiền Giang có vùng đất miệt vườn có tên gọi là Cù lao Ông Hổ là vùng đất sinh ra vị chủ tịch Tôn Đức Thắng, ngoài ra còn có Mỏ Bạch Hổ, Thị trấn Tăng Bạt Hổ, Cầu Bạch Hổ. Đặc biệt ở Nam bộ Việt Nam còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến cọp như Đìa Cứt Cọp (ấp 4, Hưng Nhượng, Giồng Trôm, Bến Tre) là nơi có nhiều cọp tụ tập lại săn mồi và phóng uế bừa bãi, Sân Ngự (thị trấn Bình Đại, Bến Tre) là nơi theo truyền thuyết hàng năm vào mùa khô, cọp từ các nơi tụ tập về đây gọi là cọp hội dưới sự đầu lĩnh của chúa cọp bạch ba chân, Đồn Cọp (Phú Nghĩa, Chợ Lách, Bến Tre) là nơi cọp thường đến phá phách dân chúng mới lập mưu vây cọp lại, rồi báo cho tỉnh đưa lính về bắn, Mỏ Cày (Bến Tre) cọp ở đây rất nhiều do đó, người dân vừa cày, vừa đánh mỏ để cọp sợ không dám đến làm hại, rạch Ông Hổ (Long Hưng, Châu Thành, Tiền Giang), Rạch Gầm (Châu Thành, Tiền Giang) là nơi trước có nhiều cọp và chúng gầm thét vang động cả một vùng nên có tên Rạch Cọp Gầm, về sau, gọi tắt thành Rạch Gầm.[18] đồng thời có các địa danh như suối Cọp và Hang Bạch Hổ (ở Định Quán), truyền rằng, trước kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi, cặp hổ này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe kinh Phật ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, lại thêm chiến tranh, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là Hổ thần nên đặt tên hang là Bạch Hổ.[19] Ngoài ra còn có Thác Hang Cọp ở Đà Lạt, tương truyền nơi đây ngày xưa là nơi trú ngụ của một con cọp cho nên mới lấy hang cọp mà đặt tên cho thác, hiện nơi đây có đặt tượng hổ cao khoảng 5m, dài 10m nằm trong khuôn viên của thác.
Uy danh của loài hổ còn ảnh hưởng đến tên gọi nhiều sinh vật hùng mạnh nhất trong họ mình hoặc có hình thức, cấu tạo giống bộ phận nào đó của cơ thể hổ.[20] Có thể kể đến là về động vật có các loài như: rắn hổ, Họ Rắn hổ, rắn hổ chúa, rắn hổ mang Xiêm, Rắn hổ mang chúa, Rắn hổ đất, Rắn hổ trâu, Rắn hổ bướm các loại rắn hổ, một số loài rắn độc quý hiếm có tên hổ như rắn Hổ trâu, Hổ lửa, Hổ mang, Rắn hổ hành... cá hổ hay còn gọi là cá răng đao, Cá hổ kình, Cá hổ kình lùn, Cá nhám hổ, Cá giả hổ kình, Cá mập hay còn gọi là cọp biển, cá mập hổ, Cá hổ Xiêm, tôm hùm, Tép cọp, Bướm đêm hổ đốm tối, Ếch đồng hay còn gọi là ếch da hổ, Muỗi hổ (Aedes albopictus), Mực nang vân hổ, Diệc hổ cổ trần, Kỳ giông hổ, hổ Tasmania, con mèo thường được gọi là tiểu hổ, về các loài thực vật có: cây lưỡi hổ, cây ba mươi, hổ bì, lá lưỡi cọp, cây ba mươi, Bách thanh hổ, Cỏ đuôi hùm, Lưỡi cọp, Hổ vĩ xám, Hổ nhĩ trắng, Tai hùm, Hổ bì, Lan da hổ, Bìm bìm chân cọp, Móng cọp xanh, Đơn lưỡi hổ, Vuốt hùm, Hài lưỡi hổ, Hổ trương, Hổ béo Trong kho tàng dược liệu y học cổ truyền, nhiều cây, lá mang tên hổ là vị thuốc dễ kiếm tìm có tác dụng chữa bệnh[21] như Hổ thiệt, Hổ nhĩ thảo, Hổ trượng căn, Hổ phách, Hổ vĩ, còn có Chín vị thuốc tên hổ như Hổ kế (Cicus japonicus) Hổ thiệt (Aloe), Hổ cao (Siegesbeckia orientalis L) Hổ trượng căn (Polygonum cuspidatum sieh Znce) Hổ vĩ, hay hổ vĩ mép vàng (Sansevira trifasciata Prain var), Hổ phách (Succinum) Hổ chuối (Ptyas korros), Hổ mang, hổ đất, hổ lửa (Ophiophagus hannah), Hổ cốt (Panthera tigris L) hay Cao hổ cốt.
- ▲ Tản mạn về hình tượng Hổ trong quyền thuật | Thể thao - Thanh Niên Online
- ▲ Chú thích có lỗi Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênvanhoanghean.com.vn
; $2 - ▲ Gupta, O. (2006). Encyclopaedia of India, Pakistan and Bangladesh. Delhi: Gyan Publishing. tr. 313. ISBN 8182053897. http://books.google.com/books?id=ZsswQ9oTa0wC&pg=PA313#v=onepage&q&f=true.
- ▲ “Currency in Circulation” (bằng en). {{{publisher}}}. Truy cập 5 luglio 2010. Bản mẫu:Link chết
- ▲ National Geographic Magazine, À travers le livre de la jungle, " Lieux et personnages ", hors-série n°2, janvier 2003
- ▲ Jackson, P. (1999). The tiger in human consciousness and its significance in crafting solutions for tiger conservation. Pages 50-54 in: Seidensticker, J., Christie, S., Jackson, P. (eds.) Riding the Tiger. Tiger Conservation in human-dominated landscapes. Cambridge University Press, Cambridge. hardback ISBN 0-521-64057-1, paperback ISBN 0-521-64835-1.
- ▲ Pakistan Hổ trắng chết vì vận động tranh cử-ho trang chet |Tin tuc
- ▲ DiPiazza, F. (2006). Malaysia in Pictures. Twenty-First Century Books. tr. 14. ISBN 978-0-8225-2674-2. http://books.google.com/?id=o1Yhov_ejW0C&pg=PA14.
- ▲ ĐT Hàn Quốc: Hổ Đông Á vươn mình | Thể thao & Văn hóa
- ▲ Những biểu tượng thương hiệu thành công nhất thế kỷ 20 - VnExpress Kinh doanh
- ▲ Jens Jungmann,Bernd Sagemann. 2011. p. 525
- ▲ Tây Sơn thất hổ tướng: Vị tướng diệt ác, trừ gian | Văn hóa - Nghệ thuật | Thanh Niên Online
- ▲ “Bước ngoặt kỳ lạ của 'Hùm xám' Tây Nguyên”. Báo Điện tử Tiền Phong. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ▲ “Giải võ Việt: Truyền nhân Hùm xám dính đòn đau”. 24h.com.vn. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ▲ “"Hùm xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Ba chân hổ" huyền thoại”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ▲ http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/122422/Phong-su/Hai-hum-xam-danh-bat-hu-truyen.html
- ▲ Truyền kỳ về: "Quảng Đông Thập Hổ" | Thể thao - Thanh Niên Online
- ▲ Tien Giang
- ▲ “Địa danh Đồng Nai mang tên động vật và thực vật, Góc học tập, Đông Phương, Đại Học Lạc Hồng”. '. Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
- ▲ Hình tượng con hổ trong văn hoá Việt Nam-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc
- ▲ Các vị thuốc tên hổ | Y học cổ truyền | suckhoedoisong.vn