Hình tượng con hổ trong văn hóa/Mở đầu

Hình tượng con hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau thế giới, hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẽ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng như tính hung hãn, thú tính của một dã thú là động vật săn mồi hàng đầu và cũng là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh[1] đồng thời toát lên vẽ đẹp khôi vĩ và sức mạnh.[2][3] Về bản chất tự nhiên, hổ là dã thú có sức mạnh, to khỏe, nhanh nhẹn, thuần thục về kỹ thuật chiến đấu, thành thạo về kỹ năng săn mồi, loài vật này còn đặc trưng bởi tính hung dữ, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công hay đối địch nhiều thú to khỏe khác cùng với tiếng gầm rống rung chuyển núi rừng gây khiếp đảm cho muôn loài và còn là động vật tinh khôn từ đó hổ được người ta tôn lên vị trí Chúa tể của rừng núi và coi hổ là con vật linh thiêng.[4][5]

Bức họa về hổ
Tượng hổ tại Paris

Đối với nhiều nước châu Á là Châu lục mà loài hổ phấn bố thì hổ còn là biểu tượng của sức mạnh, thực lực, uy quyền và tâm linh. Tại đây, hổ được coi là có vị trí thống trị trong giới động vật nên nhân dân ở một số nước phương Đông đã thần thánh hóa loài này với tập tục thờ hổ hay thờ thần hổ đã đi vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng[6][7] nhất là ở những chốn rừng núi sâu thẳm thì hổ luôn được thờ phụng,[8] một số dân tộc khác còn tôn thờ hổ như thần giám hộ, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng hình ảnh con hổ là biểu tượng của đất nước, là vật tổ của dân tộc mình. Hình ảnh con hổ đã đi sâu vào văn hóa, lịch sử, nghệ thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á....

Ở một số nơi khác, trong văn hoá, hổ cũng tượng trưng cho quyền uy, thực lực, sức mạnh, uy mãnh, hung hiểm, và ở một khía cạnh nào đó, những tập tính của hổ được đánh giá cao và được hình mẫu như là biểu hiện cho nhiều phẩm chất đáng trân quý của con người như sự kiên trì nhẫn nại và ẩn nhẫn dấu mình, do khi quan sát tập tính của nó, người ta thấy hổ còn thể hiện bản chất kiên nhẫn và giỏi chịu đựng vì theo bản năng các con hổ biết khi nào nên nằm yên phục kích con mồi, là bậc thầy về nguỵ trang, chúng từ từ tiếp cận con mồi một cách âm thầm từng bước một, tận dụng mọi vật bình phong che chắn để dấu mình, và một khi điều kiện chưa chín muồi, thời cuộc chưa rõ ràng, nó sẽ tránh bọc lộ quá sớm ý đồ của mình, hành sự kín đáo, không nóng vội.

Nhưng loài hổ cũng bộc lộ và thể hiện phẩm chất của kẻ săn mồi thượng thặng khi cũng biết nắm chắc thời cơ và vồ lấy cơ hội một khi con mồi mất cảnh giác, bản năng này được con người xem như việc thể hiện sự quyết đoán, bạo liệt, mạnh mẽ, lạnh lùng, mãnh liệt và dứt khoát khi ra tay hạ thủ vào chỗ hiểm yếu chí mạng, hổ luôn khiến muôn loài phải e sợ vì những cú vồ đầy chết chóc, những nhát cắn chí mạng vào yết hầu (cổ họng) một cách chuẩn xác và thuần thục để đoạt mạng. Nó còn được biết đến với phẩm chất hành sự cẩn trọng, luôn quan sát, nghe ngóng tình hình tứ phương, tám hướng, khi thời cơ không thuận lợi và bất trắc thì thu mình rút lui một cách lặng lẽ để bảo toàn sức lực tránh phiền phức, chính vì tập tính cẩn trọng, quan sát nghe ngóng kỹ càng, cảnh giác đề phòng, không quá ham mồi mà mắc bẫy như các loài phàm ăn sài lang, linh cẩu đã được con người đánh giá cao.

Các triều đại phong kiến ở các nước Phương Đông coi hổ cùng với rồng là biểu trưng cho vương quyền, trong quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử, chính vì vậy mà hình ảnh con hổ xuất hiện khá phổ biến trong cung cấm, doanh trại và trong trường thi[9] Đứng hàng thứ ba trong thập nhị địa chi, hổ là vị vua mang nhiều ẩn dụ nhất trong các loài dã thú. Trong dân gian Việt Nam, hình ảnh con hổ phổ biến trong các kiến trúc đình, miếu, dưới chế độ quân chủ của triều đình phong kiến, hình ảnh Hổ được biểu tượng cho sức mạnh quân sự, cho các vị võ tướng và thường được thêu trên áo các võ quan hàng tứ phẩm[10] ở một khía cạnh khác, người ta thường kể nhiều chuyện dân gian, sự đồi thổi, vẽ tranh, tạc tượng về con hổ rất nhiều và khiến cho nó trở thành những nhân vật trung tâm của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đại chúng.[11]

Trong ngôn ngữ, nghệ thuật, người ta vẫn dùng đến hình ảnh con hổ với nhiều tác phẩm có sự hiện diện của loài hổ. Trong một số lĩnh vực khác đặc biệt là lĩnh vực quân sự thời hiện đại lại có sự hiện diện rất lớn của hình ảnh con hổ với biểu tượng về sức mạnh của các đơn vị vũ trang, các loại vũ khí. Ngày nay, trong văn hóa đại chúng trên nhiều lĩnh vực như thể thao, kinh tế, quảng cáo đặc biệt là dùng để chỉ về tiềm lực hùng mạnh cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế ở các quốc gia đặc biệt là ở châu Á như Bốn con hổ châu Á, bốn con hổ con kinh tế (Tiger Cub Economies), Những con hổ kinh tế mới [12] Những con Hổ kinh tế (Tiger economies) là cách nói hình tượng dành cho những nền kinh tế với tốc độ phát triển rất nhanh và mạnh, thường gắn liền với sự cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.[13] Người ta cũng sử dụng hình tượng, biểu tượng, biểu trưng, phù hiệu, nhãn hiệu có thể hiện hình ảnh con hổ. Nói chung, hổ là loài vật có sức lôi cuốn và là biểu tượng cho sự đa dạng phong phú về sinh thái, văn hóa và kinh tế của châu Á[14].

Trong thời hiện đại, hình tượng con hổ đã trở nên ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn rất nhiều so với hình ảnh của một loài ác thú trước đó nhằm đề cao ý thức bảo vệ, bảo tồn loài hổ khi loài này đã trở thành một động vật quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một cuộc thăm dò dư luận của kênh truyền hình Animal Planet cho kết quả hổ là con vật được yêu thích nhất trên thế giới với kết quả điều tra đối với hơn 50.000 người xem đến từ 73 quốc gia, theo kết quả bỏ phiếu thì hổ nhận được 21% số phiếu bầu và đứng hạng nhất, tiếp theo là chó với số phiếu sát sao 20%, cá heo đạt 13%, ngựa đạt 10%, sư tử chỉ đạt 9%, rắn được 8%, tiếp theo là voi, tinh tinh, đười ươi và cá voi[15][16][17] Ngày nay, cả thế giới đã dành riêng một ngày để kỷ niệm về loài hổ đó là Ngày quốc tế về bảo tồn hổ (nhằm ngày 29 tháng 7 hàng năm)[18][19][20] lần đầu tiên, ngày này đã diễn ra tại Việt Nam vào năm 2011, tại công viên Thống Nhất diễn ra mít tinh và hội thảo về tăng cường công tác bảo tồn hổ nhân Ngày quốc tế về Bảo tồn hổ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề bảo tồn loài hổ.[21]


Chú thích
  1. “Con hổ trong văn hóa thế giới”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  2. “Tigers in Popular Culture”. Tigers-World.com. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  3. “Cuộc giành giật xác người với bầy hổ đói ở Mường Lát”. VTC News. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  4. “Chuyện thú vị về lễ hội bắt hổ ở thung lũng Lòn Bon”. VTC News. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  5. “Bí mật về đàn mãnh thú rừng xanh ở Hà Nội”. VTC News. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  6. “Tranh dân gian ngũ hổ”. VOV online. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  7. “Xem bẫy hổ”. 24h. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  8. “'Vương quốc' của thần hổ và ma trành”. VTC News. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  9. “Hình tượng con hổ trong văn hoá Việt Nam”. Tạp chí VH, TT & DL Vĩnh Phúc. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  10. “Hình tượng chúa sơn lâm trong điệu múa cung đình "Long Hổi hội"”. NET Cố đô. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  11. “Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về Hổ”. 24h. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  12. “Kinh tế Việt Nam có cơ hội thành một 'con hổ' mới”. VnExpress. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  13. “Con Hổ Việt Nam và những tiếng gầm gừ”. Hội Doanh nhân. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  14. Nỗi lo cho loài hổ trong năm Canh Dần
  15. “Tiger tops dog as world's favourite animal”. Independent Online. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  16. "CBBC Newsround | Animals | Tiger 'is our favourite animal'". BBC News. ngày 6 tháng 12 năm 2004. http://news.bbc.co.uk/cbbcnews/hi/newsid_4070000/newsid_4073100/4073151.stm. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013. 
  17. "Endangered tiger earns its stripes as the world's most popular beast | Independent, The (London) | Find Articles at BNET.com". Findarticles.com. ngày 6 tháng 12 năm 2004. Bản gốc từ bản gốc lưu ngày 20 tháng 1 năm 2008. https://web.archive.org/web/20080120222416/http://findarticles.com/p/articles/mi_qn4158/is_20041206/ai_n12814678. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013. 
  18. "World's first tiger summit ends with £330m pledged amid lingering doubts". The Guardian (London: Jonathan Watts). ngày 24 tháng 11 năm 2010. http://www.guardian.co.uk/environment/2010/nov/24/tiger-summit-vladimir-putin. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011. 
  19. "Vietnam observes International Tiger Day". http://www.thanhniennews.com/2010/Pages/20110730132953.aspx. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011. 
  20. “International Tiger Conservation Forum”. Tiger Conservation Forum. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
  21. “Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày quốc tế Hổ”. VnExpress. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.