Đế quốc Đại Minh/Văn hóa, xã hội/Triết học
Tư tưởng Nho giáo của Vương Dương Minh
sửaDưới thời nhà Minh, học thuyết Tân Nho giáo của học giả Chu Hi được triều đình và giới tri thức Trung Quốc nói chung chấp nhận, mặc dù người thừa kế trực tiếp trường phái này là Phương Hiếu Nhụ đã bị Minh Thành Tổ tru di thập tộc vào năm 1402. Tuy nhiên, học giả nhà Minh có ảnh hưởng lớn nhất đối với các thế hệ tiếp theo phải là Vương Dương Minh (1472–1529), người mà học thuyết của ông đương thời bị tấn công gay gắt vì có nét tương đồng với Thiền tông Phật giáo. Dựa trên khái niệm “cách vật trí tri” của Chu Hi, tức là hiểu rõ được sự vật, hiện tượng thông qua việc nghiên cứu chúng một cách cẩn thận và hợp lý, Vương Dương Minh lập luận rằng các khái niệm phổ quát nhất sẽ xuất hiện trong tâm trí của bất kỳ ai. Do đó, ông tuyên bố rằng bất kỳ ai – không kể gia thế hay học vấn – đều có thể trở nên uyên bác như Khổng Tử, Mạnh Tử và rằng thứ mà hai bậc hiền triết kia viết không phải là nguồn chân lý mà chỉ là những hướng dẫn có thể có sai sót khi được kiểm tra kỹ càng. Một nông dân giàu kinh nghiệm có trí thông minh, sẽ khôn ngoan hơn một quan chức thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh nhưng không trải nghiệm thực tế.
Phản ứng bảo thủ
sửaCác sĩ đại phu khác bắt đầu tỏ ra cảnh giác với chủ nghĩa dị đoan, số lượng môn đồ ngày càng gia tăng khi vẫn còn tại nhiệm, và cả thông điệp nổi loạn mang tính xã hội của Vương Dương Minh. Để hạn chế bớt tầm ảnh hưởng của Vương Dương Minh, triều đình thường phái ông đi giải quyết quân vụ và nội loạn ở xa kinh thành. Tuy nhiên, những ý tưởng của Vương Dương Minh đã kịp thâm nhập vào dòng tư tưởng chính thống ở Trung Quốc, thúc đẩy một mối quan tâm mới tới Đạo giáo và Phật giáo. Hơn nữa, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp lệ của hệ thống phân cấp xã hội và về quan niệm học giả thì nên xếp trên nông dân. Vương Cấn, một công nhân mỏ muối và cũng là học trò của Vương Dương Minh, đã thuyết giảng cho dân thường về việc nên theo đuổi giáo dục để cải thiện cuộc sống, trong khi môn đồ của ông là Hà Tâm Ẩn thì thách thức sự đề cao, nhấn mạnh nhân tố gia đình trong xã hội Trung Quốc. Cùng thời với Hà Tâm Ẩn, Lý Chí thậm chí còn dạy rằng phụ nữ bình đẳng trí tuệ với nam giới và xứng đáng được nhận sự giáo dục tốt hơn. Cả Lý Chí và Hà Tâm Ẩn đều bị tống giam rồi chết trong tù vì tội truyền bá “những quan niệm nguy hiểm”. Tuy nhiên, những “quan niệm nguy hiểm” về giáo dục phụ nữ từ lâu đã không còn xa lạ với một số bà mẹ, và gái bán hoa, những người giỏi thư pháp, hội họa, thơ ca chẳng khác gì khách hàng của họ.
Quan điểm tự do của Vương Dương Minh bị phản đối bởi Đô Sát viện và Đông Lâm thư viện, tái lập vào năm 1604. Nho sĩ bảo thủ muốn phục hưng luân lý Nho giáo chính thống. Cố Hiến Thành phản bác lại quan điểm về tri thức đạo đức học bẩm sinh của Vương Dương Minh, cho rằng đó chỉ đơn giản là sự hợp thức hóa cho những hành vi vô đạo đức như mưu cầu tham lam hay tư lợi cá nhân. Hai luồng tư tưởng Nho giáo kể trên, trở nên chai cứng vì quan niệm của các học giả về nghĩa vụ đối với người thầy của họ, phát triển thành chủ nghĩa bè phái lan rộng giữa các đại thần, những người sẵn sàng dùng mọi cách để luận tội, đánh bật thành viên phe phái bên kia ra khỏi triều đình.