Đế quốc Đại Minh/Văn hóa, xã hội/Đời sống
Vương Cấn có thể thuyết giảng triết học cho dân chúng đến từ nhiều vùng khác nhau bởi vì – theo một xu hướng đã dần rõ ràng từ thời nhà Tống – cộng đồng xã hội thời nhà Minh ít bị cô lập hơn khi khoảng cách giữa các thị trấn dần bị thu hẹp. Số lượng trường học, dòng họ, hiệp hội tôn giáo, và các tổ chức tình nguyện địa phương khác gia tăng, tạo điều kiện để bậc trí giả có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với dân địa phương. Jonathan Spence viết rằng sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn đã bị xóa nhòa trong thời nhà Minh, khi mà nhiều khu vực ngoại ô có các trang trại nằm ngay bên ngoài (đôi khi nằm bên trong) những bức tường thành. Ranh giới giữa các tầng lớp kinh tế xã hội trong bốn ngành nghề truyền thống (sĩ, nông, công, thương) cũng rất mờ nhạt, nghệ nhân thỉnh thoảng làm việc ở trang trại vào mùa cao điểm, và nông dân thường vào thành phố để tìm việc làm trong thời kỳ đói kém.
Nhiều ngành nghề được lựa chọn hoặc kế thừa theo truyền thống cha ông. Chúng bao gồm – nhưng không giới hạn – nghề làm quan tài, nghề làm đồ sắt hoặc thợ rèn, thợ may, đầu bếp, thợ làm mỳ, thương nhân bán lẻ, chủ quán rượu, chủ quán trà, quản lý quầy rượu, thợ đóng giày, thợ khắc con dấu, chủ tiệm cầm đồ, ma cô nhà thổ và chủ ngân hàng thương mại. Hầu như thị trấn nào cũng có một nhà thổ, có thể có cả trai bao lẫn gái bao. Trai bao đắt giá hơn gái bao vì việc một người đàn ông lớn tuổi có tình cảm với một cậu thiếu niên được xem là dấu hiệu của địa vị thượng lưu, cho dù hành vi kê gian bị coi là đáng ghê tởm theo chuẩn mực tình dục. Nhà tắm công cộng đã trở nên phổ biến hơn thời trước. Cửa hàng, nhà bán lẻ thành thị bán nhiều loại hàng hóa, như vàng mã, hàng xa xỉ chuyên dụng, mũ nón, vải tốt, trà,... Những cộng đồng nhỏ hay các thị trấn thì lại quá nghèo hoặc quá phân tán để cửa hàng và nghệ nhân có thể lấy được hàng hóa thông qua chợ phiên định kỳ hoặc người bán hàng rong. Một thị trấn nhỏ cũng có thể là nơi dành riêng cho giáo dục tiểu học, tin tức, buôn chuyện, thi đấu thể thao, lễ hội tôn giáo, kịch lưu động, thu thuế, và phân phát lương thực cứu đói.
Nông dân phía bắc dành cả ngày để thu hoạch các loại cây trồng như lúa mì, hạt kê, trong khi nông dân phía nam sông Hoài trồng lúa nước thâm canh, có ao hồ để nuôi vịt và cá. Hoạt động trồng trè, trồng dâu nuôi tằm xuất hiện ở hầu khắp phía nam sông Dương Tử; thậm chí ở khu vực xa hơn về phía nam, mía, cam, quýt được trồng như những loài cây cơ bản. Một số người dân ở miền núi tây nam chọn nghề bán gỗ tre làm kế sinh nhai. Bên cạnh việc chặt cây lấy gỗ đem bán, người nghèo còn kiếm sống bằng cách sản xuất than củi, đốt vỏ sò lấy vôi, đan chiếu và giỏ. Ở phía bắc, đi lại bằng ngựa hoặc xe ngựa là phổ biến nhất, trong khi ở phía nam, giao thông đường thủy rẻ và thuận tiện vì khu vực này có nhiều sông, hồ, kênh rạch. Mặc dù chủ đất và nông dân tá điền là những đặc trưng của khu vực phía nam, nhưng ở khu vực phía bắc, trung bình có nhiều chủ ruộng hơn, do khí hậu khắc nghiệt, đời sống người dân chỉ dừng ở mức đủ ăn, đủ mặc.
Sơ kỳ triều Minh là giai đoạn chứng kiến những điều luật cấm xa hoa nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thường dân mặc đồ làm bằng lụa tốt, có màu đỏ tươi, lục thẫm hoặc vàng là phạm pháp; họ cũng không được đi ủng hay đội mũ quan. Phụ nữ không được mang đồ trang sức làm từ vàng, ngọc bích, ngọc trai hoặc lục bảo. Thương gia và gia đình bị cấm dùng vải lụa. Tuy nhiên, những luật cấm kể trên không còn hiệu lực từ giữa thời nhà Minh.