Đế quốc Đại Minh/Văn hóa, xã hội/Tôn giáo

Tín ngưỡng truyền thống cùng với Tam giáo – tức Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo – đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tôn giáo dưới thời nhà Minh. Các Lạt ma Tây Tạng mà nhà Nguyên từng hỗ trợ không còn được tôn sùng, những hoàng đế đầu triều đại thì lại đặc biệt ủng hộ Đạo giáo, trao cho đạo sĩ nhiều vị trí trong các cơ quan nghi lễ nhà nước. Minh Thái Tổ hạn chế nền văn hóa đa quốc gia mà nhà Nguyên từng thiết lập. Ninh Hiến vương Chu Quyền thậm chí còn soạn một bộ bách khoa toàn thư công kích Phật giáo như một “tang môn” ngoại lai, có hại cho nhà nước, và một bộ bách khoa toàn thư khác sau này được thêm vào bộ Đạo Tạng.

Tượng một vị thần Đạo giáo bằng đá tráng men của Trung Quốc, từ thời nhà Minh, thế kỷ 16.

Hồi giáo có chỗ đứng nhất định trên khắp Trung Quốc. Hồi giáo do Sa'd ibn Abi Waqqas khởi xướng từ thời nhà Đường, tiếp tục được ủng hộ chính thức mạnh mẽ trong thời nhà Nguyên. Mặc dù nhà Minh đã hạn chế ủng hộ Hồi giáo, nhưng vẫn có nhiều nhân vật Hồi giáo nổi danh từ sớm, bao gồm các tướng lĩnh của Minh Thái Tổ là Thường Ngộ Xuân, Lam Ngọc, Đinh Đức Hưng, và Mộc Anh, hay viên hoạn quan quyền lực của Minh Thành Tổ là Trịnh Hòa. Với việc thông qua Điều 122 trong Đại Minh luật, Minh Thái Tổ yêu cầu người Hồi giáo gốc Mông Cổ và Sắc mục Trung Á phải kết hôn với người Hán.

Tác phẩm đồ sứ Đức Hóa chạm khắc Văn-thù-sư-lợi của Hà Triêu Tông, thế kỷ 17. Tống Ứng Tinh đã dành hẳn một phần trong cuốn sách của mình cho ngành công nghiệp gốm sứ, bàn về cách chế tác những tác phẩm như thế này.

Khi nhà Minh mới thành lập, Cơ Đốc giáo bị đả phá mạnh mẽ. Ngay trong năm đầu tiên tại vị, Minh Thái Tổ tuyên bố hoạt động truyền đạo của các tu sĩ Dòng Phan Sinh trong suốt 80 năm thời nhà Nguyên là không chính thống và bất hợp pháp. Nhà thờ Cảnh giáo có tuổi đời hàng thế kỷ cũng biến mất. Tới giai đoạn cuối triều đại, một làn sóng tu sĩ Cơ Đốc giáo đến Trung Quốc truyền đạo bắt đầu hình thành, đặc biệt là tu sĩ Dòng Tên, những người áp dụng khoa học và công nghệ phương Tây trong lý luận tuyên truyền cải đạo. Những tu sĩ này được đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại Đại học Thánh Phaolô ở Macao sau khi ngôi trường này được thành lập vào năm 1579. Người có ảnh hưởng lớn nhất là Matteo Ricci, công trình “Khôn dư vạn quốc toàn đồ” của ông đã làm đảo lộn ngành địa lý truyền thống khắp Đông Á, bản dịch tiếng Trung đầu tiên của cuốn Cơ sở ra đời năm 1607, cũng là thành quả hợp tác giữa Ricci với Từ Quang Khải – một quan chức cải đạo. Cơ Đốc giáo được thừa nhận là một đức tin lâu đời, có uy tín hơn là một giáo phái mới và nguy hiểm khi người ta tìm thấy một tấm bia của các tu sĩ Cảnh giáo vào năm 1625. Tuy nhiên, đã có những bất đồng gay gắt xoay quanh chính sách cho phép người cải đạo tiếp tục thực hiện nghi lễ với hoàng đế, Khổng Tử và tổ tiên của họ: Ricci dễ dàng chấp nhận nhưng những người kế nhiệm ông thì lại nỗ lực đẩy lùi chính sách, dẫn đến Biến cố Nam Kinh năm 1616, khiến bốn tu sĩ Dòng Tên bị lưu đày tới Ma Cao và buộc những người khác không được hoạt động xã hội trong vòng sáu năm. Một loạt thất bại bẽ bàng của giới thiên văn học Trung Quốc – bao gồm việc bỏ lỡ thời điểm nhật thực mà Từ Quang Khải và Sabatino de Ursis dễ dàng tính toán được – và việc trở lại thể hiện mình trong vai trò những học giả theo khuôn mẫu Nho giáo, đã khôi phục lại vận may cho các tu sĩ Dòng Tên. Tuy nhiên, cuối thời nhà Minh, giới tu sĩ Dòng Đa Minh tại Roma bắt đầu có những tranh cãi về nghi lễ Trung Quốc, kết quả là tới thời nhà Thanh thì Cơ Đốc giáo bị cấm hoàn toàn.

Một trong số 5 nghìn người Do Thái giáo Khai Phong từng liên lạc với Ricci trong thời gian ông truyền đạo. Ricci cũng đã giới thiệu Do Thái giáo Khai Phong cùng lịch sử lâu đời của họ tại Trung Quốc với người châu Âu. Tuy nhiên, một viên tổng đốc nhà Minh đã gây nên trận lụt năm 1642 ở Khai Phong, tàn phá cộng đồng Do Thái giáo, hủy hoại hoàn toàn năm trong số mười hai gia đình, giáo đường Do Thái giáo và hầu hết kinh Torah.