Sơ cứu/Phòng hộ
Nhận biết mối nguy hiểm
sửaĐiều đầu tiên mà bất cứ ai cũng phải làm trước khi tiến hành sơ cứu là quan sát tình hình xem xung quanh có thể có gì gây nguy hiểm cho mình hay không.
Các mối nguy hiểm này gồm:
- Nguy hiểm từ môi trường - nguy hiểm đến từ môi trường xung quanh như gạch rơi, đá rơi, kính vỡ, xe cộ lưu thông qua lại, các chất hóa học .v.v...
- Nguy hiểm từ con người - nguy hiểm đến từ những người tại nơi xảy ra tình huống (bao gồm cả nạn nhân), một cách vô ý hoặc cố ý.
Các trang bị bảo hộ
sửaNhư đã nói ở trên, bảo vệ cho bản thân được an toàn là ưu tiên số một của mọi sơ cứu viên. Nguyên tắc căn bản là phải luôn để ý đến tình huống và môi trường xung quanh, và đề cao cảnh giác với bất kỳ thay đổi nào.
Một khi bạn đã nhận biết được và cảnh giác với các mối nguy, bạn có thể từng bước tiến hành việc giảm thiểu rủi ro cho mình. Một trong những nguy hiểm lớn và thường thấy nhất mà một sơ cứu viên có thể gặp là phải tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, như máu, chất nôn (ói), phân, nước tiểu; cả bốn thứ trên đều tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm. Phân và các chất dịch cơ thể có thể bị nhiễm khuẩn và mang các mầm bệnh, bao gồm, nhưng không chỉ có, HIV và viêm gan.
Găng tay
sửaVật dụng chính giúp sơ cứu viên tránh khỏi mối nguy loại này là một đôi găng tay. Găng tay giúp bảo vệ phần tiếp xúc chính với nạn nhân (tức là đôi tay) và cho phép bạn làm việc một cách an toàn hơn. Găng tay bảo vệ bạn không chỉ khỏi phân và các chất dịch cơ thể mà còn bảo vệ khỏi các bệnh ngoài da và ký sinh trùng mà nạn nhân có thể có.
Điều đầu tiên mà một sơ cứu viên cần làm khi đang trên đường tới gần nạn nhân là đeo găng tay vào. Điều này phải làm khi đang ở xa nạn nhân, tức là trước khi hỏi thăm lấy sự đồng thuận, vì khi vào tình huống sẽ có rất nhiều sự việc xảy ra có thể làm cho sơ cứu viên quên mà chạm vào nạn nhân trước khi đeo găng.
Việc đầu tiên cần phải làm khi thấy có người bị nạn là tìm hỗ trợ y tế. Và việc đầu tiên cần phải làm khi đến gần người bị nạn đó là đeo găng.
Nên nhớ: Đến Gần thì phải Đeo Găng.
Nói chung thì có ba loại găng tay:
- Nitrile - Loại găng này làm bằng nitrile, có thể có bất kỳ màu gì (thường thì màu tím hoặc màu xanh dương) và hoàn toàn kín nước, không cho phân hay loại dịch cơ thể nào thấm qua. Đây là loại găng được khuyên dùng nhất cho việc tiếp xúc với nạn nhân. Nitrile cũng là chất liệu được đánh giá cao về khả năng chịu các chất hóa học. Nếu có phải sơ cứu vết bỏng hóa học (như bỏng acid) thì đây là loại găng tay cần dùng (bạn có thể phủi sạch đi những hóa chất khô bằng tay đang đeo găng, nếu bạn dùng nitrile). Găng tay nitrile, dù vậy, cũng là loại đắt nhất.
- Latex - Thường thì màu trắng, nhiều loại có thêm 'bột' để có thể đeo vào tháo ra dễ dàng hơn. Loại găng này không được dùng nhiều như trước đây do đã từng xảy ra trường hợp dị ứng với chất liệu latex. Dị ứng latex tuy hiếm nhưng rất nguy hiểm; nếu buộc phải dùng găng tay loại này, bạn hãy hỏi nạn nhân xem họ có bị dị ứng với latex không.
- Vinyl - Găng tay vinyl cũng là loại găng được tìm thấy trong bộ dụng cụ của nhiều sơ cứu viên; loại găng này không nên dùng để tiếp xúc với phân hay các chất dịch cơ thể, dù vậy, có đeo găng vẫn còn tốt hơn nhiều không đeo gì. Găng vinyl nên được dùng chủ yếu cho việc chạm vào những nạn nhân không có các dịch cơ thể hoặc phân chảy ra ngoài, do loại găng này dễ bị rách. Vì lý do đó, một vài tỗ chức đề nghị không nên để găng tay vinyl vào trong túi dụng cụ sơ cứu vì có thể lẫn lộn.
Phụ kiện CPR
sửaMột vật dụng bảo hộ quan trọng khác cần có trong bộ dụng cụ sơ cứu là phụ kiện hồi sức miệng-tiếp-miệng (phụ kiện CPR - CPR adjunct). Phụ kiện này giúp cho việc thực hiện CPR trở nên an toàn hơn.
Hồi sức miệng-tiếp-miệng có xác suất cao phải tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, nhất là với các chất chứa trong dạ dày (do nạn nhân nôn mửa ra) và các bệnh truyền nhiễm qua đường miệng. Một cái mạng che thích hợp sẽ giúp bảo vệ sơ cứu viên khỏi các mầm bệnh mà nạn nhân có thể có (và trong một chừng mực nào đó, bảo vệ nạn nhân khỏi các mầm bệnh của sơ cứu viên). Cái mạng này cũng làm cho việc thực hiên CPR đỡ 'tế nhị' hơn (không muốn làm theo cách 'miệng tiếp miệng trực tiếp' là lý do chính mà những người xung quanh không sẵn sàng thực hiện CPR).
Các phụ kiện CPR có nhiều dạng khác nhau, từ một cái 'móc khóa CPR' (một loại mạng che miệng bằng nhựa nitrile, được treo vào cái móc khóa) đến một cái 'mặt nạ bỏ túi' như ở hình bên.
Các trang bị khác
sửaTrong những bộ dụng cụ sơ cứu lớn hơn, hoặc trong bộ dụng cụ của các sơ cứu viên làm việc tại các khu vực nguy hiểm cao có thể có thêm những trang bị như:
- Kính bảo hộ - ngăn dòng chất lỏng phọt ra hoặc đọng thành vũng có thể bắn vào mắt.
- Tạp dề hoặc áo khoác dài - các tạp dề dùng một lần là những vật dụng thường thấy trong các bộ dụng cụ lớn hơn, giúp bảo vệ quần áo sơ cứu viên khỏi bị nhiễm độc.
- Mặt nạ phòng độc - Trong vài bộ dụng cụ sơ cứu lớn, đậc biệt là ở trong những khu vực nguy hiểm cao như nhà máy hóa chất,... có thể có các mặt nạ phòng độc giúp lọc không khí, loại bỏ những hóa chất độc hại hoặc các mầm bệnh. Các mặt nạ này cũng có ích trong các bộ dụng cụ sơ cứu thường khi sơ cứu cho nạn nhân mắc bệnh truyển nhiễm qua đường hô hấp, như bệnh lao.
Thường thì tất cả những trang bị ở trên đều có thể được mua một lúc theo một bộ. Bộ trang bị này sẽ có một bản hướng dẫn cách mặc / tháo ra từng vật dụng. Hãy đọc kỹ hướng dẫn và tập thao tác thuần thục với từng trang bị để tránh bị các trường hợp như đeo mặt nạ không kín .v.v...
Tận dụng đồ vật
sửaRất nhiều trường hợp sơ cứu phải được thực hiện khi không có một bộ dụng cụ sẵn sàng ở đó và sơ cứu viên phải dùng các nguyên liệu, vật dụng có sẵn. Có bảo hộ một chút cũng còn hơn là không bảo hộ gì, do đó, một trong các kỹ năng quan trọng của một sơ cứu viên là thích ứng với tình huống, và tận dụng các đồ vật, nguyên liệu có sẵn cho đến khi được giúp đỡ thêm.
Một vài tận dụng thường thấy:
- Găng tay → bao ni-lông, găng tay rửa chén, găng tay vải (rửa tay thật kỹ bằng nước và xà phòng sau khi dùng những loại găng này)
- Gạc → quần áo sạch, khăn trải giường, khăn tắm (nhưng không dùng các sản phẩm từ giấy như giấy vệ sinh,...)
- Nẹp → khúc gỗ thẳng, khúc nhựa, các-tông hoặc kim loại thẳng.
- Băng đeo → đặt tay nạn nhân lên giữa ngực rồi cuộn áo nạn nhân đang mặc từ dưới lên, trùm qua tay sẽ giúp cố định cánh tay hoặc vai bị thương.
- Cáng → một cái chăn nặng cũng có thể được dùng để di chuyển nạn nhân.
Trở về mục lục
Chương hai: Một số vấn đề
Sự đồng thuận — Phòng hộ — Trách nhiệm pháp lý — Căng thẳng sau sự cố nghiêm trọng — Lạm dụng