Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Trị quân


Việc trị quân là việc coi biên cảnh, là đạo cứu nước: trong cơn hoạn lớn, lấy uy vũ làm phép tắc, đánh dẹp kẻ bạo nghịch để giữ nước nhà bền vững, là kế vị yên xã tắc.

Đó là đã có văn thì phải có võ. Cho nên con vật uống máu ắt phải có nanh vuốt, vui thì cùng chơi, giận thì hại nhau. Con người không có nanh vuốt nên mới bày ra binh khí để mà tự vệ. Cho nên nước dùng quân đội để phụ trợ. Vua dùng bề tôi để phò tá.

Kẻ phụ trợ mạnh thì nước yên, kể phụ trợ yếu thì nước nguy, đó là do cách bổ nhiệm tướng súy.

Chẳng có dân nào mà không có tướng, chẳng có nước nào mà không có bề tôi phò tá, chẳng có quân đội nào mà không có chủ.

Cho nên muốn trị nước thì lấy văn làm phép tắc, muốn trị quân thì lấy võ làm mưu kế.

Trị nước không thể theo ngoài, trị quân không thể không theo trong. Trong là trăm họ trong nước, ngoài là rợ nhung (phía Tây) và rợ địch (phía Bắc). Rợ nhung, rợ địch khó lấy lễ mà giáo hóa, dễ lấy uy vũ mà khắc phục.

Lễ nghi áp dụng tùy nơi, uy vũ thi thố tùy chổ: đó là trường hợp vùa Huỳnh Đế đánh dẹp tại vùng Trác Lộc, vua Nghiêu đời Đường đánh dẹp tại song Đan Phổ, vua Thuấn đánh rợ Hữu Miêu, vua Vũ dẹp rợ Hữu Hổ.

Các Chúa Thánh từ đời Ngũ Đế, Tam Vương đều dùng đức mà cảm hóa như vậy, ngoài ra mới dùng uy vũ. Cho nên việc binh là việc dữ, cực chẳng mới dùng.

Về đạo dùng binh thì trước hết phải định mưu kế, rồi sau mới thi hành việc binh, tìm hiểu đạo trời đất, xét lòng người, tập sử dụng binh khí, hiểu rõ lý thưởng phạt, quan sát mưu kế của địch, xét các chổ đường sá hiểm trở, phân biệt các nơi an nguy, xem tình thế chủ khách, biết khi nào nên tới nên lui, thuận theo cơi hộ, sắp đặt chuẩn bị việc phòng ngự, tăng cường cái thế chinh phạt, nâng cao năng lực của sĩ tốt, lo toan việc sống chết, rồi sau đó mới ra dùng tướng, mở rộng cái thế bắt địch, đó là tóm tắt sơ lược phép cầm binh.

Bậc tướng súy cầm vận mệnh của nhân dân, là khí cụ sắc bén của nước nhà, trước hết hoạch định mưu kế, rồi sau ban hành mệnh lệnh, giống như là chim ưng, chim chuẩn chụp mồi, lặng lẽ giống như cung nỏ trương sẵn, chuyển động như máy móc phát chạy, hướng vào chổ nào thì phá hủy chổ ấy mà kẻ kình địch phải tự duyệt.

Tướng không lo nghĩ, sĩ tốt khống có thế mạnh và không đồng lòng, mà chỉ chuyên dùng mưu kế, dầu có binh trăn vạn, cũng không làm cho địch sợ hãi.

Không thù nghịch thì chẳng oán hận, không phải thù địch thì chẳng nên đánh.

Xét về công trình nếu chẳng có mắt của Lỗ Ban thì không biết lấy gì để trông thấy sự tinh xảo; xét về chiến đấu nếu không có mưu trí của Tôn Vũ thì không biết lấy gì để thi thố, vận dụng kết hoạch.

Mưu kế cần phải mật nhẹm, đánh địch cần phải mau chóng, bắt địch như chim ưng chụp mồi, đánh phá như nước vỡ bờ, ắt là binh lính chưa mệt mà quân địch phải tự tan vỡ, đó là thế dùng binh.

Cho nên kẻ giỏi đánh thì không giận, kẻ giỏi thắng thì không sợ. Vì thế cho nên bậc trí thức trước đã thắng rồi sau mới mong đánh, kẻ ngu độn trước phải đánh rồi sau mới mong thắng.

Người thắng theo đạo lý mà sửa chữa đường lối, kẻ bại hành động tà vạy nên lạc lối, đó là kế thuận lý hay nghịch lý đó.

Bậc tướng súy phải làm cho mọi người phục uy vũ của mình, kẻ sỹ tốt phải chuyên cần tập luyện cho mạnh mẽ.

Binh thế chẳng nên chấn động vô ích, phải vận chuyển như đá tròn từ cao rơi xuống, hướng vào chổ nào thì phá vỡ chổ ấy, không thể cứu ngăn được. Như thế để mà trước mặt không ai địch lại, sau lưng không ai địch lại, đó là thế dùng binh.

Cho nên việc quân lấy kế hoạch lạ lùng làm mưu mô, lấy trí thức tuyệt diệu làm chủ chốt.

Mềm được cứng được, yếu được mạnh được, còn được mất được.

Mau chóng như gió như mưa, như thả như sông như biển, yên lặng như Thái Sơn, khó hiểu như âm dương, vô cùng như đất đai, đầy đủ như trời, không bao giờ hết như nước sông ngòi, có đầu có đuôi như tam quang (mặt trời, trăng, sao), sống chết như bốn mùa, suy vượng như ngũ hành, phép kì (biến ảo) và phép chính (thường dùng) sinh nhau mà không bao giờ hết.

Cho nên quân đội lấy lương thực làm gốc, binh pháp lấy kỳ, chính làm đầu, lấy khí giới để áp dụng, lo tích trữ để phòng bị.

Cho nên nước nhà khốn đốn vì vật dụng đắt đỏ, nghèo nàng vì chuyển quân đi xa. Không thể công phá hai lần, không thể chiến đấu ba lần. Đo lường sức mạnh mà dùng, dùng nhiều ắt là tốn kém, mau hết.

Trừ khử cái vô ích thì nước nhà trở nên tốt lành, đuổi bỏ kẻ bất tài, ắt là nước nhà được lợi ích.

Kẻ đánh phá giỏi thì quân địch không biết nơi nào mà giữ, kẻ giữ gìn giòi thì quân địch không biết nơi nào mà đánh. Cho nên kẻ đánh phá giỏi không cần dùng binh khí, kẻ giữ gìn giỏi không cần dùng thành quách. Đó là thành cao, hào sâu không đủ làm vững chắc, giáp cứng binh giỏi không đủ mạnh mẽ.

Địch muốn giữ vững thì ta đánh chúng lúc không phòng bị, địch lập trận thì ta đánh chúng lúc bất ngờ.

Ta đi thì địch đến, cẩn thận sắp đặt chổ ở. Ta khỏi đánh thì địch dừng lại, ta bèn đánh ở hai bên hông phải và trái.

Ta tính (trước) người gặp địch, đánh trước chỗ có thực của chúng thì chúng không biết cất giữ, không biết ngày đánh.

Biết phòng bị (tức là cũng như) có nhiều người, ắt là chuyên chú phòng bị thì sẽ thiếu người. Lấy điều lo lắng để phòng bị cho nhau, xét sự mạnh yếu để cùng đánh, xét sự dũng khiếp để giúp nhau, đằng trước và đằng sau phải cùng đi theo một hướng, hai bên phải và trái cùng đi theo một chiều như rắn Thường Sơn, đầu đuôi cùng đến, đó là phép tiếp cứu của quân đội.

Cho nên kẻ thắng thế, ắt phải có uy vũ hoàn toàn, tự riêng mình lập mưu kế, biết hình thế đất đai, không thể nói trước cho người biết, bàn luận mà biết hơn thua, địch giả dối mà mình cũng biết chúng yên hay nguy, tính toán mà biết quân địch nhiều hay ít, xem hình trạng của địch mà biết địch có thể sống hay chết, xem cách địch lo liệu mà biết chúng sướng hay khổ, xem cách mưu đồ mà biết chúng tài giỏi sung túc như thế nào.

Cho nên phép cầm binh là theo sống mà đánh chết, tránh thực mà đánh hư.

   Đánh tại núi đồi thì không đánh lên.
   Đánh dưới nước thì không đi ngược dòng.
   Đánh trong vùng lau cỏ thì không lội qua chổ sâu.
   Đánh tại đất bằng thì không đi ngược vào chổ trống trải.
   Đánh trên đường thì không đi ngược vào chổ đường độc đạo.

Năm điều ấy là những chổ lợi ích của binh pháp, chổ hổ trợ của đất đai.

Việc quân:

   Thành công nhờ cách dùng thế, bại vong vì mưu kế tiết lộ.
   Đói vì đi xa, khát vì hết giếng.
   Mệt vì phiền nhiễu, nhàn rỗi nhờ yên tĩnh.
   Nghi thì không đánh, ngờ vì thấy lợi.
   Lui vì sợ hình phạt, tới vì được ban thưởng.
   Yếu vì thấy bị hiếp bức, mạnh nhờ dùng thế.
   Khốn vì bị vây, lo vì tới trước.
   Sợ vì đêm nghe tiếng la, loạn vì sự ám muội.
   Mê mờ vì trái đạo, cùng khốn vì vào đất chết.
   Thua vì hung ác, được nhờ tính trước.

Cho nên:

   Đặt ra cờ xí để mắt thấy rõ.
   Đánh chiêng trống để tai nghe rõ.
   Đặt ra rìu búa để lòng người đồng nhất.
   Bày rõ giáo lệnh để mọi người cùng theo một đạo lý chung.
   Nêu cao sự ban thưởng để khuyến khích công lao.
   Thi hành việc trừ giết để đề phòng sự giả dối.
   Đánh ngày mà không nghe nhau thì giơ cờ xí làm dấu hiệu.
   Đánh đêm không thấy nhau thì nổi lửa, đánh trống.

Lệnh dạy không nghe theo thì sử dụng búa rìu để trừng phạt

Không biết điều tiện lợi của chín thế đất ắt không biết chín cách biến hóa.

Tính chất âm dương của trời, hình tên của đất đai, lòng dạ của con người, biết được ba điều ấy thì thu hoạch thành công.

Biết được sỹ tốt của mình thì biết được quân địch. Không biết sỹ tốt của mình thì không biết quân địch. Không biết quân địch, mỗi lần đánh ắt sẽ thiệt hại. Cho nên khi đem quân đánh phá, trước hết phải biết lòng dạ của sỹ tốt và năm cách dùng gián điệp.

Điều mà quân sỹ yêu mến mà tướng súy coi xem trọng hậu, nếu không có thánh trí thì không dùng được, nếu không phải nhân hiền thì không thể sai khiến.

Phép ngũ gián mà được hợp tình ắt là dân chúng có thể sử dụng, nước nhà có thể bào tồn lâu dài.

Cho nên binh muốn sống thì phải chuẩn bị, bất đắc dĩ mới đánh nhau, tĩnh để được yên ổn, động để tỏ uy vũ, không cậy vào sự địch không đến, mà nên cậy vào sự địch không thể đánh ta được, dùng binh gần để chờ đánh binh xa, dùng binh an nhàn để chờ đánh binh nhọc mệt, dùng binh no để chờ đánh binh đói, dùng chổ thực có của mình để đánh vào chổ khiếm khuyết người, dùng binh sống để chờ đánh binh chết, dùng binh nhiều để chờ đánh binh ít, dùng binh vượng để đánh binh suy, dùng binh ẩn nấp để chờ đánh binh đang đến, cờ xí ngay ngắn, chiêng trống chững chạc, đang theo ở đằng trước mà lật ngược ra đằng sau, giữ vững các chổ hiểm trở để xây dựng bề thế bên ngoài, lấy điều lợi để khuyến dụ địch, lấy điều hại để làm cho địch mềm yếu (thoái nhượng) đó là phép trị quân đầy đủ.