Sách binh pháp/Binh pháp Khổng Minh/Lệnh dạy


Phép lệnh dạy có nghĩa là trên dạy dưới. Lời trái lẽ đừng nói, việc trái đạo đừng làm, các việc mà người trên làm là chổ mà người ta ngước mắt trông vào.

Tha thứ cho mình mà đi dạy người đó là phép tắc trái ngược, sửa mình cho ngay thẳng để dạy người, đó là phép tắc hợp lý.

Cho nên bậc vua của loài người trước hết phải sửa mình rồi sau đó mới ban hành mệnh lệnh. Mình không ngay thẳng thì mệnh lệnh không được nghe theo, mệnh lệnh không được nghe theo ắt là sinh ra biến loạn.

Cho nên đạo làm vua trước hết là ban hành lệnh dạy dỗ, rồi sau mới trách phạt. Không dạy dỗ, tập luyện quân sỹ mà đem đi đánh dẹp thì cũng như đem chúng vứt bỏ đi. Trước hết tập luyện sĩ tốt về phép dùng binh thì có năm phép tắc.

Thứ nhất là sai khiến con mắt: Tập luyện cách biến động theo sự chỉ huy cờ xí, chạy dọc chạy ngang theo ý muốn.

Thứ hai là sai khiến lỗ tai: Tập nghe tiếng chiêng trống, cách động tĩnh đi đứng.

Thứ ba là sai khiến lòng dạ: Tập chịu nghiêm cách của hình phạt, hưởng điều lợi ích của tước lộc, thưởng.

Thứ tư là sai khiến cái tay: Tập cho biết phương tiện của năm binh, chuẩn bị việc chiến đấu.

Thứ năm là sai khiến cái chân: Tập các phép xông vào hay chạy trốn và cách tới lui cho được chu toàn.

Cho nên gọi là năm cách dạy: lệnh về dạy về quân trận đều có phép tắc.

Bên trái dạy Thăng Long.
Bên phải dạy Bạch Hổ.
Đằng trước dạy Chu Tước.
Đằng sau dạy Huyền Võ.

Ở giữa là chổ ở của Hiên Viên Đại Tướng Quân.

Bên phải là mâu bên phải là kích, đằng trước là thuẩn đằng sau là nỏ, ở giữa là cờ trống, lúc động cùng dậy, nghe trống thì tới, nghe chiêng thì lui, tùy theo sự chỉ huy, năm trận bèn có thể sắp bày.

Theo trận pháp chính cách thì cờ trống là chủ chốt.

Một tiếng trống, đưa cờ xanh lên, ắt là bày trận thẳng (trực trận) tức là mộc trận.
Hai tiếng trống, đưa cờ đỏ lên, ắt là bày trận bén (nhuệ trận) tức là hỏa trận.
Ba tiếng trống, đưa cờ vàng lên, ăt là bày trận vuông (phương trận) tức là thổ trận.
Bốn tiếng trống, đưa cờ trắng lên, ắt là bày trận tròn (viên trận) tức là kim trận.
Năm tiếng trống, đưa cờ đen lên, ắt là bày trận cong (khúc trận) tức là thủy trận.

Trận ngũ hành ấy biến hóa mà sinh nhau, xung đối mà hơn nhau, sinh nhau để cứu nhau, hơn nhau để mà đánh phá, sinh nhau để giúp nhau, hơn nhau để mà đối địch.

Phàm phép lập trận là năm năm giữ nhau:

Năm người hợp thành một trưởng.
Năm trưởng hợp thành một sư.
Năm sư hợp thành một chi.
Năm chi hợp thành một hỏa.
Năm hỏa hợp thành một tràng.
Năm tràng hợp thành một quân.

Như thế ắt là quân sĩ hoàn bị.

Về việc binh, điều tiện lợi cốt là biết tiết độ:

Kẻ thấp cầm mâu kích.
Kẻ cao cầm cung nỏ.
Kẻ mạnh cầm cờ xí.
Kẻ bạo dạn cầm chiêng trống.
Kẻ yếu chu cấp lương thực và súc vật.
Kẻ trí thức lo lập mưu kế làm chủ chốt.

Làng xóm liên kết với nhau.

Năm năm giữ cho nhau.

Nghe một tiếng trống thì đi ngay ngắn.
Nghe hai tiếng trống thì tập trận.
Nghe ba tiếng trống thì khởi ăn.
Nghe bốn tiếng trống thì làm việc nghiêm chỉnh.
Nghe năm tiếng trống thì khởi hành.
Nghe tiếng chiêng trống, rồi sau mới đưa cờ lên, đem binh ra có thứ lớp.

Một lần đánh trống ba hồi, giương cờ xí lên, ai dấy binh đánh trước thì thưởng, ai rút lui thì chém. Đó là lệnh dạy.