Sách Tam đại/Nhà Chu/Nhà Đông Châu

Nhà Đông Chu

sửa

Năm 771 TCN, khi Chu U Vương phế truất Thân hậu để đưa Bao Tự lên thay thế, kinh đô nhà Chu đã bị các lực lượng du mục phía đông bắc tràn vào cướp phá do sự xúi giục của Thân Hầu (cha Thân hậu). U vương bị giết và con cả là thái tử Nghi Cữu được các quý tộc chư hầu Trịnh, Tấn, Tần đưa lên làm vua, tức là Chu Bình Vương, dời đô về phía đông năm 771 TCN tới Lạc Dương, tỉnh Hà Nam hiện nay. Từ đây bắt đầu giai đoạn Đông Chu, và chỉ kết thúc khi bị nhà Tần lật đổ vào năm 256 trước Công Nguyên; trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn này được gọi là "Thời Xuân Thu" (771-403 TCN) và "Thời chiến quốc" (403-256 TCN).

Sự phân chia này dựa trên một bộ sử biên niên của Khổng Tử, bộ Kinh Xuân Thu. Bộ này chép sử nước Lỗ từ năm thứ nhất đời Lỗ Ấn Công (722 TCN) đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công (481 TrCN), gồm 240 năm, năm 479 là năm Khổng Tử mất. Nhiều học giả thấy năm 722 và năm 480 (hoặc năm 479) không đánh dấu một biến cố lớn lao nào trong lịch sử, nên đã chia lại như sau:

  • Thời Xuân Thu: 770-403 TCN, tính từ đời Chu Bình Vương tới cuối đời Chu Uy Liệt Vương, năm 403 là mốc diễn ra sự kiện Ba nhà chia Tấn (lãnh thổ nước Tấn - nước mạnh nhất thời Xuân Thu - bị chia thành 3 nước khác).
  • Thời Chiến Quốc: 403-221 TCN, từ đời Chu An Vương đến khi nước Tần diệt được nước Tề và thống nhất Trung Quốc.

Thời kỳ này của nhà Đông Chu cũng được coi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của tư tưởng và văn hoá Trung Quốc trong lịch sử. Chính trong giai đoạn cai trị này của nhà Đông Chu mà những nhà tư tưởng lớn nhất đã sáng tạo ra những quan niệm khởi đầu về triết học, đạo đức, học thuyết chính trị và văn hoá Trung Quốc.

Nội loạn thời Xuân Thu

sửa

Ở giai đoạn Xuân Thu (771-403 TCN), Trung Quốc dần bị chia cắt thành một loạt các tiểu vương quốc do các vua chư hầu tự cai trị. Các vua chư hầu chỉ thần phục vua nhà Chu trên danh nghĩa, còn thực tế thì họ tự cai trị mà không cần để ý đến mệnh lệnh của nhà Chu, vua nhà Chu không còn giữ được quyền kiểm soát các tiểu quốc của mình.

Nhược điểm của thể chế phong kiến phân quyền lúc này phát tác:

  • Sự thống nhất quốc gia phải dựa vào uy quyền của Thiên tử nhà Chu, mà uy quyền của vua nhà Chu thì lại phải trông cậy vào sự thần phục và cống hiến của các vua chư hầu. Các đời vua chư hầu đầu tiên có liên hệ gần gũi về huyết thống (anh em ruột, con chú con bác) hoặc là cận thần trung thành của vua nhà Chu, nên họ tự giác thần phục Thiên tử nhà Chu. Nhưng trải qua hơn 300 năm cha truyền con nối cục bộ tại mỗi nước chư hầu (tương đương 10-15 thế hệ), mối liên hệ về huyết thống giữa các vua chư hầu với vua nhà Chu đã trở nên rất xa xôi, các vua chư hầu ngày càng có nhiều người không tự giác thần phục uy quyền của vua nhà Chu, khiến quyền lực của Thiên tử cũng càng ngày càng yếu đi.
  • Các vua chư hầu trái lại, ngày càng muốn bành trướng thế lực. Đầu thời nhà Chu, các vua chư hầu có liên hệ gần về huyết thống (anh em ruột, con chú con bác trong gia tộc họ Cơ) nên hòa thuận với nhau. Nhưng sau hơn 300 năm cai trị ở các địa phương khác nhau thì mối liên hệ huyết thống giữa các chi họ Cơ cũng cũng ngày càng yếu đi. Dù phần lớn các vua chư hầu vẫn là con cháu họ Cơ, nhưng vì huyết thống dòng họ đã cách xa nhau tới 10-15 thế hệ nên các vua chư hầu đã coi nhau gần như là người xa lạ. Các vua chư hầu dần tìm cách mở mang đất đai, thôn tính nước chư hầu khác ở xung quanh, hùng cứ một phương. Vì vậy số nước chư hầu cứ giảm dần, từ 1600 xuống 1000, 500... rồi chỉ còn chưa tới 100. Các chư hầu hùng cường đất đai mỗi ngày một rộng, quân đội còn đông hơn cả quân của thiên tử. Những chư hầu nhỏ bị chư hầu lớn ức hiếp, cầu cứu với thiên tử, nhưng thiên tử nhà Chu bất lực không cứu nổi, thế là uy quyền của vua nhà Chu chỉ còn có cái danh mà không có cái thực.
  • Theo thể chế phong kiến phân quyền, vua nhà Chu về danh nghĩa là cai trị toàn Trung Hoa, nhưng thực tế thì vua nhà Chu chỉ thực sự kiểm soát một vùng nhỏ quanh kinh đô, còn các vùng đất khác lại phân chia cho các vua chư hầu tự cai trị. Các vua chư hầu có thể tự thu thuế, xây dựng quân đội, phong quan chức địa phương. Về lâu dài, khi đã tích lũy đủ quân lực, nhiều vua chư hầu dần muốn tách thành nước riêng để không phải tuân theo mệnh lệnh từ vua nhà Chu nữa. Còn vua nhà Chu, dù biết chư hầu làm loạn nhưng cũng đành bất lực không ngăn chặn được, vì đất đai và quân đội của nước chư hầu giờ đây còn mạnh hơn so với của nhà vua.

Bởi vì sự không ổn định của các tiểu quốc đó, và bởi vì sự xâm lấn lãnh thổ của các rợ du mục phía nam, các tiểu quốc phải liên minh với nhau và chấp nhận một số vị bá chủ trên "lãnh thổ" của họ. Vì vậy thời Xuân Thu là một giai đoạn nguy hiểm và không chắc chắn nhất, trong đó lãnh thổ bị chuyển dịch tới lui, các cuộc xâm lấn thường xuyên xảy ra và các liên minh được lập lên rồi lại giải tán với sự nhanh chóng đáng kinh ngạc.