Sách Hàn Phi Tử/Tám đường gian dối (Bát gian)

1.

Nói chung bầy tôi sở dĩ thành kẻ gian là có tám cách:

1) Một là cùng giường. Thế nào gọi là cùng giường? Thưa rằng: phu nhân được tôn quý, vua yêu những đứa con nhỏ, nuông những người thiếp có sắc đẹp. Họ khiến cho nhà vua bị mê hoặc. Họ lợi dụng lúc nhà vua rỗi rãi, vui chơi, nhân lúc cơm no rượu say để yêu cầu những điều họ muốn. Đó là cái thuật làm cho nhà vua thế nào cũng nghe theo. Những kẻ làm tôi, bên trong đút vàng ngọc cho họ để họ mê hoặc nhà vua. Cái đó gọi là cùng giường.

2) Hai là ở bên cạnh. Thế nào gọi là ở bên cạnh? Thưa rằng: bọn kép hát, bọn hề, bọn lùn, những người chung quanh gần gũi nhà vua. Bọn này nhà vua chưa ra lệnh thì đã vâng vâng, chưa sai khiến thì đã dạ dạ. Chúng đón ý, lựa chiều, ngắm nhìn sắc mặt mà đoán trước bụng nhà vua. Bọn này cùng tiến, cùng thôi, cùng đáp cùng đối như nhau, nói năng cùng theo một lối để làm thay đổi bụng nhà vua. Bọn bầy tôi, bên trong lấy vàng ngọc, đồ chơi cho chúng, bên ngoài thì vì chúng làm những điều trái phép để cho chúng thay đổi bụng nhà vua. Cái đó gọi là ở bên cạnh.

3) Ba là cha anh. Thế nào gọi là cha anh? Thưa rằng: các công tử con của các bà thiếp là những người được nhà vua yêu quý. Các quan đại thần và các quan lại ở triều đình là những người nhà vua cùng bàn bạc. Nếu những người này ra sức bàn thì nhà vua thế nào cũng phải nghe theo. Bọn làm tôi lấy âm nhạc, gái đẹp tha các công tử con các bà vợ bé, dùng lời nói mua lòng các quan đại thần và các quan lại ở triều đình, giao ước với nhau nói việc này việc nọ, nếu việc có kết quả thì các quan đại thần sẽ thêm bổng lộc chức tước để khuyến khích bụng họ, khiến họ can thiệp với nhà vua. Cái đó gọi là cha anh.

4) Bốn là nuôi tai hoạ. Thế nào gọi là nuôi tai hoạ? Thưa rằng: Nhà vua thích có cung thất đẹp, ao hồ, đài tạ đẹp, thích con trai con gái ăn mặc đẹp, thích chó ngựa để thoả lòng mình. Đó là cái tai hoạ của kẻ làm vua vậy.

Bọn bầy tôi dốc hết sức lực của dân để làm cung thất, ao hồ, đài tạ đẹp, đánh thuế nặng để cho con trai, con gái, chó ngựa trang sức đẹp đặng làm thoả lòng nhà vua và làm hỏng cái tâm của nhà vua. Họ cứ làm theo ham muốn của nhà vua để nhờ đó mưu lợi riêng của họ. Cái đó gọi là nuôi tai hoạ.

5) Năm là bọn lưu manh. Thế nào gọi là bọn lưu manh? Xin thưa: Kẻ làm tôi phân tán tài sản nhà nước để lấy lòng dân chúng, thi hành ân đức nhỏ để thu phục trăm họ. Khiến cho triều đình, chợ búa đều khen ngợi họ, để che mắt nhà vua và thực hiện điều họ muốn. Cái đó gọi là bọn lưu manh.

6) Sáu là du thuyết. Thế nào gọi là du thuyết? Xin thưa: Kẻ làm vua vốn đã bị che đậy trong việc nói năng bàn luận, ít khi nghe bàn luận cho nên dễ bị những lời du thuyết lôi cuốn. Những bọn làm tôi tìm những biện sĩ ở các nước chư hầu, nuôi những người giỏi nói ở trong nước, khiến bọn này nói chuyện riêng của mình, dùng lời khéo léo để tô vẽ, nói năng lưu loát làm cho nhà vua thấy cái thế có lợi, lấy điều lo làng tai hoạ để đe doạ nhà vua, dùng những lời nói suông để làm hại nhà vua. Cái đó gọi là du thuyết.

7) Thứ bảy gọi là cưỡng ép. Tại sao gọi là cưỡng ép? Thưa rằng: Nhà vua lấy trăm họ và các quan làm uy lực của mình. Các quan và trăm họ thích cái gì thì nhà vua cũng thích cái đó. Cái gì các quan và trăm họ không thích thì nhà vua cũng cho là không thích. Bọn làm tôi, tụ tập những kẻ đeo gươm, nuôi những kẻ sĩ liều chết để nêu cái uy của họ, nêu rõ ai theo họ thì có lợi, ai không theo họ thì thế nào cũng chết để đe doạ các quan, trăm họ và thi hành điều riêng tư của họ. Cái đó gọi là cưỡng ép.

8) Thứ tám là bốn phương. Thế nào gọi là bốn phương? Thưa rằng: Kẻ làm vua nước nhỏ thì phải thờ nước lớn, quân đội yếu thì sợ quân đội mạnh. Nước lớn đòi điều gì thì nước nhỏ phải nghe theo, quân đội mạnh đòi điều gì thì quân đội yếu phải nghe theo.

Kẻ làm bầy tôi đánh thuế nặng, vơ vét kho lúa kho tiền, lấy hết của cải trong nước để thờ nước lớn. Rồi lại lợi dụng cái uy của nước lớn để dụ dỗ nhà vua. Người làm dữ thì xin nước lớn cử binh đóng ở biên giới để khống chế ở trong nước. Kẻ làm nhẹ thì năng dùng sứ thần của nước lớn để đe doạ vua của mình. Cái đó gọi là bốn phương.

Tất cả tám cách trên đây là những điều khiến cho bầy tôi trở thành kẻ gian, và nhà vua bị che đậy, bị cướp đoạt, mất cái mình có. Nhà vua không thể không xét đến những điều đó.

2.

Vị vua sáng ở bên trong vui vẻ sắc đẹp, nhưng không nghe lời xin xỏ, không làm theo lời cầu xin. Đối với bọn chung quanh, khi sai khiến thì thế nào cũng căn cứ vào những lời họ nói để kiểm tra, không cho nói nhiều lời. Đối với cha anh và các quan đại thần thì khi nghe lời thế nào cũng khiến cho họ chịu trách nhiệm về kết quả sau này, không cho phép họ cử người bừa bãi. Đối với những trò vui chơi giải trí thì khiến cho nó đưa ra có căn cứ, không cho phép tự tiện đưa đến hay tự tiện cất đi để bầy tôi đoán được ý nhà vua. Đối với việc thi hành ân đức, phát của phát thóc trong kho để làm lợi cho dân thì nhất thiết phải là do nhà vua làm không để cho bầy tôi thi hành ân đức riêng. Đối với việc bàn bạc thì nhà vua xem xét năng lực, khảo sát lỗi lầm những người được người ta khen và những người bị người ta chê, không để cho bầy tôi nói tốt hay nói xấu nhau. Đối với những kẻ sĩ dũng cảm và có sức mạnh, nếu họ có công trong quân lữ thì không thưởng vượt bậc, còn nếu họ đánh nhau trong làng xóm thì trừng trị không tha. Không để cho bầy tôi làm thành của riêng của mình. Đối với những yêu sách của chư hầu, cái nào hợp với pháp luật thì nghe, cái nào không hợp với pháp luật thì cự tuyệt.

3.

Gọi là ông vua mất nước không phải là ông ta không có nước, mà đó là tuy có nước nhưng nước không phải là nước của ông ta. Khi bầy tôi lấy áp lực bên ngoài để chi phối bên trong thì lúc đó ông vua đã là ông vua mất nước rồi. Nếu cho rằng nước lớn là chỗ dựa vào để cứu cảnh mất nước thì cảnh mất nước còn đến-nhanh hơn là không nghe lời nước lớn.

Cho nên không nghe lời nước lớn. Bầy tôi biết nhà vua không nghe thì không liên hệ với chư hầu bên ngoài. Chư hầu biết nhà vua không nghe thì sẽ không nghe theo lời những bầy tôi vu cáo nhà vua.

4.

Bậc vua sáng đặt ra các quan chức, tước lộ là để tiến cử người tài giỏi và khuyến khích kẻ có công. Cho nên nói: “Người tài giỏi thì được bổng lộc hậu và làm quan to, người có công lớn thì được giao chức cao và được trọng thưởng”. Bổ nhiệm người tài giỏi làm quan thì cân nhắc tài năng, ban lộc thì xứng với công lao. Cho nên người tài giỏi sẽ không giả mạo tài năng để thờ vua, người có công hăng hái xúc tiến sự nghiệp của mình. Kết quả công việc thành, công lao nên.

Ngày nay thì không thế. Nhà vua không xét người hay kẻ dở. Bàn đến kẻ có công thì dùng những người được chư hầu trọng vọng, nghe những lời xin xỏ chung quanh. Các cha anh, và các quan đại thần trên xin vua ban tước lộc, dưới bán cái tước lộc ấy để kiếm của cải, lợi lộc và lập bè đảng riêng. Kết quả là kẻ có nhiều tiền thì mua chức quan cho sang, kẻ giao thiệp với những người ở chung quanh nhà vua thì xin ơn huệ để được trọng. Bầy tôi có công không được nói đến, việc bổ nhiệm chức quan sai lầm. Do đó, quan lại bỏ chức quan của mình để giao thiệp với nước ngoài, bỏ công việc để tham của cải. Vì vậy cho nên người tài giỏi đều lười biếng mà không được khuyến khích, người có công chán mà bỏ công việc. Đó là cái tình cảnh của nước suy vong vậy.