Sách Hàn Phi Tử/Sáu điều trái ngược (lục phản)

1.

Những kẻ sợ chết và sợ tai nạn đó là dân của cái nước đầu hàng; thế nhưng người đời lại đề cao và nói đó là những kẻ sĩ quý sự sống. Những kẻ học đạo xưa, lập học thuyết đó là những dân xa rời pháp luật, nhưng người đời lại đề cao họ, gọi là những kẻ sĩ có văn học. Những kẻ sống lông bông ăn uống dồi dào là những dân cướp cơm, nhưng người đời lại đề cao họ, cho là những kẻ sĩ tài giỏi. Những kẻ nói năng quanh co, lắm điều khôn khéo là dân dối trá; nhưng người đời lại đề cao họ, gọi là những kẻ sĩ khôn ngoan hùng biện. Những kẻ cầm kiếm giết người đó loại dân hung bạo; nhưng người đời lại để cao họ, gọi họ là kẻ sĩ dũng cảm cứng rắn. Những kẻ cứu giặc sống, che giấu bọn gian đó là dân đáng chết; nhưng người đời lại đề cao họ, gọi là những kẻ sĩ nghĩa hiệp. Sáu hạng dân này là những kẻ người đời vẫn khen vậy.

Lao vào chỗ nguy hiểm, chịu chết cho chữ tín đó là loại dân chịu chết cho tiết nghĩa; nhưng người đời lại khinh họ, cho họ là những người không biết tính lợi hại. Những kẻ hiểu biết ít nhưng vẫn theo mệnh lệnh đó là loại dân bảo vệ pháp luật; nhưng người đời lại coi thường, cho là loại dân chất phác thô lậu. Những kẻ dốc sức làm lụng để sinh sống đó là loại dân làm ra lợi: nhưng người đời chê họ, gọi đó là loại dân ít tài năng. Những dân đứng đắn và tốt; nhưng người đời lại chê cho là loại dân nhút nhát. Những kẻ bắt giặc, ngăn cản bọn gian là hạng dân nêu cao bề trên; nhưng người đời chê, cho là loại người xu nịnh. Sáu hạng dân này là những hạng bị đời chê bai.

Có sáu loại dân gian dối, xảo trá, vô ích nhưng người đời lại khen họ như vậy. Có sáu hạng dân lo cầy cấy, chiến đấu, có ích, nhưng người đời lại chê họ như vậy. Đó gọi là sáu điều trái ngược.

2.

Kẻ áo vải vì nghe theo lợi riêng mà khen họ. Vị vua ở đời nghe theo cái hư danh nên dùng lễ đối xử với họ. Lễ đã ở đâu thì cái lợi cũng theo về đấy. Trăm họ theo cái hại riêng mà chê họ, các vị chúa ở đời bị thế tục cản trở nên coi thường họ. Sự coi thường ở đâu thì cái hại theo về đấy. Cho nên người ta dùng danh tiếng và ban thưởng đối với hạng dân lo việc riêng, làm điều xấu xa và đáng bị trị tội; nhưng lại chê bai những kẻ sĩ lo việc chung, làm điều tốt và đáng thưởng. Như vậy mà lại muốn nước giàu mạnh thì không thể được.

Tục ngữ xưa có câu: “Làm chính trị cũng như gội đầu. Tuy có phải bỏ sợi tóc cũng phải làm”. Tiếc phải vứt bỏ sợi tóc mà quên mất cái lợi là tóc sẽ đài thì không biết cái quyền biến. Phàm chữa nhọt thì phải chịu đau, uống thuốc thì phải chịu đắng. Nhưng không chữa nhọt, không uống thuốc thì thân mình không sống được, bệnh không lành.

3.

Nay mối quan hệ giữa người trên với kẻ dưới đã không có cái ơn của ông cha đối với đứa con, và lại muốn dùng đạo nghĩa để cấm người dưới, thì mối quan hệ thế nào cũng làm nảy sinh oán giận. Vả lại, cha mẹ đối với con, sinh con trai thì chúc mừng nhau, nhưng sinh con gái thì giết đi. Con trai con gái đều từ trong lòng cha mẹ mà ra, nhưng sinh con trai thì chúc mừng nhau mà sinh con gái thì giết đi, đó là vì nghĩ đến cái thuận tiện về sau, tính đến cái lợi lâu dài. Do đó, cha mẹ đối với con cái vẫn còn dùng lối tính toán mà đối xử với nhau, huống nữa là những người không có cái ân huệ của cha mẹ đối với con cái?

Nay bọn học giả khi nói với nhà vua thì đều nói phải gạt bỏ cái bụng cầu lợi, phải nêu lên cái đạo yêu nhau. Như vậy là đòi hỏi nhà vua phải thân với dân hơn cha mẹ đối với con. Như thế là không hợp với việc bàn luận, nghĩ chuyên dối trá để nói ngoa. Cho nên bậc vua sáng không nghe theo.

Bậc thánh nhân cai trị thiên hạ thì chú ý kỹ đến pháp luật và sự cấm đoán. Pháp luật và sự cấm đoán mà sáng rõ thì việc quan theo đúng quy tắc. Việc thưởng phạt phải chắc chắn. Việc thưởng phạt không thiên lệch thì dân có thể dùng được. Việc quan chu đáo, dân dùng được thì nước giàu. Nước giàu thì binh mạnh và cơ nghiệp bá vương có thể lập được. Lam bá vương là cái lợi lớn cho vua chúa. Các vua chúa nắm lấy cái lợi lớn để thi hành việc trị nước. Cho nên, dùng người làm quan thì đúng năng lực, thưởng phạt của nhà vua không riêng tư. Họ khiến cho kẻ sĩ và dân chúng thấy rõ nếu dốc sức liều chết thì có thể lập được công và có thể có được tước lộc. Có được tước lộc thì cơ nghiệp giàu sang có thể có được. Giàu và sang là cái lợi lớn của bầy tôi. Bầy tôi nắm lấy cái lợi lớn này để làm việc, do đó dù làm việc nguy phải chết, dốc hết sức mình vẫn không oán thán. Cho nên nói rằng vua không nhân, tôi không trung thì không thể làm bá vương được.

4.

Phàm kẻ gian đối thì thế nào cũng biết phòng bị, nếu thế nào cũng bị trừng trị thì họ thôi. Nếu trên không biết thì, họ buông thả, nếu trên không trừng trị thì họ hành động. Nếu bày thì hàng rẻ ở nơi kín đáo thì dù là Tăng Sâm, Sử Thu cũng có thể bị ngờ. Nhưng nếu treo một trăm cân vàng ở ngoài chợ thì dù là bọn ăn trộm lớn cũng không dám lấy. Nếu như người ta không biết thì ngay cả Tăng Sâm, Sử Ngư cũng có thể bị ngờ vực ở nơi kín đáo.

Nhưng nếu thế nào người ta cũng biết thì kẻ cướp lớn cũng không dám lấy thì vàng treo ở chợ. Vì vậy cho nên bậc vua sáng trị nước thì dùng nhiều người giữ và trị tội nặng, sai khiến dân bằng pháp luật và sư cấm đoán chứ không phải bằng liêm sỉ. Mẹ thương con nhiều hơn cha, nhưng lệnh của cha đưa ra được con thi hành gấp mười lần lệnh của mẹ. Quan lại đối với dân không yêu thương dân nhưng mệnh lệnh của quan lại thì dân thi hành gấp vạn lần lệnh của cha, cha mẹ chồng chất thương yêu nhưng lệnh đưa ra không được thi hành, quan lại dùng uy nghiêm mà dân nghe theo. Uy nghiêm và thương yêu đằng nào hơn cũng có thể quyết định được vậy.

Vả lại, cha mẹ sở dĩ đòi hỏi ở con là chỉ muốn cho hành động của nó yên ổn và có lợi, muốn cho thân của nó khỏi bị tội. Nhà vua đối với dân khi có nạn thì dùng cái chết của dân, khi yên ổn thì dùng hết sức của dân. Cha mẹ vì rất thương yêu con muốn cho con yên ổn và có lợi nhưng nó không nghe. Ông, vua không dùng yêu thương và cái lợi đòi hỏi dân phải chết, phải dốc sức, nhưng mệnh lệnh lại được thi hành. Vị vua sáng suốt biết điều đó, cho nên không nuôi lòng thương hay ân huệ mà tăng cái thế uy nghiêm. Cho nên mẹ thương yêu nhiều thì con thường hư, vì dùng yêu thương. Cha yêu ít, dạy bằng roi vọt thì con thường ngoan, vì dùng uy nghiêm.

Nếu những người trong gia đình lo việc sản xuất, trong đói rét nhường nhịn nhau, trong lao khổ khuyến khích nhau thì gặp điều khó khăn trong quân ngũ nhất định là gia đình ấy gặp mối lo phải đói kém nhưng vẫn ấm áo, no cơm. Còn nếu thương nhau cấp quần áo và thức ăn, ra ơn cho nhau bằng nghỉ ngơi vui vẻ, thì nhất định gia đình ấy gặp lúc mất mùa là phải bán vợ đợ con.

Cho nên nếu dùng pháp luật làm cái đạo trị nước, thì trước khổ sở nhưng cái lợi lâu dài; nếu dùng chữ nhân làm cái đạo trị nước thì vui chơi tạm thời nhưng sau đó nguy khốn. Bậc thánh nhân cân nhắc điều nặng nhẹ, đưa ra cái lợi lớn, cho nên dùng cái tàn nhẫn của pháp luật mà bỏ sự thương xót nhau của chữ nhân. Những lời của các học giả đều bảo phải nhẹ hình phạt, đó là cái thuật là dân loạn, nước mất.

5.

Phàm thưởng phạt chắc chắn đó là cách khuyến khích và ngăn cấm. Thưởng hậu thì cái mình muốn có được sẽ được nhanh: phạt nặng thì cái mình muốn cấm sẽ cấm được chóng. Nói chung, những kẻ muốn điều lợi thì phải ghét điều hại. Cái hại là cái trái ngược với cái lợi, trái ngược với điều người ta muốn. Làm sao người ta khỏi ghét? Người nào muốn cai trị thế nào cũng phải ghét cái loạn. Cái loạn là cái trái ngược lại cái trị. Cho nên người muốn cái trị nhiều thế nào cũng phải thưởng hậu, người ghét cái loạn nhiều thế nào cũng phải phạt nặng. Nay chủ trương hình phạt nhẹ là ghét loạn không nhiều và muốn trị cũng không làm. Điều đó không những là không cứ thuật trị nước mà còn không có lợi nữa. Vì vậy cho nên việc phân biệt tốt nhất người hiền với kẻ hư hỏng, người ngu với người khôn là ở chỗ thưởng phạt nặng hay nhẹ

Vả lại, hình phạt nặng không phải là để làm tội người ta. Pháp luật của vị vua sáng là ở chỗ sát phạt. Trị giặc không phải là trị kẻ bị sát phạt mà là trị cái mình muốn sát phạt. Đó là trừng trị người chết. Dùng hình phạt đối với bọn ăn trộm không phải là trừng trị kẻ bị hình phạt. Đó là trị những bọn phạm tội. Cho nên nói: “Trị nặng cái tội của một tên gian mà chặn được điều gian tà trong bờ cõi”. Chính nhờ vậy mà trị an. Kẻ bị phạt nặng là những bọn trộm cướp, và kẻ được thương yêu lo lắng là dân lành. Những người muốn cai trị sao lại ngại dùng hình phạt nặng? Còn như việc thưởng hậu, đó còn là khuyến khích một nước. Người được thưởng vui cái lợi, kẻ chưa được thường hâm mộ việc làm. Như vậy là báo đáp cái công của một người mà khuyến khích được dân chúng trong bờ cõi. Những người muốn cai trị sao lại ngại thưởng hậu?

Nay những kẻ không biết trị nước đều nói hình phạt nặng thì làm thương tổn đến dân, nhẹ hình phạt có thể cấm được cái gian, cần gì phải hình phạt nặng. Đó là những người không xét kỹ việc trị nước. Phàm những người vì hình phạt nặng mà ngăn cấm được thì chưa chắc dùng hình phạt nhẹ đã có thể ngăn cấm được họ. Trái lại, những kẻ dùng hình phạt nhẹ đã ngăn cấm được thì chắc chắn dùng hình phạt nặng là ngăn cấm được. Vì vậy, trên dùng hình phạt nặng thì bọn gian đều chấm dứt hết. Bọn gian đều chấm dứt hết thì điều đó có thương tổn gì đến dân?

6.

Cái gọi là hình phạt nặng đó là khi kẻ gian có lợi được ít nhưng bề trên bắt chịu tội lớn. Dân chúng không muốn vì cái lợi nhỏ mà chịu cái tội lớn, cho nên điều gian nhất định chấm dứt. Cái gọi là hình phạt nhẹ đó là cái kẻ gian được lợi thì lớn nhưng bề trên trừng trị thì nhỏ. Dân ham cái lợi nên coi thường cái tội, cho nên việc gian không chấm dứt. Vì vậy cho nên thánh nhân trước đây có câu tục ngữ: “Người ta không vấp ngã nơi núi non mà vấp ngã nơi mô đất”. Ngọn núi cao cho nên người ta cẩn thận; nhưng cái mô đất nhỏ bé cho nên người ta coi thường. Nay dùng hình phạt nhẹ thì thế nào dân cũng coi thường hình phạt. Dân phạm tội mà không trị, như vậy là xua cả nước và vứt bỏ nó. Còn phạm tội mà trừng phạt thì đó là chăng bẫy cho dân rơi vào. Do đó hình phạt nhẹ là cái mô đất của dân. Vì vậy cho nên con đường dùng hình phạt nhẹ nếu như không phải là làm cho nước loạn thì cũng là chẳng bẫy lừa dân vậy. Cái này mới có thể gọi là làm thương tổn đến dân.

7.

Bọn học giả ngày nay đều nói những lời đẹp đẽ trong các sách xưa nhưng không xét kỹ sự thực ngày nay. Họ nói: “Nhà vua không thương dân, thuế khoá thường nặng, dân không có đủ đồ chi dùng và oán giận nhà vua. Cho nên thiên hạ đại loạn”. Nói thế nghĩa là nếu làm cho dân có đủ của cải chi dùng và thương dân thì dù có hình phạt nhẹ cũng có thế trị yên được;. Lời nói đó không đúng. Nói chung, người ta bị hình phạt nặng là sau khi đã có đủ rồi. Tuy của cải chi dùng có đầy đủ và nhà vua rất thương yêu họ, nhưng nếu hình phạt nhẹ thì vẫn có thể làm loạn.

Đứa con yêu của nhà giàu có thì của cải đủ dùng, nhưng của cải có đủ dùng thì lại dùng bừa bãi, dùng bừa bãi thì xa xỉ quá đáng. Thương yêu nó thì không nỡ cấm, không nỡ cấm thì nó kiêu ngạo phóng túng. Xa xỉ quá thì nhà nghèo, phóng túng thì làm việc hung bạo. Như vậy, thì dù có của cải chi dùng đầy đủ và thương yêu nhiều, nhưng vì hình phạt nhẹ nên sinh ra mối lo vậy.

Phàm con người sinh ra, khi của cải đủ dùng thì lười dùng sức. Nếu nhà vua cai trị nhu nhược thì họ ngông cuồng làm điều bậy. Của cải đủ nhưng vẫn ra sức làm lụng, đó là Thần Nông. Nhà vua cai trị nhu nhược nhưng vẫn trau giồi tính hạnh, đó là Tăng Sâm, Sử Thu. Dân không bằng Thần Nông, Tăng Sâm, Sử Thu cái đó rất rõ. Lão Đam có nói: “Biết tự cho là đủ thì không phải chịu nhục, biết dừng lại thì không bị nguy”. Vì thấy bị nhục và bị nguy cho nên không đòi hỏi ở ngoài cái mình cho là đủ, đó là Lão Đam. Nay cho rằng dân khi có đủ thì có thể trị yên như vậy là đòi hỏi dân đều phải như Lão Đam cả. Cho nên Kiệt có cái sang làm thiên tử nhưng vẫn không thấy vừa lòng về sự tôn quý, mình giàu có cả trong bốn biển nhưng vẫn không thấy vừa lòng về của báu. Bậc làm vua chúa người ta dù có thể làm cho dân no đủ nhưng vẫn không thể khiến cho dân làm vua, làm thiên tử thế mà Kiệt cũng vẫn còn chưa lấy việc làm thiên tử là đủ. Như vậy thì dù dân có no đủ cũng có cách nào trị yên được?

Cho nên bậc vua sáng trị nước thì dựa theo thời tiết của năm mà làm ra của cải, tính thuế khoá sao cho sự giàu nghèo được đều, ban tước lộc hậu để những kẻ tài giỏi dốc hết sức mình, nâng hình phạt để cấm điều gian tà khiến cho dân đưa sức mình ra để được giàu, làm công việc để được sang, làm sai thì bị tội, có công thì được thưởng mà không nghĩ đến việc ban cấp vì ân huệ, thương xót. Chính trị của bậc đế vương là như thế dấy.

8.

Mọi người đều ngủ thì không biết ai mù. Mọi người đều im lặng thì không biết ai câm. Thức họ dậy bắt họ nhìn, hỏi họ bắt họ trả lời thì người mù và người câm cùng đường. Không nghe lời nói của họ thì không biết họ là không có thuật, không dùng cái thân của họ thì không biết người hư hỏng với kẻ khôn ngoan. Nghe lời nói mà không xem nó có thích đáng không, dùng cái thân của họ mà xét cái công của họ thì những kẻ không có thuật trị nước và hư hỏng cùng đường vậy. Phàm muốn có được người lực sĩ mà cứ để cho người ta tự khoe khoang mình thì không thể phân biệt được một người tầm thường với Ô Hoạch. Lấy vạc ra cho bưng thì biết ngay ai yếu ai khoẻ. Cho nên các chức quan, đó là cái vạc của những kẻ sĩ có năng lực, cứ giao việc cho họ thì phân biệt được ngay ai ngu ai khôn. Cho nên những kẻ không có thuật trị nước thì sẽ không được dùng, những kẻ hư hỏng sẽ không được giao nhiệm vụ.

9.

Có những kẻ lời nói không được dùng nhưng lại làm cho nó văn vẻ để tỏ ra hùng biện, thân mình không được giao trách nhiệm nhưng lại tự tô vẽ để cho mình là cao. Các vua chúa ở đời bị quáng mắt vì sự biện luận của họ, bị cái cao xa của họ lừa dối nên tôn quý họ. Như vậy là không chờ đợi nhìn mà cho ngay là sáng, không đợi trả lời mà cho ngay là hùng biện. Như vậy thì không biết rõ được ai mù ai câm. Bậc vua sáng nghe lời nói thế nào cũng phải xét cái dụng của nó, xem việc làm thế nào cũng phải xét cái công của nó. Nếu thế thì cái học trống rỗng ngày xưa sẽ không được bàn đến, và không tô vẽ được những hành động kêu căng, vu khoát.