Sách Hàn Phi Tử/Lần đầu yết kiến vua Tần (Sơ kiến Tần)

1.

Thần nghe nói: “Không biết mà nói là không khôn: biết mà không nói là không trung. Làm bầy tôi mà không trung thì đáng chết: nói mà không đúng cũng đáng chết”. Tuy vậy, thần cũng xin trình bày tất cả những điều mình nghe, xin đại vương miễn tội cho.

2.

Thần nghe nói thiên hạ phía bắc có nước Yên, phía nam có nước Nguỵ liên minh với nước Sở. củng cố nước Tề và thu nước Hàn nhằm tạo thành kế hợp tung để quay mặt về hướng tây gây khó khăn cho nước Tần mạnh. Thần trộm cười cho họ. Trên đời có ba cái mất mà thiên hạ đều mắc phải, điều này phải chăng là thế?

Thần nghe nói: “Lấy nước loạn mà đánh nước trị an thì mất: lấy tà đánh chính thì mất: lấy nghịch đánh thuận thì mất”. Nay thiên hạ, kho vũ khí không đầy đủ, kho thóc trống rỗng, lại dốc binh sĩ và dân chúng ra, dàn quân vài trăm vạn, nhưng những kẻ cúi đầu đội mũ lông chim làm tướng quyết liều chết ở phía trước không quá một ngàn người. Ai cũng nói liều chết, nhưng mũi nhọn sáng loáng ở phía trước, búa rìu ở phía sau, thế mà họ vẫn cứ bỏ chạy không thể liều chết. Không phải binh sĩ và dân chúng họ không thể liều chết, mà vì những người ở trên không thể làm cho họ liều chết. Miệng nói khen thưởng nhưng lại không cho; miệng nói trừng phạt nhưng lại không thi hành. Thưởng và phạt đều không chắc như đã nói cho nên dân không liều chết. Nay nước Tần ra hiệu lệnh mà thi hành việc thưởng phạt: người có công và người không có công phân biệt rõ ràng. Dân sinh ra từ nơi cha bổng mẹ bế, trong đời chưa từng trông thấy quân giặc.. Thế mà nghe nói đến chuyện chiến đấu đã giẫm chân, xắn áo xông vào nơi gươm giáo, giẫm lên lửa đạn, quyết tâm liều chết. Phàm chuyện quyết chết và quyết sống là khác nhau, nhưng dân lại làm như thế. Đó là vì họ thấy chuyện hăng hái liều chết là quý. Nói chung một người liều chết có thổ chống lại mười người. Mười người liều chết có thể chống lại trăm người. Trăm người liều chết có thể chống lại ngàn người. Ngàn người liều chết có thể chống lại vạn người. Vạn người liều chết có thể thắng cả thiên hạ.

Nay nước Tần bớt chỗ dài, bù chỗ ngắn, cũng đất vuông vài ngàn dặm, quân sĩ nổi tiếng vài chục vạn. Về mặt hiệu lệnh, thường phạt của nước Tần và hình thế đất đai lợi hại của nó, thiên hạ không nước nào sánh kịp.

Cho nên nước Tần đánh không mấy khi không thắng, tiến công không mấy khi không lấy được. Những kẻ chống cự không mấy khi không bị đánh bại. Nước Tần mở rộng đất đai thêm vài ngàn dặm. Đó là cái công lao to lớn của nó. Thế mà khí giới của nó bị cùn đi, binh sĩ của nó bị bệnh tật, của cải chứa chất bị kiệt, ruộng đồng hoang phế, kho thóc trống rỗng. Chư hầu bốn phía không phục. Danh hiệu bá vương không thành. Sở dĩ thế không vì cớ gì khác, vì các mưu thần của nó không dốc hết lòng trung.

4.

Thần xin đánh bạo nói điều đó. Ngày xưa, nước Tề phía nam đại phá nước Kinh, phía đông đánh bại nước Tống, phía tây bắt nước Tần theo mình, phía bắc đánh bại nước Yên, ở giữa sai khiến các nước Hàn, Nguỵ. Đất đai rộng mà binh mạnh, đánh thì thắng, tiến công thì lấy được, ra mệnh lệnh cho cả thiên hạ. Có thành dài đê lớn đủ làm ranh giới. Nước Tề là nước chiến đấu năm mặt, chỉ một mặt chiến đấu không thắng là không còn nước Tề[1] . Do đó mà xét thì chiến tranh đó là vấn đề tồn vong của một nước có vạn cỗ xe.

Thần lại nghe nói: “Muốn trừ bỏ dấu vết thì không để sót rễ; không ở gần cái hoạ thì cái hoạ sẽ không sinh ra”.

Nước Tần đánh nhau với nước Kinh[2], đánh bại nước Kinh, đánh úp thành Sính, chiếm lấy Động Đình. Ngũ Hổ, Giang Nam. Vua tôi nước Kinh trốn chạy, sang phía đông theo nước Trần. Vào lúc bấy giờ, nếu đuổi theo quân Kinh mà đánh thì có thể lấy được nước Kinh. Lấy nước Kinh thì dân có thể thoả lòng ham muốn mà đất có thể cung cấp cái lợi. Quay sang phía đông để làm cho nước Tề, nước Yên yếu đi, ở giữa xâm phạm Tam Tấn[3]. Như vậy là cất quân một lần mà có thể đạt được tiếng bá vương và khiến cho chư hầu bốn phía phải vào chầu. Thế nhưng các mưu thần không làm, đem quân rút lui. Nước Tần lại cùng hoà hiếu với nước Kinh, khiến cho người Kinh có dịp thu lại cái nước đã bị mất, tập hợp lại những người dân đã lưu tán, dựng lại xã tắc, lo việc tôn miếu khiến nước Kinh cầm đầu thiên hạ quay mặt về hướng tây để gây khó khăn cho nước Tần. Đó là một lần bỏ mất cái đạo làm bá vương vây.

Thiên hạ là bè đảng với nhau, đóng quân ở dưới chân núi Hoa Sơn. Đại vương ra chiếu đánh phá. Quân đến chân thành nước Lương. Nếu vây vài tuần thì có thể chiếm nước Lương. Nước Lương bị chiếm thì có thể lấy luôn nước Nguỵ. Lấy nước Nguy thì sự giao thông giữa các nước Kinh, Triệu bị cắt đứt. Sự giao thông giữa các nước Kinh. Triệu bị cắt đứt thì nước Triệu nguy. Nước Triệu nguy thì nước Kinh hoang mang. Đem quân sang đông để làm yên nước Tề, nước Yên, đánh vào giữa để xâm phạm Tam Tấn. Như vậy là một lần cất quân mà danh tiếng bá vương có thể thực hiện được, có thể bắt các nước chư hầu bốn phía phải vào chầu. Thế mà các mưu thần không làm, kéo quân rút lui, lại hoà hiếu với nước Nguỵ, khiến cho nước Nguỵ thu lại được cái nước đã mất, tập hợp lại cái dân chúng đã lưu tán, dựng lại xã tắc. làm chủ tôn miếu. Rõ ràng đó là lần thứ hai bỏ mất đạo bá vương vậy.

Trước đây. Nhương Hầu cai trị nước Tần, dùng binh của một nước mà lại muốn lập nên cái công của hai nước[4]. Cho nên binh sĩ suốt đời phơi mình ở ngoài, dân chúng và quân sĩ mệt mỏi ở trong mà không làm được cái danh bá vương. Đó là lần thứ ba chứng tỏ rõ rành bỏ mất cái đạo bá vương vậy.

5.

Nước Triệu là cái nước ở giữa, dân tứ chiếng ở đấy. Dân nó nhẹ dạ và khó dùng. Hiệu lệnh ban ra không được thi hành, khen thưởng và trừng phạt không chắc chắn thi hành, hình thế đất đai không tiện giữ, dưới không dùng hết cái sức của dân. Rõ ràng đó là tình trạng một nước đang mất. Thế mà vua Triệu không lo đến dân chúng, dốc tất cả binh sĩ và dân chúng đóng quân dưới thành Trường Bình để tranh giành đất Thượng Đảng của nước Hàn. Đại vương ban chiếu phá tan quân Triệu chiếm thành Vũ An. Lúc bấy giờ ở nước Triệu người trên kẻ dưới không thân yêu nhau, người sang kẻ hèn không tin nhau. Như vậy thì sẽ không giữ được thành Hàm Đan. Thành Hàm Đan một khi bị chiếm, ta đánh lấy đất Hà Gian ở phía đông núi, đem quân đi sang phía tây tiến công Tư Vũ, vượt qua núi Hoa Sơn, chiêu hàng Thượng Đảng. Bốn mươi sáu huyện của đất Đại, bảy mươi huyện của đất Thượng Đảng, không dùng một tên lính, không làm khó nhọc một người dân mà đều sẽ là đất của nước Tần.

Khi các đất Đại và Thượng Đảng không chiến đấu mà đều thuộc về nước Tần thì các đất Đông Dương, Hà Ngoại cũng đều sẽ không chiến đấu mà là của nước Tề. Các đất Trung Sơn, Hô Đà đi về phía bắc cũng đều sẽ không chiến đấu mà thuộc về nước Yên. Như thế thì nước Triệu mất.

Nước Triệu mất thì nước Hàn sẽ mất. Nước Hàn đã mất thì nước Kinh, nước Nguỵ không thể đứng một mình. Nước Kinh nước Nguỵ đà không thể đứng một mình thì Tần một lần cất quân mà tiêu diệt nước Hàn, nhét nước Nguỵ vào đãy, nhổ nước Kinh, đem quân về phía đông mà làm yếu nước Tề, nước Yên.

Phá vỡ cửa sông ở Bạch Mã đê cho nước chảy vào nước Nguỵ thì làm một lần mà Tam Tấn đều mất, và kế hợp tung thì thất bại. Đại vương cứ chắp tay mà chờ đợi, thiên hạ lũ lượt đến phục tùng. Danh tiếng bá vương có thể thành được. Thế mà bọn mưu thần không làm, kéo quân rút lui, lại hoà hiếu với nước Triệu.

Nói chung, sáng suốt như đại vương, mạnh như quân Tần mà bỏ lại cái nguyện bá vương: đất tăng chẳng có được, lại bị cái nước suýt mất lừa dối, đó là cái kém của bọn mưu thần.

Vả lại, khi nước Triệu đáng mấy mà không mất, nước Tần đáng làm bá mà không làm bá, thì thiên hạ đã hiểu rõ khả năng mưu thần nước Tần rồi. Thế mà lại đem dốc hết quân sĩ để đánh thành Hàm Đan, không thể lấy được thành, bỏ áo giáp, mang cung nỏ run cầm cập mà rút lui[5]. Lần thứ hai, thiên hạ đã rõ sức của nước Tần.

Lại đem quân rút lui họp dưới chân thành Phù, đại vương lại đem tất cả quân đến đánh nhau với quân địch nhưng không thể đánh bại nó, lại không thể đem quân vé, mệt mỏi mà rút đi[6]. Lần thứ ba thiên hạ đã xét rõ cái sức của nước Tần vậy. Bên trong không xét các mưu thần của mình, bên ngoài đã dùng hết binh lực của mình.

Cứ theo thế mà xét thì thần cho rằng thiên hạ sẽ hợp tung chống lại chắc không phải là chuyện khó. Võ khí chúng ta cùng, binh sĩ dân chúng bị bệnh, của cải chứa chất kiệt, ruộng vườn hoang, kho thóc rỗng, bên ngoài thiên hạ đều kiên quyết đoàn kết nhau chặt chẽ. Xin đại vương nghĩ cách đối phó.

6.

Vả lại thần nghe nói: “Run run sợ sợ, ngày nào cũng cẩn thận; nếu cẩn thận lo đến cái đạo của mình thì có thể có được cả thiên hạ”. Tại sao lại biết như vậy?

Ngày xưa Trụ làm thiên tử, định đem quân đội thiên hạ trăm vạn, cánh trái uống nước ở Kỳ Khê, cánh phải uống nước ở Viên Cốc, nước sông Kỳ khô kiệt mà nước sông Viên không chảy, để gây khó khăn cho Chu Vũ Vương. Vũ Vương cầm ba ngàn binh sĩ, đánh một ngày mà phá tan nước của Trụ, bắt được thân Trụ, chiếm đất của ông ta và làm chủ dân ông ta. Thiên hạ không ai thương xót về việc ấy. Trí Bá đem quân của ba nước để tấn công Triệu Tương Chú ở thành Tấn Dương, dẫn nước vào thành luôn ba tháng, thành sắp bị mất. Tương Chủ bói mai rùa cỏ thi để xem lợi hay hại, nên hàng nước nào. Bèn sai bầy tôi của mình là Trung Mạnh Đàm lặn lội trốn ra ngoài mưu trái lại lời giao ước của Trí Bá, nắm được quân của hai nước để đánh Trí Bá, bắt được Trí Bá và phục hồi lại tình trạng yên ổn trước đây.

Ngày nay, đất Tần cắt dài bù ngắn cũng vuông vài ngàn dặm, quân đội nổi tiếng vài chục vạn, hiệu lệnh thưởng phạt, hình thế đất đai lợi hại của Tần thiên hạ không thể bằng. Lấy cái đó để đối phó với thiên hạ thì có thể thôn tính được thiên hạ.

Thần liều chết muốn được yết kiến đại vương, nói cách phá kế hoạch hợp tung của thiên hạ, lấy nước Triệu, diệt nước Hàn, bắt các nước Kinh, Nguỵ phải làm bầy tôi, thân với nước Tề, nước Yên để làm thành cái danh bá vương, cái đạo khiến chư hầu bốn bên chầu mình.

Nếu đại vương thực lòng nghe cái thuyết này thì một lần cất quân mà kế hợp tung của thiên hạ không bị phá, nếu nước Triệu không mất, nước Hàn không diệt, nước Kinh, nước Nguỵ không làm bầy tôi, nước Tề, nước Yên không thân, cái danh hiệu bá vương không thành, chư hầu bốn bên không vào chầu, xin đại vương chém thần để ra hiệu cho cả nước, về tội bàn mưu cho nhà vua mà không trung.

Chú thích sửa

[1] Đây nói chuyện Nhạc Nghị cầm đầu quân nước Yên đánh bại quân Tề vào năm -284. Năm mặt là bốn phía và ở giữa.

[2] Nước Sở còn gọi là nước Kinh. Vì cha của Tần Thủy Hoàng tên là Tử Sở cho nên kiêng chữ Sở mà gọi là Kinh. Trong quyền này phần lớn nước Sở được gọi là Kinh cũng là vì thế, chỉ trừ những bài viết cho vua Hàn thì nước Sở vẫn gọi là Sở.

[3] Ba nước Hàn, Triệu, Ngụy đều xuất phát từ chỗ chia ba nước Tấn trước cho nên gọi gộp cả ba nước ấy lại là Tam Tấn.

[4] Nhượng Hầu cấp thêm quân cho nước Triệu để đánh nước Tề, cho nên nói dùng binh một nước để lập nên cái công của hai nước.

[5] Tin Lang Quân đem quân nước Triệu đánh bại quân Tần đang vây hãm Hàm Đan của Tề

[6] Tần vây Hàm Đan 9 tháng, chết bị thương vô số, Triệu Vương đánh, Tần rút lui

[7] Bài này có lẽ dàn trước bài “Lần thứ nhất yết kiến vua Tần” thì mới hợp lý.