Sách Hàn Phi Tử/Dùng người (Dụng nhân)

1.

Nghe nói những người xưa khéo dùng người thế nào cũng thuận theo trời, thuận theo người mà làm sáng tỏ việc thưởng và phạt. Thuận theo trời thì dùng sức ít mà công được lập. Thuận theo người thì hình phạt giản dị mà mệnh lệnh được thi hành. Soi sáng việc thưởng và phạt thì Bá Di. Đạo Chích không lẫn lộn. Như vậy thì trắng đen phân biệt.

Bầy tôi một nước trị an thì lập công cho nước để giữ địa vị, biểu lộ tài năng ở chức quan để nhận chức, dốc sức vào quyền lực để đảm nhiệm công việc. Bầy tôi đều làm đúng khả năng của mình, đủ sức làm chức quan, không kiêm nhiệm và không nuôi ý gì khác trong lòng, thì không ai tìm cách xin nhà vua cho kiêm thêm chức.

Cho nên bên trong không có cái loạn ôm mối oán giận, bên ngoài không có mối lo thua trận như Mã Phục (Mã Phục quân tức Triêu Quát bị quân Tần đánh bại ở Trường Bình). Bậc vua sáng khiến cho công việc không can thiệp vào nhau, cho nên không ai kiện tụng, khiến cho những kẻ sĩ không kiêm chức quan. Nhờ thế kỹ năng giỏi, khiến người ta không cùng công việc cho nên không ai tranh giành Việc tranh giành kiện tụng bị ngừng lại, kỹ năng giỏi được xác lập thì kẻ yếu người mạnh không tranh nhau đọ sức. Băng và than không hoà lẫn với nhau thì thiên hạ không ai làm tổn thương nhau việc trị an là cực điểm vậy.

2.

Bỏ pháp luật và thuật trị nước mà lấy cái tâm để cai trị thì Nghiêu không thể chỉnh đốn được một nước. Bỏ cái quy, cái củ mà lấy ý mà đo đạc thì Hề Trọng (quan coi xe cộ của Hạ Vũ) không thể làm thành một bánh xe. Bỏ thước tấc để so sánh cái dài cái ngắn, thì Vương Nhĩ (tên người thợ khéo ngày xưa) không thể nêu được chỗ ở giữa. Nhưng nếu một ông vua trung bình nắm lấy pháp luật và thuật trị nước, một người thợ vụng giữ cái quy cái củ, cái thước cái tắc, thì vạn điều không sai, một điều. Kẻ làm vua chúa nếu có thể bỏ được cái điều mà người giỏi cũng không làm được để giữ lấy cái mà người vụng làm vạn điều không sai một thì sức người dùng được hết mà công danh được xác lập.

3. Bậc vua chúa sáng suốt lập nên cái thưởng có thể làm được, đặt ra cái phạt có thể tránh được. Cho nên người giỏi được cái thưởng khuyến khích mà không thấy cái hoạ của Ngũ Tử Tư, người hèn kém ít bị tội mà không thấy người gù bị cắt lưng. Người mù ở nơi bằng phẳng mà không ở vào nơi khe sâu. Người ngu giữ sự yên tĩnh mà không bị hãm vào nơi hiểm nguy. Như vậy thì cái ơn trên dưới mới tích luỹ được.

Người xưa có nói: “Khó biết được lòng người, cái vui cái giận khó đúng”. Cho nên lấy cái đích bày ra cho mắt nhìn, lấy cái trống để nói với lỗ tai, lấy pháp luật để giáo dục cái tâm. Người làm vua bỏ ba cái phép dễ làm để thi hành cái tâm khó biết thì cái giận chất chứa ở trên, cái oán chất chứa ở dưới, lấy cái giận chất chứa dùng để khống chế cái oán chất chứa thì cả hai bên đều nguy.

Bậc vua sáng nêu lên cái dễ thấy, cho nên lập giao ước. Giáo hoá của ông ta để biết cho nên lời nói được dùng. Pháp luật dễ làm cho nên mệnh lệnh được thi hành. Ba cái được xác lập, mà ở trên không có lòng riêng tư, thì ở dưới có thể theo pháp luật mà trị. Nhìn theo đích mà hành động, theo dây mực mà đẽo, theo đường vạch mà may. Như thế thì ở trên không có tiếng xấu vì có bụng riêng tư, mà ở dưới cũng không bị giết vì ngu dại vụng về. Cho nên ở trên vua sáng mà ít nổi giận, ở dưới tân trung mà ít phạm tội.”

4.

Nghe nói: “Nếu làm việc mà không lo lắng thì đến Nghiêu cũng không làm được”, và ở đời chưa từng vô sự. Kẻ làm vua gặp kẻ không coi nhẹ tước lộc, không coi giàu sang là dễ thì không thể cùng anh ta cứu cái nước bị nguy khốn.

Cho nên bậc vua sáng trau dồi sự liêm sỉ mời những người nhân nghĩa. Ngày xưa Giới Tử Thôi không tước lộc mà theo Tấn Văn Công vì nghĩa. Không nỡ nhìn thấy chúa đói ông tỏ lòng nhân cắt thịt mình, cho nên bậc làm vua nhớ cái đức của ông sách và tranh vẽ ca ngợi cái danh của ông. Bậc làm vua vui về chỗ khiến người ta dốc sức vào việc ông mà khổ về chỗ kẻ làm việc tư cướp uy quyền. Kẻ làm bầy tôi người ta yên ổn về chỗ nhờ có năng lực được nhận chức vụ, mà khổ về chỗ một người gánh hai nhiệm vụ. Cho nên bậc vua sáng trừ bỏ cái bầy tôi cho là khổ và lập cái nhà vua lấy làm vui. Cái lợi của người trên kẻ dưới không gì lâu dài hơn thế. Nếu không xét việc trong của các nhà riêng, coi nhẹ các việc lớn, trị tội nặng những kẻ phạm tội nhẹ nhớ lâu những lỗi nhỏ, thường khinh nhờn người ta để mua vui, nhiều lần lấy đức để đối xử với những kẻ gây hoạ, thì đó cũng như chặt tay rồi lấy ngọc để nối vào. Cho nên ở đời có mối lo mất ngôi.

Bậc làm vua chúa người mà lập ra những điều khó làm để trị tội những người không làm được thì các oán giận riêng sẽ sinh ra. Bầy tôi bỏ mất cái sở trường mà phải phục vụ những việc khó làm thì nỗi oán giận kín đáo tích tụ lại. Người khó nhọc vất vả không được vỗ về, người buồn bã lo lắng không được thương xót, khi vui thì khen kẻ tiểu nhân, người hiền và kẻ hư hỏng đều được thưởng. Khi giận thì huỷ báng người quân tử, khiến cho Bá Di và Đạo Chích đều bị nhục. Cho nên có bầy tôi phản chúa.

5.

Ví thử vua nước Yên bên trong ghét dân mình mà bên ngoài yêu dân nước Lỗ thì người nước Yên sẽ không tuân theo ông ta mà người nước Lò sẽ không ủng hộ ông ta. Dân bị ghét thì không thể dốc sức lo việc công, người Lỗ được thích cũng thể quên cái lệnh bị giết để thân với ông vua khác. Như vậy thì bầy tôi sinh lòng hiềm khích mà nhà vua bị cô lập. Lấy bầy tôi sinh lòng hiềm khích để thờ ông vua bị cô lập cái đó gọi là mối nguy lớn.

Không ngắm kỹ cái đích mà cứ bắn bừa thì tuy có trúng cũng không phải là giỏi. Bỏ pháp chế mà nổi giận bừa bãi thì tuy có giết tróc nhưng kẻ gian cũng không sợ; Giáp làm tội mà Ất lại mang hoạ thì sự oán giận ngầm tích luỹ. Cho nên một nước thực sự trị yên thì có thưởng có phạt, nhưng không có vui không có giận. Tuy bậc thánh nhân có giết tróc, có người phạm vào hình pháp bị chết nhưng không phải là độc ác, cho nên bọn gian phục theo. Bắn tên thì trúng đích, thưởng và phạt thì chắc chắn đúng với việc làm cho nên Nghiêu sống lại, Hậu Nghệ lập lại. Như thế thì người trên không có mối lo của nhà Ân, nhà Hạ, người dưới không có cái hoạ của Tỷ Can. Nhà vua cao gối nằm chơi mà bầy tôi vui với nghề của mình, cái đạo che khắp trời đất và cái đức để lại muôn đời sau.

5.

Phàm bậc làm vua nếu không bịt các lỗ hổng mà chỉ dốc sức vào việc sơn ở bên ngoài, thì khi gặp mưa to gió lớn thế nào nhà cũng sụp đổ.

Nếu không trừ bỏ cái hoạ ở lông mày, lông mi lại ham cái chết của Mạnh Bôn, Hạ Dục, nếu không cẩn thận về cái hoạ ở nơi tường vách mà lo củng cố cái thành vàng ở nơi biên giới xa xôi, nếu không dùng mưu kế của người hiền ở gần mà lo giao hiếu với cái nước có vạn cỗ xe ở ngàn dặm thì một sớm có trận gió nổi lên ắt Mạnh Bôn, Hạ Dục không thể cứu, và kẻ giao hiếu bên ngoài không đến kịp, hoạ không có gì lớn bằng.

Ở thời buổi nay, tính cái kế trung thành cho nhà vua thì nhất định không khiến cho vua nước Yên yêu người nước Lỗ, không khiến cho những người thời gần đây hâm mộ người hiền ở thời xưa, không nghĩ đến việc nhờ người Việt cứu người Trung Quốc bị chết đuối. Như vậy thì người trên kẻ dưới thân nhau, cái công ở bên trong lập được, cái danh ở bên ngoài thành được.