Hướng dẫn sửa đổi cơ bản Wikipedia/Điều cần nhớ
Lời nói đầu | Sửa đổi | Định dạng | Liên kết trong Wikipedia | Chú thích nguồn gốc | Trang thảo luận | Điều cần nhớ | Đăng ký tài khoản | Tổng kết |
Đây là một số điều bạn cần phải ghi nhớ khi sửa đổi Wikipedia.
Quy định cốt lõi về nội dung
Thái độ trung lập
Duy trì thái độ trung lập là một trong năm cột trụ và một trong các nguyên tắc căn bản của Wikipedia. Quy định này nói rằng chúng ta chấp nhận tất cả quan điểm có giá trị về một vấn đề. Thay vì chỉ đơn giản viết một suy nghĩ của ai đó, chúng ta sẽ cố gắng trình bày tất cả những quan điểm có liên quan để không bị nói là đang phán xét. Mục đích của chúng ta là cung cấp thông tin, chứ không phải đang cố thuyết phục ai đó. Quy định là như vậy nhưng KHÔNG có nghĩa mọi bài viết của Wikipedia đều tuyệt đối "khách quan", vì mỗi bên tham gia một cuộc tranh luận đều tin rằng quan điểm của họ là "đúng."
Wikipedia không tìm kiếm sự công bằng theo cách cho tất cả quan điểm đối lập một "khoảng đất viết" như nhau hoặc đối xử như thể giá trị của chúng là ngang nhau. Một quan điểm cần được trình bày ngang với tỷ lệ được đề cập đến trong một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Khi chủ đề của bài viết trình bày những lý thuyết ngoài luồng, chẳng hạn như Phủ nhận HIV/AIDS hay Các thuyết âm mưu về quyền công dân của Barack Obama, bài viết sẽ cung cấp đáng kể các quan điểm chính thống song song với những ý kiến bên lề một cách minh bạch.
Quan điểm của các cá nhân được chấp nhận trong bài viết, nhưng chúng phải được trình bày như một ý kiến chứ không phải kiểu thực tế. Viết như thế này có thể giúp biến quan điểm thành ý kiến một cách rõ ràng: "Những người ủng hộ cho rằng..." hay "Bình luận viên nổi tiếng X tin rằng..."
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy các thành viên Wikipedia đề cập đến từ "POV" khi biên tập. Đó là từ lóng của Wikipedia để chỉ những bài viết thiên vị, hoặc rõ ràng là nội dung bài chỉ nêu một quan điểm duy nhất (từ "POV" là viết tắt tiếng Anh của "point of view"). Những bài viết quảng cáo (cá nhân hay tổ chức) nghiễm nhiên rơi vào nhóm này, cũng như các nội dung chính trị có tính đả kích. Ở một mức độ thấp hơn, bài viết có thể gặp phải vấn đề "POV" nếu nó dành quá nhiều không gian để phân tích một quan điểm mà ít tập trung vào các quan điểm khác cũng có giá trị tương đương, thậm chí khi mỗi quan điểm đều được trình bày trung lập, hoặc nếu bài viết bày tỏ mối quan tâm quá mức dành cho một quan điểm nhỏ.
Nếu bạn định đóng góp lâu dài vào các bài viết thuộc những chủ đề thường gây tranh cãi như tôn giáo hay chính trị, điều quan trọng là bạn cần xem và hiểu thật kỹ trang quy định về thái độ trung lập càng sớm càng tốt. Có lẽ bạn cũng cần đọc qua bài luận Giữ một cái đầu lạnh. Còn nếu bạn chỉ quan tâm đến những chủ đề ít nhạy cảm như toán học hay các trò chơi video, bạn vẫn nên xem trang quy định để nắm được cách viết chung cho hợp lý. Hãy nhớ thật kỹ những lời khuyên này, và đọc lại toàn bộ trang quy định nếu gặp phải vấn đề "POV".
Kiểm chứng được
Wikipedia đòi hỏi những nội dung có thể kiểm chứng được, điều đó có nghĩa là bạn chỉ được thêm những gì có nguồn đáng tin cậy vào trong bài viết. Nếu bạn không thể tìm ra các nguồn đáng tin cậy để xác minh thông tin mình cung cấp, nó không được phép đưa vào Wikipedia kể cả khi nó "đúng". Bạn phải trích dẫn nguồn tham khảo cho bất kỳ thông tin nào mình vừa đóng góp mà gây tranh cãi hoặc bị phản đối, cách tốt nhất là thêm một cước chú, như đã trình bày trong trang "Chú thích nguồn gốc" của sách hướng dẫn này. Việc trích dẫn giúp người đọc chứng thực được những gì bạn đã viết và có thể tìm thêm thông tin.
"Paris là thủ đô của nước Pháp" là một ví dụ để nói lên rằng không phải lúc nào cũng bắt buộc có chú thích nguồn gốc, bởi vì thông tin đó là một kiến thức quá phổ biến và mọi người biết rằng có đến hàng vạn nguồn có thể trích dẫn. Nó được tự động cho là điều hiển nhiên mà không cần giải thích.
Nếu có trang web nào có thể thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với độc giả của bài viết, chúng nên được liệt kê và liên kết đến trong mục "Liên kết ngoài". Những sách được quan tâm đặc biệt có thể liệt kê trong mục "Đọc thêm", nhưng chỉ với khi chúng chưa được sử dụng làm nguồn dẫn trong bài viết.
Không đăng nghiên cứu chưa công bố
Wikipedia không phải là nơi dành cho các nghiên cứu chưa được công bố — đó là các sự kiện, suy đoán, hoặc ý tưởng không đáng tin hoặc chưa được xuất bản. Điều này cũng áp dụng đối với bất kỳ sự tự phân tích hay tự tổng hợp các tài liệu đã công bố nào nhằm củng cố một luận điểm không có trong nguồn. Nguồn dẫn phải hỗ trợ trực tiếp cho nội dung. Ví dụ: tuyên bố "hầu hết các nhà khoa học máy tính tin rằng P ≠ NP" phải được hỗ trợ bởi một nguồn đáng tin cậy trong đó có ghi rõ ràng rằng hầu hết các nhà khoa học máy tính tin như thế, chứ không phải dùng năm nguồn dẫn khác nhau từ năm nhà khoa học máy tính đều nói là họ tin như thế mà không có tuyên bố nào ghi "hầu hết".
Những phép tính thông thường, bản dịch từ các ngôn ngữ khác và bản ghi chép trung thực từ một đoạn âm thanh hay phim đã ra mắt, nhìn chung không bị xem là nghiên cứu chưa được công bố.
Quy định biên tập khác
Đối tượng thông tin
Wikipedia là một bách khoa toàn thư có thể chỉnh sửa. Do đó, các thông tin trong bài viết phải mang tính bách khoa về các chủ đề "đủ nổi bật". Chính xác thế nào là chủ đề đủ nổi bật vẫn đang là đề tài được tranh luận liên tục trong Wikipedia, nhưng trong mọi trường hợp đều không nên có (theo quy định của Wikipedia) những bài về bất kỳ ai sống trên hành tinh này, hay về những công ty nào bán bất kỳ thứ gì, hay về từng con đường trong từng thành phố trên thế giới. Tuy nhiên có những dự án bạn bè với Wikipedia chấp nhận những thông tin không mang tính bách khoa.
Các bài viết trong Wikipedia chủ yếu nói về một chủ đề, chứ không phải một từ trong chủ đề đó, vì vậy bất kỳ bài viết nào chỉ đơn giản là định nghĩa và giải thích cách dùng một từ hay cụm từ ngắn, bạn cần phải tra cứu trong một từ điển đúng nghĩa, và thay vì viết những bài như vậy ở đây, bạn nên đóng góp cho dự án bạn bè Wiktionary (có phiên bản tiếng Việt như Wikipedia).
Nguyên văn những bài văn thơ, chẳng hạn như từ một cuốn sách thuộc phạm vi công cộng mà bạn muốn đăng lên để giúp nhiều người được đọc nó, bạn nên đóng góp cho Wikisource (có phiên bản tiếng Việt như Wikipedia), một dự án bạn bè khác của Wikipedia.
Bản mẫu:Liên quan Wikipedia Để biết danh sách toàn bộ các dự án liên quan, xem Danh sách đầy đủ các dự án của Wikimedia.
Chúng tôi cũng có xu hướng không khuyến khích các biên tập viên tự viết bài về chính bản thân họ hoặc thành tích của họ, để tránh xung đột lợi ích. Nếu bạn có những thành tích đáng chú ý, người khác cuối cùng rồi cũng sẽ viết một bài về bạn thôi, hoặc bạn cũng có thể nhờ họ viết.
Quyền tác giả
Không được thêm các tài liệu có bản quyền vào Wikipedia mà chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Khi đóng góp thông tin vào bài viết, hãy chắc chắn rằng bạn đang viết theo văn phong của riêng mình. Xin lưu ý rằng tất cả thông tin tìm thấy trên internet đều có bản quyền trừ phi bản thân trang web đó có tuyên bố khác.
Văn phạm tiếng Việt
Wikipedia tiếng Việt sử dụng ngôn ngữ phổ thông mang tính toàn dân để truyền đạt thông tin. Hãy cố gắng tuân theo các quy tắc sau đây khi chỉnh sửa một bài viết bách khoa:
- Đừng sửa một trang chỉ với mục đích đơn giản là muốn chỉnh lại câu từ theo phương ngữ của nơi bạn sinh sống.
- Viết hoa các chức vụ đặt trước tên một nhân vật (ví dụ: Vua Trần Nhân Tông), tên riêng và địa danh (ví dụ: Hà Nội), tên công ty và tổ chức, tên một tôn giáo-học thuyết (ví dụ: đạo Phật), tên ngày tháng (ví dụ: thứ Hai, tháng Tám), tên vùng miền (ví dụ: miền Tây Bắc) và các trường hợp phổ biến khác.
- Không dùng từ lóng hoặc viết tắt (ví dụ: viết "câu lạc bộ" hay "đại học" thay vì "CLB" và "ĐH").
- Đặt các dấu câu hợp lý, không có khoảng trắng sau chữ cái và trước dấu ngắt câu như dấu chấm hay dấu phẩy (ví dụ: viết "thời đại mới , con người mới" là sai, viết "thời đại mới, con người mới" là đúng).
Cách ứng xử
Wikipedia khuyến khích một bầu không khí thân thiện và cởi mở. Tất nhiên, trong thực tế đôi khi sẽ phát sinh những bất đồng hay thậm chí là một cuộc tranh cãi nóng nảy kéo dài, nhưng các thành viên của cộng đồng được kỳ vọng sẽ cư xử với nhau sao cho thật văn minh.
Điều quan trọng nhất bạn cần tâm niệm là luôn luôn giữ thiện ý vừa đủ với các thành viên khác. Đừng tự cho rằng có ai đó đang cố ý phạm luật hay có ác ý. Nếu ai đó đang làm điều gì mà bạn cảm thấy không hài lòng, hãy viết một thông điệp lịch sự vào trang thảo luận của bài viết có liên quan hoặc vào trang thảo luận của người đó, và hỏi lý do họ làm vậy. Nhờ vậy mà nhiều khả năng bạn đã tránh được một sự hiểu lầm và đỡ phải bối rối khi biết mình đã ngộ nhận.
Viết bài mới
Khi bạn viết một bài mới trên Wikipedia, cố gắng vận dụng những lời đã khuyên trong sách hướng dẫn này và thực hiện đúng các quy định đã nêu ở đây, chẳng hạn như sự trung lập. Điều quan trọng là cần thêm nguồn dẫn để củng cố thêm độ nổi bật của chủ đề và giúp cho người đọc có thể kiểm chứng được thông tin trong bài viết. Bạn nên đăng ký một tài khoản để có thể viết dễ dàng một bài mới trong bách khoa toàn thư (bởi vì người dùng vô danh cần phải điền Captcha mỗi lần muốn thêm một nguồn dẫn là trang web bên ngoài), nhưng điều đó không bắt buộc.
Đổi tên bài viết
Nếu bạn tìm thấy một bài viết mà nghĩ là đã bị đặt tên sai, xin đừng sao chép (copy) nội dung của bài viết tên cũ rồi dán (paste) vào bài viết tên mới — kể cả những loại trang khác, điều đó sẽ làm tên của những người đã đóng góp bị tách ra khỏi lịch sử sửa đổi của trang (mà chúng ta cần phải theo dõi vì lý do quyền tác giả). Phương pháp hữu hiệu nhất là di chuyển trang đến một tên mới (bạn cần phải đăng ký một tài khoản để làm điều đó). Nếu đây là lần đầu bạn di chuyển một trang, xin đọc thật kỹ những cảnh báo trong trang di chuyển, vì có một số vấn đề cần phải xem xét trước khi di chuyển trang. Nguyên tắc lựa chọn tựa đề cho bài viết được mô tả ở Wikipedia:Tên bài. Nếu có liên quan đến một trang "định hướng", cách tốt nhất là xem Wikipedia:Định hướng.