Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong nghệ thuật/Hội họa
Hổ được thể hiện trong nền hội họa của Phương Đông lẫn phương Tây, rất nhiều bức tranh vẽ về loài hổ. Với biểu tượng về sức mạnh, không chỉ ở phương Đông, rất nhiều nơi trên thế giới có đại hội sơn lâm và theo quan niệm ở châu Á, với tư cách là chúa tể, hổ đóng vai trò của quyền uy thống trị, có vai trò điều phối, chia khu vực sơn lâm cho các dã thú khác. Đó là vai trò anh hùng. Đến khi có chủ nghĩa anh hùng phong kiến thì hổ (cùng với đại bàng) là biểu tượng của anh hùng độc lập. Có thể thấy điều này qua những bức tranh cổ vẽ cảnh hổ đang gầm mặt trời. Lúc này, hổ là anh hùng giang hồ chống phá lại thể chế, không bị hàng phục dưới bất kỳ một chính thể tập quyền nào.[1] Ở Phương Tây thời cổ, Người ta cũng thu thập được những tài liệu qua tranh vẽ của nhữnghọa sĩ châu Âu sống vào khoảng thế kỷ XVIII và XIX, theo những tài liệu này thì sư tử thường là kẻ chiến thắng trong những trận đấu phân chia quyền lực trong các cuộc quyết đấu và loại tranh này xuất hiện trên cả huy hiệu của Hoàng gia Anh. Các họa sĩ theo trường phái cổ ở các nước Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vẽ rất nhiều bức tranh về loài hổ bằng các chất liệu truyền thống, người Việt Nam có tranh Đông Hồ mô tả về ngũ hổ, người Trung Quốc có tranh thủy mạc vẽ về hổ và rồng. Hội họa phương Tây cũng có nhiều tác phẩm hội họa bằng tranh sơn dầu hoặc những nét vẽ bằng bút chỉ để họa về hình tượng con hổ.
Người Hàn Quốc có bức họa thần núi (Sansindo) vẽ cảnh thần núi ngồi tựa hổ hay cưỡi trên lưng hổ và một số bức tranh, con hổ chính là thần núi trong quan niệm của người tạo tác. Nhưng trong những bức tranh khác, hổ lại xuất hiện bên cạnh một cụ già nhân từ đó chính là thần núi và hổ là loài hầu cận của ông này. Hổ tiếp nhận mệnh lệnh từ thần núi để trấn an cho làng xóm, cho từng gia đình, bảo vệ sinh mệnh cho người dân. Giới Phật giáo Hàn Quốc cũng treo tranh thần núi còn gọi là Sansintaenghwa mô tả một cách sinh động, hài hước về sơn thần và hổ. Người Hàn Quốc còn có bức tranh Jakhodo (Ác hổ đồ), tranh chim ác là và hổ. Chim ác là đang đậu trên cành thông xanh ngắt còn hổ thì ngước nhìn cành cây. Đây là hai loài vật rất được chuộng trong nghệ thuật dân gian Hàn Quốc, Chim ác là được quan niệm là dấu hiệu của điềm lành. Hổ là giống vật nhân từ bảo vệ con người khỏi tai ương. Còn cây thông tượng trưng cho tuổi thọ và sự trường tồn.
Vùng văn hóa Đông Á nói chung rất chuộng hổ, ngày Tết thích treo tranh hổ, một cử chỉ mang biểu tượng cá tính, đặc biệt, người Hàn Quốc hay treo những bức tranh Jakhodo trong nhà vào tháng Giêng âm lịch hàng năm vì có ý nghĩa ngăn ngừa điềm họa nên đã hình thành tập quán treo tranh vì người xưa cho rằng treo tranh trong nhà sẽ xua được hung khí để gia đình được an vui. Đề tài về hổ nếu gạt bỏ cái vỏ tôn giáo thì bản thân nó sẽ trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như các tranh ngũ hổ, bạch hổ hay hắc hổ… do sự phối hợp đường nét, hình khối và màu sắc tài tình của nghệ sĩ đã tạo nên những bức tranh hổ đẹp, đầy sức sống mãnh liệt, biểu hiện trên nét mặt, chòm râu, ánh mắt sáng dội của hổ nhất là thế ngồi của hổ, với thân hình vạm vỡ, chắc khoẻ ngồi nghiêng trên thế chống thẳng tuyệt đối vững chắc của hai chân trước, càng làm tăng thêm sức mạnh của hổ luôn được khai thác.
Trong tín ngưỡng phương Đông, Hổ là một con vật, tượng trưng cho sức mạnh và sự thành công trong sự nghiệp,[2] tranh Ngũ hổ được cho là xuất hiện từ khoảng 400 năm trước và chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo giữa các vùng miền ở Việt Nam và là bức tranh của dòng tranh Hàng Trống ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Tranh ngũ hổ trong gia đình người Việt không chưng trên bàn thờ gia tiên như những bức tranh ngũ quả mà tranh ngũ hổ thường treo ở bàn thờ dành riêng cho hổ hoặc trưng dưới ban thờ thần thánh hoặc thờ Phật. Một số ý kiến khác cho rằng, những bức tranh ông Hổ được xuất hiện từ đời nhà Trần, sau khi tướng Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên Mông do đó để ca ngợi hào khí của dân tộc trong những ngày tháng đó, những bức tranh Hổ đã ra đời như vậy.[3]
Hội họa dân gian Việt Nam đã thần thánh hoá con hổ với trường phái tranh Hàng Trống (Hà Nội) chuyên vẽ tranh hổ (hoàng hổ, hắc hổ, bạch hổ, tứ hổ, ngũ hổ) để treo thờ với tư cách là những vị trấn giữ các phương trời đất. Bởi vậy, khi vẽ tranh hổ, người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện đủ năm con hổ với 5 tư thế, và 5 màu sắc khác nhau. Tranh ngũ hổ trong dân gian còn gọi là tranh ông Năm Dinh. Đó là 5 vị thần tướng ngự trị năm phương trời. Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật, thể hiện sức mạnh của loài mãnh chúa. Nếu như năm Hổ (Dần) người Việt Nam hay treo tranh Tết Ngũ Hổ hay Nhất Hổ; đây là bức tranh dân gian đẹp, hàm chứa các giá trị tâm linh, nghệ thuật dân gian theo quan niệm, triết lý nhân sinh quan về vũ trụ của người xưa. Trong ngày xuân, tâm trạng mọi người thanh thản ngồi bên sắc thắm cành đào, uống chén rượu nồng và ngắm những bức tranh Tết - tranh Hổ con người thêm sảng khoái, giàu sức sống mà tranh Tết chính là thông điệp chuyển lời cầu chúc tốt đẹp cho mình và chúc điều tốt lành cho mọi người, là nếp ứng xử giàu tính nhân văn của người Việt xưa[4]
Dựa trên cách thể hiện nguyên lý theo quan niệm văn hoá phương Đông, người xem tranh /thờ tranh có thể suy luận theo nhiều hướng khác nhau để dịch chuyển vấn đề từ Ngũ hổ (Hổ vàng, Hổ xanh, Hổ trắng, Hổ đỏ, Hổ đen) tới Ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm), Ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh), Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông),... hơn nữa khi suy luận rộng, mỗi màu sắc trong tranh lại tương quan với tính cách của từng nhân vật hổ, theo quan niệm tượng trưng sắc màu trong dân gian nhằm biểu đạt nổi bật chủ đề miêu tả, làm cho tổng thể bức tranh hổ thêm thần bí, lôi cuốn người dùng (tâm linh) và người xem (thưởng thức nghệ thuật). Sau này, tranh dân gian Hàng Trống lại nghĩ thêm ra bộ Ngũ hổ tướng và lập bàn thờ trong đền. Có nhiều loại tranh hổ: bạch hổ, hắc hổ, ngũ hổ… Trong đó, tranh ngũ hổ là nổi bật hơn cả. Tranh ngũ hổ còn gọi là tranh ông Năm dinh, tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm phương trời, nên các nghệ nhân khi vẽ tranh hổ, ngoài chòm râu ánh mắt dữ tợn của hổ được vẽ bằng màu vàng kim, dân gian còn vẽ 5 màu nhất định, tượng trưng cho trung tâm và bốn hướng với bố cục cân đối.
Tranh Ngũ hổ là một bức vẽ phổn thể 5 nhân vật (Hoàng hổ, Thanh hổ, Bạch hổ, Xích hổ, Hắc hổ) được bố cục, trình bày theo một trật tự từ trong ra ngoài, từ cao tới thấp, từ chính đến phụ dựa trên nguyên lý ngũ hành (Kim-mộc-thuỷ-hoả-thổ), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung ương) để thể hiện uy vũ vị thần hổ. Đồng thời, ngũ hổ gợi cho người xem cảm giác về một lá bùa chú và thể hiện sự xum vầy đầy đủ vì thế treo tranh ngũ hổ cảm thấy yên tâm vì được che chở. Từ quan sát thực tế, người hoạ công vẽ tranh thờ lấy nguyên mẫu từ con hổ hoang dã trong đại ngàn để phác hoạ hình tượng thần hổ có sức mạnh phi thường, qua dáng ngồi, đứng, cưỡi mây, lướt gió oai phong, đường bệ với mảng khối cơ bắp khoẻ mạnh, linh hoạt, các chi tiết mặt, râu, mũi, vằn lông,...sắc nét dữ tợn; đặc biệt là những con mắt hổ luôn rực lửa nội lực của loài mãnh thú. Bằng lối vẽ công bút, dầm bút, người hoạ công vẽ tranh thờ xưa đã biểu đạt rõ nét tính cương - nhu trong thần hổ, mà ở đó mỗi vị thần hổ lại được gắn với một hành, một phương, một sắc màu và những ý niệm đầy tính triết lý qua hình tượng:
- Hoàng hổ tướng quân: được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm (địa khu), trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ. Màu vàng thể hiện sự thuận lợi, thăng tiến cùng niềm tin, sự bền vững, lâu dài.
- Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc (mộc khu). Màu xanh thể hiện sự êm đềm và dịu dàng. Tượng trưng cho sức khoẻ, sự phát triển.
- Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim (kim khu). Màu vàng thể hiện sự ổn định. Tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết.
- Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả (hỏa khu). Màu đỏ thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc. Tượng trưng cho tốc độ, tính lãnh đạo, quyền lực cá nhân.
- Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc- ứng với hành thuỷ (thủy khu). Màu đen thể hiện sự thanh thản, yên tĩnh. Tượng trưng cho trí tuệ, sự thông minh.
Bộ tranh dân gian Ngũ hổ tướng dựa một phần vào sự kiện có thật. Trong thiên nhiên, đôi khi con người cũng gặp hổ màu trắng hay đen. Đây là hiện tượng bạch biến hay hắc biến của nhiều loài thú rừng. Màu đen do sắc tố đen trong lông làm thành. Nếu toàn bộ lông bị sắc tố này chi phối, hổ sẽ có màu đen tuyền. Nếu toàn bộ sắc tố này bị hủy, lông sẽ có màu trắng.[5] Thực tế còn nhiều báo cáo ghi nhận được việc bắt gặp các loài hổ xám hay hổ lam (Thanh hổ) và loài hổ vàng hay hổ khoang vàng. Loài hổ có màu đỏ thực tế là những con hổ sậm màu thường gặp ở các chủng loài hổ ở Indonesia như hổ Sumatra, hổ Bali.
Cũng có những khuyến cáo về mặt phong thủy đối với việc bài trí tranh hổ trong nhà, theo đó, xuất phát từ quan niệm dân gian của mọi người rằng hổ là con vật có uy lực và bị coi là hung thú nên khi hổ xuống núi vào nhà thì sẽ hại người do đó không nên bài trí hổ trong phòng ngủ (nhất là phòng ngủ vợ chồng), nếu trong nhà treo bức tranh con hổ, nhất là khi đầu hổ hướng vào trong nhà được coi là đại hung đồng thời nếu treo tranh thêu hình con hổ cũng sẽ khiến những người sống trong nhà có tâm trạng bất an và nhà thường có nhiều chuyện buồn. Đặc biệt những người làm kinh doanh càng kỵ không nên treo tranh hổ, bởi như thế sẽ khiến việc kinh doanh không gặp may mắn, lợi ít hại nhiều.[6]
Vào năm 2010, tức năm Canh Dần là năm con hổ, tại Hà Nội, để chào mừng năm mới, một họa sĩ đã triển lãm giới thiệu 60 bức tranh Hổ với đủ tư thế, sắc thái và màu sắc, là món quà họa sĩ tặng bạn bè, công chúng nhân dịp Xuân Canh Dần và chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Với 60 bức chân dung Hổ tượng trưng cho một vòng Hoa Giáp của đời người và được họa sĩ từ khoảng 100 bức tranh về hổ, tượng trưng cho sự dũng mãnh, nhưng cũng đầy sự bình tĩnh, tự tin để luôn luôn thành công. Các bức chân dung hổ được vẽ trên bìa các-tông có nhiều màu sắc khác nhau, có bức rực rỡ màu đỏ, hồng, xanh, có bức chỉ hai màu đen-trắng. Ngoài ra, ở Trung Quốc, tương tuyền, nhị ca của Trương Đại Thiên là Trương Dịch (張澤) hay còn có tên Trương Thiện Ma (張善孖) có biệt hiệu là "hổ si" (虎痴) vì rất mê và vẽ hổ rất giỏi.
- ▲ Hình tượng con hổ trong văn hóa Việt | giadinh.net.vn
- ▲ 60 bức tranh Hổ: khởi đầu cho năm 2010 | ĐÀI TIẾNG NÓI Việt Nam - VOV.VN
- ▲ Thuyết Âm Dương Ngũ hành trong tranh Hổ
- ▲ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định. {{{publisher}}}. Truy cập 6 tháng 10 năm 2013.
- ▲ Tranh dân gian ngũ hổ | ĐÀI TIẾNG NÓI Việt Nam - VOV.VN
- ▲ Những cấm kỵ khi bài trí hổ phong thủy