Ấn Độ giáo/Chi phái Ấn Độ giáo

Ấn giáo thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ

sửa
 
Lưu vực sông Ấn Độ với hai trung tâm Mohenjodaro và Harappa, thuộc Pakistan hiện nay

Tôn giáo thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ (Indus Valley Culture, hưng thịnh khoảng 2300-1750 TCN) chỉ có thể được dựng lại một cách khiếm khuyết từ các công trình khảo cổ. Nhìn chung thì các cách diễn giảng những di tích này đều nhất trí ở điểm là những thành phần của nền văn hoá Indus vẫn tiếp tục tồn tại và có phần được hấp thụ bởi những tôn giáo cổ điển khác của Ấn Độ. Các hình tượng trên những con ấn bằng đá steatite (talc) ở những nơi như Mohenjodaro, Harappa và những khu định cư khác cho thấy những vị thần cây, được các nhà nghiên cứu xem là tiền thân của các loài La-sát (zh. 羅剎, sa. rākṣasa) và La-sát nữ (zh. 羅剎女, sa. rākṣasi) sau này.

Một hình Thần thể (zh. 神體, sa. devatā) trong tư thế ngồi của một hành giả Du-già cho thấy là có thể nguồn gốc của Du-già bắt đầu từ thời văn minh Indus. Người ta cũng tìm thấy một Thần thể ngồi giữa đám thú, được xem là Thú chủ (zh. 獸主, sa. paśupati), "chúa tể loài cầm thú" và - có thể là sai - tiền thân của thần Thấp-bà (sa. śiva). Hình tượng được xem là dương vật dựng đứng (sa. liṅga, en. phallus) của Thấp-bà có lẽ chỉ là một sợi thắt lưng lõng và vì những thần thể này mang trang vật trên cánh tay nên các nhà khảo cổ chưa xác định được đây là hình tượng nam hay nữ. Tắm rửa theo nghi lễ giữ một vai trò quan trọng vì có nhiều dấu tích của những nhà tắm trang trọng được xây rất công phu (có thể được hấp thụ bởi các nhánh tôn giáo Ấn Độ sau này dưới dạng cái ao ở đền thờ). Tuy nhiên, người ta không tìm thấy dấu tích của một ngôi đền thờ nào. Việc diễn giảng những vòng đá như dương vật Thấp-bà và âm hộ (nền của các vòng đá) và các tượng phụ nữ bằng đất nung như các vị Thiên mẫu vẫn là những phỏng đoán.

Ấn giáo vệ-đà

sửa

Nguồn gốc và thánh điển

sửa
 
Một trang của Lê-câu-phệ-đà bản tập (sa. ṛgvedasaṃhitā), ấn bản của nhà Ấn Độ học Max Müller, trình bày hai câu kệ Puruṣasūkta, 10.90, với chú giải của Sāyaṇa

Với tư cách là tôn giáo cổ nhất Ấn Độ với thánh điển còn lưu lại, Ấn giáo Phệ-đà (vedic religion) giữ một vai trò đặc biệt trong việc nghiên cứu tôn giáo sử của Ấn Độ. Tôn giáo này có nhiều điểm rất giống tôn giáo Cổ Iran và qua tên của các vị thần, người ta có thể thấy được mối quan hệ với tôn giáo La Mã, Hy Lạp và Điều Đốn (en. teuton, người Đức thời xưa). Trong một văn bản hợp đồng của Mitanni (một đế quốc Ấn-Ba Tư miền bắc khu vực Lưỡng Hà), người ta tìm thấy tên của các vị thần Phệ-đà như Mật-đa-la (密多羅, sa. mitra), Phạt-lâu-na (zh. 伐樓那, sa. varuṇa), Nhân-đà-la (zh. 因陀羅, sa. indra) và các Mã Đồng (zh. 馬童, sa. aśvin). Tín đồ Phệ-đà giáo là những bộ tộc bán du mục, du nhập Ấn Độ từ miền Tây và Tây bắc trong khoảng thời gian 1700-1200 trước CN qua nhiều đợt. Họ tự gọi là Nhã-lợi-an (zh. 雅利安, sa. ārya, de. arier, en. aryan). Tôn giáo của họ thuộc hệ đa thần với cơ sở nghi lễ tôn giáo là việc cúng tế thần linh. Người thực hiện cầu đảo thần linh bằng một bài tán tụng. Đàn tế lễ được lập một cách nghiêm trang với ba loại lửa, việc tế lễ được thực hiện bởi nhiều tế sư khác nhau cùng với các bài kệ tụng (sa. ṛc), ca vịnh (sa. sāman), câu tế đảo (sa. yajus), và các chân ngôn (sa. mantra). Vật tế lễ là Tô-ma (zh. 蘇摩, sa. soma), thú vật, bơ lỏng, ngũ cốc và thực phẩm đã được nấu chín. Tổ tiên (sa. pitṛ) cũng được cúng tế.

Bốn bộ Phệ-đà (Tứ Phệ-đà 四吠陀) là những tác phẩm tôn giáo và thi ca sớm nhất của gia đình hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Trong bốn bộ này, Lê-câu-phệ-đà (zh. 棃俱吠陀, sa. ṛgveda) giữ một vai trò đặc biệt, bao gồm mười mạn-đà-la (sa. maṇḍala) với 1028 bài tán tụng (vì vậy cũng được dịch nghĩa là Tán tụng minh luận 讚誦明論). Lê-câu-phệ-đà được xem là nguồn văn bản cổ nhất ghi lại các khái niệm thượng đế và thần thoại của những người Nhã-lợi-an Phệ-đà. Công trình biên tập Lê-câu-phệ-đà có lẽ được kết thúc vào khoảng 1000 TCN. Bốn bộ Phệ-đà cùng với các bộ Phạm thư (zh. 梵書, sa. brāhmaṇa, có nội dung chỉ rõ nghi thức tụng niệm, làm lễ), Sâm lâm thư (zh. 森林書, sa. āraṇyaka, có nội dung phỏng đoán về những vấn đề siêu hình), cũng như Áo nghĩa thư (zh. 奧義書, sa. upaniṣad) được xem là những văn bản Thiên khải (zh. 天啓, sa. śruti), tức là được "trời khai mở cho thấy". Chúng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các nhánh tôn giáo sau này tại Ấn Độ. Người Ấn Độ thời Phệ-đà cầu mong các thần thánh ban cho nhiều con, sức khoẻ, phồn vinh, thắng kẻ thù, một cuộc sống trăm năm cũng như sự thứ lỗi cho những lần vi phạm quy luật vũ trụ hoặc "chân lý" (sa. ṛta), và sau khi chết được lên thiên đường (sa. svarga), trú xứ của Đế Thích (sa. indra, Nhân-đà-la) và chư thiên khác. Trách nhiệm của những người sùng tín là: 1. nghiên cứu kinh điển, giữ đúng lễ nghi tế tự, 2. tế tự chư thiên và tổ tiên và 3. nuôi dưỡng con trai để có thể giữ truyền thống cúng tế lâu dài.

Bà-la-môn giáo

sửa

Sự phát triển của tôn giáo Phệ-đà theo hướng nhấn mạnh sự thanh tịnh trong khi thực hiện tế lễ thần thánh đã mang lại một sự chuyên hoá trong giới Bà-la-môn trong thời đoạn 1000-500 TCN. Nó cũng đồng thời loại những người ở cấp dưới, phần lớn là không thuộc nhóm Nhã-lợi-an, thuộc cấp nô lệ (zh. 奴隸, sa. śūdra, cũng gọi là Thủ-đà-la 首陀羅), ra khỏi việc thực hành tế lễ cũng như nghiên cứu Phệ-đà. Trong tay của các Bà-la-môn, bộ môn tế lễ đã trở thành một khoa học xử lý mối tương quan giữa năng lực hữu hiệu trong quá trình tế lễ và quy luật vũ trụ. Những mối tương quan giữa đại vũ trụ và vi quan vũ trụ, giữa chân ngôn với năng lực đi kèm và đối tượng được chân ngôn chỉ đến cũng như giữa hành vi tế lễ và sự việc xảy ra trong tương lai, tất cả đã dẫn đến một quan niệm bao gồm thế gian và sự tế lễ mà trong đó, người ta không cần thần thánh nữa. Thời đoạn này của Phệ-đà giáo cũng được gọi là Bà-la-môn giáo.

Trong thời gian này, người ta tìm thấy những gì ban đầu chỉ được nhắc đến sơ qua trong Phạm thư, và không lâu sau đó được các Áo nghĩa thư trình bày rõ ràng: khái niệm tái sinh và quy luật nhân quả (nghiệp, sa. karman). Giáo lý mới này cho rằng, những hành động tốt cũng như xấu trong đời này sẽ mang kết quả trong đời sau và như thế, nó cũng khiến người ta rút lui dần từ mục đích nguyên thủy của Phệ-đà giáo: Một cuộc sống trên thiên đường giờ đây không còn là sự việc cứu cánh vì nơi đó vẫn chịu quy luật tái sinh tái tử cũng như nghiệp quả. Như vậy thì chỗ giải thoát không thể có được nơi chư thiên và cũng không thể đạt được qua việc cúng tế.

Giải thoát chỉ có thể được thực hiện qua trí huệ và mục đích của nhận thức này là trạng thái bất tử (sa. amṛtatva), cơ sở của tất cả những hiện hữu: brahman (Phạm 梵), hoàn toàn tương đồng với ātman, cái tiểu ngã. Với khái niệm này, tôn giáo Phệ-đà đã vượt qua cái bóng của chính nó. Ý nghĩa của sự cúng tế được nghi vấn lại và con đường được mở rộng cho những phong trào tôn giáo cải cách mới như Phật giáo, Kì-na giáo, cũng như những nhánh vô thần khác (ví như Số luận phái, xem thêm Triết học Ấn giáo), hệ Bất nhị nhất nguyên (sa. advaitavedānta) và những tôn giáo thờ Nhất thần. Một vài phong trào nêu trên phản đối độc quyền thực hiện nghi lễ của Bà-la-môn và phản đối chế độ đẳng cấp Vác-na (sa. varṇa) nói chung.

Tôn giáo Phệ-đà mất vị trí hàng đầu ở Bắc Ấn trong những thế kỉ cuối trước CN, tại Nam Ấn thế kỉ thứ nhất. Nó vẫn tồn tại, nhưng chỉ trong một phạm vi hạn chế và gây ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực triết học dưới dạng Di-mạn-sai (zh. 彌曼差學派, sa. mīmāṃsā). Sau sự phát hiện Phệ-đà của các nhà nghiên cứu châu Âu và được kích động bởi tâm tư hào hứng truy nguyên của họ, người Ấn Độ cũng đã quay về với giáo lý Phệ-đà với những dấu hiệu rõ rệt trong trào lưu Tân Ấn Độ giáo cải cách sau này.

Ấn giáo Tì-thấp-nô

sửa

Tì-thấp-nô giáo (viṣṇuism, vaiṣṇavism) là một tôn giáo nhất thần với cơ sở xuất phát từ sự đồng hoá vị thần Tì-thấp-nô (sa. viṣṇu) trong tôn giáo Phệ-đà và vị thần siêu việt Na-la-diên-na (zh. 那羅延那, sa. nārāyaṇa), cũng như từ sự hoà nhập của một số lễ nghi phổ biến, đặc biệt là việc tôn xưng Hắc Thần (sa. kṛṣṇa) ở Bắc Ấn Độ giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 2 TCN. Tì-thấp-nô Na-la-diên-na (sa. viṣṇu-nārāyaṇa) được tôn xưng là Bạc-già-phạm (sa. 薄伽梵, sa. bhagavat) - nghĩa là Thế Tôn - và các tín đồ được gọi là Bạc-già-phạm đồ (sa. bhāgavata). Nên lưu ý là cách gọi Tì-thấp-nô giáo hoặc Tín đồ Tì-thấp-nô (sa. vaiṣṇava) chỉ mới xuất hiện ở thế kỉ thứ 5. Trong hình tượng Hắc Thần, người ta thấy được sự hoà hợp của nhiều trào lưu tế lễ thành một đơn vị.

Cùng với Ba-la-la-ma (sa. balarāma = saṃkarṣaṇa) - một Thần thể có những nét âm phủ cũng như tương quan đến phong tục tôn thờ rắn rồng và được xem là người anh - Hắc Thần được tôn thờ như một cặp thần và được xây đền thờ. Hắc Thần cũng được thờ trong nhóm Ngũ Anh Hùng (sa. pañcavīra) gồm chính Hắc Thần, em là Ba-la-la-ma, hai con trai là Tam-ba (sa. sāmba), Đại Hùng Kiệt (sa. pradyumna) và cháu là A-nậu-lâu-đà (sa. aniruddha) trong bộ tộc Vrishni (sa. vṛṣṇi). Sau việc loại Tam-ba ra khỏi nhóm này thì những đại biểu của một trong hai nhóm quan trọng còn lại - các vị thuộc nhóm Ngũ Dạ (sa. pañcarātrin) - trong bốn thiên nhân còn lại những bước phân tán (sa. vyūha) đầu tiên của thần thể tối cao.

Nội bộ những đại biểu của nhóm thứ hai, các tín đồ Bạc-già-phạm, thì Hắc Thần Bà-tu-đề-bà (sa. kṛṣṇavāsudeva = con của Vasudeva) được xem là hiện thân toàn vẹn (sa. pūrṇāvatāra) của thần Tì-thấp-nô Na-la-diên-na (sa. viṣṇu-nārāyaṇa), được tôn xưng là vị thần tối cao. Vào khoảng thế kỉ thứ 6, 7, Tì-thấp-nô giáo lại đạt được một vị trí quan trọng vì đã hấp thụ phần lớn của một trào lưu thờ tự thần mặt trời. Hai trường sử thi Ấn Độ, Rāmāyaṇa, miêu tả cuộc đời của vị anh hùng Rāma, hiện thân của thần Tì-thấp-nô, và Mahābhārata, bao gồm toàn bộ Chí Tôn ca, đã giúp phổ biến Tì-thấp-nô giáo đến những nước Đông Nam Á.

Hai nhóm quan trọng nhất của Tì-thấp-nô giáo là Ngũ Dạ (sa. pañcarātrin) và Bạc-già-phạm (sa. bhāgavata). Nhóm Bạc-già-phạm tuân thủ giáo lý của Bà-la-môn giáo trước đây trong khi nhóm Ngũ Dạ được xem là phi chính thống. Từ thời vương triều Cấp-đa (tk. 5) thì ranh giới giữa hai nhóm này đã mờ dần. Những nhóm quan trọng xuất hiện sau và tồn tại đến ngày nay là nhóm Śrīsaṃpradāya, có nguồn từ giáo lý Chế hạn bất nhị (sa. viśiṣṭādvaita) của La-ma-nã-già (sa. rāmānuja, 1055-1137) và được phân thành nhiều nhánh nhỏ khác nhau; nhóm Brahmasaṃpradāya với học thuyết Nhị nguyên (sa. dvaitavāda) của Madhva (~1238-1317); nhóm Rudrasaṃpradāya theo giáo lý Bất nhị nhất nguyên thuần tuý (sa. śuddhādvaita) của Viṣṇusvāmin với hai nhánh được lập bởi Vallabha và Caitanya; và nhóm Sanakādisaṃpradāya, được Nimbārka sáng lập, theo giáo lý Nhị nguyên kiêm bất nhị (sa. dvaitādvaita). Ngày nay, Tì-thấp-nô giáo được xem là một trong hai trào lưu tôn giáo Ấn Độ quan trọng nhất song song với Thấp-bà giáo.

Ấn giáo Thấp-bà

sửa
 
Thấp-bà dưới dạng Du-già sư (yogin) đang toạ thiền, Bangalore

Thấp-bà giáo (śivaism) là một tôn giáo phần lớn theo thể hệ nhất thần, nhưng một vài nhánh thiên về mối quan hệ nhị nguyên Thấp-bà (śiva)-Tính lực (śakti) hoặc thừa nhận tính đa nguyên với nhiều linh hồn vĩnh cửu. Tôn giáo này cũng xuất phát từ mối quan hệ với một vị thần đã được nhắc đến trong thánh điển Phệ-đà là Lỗ-đặc-la (zh. 嚕特羅, sa. rudra). Lỗ-đặc-la được miêu tả là hung bạo, nguy hiểm. Ông cai quản lĩnh vực bệnh tật và chữa trị; mũi tên của ông là những điều âu lo của các vị thần khác và những cơn bão tố, hiện thân của thần gió (Phong thần 風神, marut, rudra), được xem là những hiện tượng tuỳ tòng ông. Thấp-bà (śiva), dịch ý là "cát tường", "thiện", là một uyển ngữ được dùng để hoãn hoà vị thần hung tợn này. Ông được gọi là Tự tại chủ (zh. 自在主, sa. īśvara), Đại tự tại chủ (zh. 大自在主, sa. maheśvara).

Theo giáo lý cao nhất thì Thấp-bà dưới dạng tối cao không mang bất cứ một thuộc tính nào (nirguṇa) và đồng nhất với Brahma (sa. brahman) của hệ thống Phệ-đàn-đa (sa. vedānta). Về khía cạnh nhân cách thì Thấp-bà có thuộc tính (saguṇa), bao hàm hai nguyên lý nam cũng như nữ. Nguyên lý nữ được thể hiện qua tính lực (śakti), tức là nhân tố chủ động trong nhận thức, ý muốn, hành động, tự che đậy và ban ân của Thượng đế. Trong thần thoại, nguyên lý nữ được xem là vợ của thần Thấp-bà, dạng hiền hậu tịch tĩnh là Tuyết sơn thần nữ (zh. 雪山神女, sa. pārvatī), dạng phẫn nộ hoặc tàn phá là Đỗ-nhĩ-ca (zh. 杜爾嘉, sa. durgā).

Chính thần Thấp-bà lại xuất hiện trong thần thoại như một Du-già sư hoặc một vị thần hàng phục yêu quái, tàn phá thế giới. Hai hình tượng có liên hệ đến con đường giải thoát của tín đồ Thấp-bà giáo. Con đường xuất phát từ việc tôn xưng thần Thấp-bà, qua thiền quán cho đến sự giải thoát khỏi những trói buộc (sa. pāśa) của tâm linh cá biệt (sa. paśu) mang hình tướng trong thế gian. Sau đó, tâm linh này đạt tâm thức tối thượng của đấng tối cao (sa. pati).

Các trói buộc phát sinh từ sự vướng mắc vào vật chất và qua đó, năng lực tri thức và hoạt động vô biên của tâm thức tối thượng bị những nhân tố như sau hạn chế tối đa: Thời gian (kāla), không gian và quy luật nhân quả (niyati), giới hạn của cảm nhận (rāga), giới hạn của tri thức (vidyā) và khả năng hành động (kalā). Qua sự vây phủ làm u tối tâm thức (tirobhāva) nên dị biệt và đa dạng của các hiện tượng xuất hiện, thay thế cái đơn nhất trong tâm thức tối cao của tất cả những hiện hữu. Diệt trừ cái thiên hình vạn trạng này - và như thế cũng có nghĩa là diệt trừ thế gian qua ân sủng của thần Thấp-bà - được thực hiện bằng sự bộc phát của tri thức giải thoát, phá huỷ tấm màn vô minh, giải phóng linh hồn của tín đồ ra khỏi vòng sinh tử.

 
108 Liṅga được khắc trên đá, bờ sông Tungabhadra, Hampi, Ấn Độ

Đồ tượng quan trọng nhất của tín đồ Thấp-bà là Liṅga, được xem là biểu tượng của dương vật. Thánh điển bao gồm các bộ A-hàm (āgama) và Đát-đặc-la (tantra). Với thời gian, Thấp-bà giáo hấp thụ một loạt truyền thống sùng bái độc lập khác, trong đó có truyền thống thờ cúng vị thần chiến tranh Skanda (cũng được gọi là Kārttikeya hay Kumāra) và Gaṇeśa (cả hai đều được xem là con của Thấp-bà), sự sùng bái rắn rồng, một phần của truyền thống tôn thờ mặt trời và nhiều thần thể và nghi thức thờ phụng của các địa phương khác.

Có nhiều trường phái khác nhau trong Thấp-bà giáo. Trường phái Tôn thờ Thú chủ (pāśupata) giữ một vị trí quan trọng trong thời gian đầu với phong cách tu tập khổ hạnh, tự tách li ra khỏi xã hội một cách khiêu kích. Từ phái này lại phát triển một số nhánh nhỏ với những quan điểm rất cực đoan, ví dụ như nhánh Kāpālika. Ngược lại, trường phái Tôn thờ Thấp-bà (śaiva) lại theo các phong tục Bà-la-môn giáo rất sớm. Cả hai trường phái đều chú trọng việc luyện tập Du-già và đã góp phần rất nhiều trong việc phát triển phương pháp này. Khống chế du-già (haṭhayoga) hoặc Kuṇḍalinī du-già được nhánh Nātha (nāthasampradāya) tại Đông Bắc Ấn Độ phát triển. Tại Nam Ấn, trào lưu Tín ngưỡng (bhakti) đã dẫn chấn hưng Thấp-bà giáo. Song song với những bộ A-hàm (āgama) và sự tiếp xúc tư tưởng Phệ-đàn-đa (vedānta), những bài tụng niệm sùng tín của nhóm Nāyanār cũng được xem là nguồn gốc của trường phái Thấp-bà tất-đàn-đa (śaivasiddhānta), tự cho là sự hoàn tất tối hậu của Thấp-bà giáo.

Trong thế kỉ 12, một trường phái khác là Vīraśaiva (hoặc Liṅgāyat) xuất hiện, hàm chứa một thành tố cải cách xã hội khá lớn. Dưới ảnh hưởng của học thuyết Bất nhị phệ-đàn-đa (advaita-vedānta), trường phái Thấp-bà Kashmir được thành lập trong thế kỉ thứ 8, nhấn mạnh vào sự hoà hợp tín ngưỡng (bhakti) và Đát-đặc-la thành một giáo lý nhất nguyên. Thấp-bà giáo vẫn gây ảnh hưởng lớn đến xã hội Ấn Độ và song song với Tì-thấp-nô giáo, nó vẫn là nhánh tôn giáo lớn và quan trọng nhất của tín đồ Ấn Độ giáo.

Ấn giáo Tính lực

sửa

Giữ vị trí trung tâm sùng bái của Tính lực giáo (śāktism) là Thiên nữ Tính lực (devī hoặc śakti). Chỉ Thiên nữ này nhận thức và hành động, tạo tác, gìn giữ và tiêu huỷ thế giới, làm toại nguyện, ban ân, giải thoát. Thiên nữ Tính lực (śakti) là sự tổng hợp của tất cả những năng lực, nghĩa là năng lực của tất cả các vị thần, đặc biệt là thần Thấp-bà và Tì-thấp-nô. Về mặt lịch sử thì Tính lực giáo xuất phát từ những trào lưu tôn giáo bộ tộc. Có thuyết cho rằng, Tính lực giáo có thể bắt nguồn từ việc tôn thờ Thiên nữ thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ nhưng thuyết này vẫn chưa được chứng minh một cách thuyết phục.

Từ những thế kỉ đầu CN, Tính lực giáo được hoà nhập vào Thấp-bà giáo, và khoảng từ thế kỉ thứ sáu lại đạt vị trí quan trọng qua sự hỗ trợ của truyền thống Bà-la-môn, sau lại được chủng tính Sát-đế-lợi (kṣatriya, chủng tính vua chúa và quân đội) tôn sùng vì được xem là nữ thần chiến tranh. Nhưng chỉ từ thế kỉ thứ 10, Thiên nữ Tính lực mới vượt hẳn các vị thần nam tính khác, đặc biệt là Thấp-bà, và kể từ đây, mối quan hệ nam nữ được đảo ngược: Không có Thiên nữ Tính lực thì các vị thần khác không còn khả năng nhận thức và hoạt động. Với thời gian, Tính lực giáo đã hấp thụ nhiều truyền thống tôn sùng các nữ thần địa phương, hoà nhập họ vào truyền thống thờ phụng Thiên nữ Đỗ-nhĩ-ca hoặc Ka-li (durgā/kālī) và qua đó, đã góp phần rất lớn trong việc Ấn giáo hoá các trào lưu tín ngưỡng bộ tộc.

Hiện nay, Tính lực giáo vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo tại Ấn Độ. Song song với các bộ Đát-đặc-la (tantra) có cùng với Thấp-bà giáo, Tính lực giáo còn có những bộ thánh điển riêng, xuất hiện kể từ thế kỉ thứ 10. Việc sùng bái Thiên nữ Tính lực bao gồm việc cúng tế súc vật (cá, gà trống, dê, bò), thậm chí cả người cho đến thời đế quốc Anh. Công phu tu luyện bao gồm các nghi lễ Đát-đặc-la với chân ngôn (mantra) và những biểu tượng bí mật, thỉnh thoảng bao gồm sự giao hợp theo nghi thức Mật giáo.

Ấn giáo Bất nhị Phệ-đàn-đa nhất nguyên

sửa

Giáo lý Bất nhị Phệ-đàn-đa nhất nguyên (monistic advaitavedānta) cũng tự phát triển thành một giáo phái riêng biệt. Đại biểu xuất sắc nhất của tông phái này là Thương-yết-la (śaṅkara), theo truyền thuyết thì sống vào khoảng 788-820 (theo các nhà nghiên cứu hiện đại thì phải trước đó khoảng 100 năm). Ba điểm khởi phát (prasthānatrayī) của Thương-yết-la là Áo nghĩa thư (sa. upaniṣad), Chí Tôn ca (bhagavadgītā) và các bộ Phạm kinh (brahmasūtra). Trên cơ sở này, Thương-yết-la đã kiến lập một thế giới quan và một giáo lý giải thoát đi xa những quan điểm của Phệ-đà giáo trước đây: Thế giới, cùng với các vị thần, là sản phẩm của huyễn ảnh (māyā), là huyễn tượng. Chỉ Brahma (Brahman) mới sở hữu hiện thực tối cao và Brahma lại đồng nhất với tiểu ngã (ātman).

Từ việc hoá đồng Brahma và tiểu ngã, Thương-yết-la kết luận là không có những linh hồn cá biệt. Tất cả những đa dạng đều là hư huyễn, chỉ có giá trị tạm thời, chỉ là những hiện thực tương đối. Sự đa dạng biến mất khi trí huệ cứu cánh dẫn dắt tâm thức cá nhân hoà nhập với Brahma và như vậy có nghĩa là dẫn đến giải thoát. Bất nhị Phệ-đàn-đa đã gây ảnh hưởng lớn đến Thấp-bà giáo, đã đóng dấu ấn của nó trong Thấp-bà giáo nhánh Kashmir. Bất nhị Phệ-đàn-đa được Tì-thấp-nô giáo cải biến rất nhiều, ví dụ như trong giáo lý Chế hạn bất nhị (sa. viśiṣṭādvaita) của La-ma-nã-già (sa. rāmānuja). Nhưng điểm nổi bật của giáo lý Bất nhị Phệ-đàn-đa này là việc nó ảnh hưởng rất lớn đến trào lưu Tân Ấn Độ giáo sau này.

Tân Ấn Độ giáo

sửa
 
Một chuyến hành hương của người Ấn giáo

Tân Ấn Độ giáo (neo-hinduism) khởi đầu như một phong trào cải cách, đã góp phần rất lớn trong phong trào đấu tranh giành độc lập tự do của Ấn Độ trong thế kỉ 19, 20 và đặc biệt được phổ biến trong giới thượng lưu thành thị. Tuy nhiên, Tân Ấn giáo sớm đã cho thấy khuynh hướng tập hợp rất mạnh, tìm cách dung hợp các truyền thống tôn giáo Ấn Độ và tiếp nối chúng với những khái niệm và lý tưởng có nguồn từ Cơ Đốc giáoHồi giáo. Phong trào này thể hiện dưới nhiều dạng - địa phương cũng như toàn quốc - và những nhánh quan trọng đáng kể nhất là:

  • Brāhma Samāj ("Phạm hội"), được thành lập bởi Rām Mohan Roy (1772-1833) năm 1828, sau lại mang đậm dấu ấn của hai nhà lĩnh đạo Devendranāth Tagore (1817-1905, bố của Rabindranath Tagore) và Keshab Chandra Sen (1838–1884). Brāhma Samāj bác bỏ chế độ chủng tính Ấn Độ cũng như những tín ngưỡng cực đoan của truyền thống Ấn Độ giáo như việc hoả thiêu goá phụ (satī), phản đối việc tôn thờ thánh tượng. Nhìn chung, quan điểm luân lý và thực hành của Brāhma Samāj chịu ảnh hưởng Cơ Đốc giáo rất mạnh.
  • Ārya Samāj ("Thánh hội"), được Dayānanda Sarasvati thành lập vào năm 1875. Nhóm này độc duy dựa vào nền tảng của thánh điển Phệ-đà (veda), nhưng lại dùng nó một cách rất tuyển trích. Chủ trương không tôn thờ thánh tượng tuy bị ảnh hưởng với Cơ Đốc giáo, nhưng lại được giải thích theo Phệ-đà. Nhìn chung, Ārya Samāj tìm cách đối đầu các nhà truyền đạo Cơ Đốc bằng một truyền thống tôn giáo tương đương, đặc thù Ấn Độ.
  • Rāmakṛṣṇa ("La-ma Hắc Thần"), được thành lập năm 1897 bởi Svāmī Vivekānanda (1863-1902) để tưởng niệm đến tôn sư là Rāmakṛṣṇa Paramahaṃsa (1836-1886). Trên cơ sở Bất nhị Phệ-đàn-đa (advaitavedānta), tất cả các tôn giáo đều được xem là những con đường dẫn đến mục đích tối hậu mặc dù chúng được xem là thấp vì còn vướng mắc vào những hiện thực cấp bên dưới. Từ Cơ Đốc giáo, hiệp hội Rāmakṛṣṇa hấp thụ thành phần tham gia công tác xã hội, nhưng lại giải thích bằng những truyền thống Ấn Độ như chúng được ghi lại trong Chí Tôn ca (bhagavadgītā) và giáo lý nghiệp quả (karman).

Các nhánh truyền đạo Ấn Độ được dẫn đầu bởi các "Gurus" gốc Ấn tại phương Tây có thể được liệt kê vào Tân Ấn Độ giáo. Tại Ấn Độ, Tân Ấn Độ giáo chính nó lại có khuynh hướng dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy vật (materialism) và chủ nghĩa bất khả tri (agnosticism) của phương Tây hơn là hai tôn giáo có truyền thống lâu dài là Thấp-bà giáoTì-thấp-nô giáo.

Ảnh hưởng đến các tôn giáo khác

sửa

Sikh giáo (en. sikhism), Jaina giáo (sa. jaina, en. jainism, jinism) và Phật giáo được pháp luật Ấn Độ quy vào Ấn Độ giáo, nhưng được cả thế giới công nhận là những tôn giáo độc lập.