Tin học 10: Python/Bài 3
Trong Đại số, người ta dùng chữ để thay thế cho số cụ thể, ví dụ hằng đẳng thức đúng cho mọi giá trị . Trong các ngôn ngữ lập trình, người ta cũng dùng các kí tự hoặc nhóm các kí tự được gọi là biến (variable) để thay cho việc phải chỉ ra các giá trị dữ liệu cụ thể.
Biến và lệnh gán
sửaBiến là tên (định danh) của một vùng nhớ dùng để lưu trữ giá trị (dữ liệu) và giá trị đó có thể được thay đổi khi thực hiện chương trình. Biến trong Python được tạo ra khi thực hiện lệnh gán. Cú pháp của lệnh gán như sau:
<biến> = <giá trị>
Khi thực hiện lệnh gán, <giá trị> bên phải sẽ được gán cho <biến>. Nếu biến chưa được khai báo thì nó sẽ được khởi tạo khi thực hiện câu lệnh gán. Biến trong Python được xác định kiểu dữ liệu tại thời điểm gán giá trị nên không cần khai báo trước kiểu dữ liệu cho biến như một số ngôn ngữ khác. Ví dụ:
>>> x = 5
>>> x #x được gán 5 và có kiểu số nguyên tại đây.
5
>>> y = "Tin học 10"
>>> y #y được gán "Tin học 10" có kiểu xâu kí tự tại đây.
'Tin học 10'
Sau câu lệnh gán, kiểu dữ liệu của biến được xác định. Cần ghi nhớ điều này để tránh thực hiện các phép toán giữa các biến số có kiểu dữ liệu khác nhau. Chẳng hạn, nếu sau các lệnh trên, ta thực hiện lệnh z = x + y thì Python sẽ báo lỗi do không thể thực hiện phép cộng giữa dữ liệu kiểu số (biến x) với dữ liệu kiểu xâu kí tự (biến y). Có thể thực hiện tất cả các phép toán thông thường như: +, -, *, /,... trên các biến có cùng kiểu dữ liệu. Ví dụ:
>>> x = y = 1 <- Có thể gán đồng thời nhiều biến với một giá trị
>>> x = y + 1
>>> z = (x+y)**x <- Phép tính lũy thừa
>>> z
9
Ví dụ trên cho thấy có thể gán giá trị biểu thức cho biến. Câu lệnh gán có cú pháp tổng quát như sau:
<biến> = <biểu thức>
Khi thực hiện lệnh này, Python sẽ tính giá trị của <biểu thức> và gán kết quả cho <biến>. Do đó, mọi biến có trong <biểu thức> đều cần được xác định giá trị trước đó. Ngoài việc gán giá trị trực tiếp cho biến, ta có thể gán giá trị cho biến thông qua tính toán giá trị của biểu thức với các biến đã được xác định trước. Ví dụ:
>>> x = 5 <- x là biến kiểu số nguyên có giá trị bằng 5.
>>> y = 2 <- y là biến kiểu số nguyên có giá trị bằng 2.
>>> z = x/y <- z là kiểu biến số thực có giá trị bằng 2.5.
>>> z
2.5
Tên biến thường được đặt sao cho dễ nhớ và có ý nghĩa.
>>> ten = "Hoài Nam"
>>> print("Xin chào",ten)
Xin chào Hoài Nam
Có thể gán nhiều giá trị đồng thời cho nhiều biến.
>>> x,y,z = 10,5,1
>>> x+y+z
16
Cú pháp của lệnh gán đồng thời như sau:
<var1>,<var2>,...,<varn> = <gt1>, <gt2>,..., <gtn>
Chú ý trong lệnh trên, số các biến bên trái bằng số các giá trị bên phải dấu "=".
Các phép toán trên một số kiểu dữ liệu cơ bản
sửaVí dụ 1. Các phép toán trên dữ liệu kiểu số.
>>> a,b = 10,3 <- Sau lệnh này thì a = 10, b = 3.
>>> (a+b)**2 + (a-b)*10
239
>>> (a//b)*b + a%b -< Phép toán // lấy thương nguyên của phép chia nguyên. Phép toán % lấy số dư của phép chia nguyên.
10
>>> c = b/2 <- Sau lệnh này, c là biến kiểu thực có giá trị 1.5.
>>> c
1.5
Tất cả các phép toán đều được thực hiện từ trái sang phải, riêng phép lũy thừa (**) thì thực hiện từ phải sang trái. Ví dụ, biểu thức 4**2**3 được thực hiện như sau: 4**(2**3) = 4**8 = 65536.
>>> 4**2**3
65536
>>> (4**2)**3
4096
Các phép toán cơ bản với dữ liệu kiểu số (số thực và số nguyên) trong Python là phép cộng "+", trừ "-", nhân "*", chia "/", lấy thương nguyên "//", lấy số dư "%" và phép lũy thừa "**". Thứ tự thực hiện các phép tính như sau: phép lũy thừa ** có ưu tiên cao nhất, sau đó là các phép toán /, *, //, %, cuối cùng là các phép toán +, -. Ví dụ, lệnh sau:
>>> 3/2+4*2**4-5//2**2
tương đương với lệnh:
>>> 3/2+4*(2**4) - 5//(2**2)
Chú ý. Nếu có ngoặc thì biểu thức trong ngoặc được ưu tiên thực hiện trước.
Ví dụ 2. Các phép toán với kiểu dữ liệu xâu kí tự.
>>> s1 = "Hà Nội"
>>> s2 = "Việt Nam"
>>> s1 + s2 <- Phép + nối hai xâu kí tự
'Hà NộiViệt Nam'
>>> "123"*5 <- Phép *n lặp n lần xâu gốc
>>> '123123123123123'
>>> s*0 <- Phép *n với số n=<0 thì được kết quả là xâu rỗng.
''
Trong biểu thức có cả số thực và số nguyên thì kết quả sẽ có kiểu số thực.
Từ khóa
sửaTrong Python, cũng như mọi ngôn ngữ lập trình bậc cao, luôn có một tập hợp từ tiếng Anh đặc biệt được sử dụng vào mục đích riêng của ngôn ngữ lập trình, được gọi là các từ khóa (keyword) của ngôn ngữ lập trình. Khi viết chương trình không được đặt tên biến hay các định danh trùng với từ khóa.
Một số từ khóa trong Python phiên bản 3.x:
False | break | else | if | not | as | from | while | return |
None | class | except | import | or | assert | global | with | |
True | continue | finally | in | pass | del | lambda | yield | |
and | def | for | is | raise | elif | nonlocal | try |
Nguồn tham khảo
sửa- Tin học 10 (Kết nối tri thức với cuộc sống), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.