Sách tam giáo/Lão giáo/Học Thuyết Của Lão Tử
Tổng quan về học thuyết của Lão Tử
sửaHọc thuyết của Lão Tử được gồm tóm trong Đạo Đức Kinh. Đây được xem như tác phẩm triết học đầu tiên quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn của Trung Hoa. Qua tác phẩm này, Lão Tử được xem như là người đầu tiên luận về vũ trụ.
Thật vậy, theo như học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng, ngay từ thời thượng cổ (tức ngang với thời Xuân Thu ở Trung Quốc), đã có nhiều triết gia (như Thales, Anaximène, Anaximandre, Hecralite…) bàn đến vấn đề bản nguyên của vũ trụ, sự hình thành của nó như thế nào, bản chất của vũ trụ là gì… Còn ở Trung Quốc thời bấy giờ, ngoài tín ngưỡng thờ Trời cùng với thuyết Âm Dương – Ngũ Hành và Kinh Dịch, thì không có triết gia nào bàn tới những vấn đề khởi thủy đó một cách hoàn chỉnh và có hệ thống, ngoại trừ Lão Tử.
Cho nên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, Lão Tử là người đầu tiên bàn về nguồn gốc vũ trụ. Trước ông, chưa có ai đặt ra câu hỏi vũ trụ có “thủy” có “chung” không. Ông cho rằng, vũ trụ có khởi thủy và cơ hồ không có chung.[8]
Từ đó cho thấy, học thuyết trọng tâm của Đạo Đức Kinh là Đạo và Đức. Bởi vì, trình bày về Đạo và Đức cũng là nói tới vũ trụ luận của Lão Tử.
Theo ông, Đạo chính là nguồn gốc của vũ trụ, trời đất muôn vật do Đạo mà sinh thành. Chính nhờ vào sự sinh thành trời đất và vạn vật như vậy, nên Đạo được gọi là “nguyên lý chung” hay “tổng nguyên lý” của tất cả[9]. Nói Đạo là nguyên lý chung vì Đạo sinh ra vũ trụ vạn vật, mỗi cái đều có một nguyên lý riêng của nó và Đạo thì tương hợp với tất cả các lý ấy. Chính vì vậy, Đạo luôn biến hóa và vô thường. Đạo là cái hỗn mang chưa phân, là cái nguyên thủy và cũng là sự vận động hằng cửu mà ta không thể cảm, không thể biết. Lão Tử nói: “Đại Đạo tràn lan bên phải, bên trái. Vạn vật nhờ nó mà sinh, nhưng nó không nói gì. Hoàn thành việc rồi nhưng nó không xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà nó không làm chủ.”[10] Mặt khác, tuy Đạo là nguyên lý sinh ra vạn vật nhưng nó khác với sự vật mà nó sinh ra. Từ đó, có thể nói, Đạo vừa Hữu vừa Vô. Vô vì Đạo không phải là sự vật, Hữu vì Đạo có thể sinh ra vũ trụ và vạn vật. Vô là ám chỉ cái thể của Đạo, Hữu là ám chỉ cái dụng của Đạo. Hay nói cách khác, Vô (Không tên) chính là gốc của trời đất – Vô danh thiên địa chi thủy (Đạo Đức Kinh, chương 1), Hữu (Có tên) là mẹ của muôn vật – Hữu danh vạn vật chi mẫu (Đạo Đức Kinh, chương 1)[11].
Còn Đức hiểu theo ý nghĩa của Lão Tử thì gần giống với “đức tính” bẩm sinh nơi vạn vật vũ trụ. Hay nói cách khác, cái “đức tính” bẩm sinh ấy chính là “mầm sống ngấm ngầm” trong vũ trụ vạn vật này. Nói ngắn gọn, Đạo thì sinh ra, còn Đức thì nuôi nấng – Đạo sinh chi, Đức súc chi (Đạo Đức Kinh, chương 51). Người sống có Đức tức là sống theo Đạo.[12] Mặt khác, nếu như nói Đạo sinh ra vạn vật, thì vạn vật nhờ có Đức mới được hoạt động. Đức được xem như là tinh của Đạo. Đức tức là Đắc (có được), hễ có được Đức thì một vật mới là chính nó. Vì vậy, có thể nói, Đức là “chỗ ở của Đạo”, là Đạo cư ngụ trong vạn vật. Nói cách khác, Đức là cái mà vật có được từ Đạo để cho vật là chính nó[13].
Nói tóm lại, Đạo là “nguyên lý chung” hay “tổng nguyên lý” sinh ra vũ trụ vạn vật, Đức là nguyên lý sinh ra một vật. Đạo chính là cái phổ quát, bao trùm vũ trụ vạn vật, Đức là cái cụ thể, hàm chứa nơi mỗi sự vật. Cho nên, Đạo và Đức không ngăn cách, không phân biệt, nói về Đạo cũng chính là nói về Đức, nói về Đức cũng chính là nói về Đạo. Chính nhờ mối tương quan khắng khít, bền chặt và tinh tế giữa Đạo và Đức, vũ trụ vạn vật này được sinh ra và hoạt động.
Từ ý nghĩa tổng quát về Đạo và Đức đó, thì nhiều học giả Đông và Tây phương cho rằng, Đạo Đức Kinh là một quyển sách về Tâm Linh Đạo Học, hướng Đạo cho những con người đi theo con đường Huyền học và Siêu thoát, phép dưỡng sinh cho con người ở mọi thời.
Đạo
sửaKhông chỉ là người đầu tiên bàn về nguồn gốc vũ trụ, như đã nói ở trên, nhưng Lão Tử còn là người đã dùng chữ Đạo để chỉ về cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ, đã có từ trước khai thiên lập địa, không sinh không diệt, không tăng không giảm. Lão Tử nói rằng: “Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ…”.[17] Như vậy, theo Lão Tử, Đạo là bản nguyên của vũ trụ, cũng có thể là tổng nguyên lý hay nguyên tố của vũ trụ. [18]
Đạo có thể được quan niệm dưới hai phương diện: Vô, tức Đạo là nguyên lý của trời đất, một nguyên lý vô hình; Hữu, tức Đạo là nguyên lý hữu hình, là mẹ sanh ra vạn vật.[19] Như vậy, Không và Có (Vô và Hữu) chỉ cho thấy được hai “cách thức” của Đạo. Xét cái cách thức vi diệu của Đạo thì coi nó là “Không”; mà cái cách thức sinh hóa tới vô cùng của nó – nhờ cái tinh túy của nó, thì coi nó là “Có”.[20]
Đạo là một nguyên lý hoàn toàn huyền diệu, siêu hình và bất khả tư nghị, vì vậy, không thể định danh cho Đạo.[21] Thật vậy, làm sao con người có thể dùng một danh từ nào đó để đặt tên cho Thực Thể Siêu Việt huyền diệu vô cùng, vĩnh cửu bất biến, vô biên, không hình tượng[22], lại vừa có thể “lan tràn khắp, có thể qua bên trái, qua bên phải”[23], vừa có thể “không có gì giống nó cả”[24]. Gọi tên Thực Thể ấy bằng Đạo chỉ là một sự gượng ép có phần hạn chế của con người mà thôi. Bởi lẽ, nếu có thể gán định cho Nguyên lý Tuyệt đối ấy một cái tên, thì đó chỉ là làm cho chúng ta càng lìa xa với cái “bản lai diện mục” của nó, tức là cái Chân lý toàn diện của Đạo.
Chính vì vậy, Lão Tử quan niệm: Không có cái gì trên đời này mang ý niệm tuyệt đối cả, mà chỉ có thể tương đối mà thôi. Tất cả sự vật đều là vô thường, đều biến động không ngừng, không gì mà không thay đổi, hoặc mau hoặc chậm mà thôi. Chính tính chất vô thường này làm tính tương đối nơi vạn vật, nghĩa là nơi sự vật bao giờ cũng bao hàm hai mặt: tốt – xấu, thiện – ác, dài – ngắn, cao – thấp, nông – sâu, vinh – nhục[25]… Những cặp tương đối này luôn nằm sẵn trong sự vật và gây ra những tranh chấp, mâu thuẫn nơi chính mình. Con người muốn được Đạo thì không được nhìn bằng cặp mắt nhị nguyên, mà phải nhìn thấy tất cả là một[26]; muốn có được hạnh phúc thật sự thì phải bỏ đi cái óc phân chia sự vật[27], mà như Lão Tử gọi là “giải kỳ phân” để mà thấy được sự “huyền đồng” của tất cả vạn vật[28].
Mặt khác, Đạo bao trùm tất cả, nhưng không thấy gì cả, nên gần như “không có” gì cả. Đây chính là thể dụng của Đạo. Cái công dụng của Đạo và tính chất “không không” của Đạo được Lão Tử ví như “ổ trục” của bánh xe, khoảng “không” của chén bát, cái “chỗ trống” của buồng the[29]. Vì vậy, có thể hiểu được rằng, Đạo là thực tế, nó tạo ra tất cả cuộc sống và tiếp tục giữ cho cuộc sống hành hoạt qua sự giải phóng năng lượng của nó. Đấy là nói một cách chung chung đối với toàn thể vũ trụ vạn vật và cuộc sống. Còn đối với con người, đặc biệt có liên quan đến đạo dưỡng sinh hay đạo tu tiên, thì thể dụng của Đạo chỉ cho chúng ta thấy được rằng: Đạo không bao giờ bắt buộc con người phải theo một đường lối nào đó. Đạo chỉ hành hoạt. Chính Đạo là con đường, một con đường mang tính cách tự nhiên. Con đường tự nhiên ấy là con đường thiên nhiên và thích hợp với mọi cái.
Trời đất vạn vật đều bắt nguồn từ Đạo và trở về với Đạo. Điều này cho thấy tiến trình sinh hóa của vạn vật không có điểm diệt tận theo quan điểm hư vô nhưng là một sự chuyển hóa không ngừng nhờ vào nguyên lý mâu thuẫn nội tại. Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản. Đây chính là luật quân bình phản phục – nguyên lý vận hành và biến chuyển của vạn vật. Thật vậy, Đạo là một sự chuyển động, chuyển biến không ngừng nghỉ để sinh ra vũ trụ vạn vật[30]. Có lẽ vì vậy mà vạn vật tự bản chất cũng là một sự chuyển động không ngừng. Hay nói một cách dễ hiểu thế này, vạn vật đều trong trạng thái động, động nên mất quân bình, mất quân bình nên quay trở về để tìm lại quân bình.
Nếu như ở mục trên (mục 2.2), chúng ta hiểu Đạo như là một nguyên lý vận hành vũ trụ không ngừng và là mẹ của vạn vật, thì ở đây, nói tới cái “Động” của Đạo, tức là con đường đi về hay quay trở lại của Đạo. Phản giả Đạo chi Động – Trở lại là cái động của Đạo[31]. Đây là một trong những điểm quan trọng trong học thuyết của Lão Tử, vượt qua được cái học nhị nguyên của Dịch[32] và chủ trương cái đạo “quy Chân phản Phác”. Theo Lão Tử, vạn vật đều động chuyển theo hai khuynh hướng nghịch nhau: Đi Ra, rồi Trở Về.
Như vậy, cội rễ ở đây của Đạo tức là gốc “tĩnh”. Hay nói cách khác, tĩnh là cái gốc của động, từ trong trạng thái hư vô (tĩnh), vạn vật sinh hóa (động), để rồi trở về lại với hư vô (luật phản phục). Từ đó, Lão Tử mới chủ trương một lối sống vô vi, mục đích là để “Quy Căn Phục Mệnh”[33], xa hơn nữa là để đạt đến Đạo “Thường” (bất biến, luôn đúng). Hiểu rõ và nắm được nguyên lý này, con người một cách nào đó có thể sánh ngang trời đất (vì tự trong ẩn nghĩa của Đạo “Thường” đã nói lên điều đó. “Thường”, tức một cái gì bất di bất dịch, nắm cả giềng mối của vũ trụ vạn vật.)!
Đức
sửaBên cạnh việc nói về Đạo như Bản Thể và Nguyên Lý Tuyệt Đối của vũ trụ thì Lão Tử còn nói đến Đức. Theo ông, Đức là nguồn gốc sinh ra trời đất, vạn vật, là mầm sống ngấm ngầm, là đại năng lực của Đạo được dùng với một nghĩa siêu hình chứ không còn là nghĩa luân lý thông thường (tức đức hạnh). Lão Tử nói: “Đạo sanh ra đó, Đức nuôi dưỡng đó, tâm học đó gọi là Huyền Đồng”[34], tức là mẹ nhiệm mầu. Ở đây, Lão Tử đã cho thấy công năng của Đức đối với vạn vật không khác gì chức năng của một người mẹ từ ái chăm sóc những đứa con thơ (vũ trụ vạn vật) của mình. Từ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa và công năng hết sức vô biên của Đức.
Như đã nói ở trên, Đạo là mẹ nuôi vạn vật, vạn vật là con nuôi của Đạo. Từ đó, chúng ta thấy được hình ảnh một bà mẹ là đầu mối của học thuyết Lão Tử. Cho nên, có thể nói, Lão Tử chú trọng về phần Âm. Từ đó cho thấy, để có thể hiểu được vũ trụ vạn vật này thì cần phải trở về với Mẹ, với cội rễ sâu xa của mình, tức Đạo. Và dường như đây là một quy luật tất yếu của vũ trụ vạn vật này. Huyền đồng tức là nói đến ý nghĩa quay trở về với Đạo – “các phục quy kỳ căn – mọi vật trùng trùng, đều trở về với cội rễ của nó cả”. Trở về với Đạo, thì người ta mới được trường cửu, hay nói một cách khác, người ta mới thực hiện được cái Chân Tánh của mình, tức là cái mà Lão Tử gọi là “tử nhi bất vong” (Đạo Đức Kinh, chương 33)[35].
Như vậy, điểm then chốt trong việc dưỡng sinh hay tu tiên theo học thuyết của Lão Tử là phải thực hiện được sự Huyền Đồng với Đạo tức là phải trải qua ba giai đoạn[36]:
- Tâm trai (cố gắng đạt đến chỗ thanh tĩnh – vô vi): Đây là con đường đầu tiên kêu gọi người tu tập phải “kiến tố, bão phác” và thiểu tư, quả dục”, nghĩa là cần phải từ bỏ tất cả trở về với lối sống tự nhiên, giản dị, ít ham muốn, ít dục vọng. Mục đích của con đường là nhằm gột bỏ đi những gì là mang tính vị kỷ nơi con người. Gần như đó là một đòi buộc tất yếu đối với những người muốn theo Đạo. Trong chương 48, Lão Tử đã nói như sau: Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi – Theo Đạo, càng ngày càng bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi (tức là vô dục). Như vậy, con đường Tâm trai này là con đường dứt bỏ, dứt bỏ tất cả, dứt bỏ cả cái “tôi” giả dối, nhân tạo để trở về với cái “tôi” đồng nhất với Đạo.
- Ngộ Đạo (hiểu biết và nắm bắt được nguyên lý vận hành của Đao): Đây là một bước chuyển biến quan trọng của người tu tập sau khi đã “tâm trai”, dứt bỏ hoàn toàn mọi thứ, kể cả bản ngã – cái “tôi” của mình. Vì hễ: Trí hư cực, Thủ tịnh đốc. Ngộ được hiểu là đã bỏ đi tâm phàm, tâm tục, để thấy cái tâm Thánh, tâm Đạo trải rộng thênh thang trong lòng mình và ở khắp nơi. Sách Trung Dung nói: “Thiên mệnh chi vị Tánh, Xuất Tánh chi vị Đạo.[37]” Như vậy, ngộ Đạo được hiểu như là đã “xuất Tánh”, đã “tâm trai” để tiến tới thế Trung Hòa muôn thuở. Và một khi đã ngộ Đạo thì mới có thể: Hoát nhiên đại ngộ.
- Huyền Đồng (đây là tình trạng thoát tục hoàn toàn, hòa làm một với tất cả): Ở giai đoạn ngày, người tu tập đã hòa mình làm một với Đạo, với tất cả vũ trụ vạn vật, không còn thấy chút gì là riêng tư hay phân biệt nữa. Trước con mắt của người đã thực hiện được “huyền đồng”, thì tất cả đều là Một. “Giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị Huyền Đồng” nghĩa là: Bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bặm, ấy gọi là Huyền Đồng[38].
Một khi đã đạt tới trạng thái Huyền Đồng, con người sẽ cảm thấy một sự yên tĩnh, khoan khoái tâm hồn mà không một khoái lạc nào trên cuộc đời này có thể mang lại. Không phải là một thứ vui sướng nhưng là một cái gì đó lâng lâng nhẹ nhàng khác thường mà chỉ có ai đã trải qua mới ý thức được điều đó, chứ còn người bình thường không thể nào diễn tả được[39].