Sách luận ngữ/Vi Chính
Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh cung chi
Khổng tử nói: Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh.
- 2.2
Tử viết: Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: “Tư vô tà”.
Khổng tử nói: Kinh Thi có 300 bài, một câu tóm tắt là: không có suy nghĩ tà xấu ở trong.
Tử viết: Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách.
Khổng tử nói: Lãnh đạo dân bằng pháp luật đều dùng hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa.
Tử viết:
Ngô thập ngũ nhi chí ư học,
tam thập nhi lập,
tứ thập nhi bất hoặc,
ngũ thập nhi tri thiên mệnh,
lục thập nhi nhĩ thuận,
thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ.
Khổng tử nói:
Lúc mười lăm tuổi ta đã lo nỗ lực học tập.
Ba mươi tuổi đã xác định được chí hướng.
Bốn mươi tuổi đã hiểu được lý sự, không còn bị lầm lẫn.
Năm mươi tuổi đã hiểu được mệnh trời.
Sáu mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai cả.
Bảy mươi tuổi có thể theo lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài giới hạn.
(Lời bàn
15 tuổi mà chưa có chí học hành thì nên chọn con đường lao động chân tay thích hợp.
Chưa tới 30 tuổi mà chưa ổn định nghề nghiệp thì vẫn chưa đáng lo, đừng sốt ruột…
40 tuổi: hiểu rõ mọi sự, không nhầm lẫn nữa.
50 tuổi: nhìn rõ quãng đời còn lại, ung dung đi tới tương lai (tri thiên mệnh)
60 tuổi: hiểu và đồng tình với lời nói đúng, biết lời nói sai mà không bực bội.
70 tuổi: nhu cầu cá nhân được thực hiện, tự hài lòng mà không quá trớn, vẫn phù hợp khách quan.
Khổng tử phân chia cuộc đời của một người bình thường thành 6 giai đoạn, có tính chất tương đối…Nếu người có năng lực (lại gặp hoàn cảnh thuận lợi) thì 6 cột mốc sẽ đến sớm hơn. Trái lại, người yếu kém hoặc ít may mắn thì mỗi cột mốc đến muộn hơn.
Mạnh Ý tử vấn hiếu, Tử viết “Vô vi,
Phàn Trì ngữ, Tử cáo chi viết: “Mạnh Tôn vân hiếu ư ngã, ngã đối viết vô vi. Phàn Trì viết: “Hà vị dã ?”. Tử viết “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ.
Mạnh Ý tử hỏi về đạo Hiếu. Khổng tử nói “Không được làm trái (lễ)”.
Phàn Trì đánh xe cho Khổng tử, Khổng tử kể lại rằng Mạnh Ý tử có hỏi ta về đạo hiếu, ta trả lời là không được vi phạm lễ. Phàn Trì hỏi lại “Như thế là ý gì ?”.
Khổng tử nói “Cha mẹ lúc còn sống, ta phải theo lễ mà phụng sự. Cha mẹ chết, phải theo lễ mà an táng, theo lễ mà cúng tế”.
Mạnh Vũ Bá vấn hiếu, Tử viết: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu”
Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo Hiếu.
Khổng tử đáp: Cha mẹ chỉ lo sợ con mắc bệnh tật mà thôi.
(Lời bàn: Con phải giữ gìn thân thể (do cha mẹ sinh ra) khỏe mạnh mới là có Hiếu. Trái lại, không biết giữ sức khỏe thân thể cũng là bất Hiếu). 子游问孝,子曰: 今之孝者,是谓能养。至於犬马,皆能有养,不敬,何以别乎?
Tử Du vấn hiếu, Tử viết: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính, hà dĩ biệt hồ ?”. Tử Du hỏi về đạo Hiếu.
Khổng tử đáp: Thông thường, những người có thể nuôi dưỡng được cha mẹ thì được gọi là có hiếu. Đến cả giống chó ngựa thì người ta vẫn nuôi được, nếu không kính trọng cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì có khác chi nuôi chó ngựa ?
Tử Hạ vấn hiếu, Tử viết: Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ ?
Tử Hạ hỏi về đạo Hiếu. Khổng tử nói: Khó nhất là con cái có giữ được vẻ hòa vui thường xuyên lúc phụng dưỡng cha mẹ hay không. Khi có việc cực nhọc, con cái chủ động làm thay, có gì ngon mang cho cha mẹ ăn…Như thế chắc gì đã là có hiếu?
Tử viết: Ngô dữ Hồi ngôn, chung nhật bất vi, như ngu. Thoái nhi tỉnh kỳ tư, diệc túc dĩ phát, Hồi dã bất ngu.
Khổng tử nói: Ta tham dự việc học của Nhan Hồi, suốt ngày nó không làm trái, như kẻ ngu đần. Nhưng khi ngẫm kỹ thấy Hồi phát huy thực hành đầy đủ, như thế Hồi không phải kẻ ngu.
(Chú thích: Nhan Hồi là học trò quí nhất của đức Khổng)
子曰:视其所以,观其所由,察其所安, 人焉廋哉?人焉廋哉?
Tử viết: Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai ? Nhân yên sưu tai ?
Khổng tử nói: Nhìn kỹ cách người làm, xét xem người làm vì cái gì, xem kỹ người làm có vui vẻ không, như thế người ta có gì mà giấu được ? Có gì mà giấu được ?
Tử viết: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ ”
Khổng tử nói: Ôn tập cái cũ để hiểu cái mới, có thể làm thầy được rồi
Tử viết: Quân tử bất khí.
Khổng tử nói: Quân tử chẳng phải như công cụ
(Lời bàn: “công cụ” chỉ làm một việc. Khổng tử đòi hỏi quân tử phải làm được việc khác khi cần thiết)
Tử Cống vấn quân tử. Tử viết: Tiên hành kì ngôn nhi hậu tòng chi.
Tử Cống hỏi về quân tử. Khổng tử đáp: Trước hết, thực hành lời mình nói, sau mới nói ra.
(Chú thích: Tử Cống là học trò giỏi của Khổng tử)
Tử viết: “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu”.
Khổng tử nói: Quân tử đoàn kết rộng rãi mọi người chứ không kéo bè cánh. Tiểu nhân kéo bè kết cánh mà không đoàn kết.
Tử viết: Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.
Khổng tử nói: Học mà không suy nghĩ sẽ trở nên rối rắm, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất mỏi mệt.
Tử viết: Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ.
Khổng tử nói: Phá bỏ mê tín dị đoan, cái hại sẽ tiêu tan.
Tử viết: Do, hối nhữ, tri chi hồ ? Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.
Khổng tử nói: Này trò Do, ta dạy ngươi, có hiểu bài không ? Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Đó là biết vậy
Tử Trương học can lộc, Tử viết: “Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư, tắc quả vưu; Đa kiến khuyết đãi, thận hành kỳ dư, tắc quả hối. Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kỳ trung hĩ ”.
Tử Trương hỏi cách học cầu bổng lộc, Khổng tử nói: Cần nghe nhiều, điều nghi ngờ giữ lại, điều gì hiểu rõ thì nói ra, như thế ít sai lầm. Phải quan sát nhiều, giữ lại điều nghi ngờ đừng làm, chỉ làm cái điều chắc chắn, như vậy ít hối hận. Nói năng ít sai, làm ít hối hận thì bổng lộc nằm trong ấy rồi
Lỗ Ai Công vấn viết: “Hà vi tắc dân phục?”. Khổng tử đối viết: “Cử trực thố chư uổng, tắc dân phục; Cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục.”.
Lỗ Ai Công (vua nước Lỗ, quê Khổng tử) hỏi: Làm sao cho dân phục ?
Khổng tử đáp: Bổ nhiệm người ngay thẳng trên kẻ ác, ắt dân phục. Xếp kẻ ác trên người ngay thẳng thì dân không phục.
Quí Khang tử vấn: “Sử dân kính, trung dĩ khuyến, như chi hà ?”.
Khổng tử viết: “Lâm chi dĩ trang, tắc kính; Hiếu từ, tắc trung; Cử thiện nhi giáo bất năng, tắc khuyến”.
Quí Khang tử hỏi: Làm thế nào cho dân kính trọng, trung thành với ta và tự khuyên bảo nhau ? Khổng tử đáp: Đối xử mọi việc trang trọng, dân sẽ kính trọng; Hiếu thảo với cha mẹ, hiền từ với mọi người thì dân sẽ trung thành. Sử dụng người tốt và giáo dục người kém, dân chúng sẽ tự khuyên bảo nhau.
(Chú thích: Quí Khang tử là đại thần nước Lỗ)
Hoặc vi Khổng tử viết: Tử hề bất vi chính ?
Tử viết: Thư vân “Hiếu hồ duy hiếu, hữu ư huynh đệ. Thi ư hữu chính, thị diệc vi chính, hề kỳ vi vi chính ?”
Có người hỏi Khổng tử: Sao Thầy không ra làm chính trị ?
Khổng tử đáp: Kinh Thượng Thư viết rằng “Ta chỉ thực hiện đạo hiếu, sống với anh em. Phổ biến đạo ra khắp chính trường, cũng là làm chính trị rồi, cứ gì phải ra làm chính trị ?”.
(Lời bàn: Khổng tử tin rằng mình khuyên dạy các nhà chính trị, như vậy cũng là làm chính trị)
Tử viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ hà dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nghê, kỳ hà dĩ hành chi tai”.
Khổng tử nói: Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì. Cỗ xe lớn không có chốt (hãm), cỗ xe nhỏ cũng không có chốt thì làm sao chạy được ?!.
Tử Trương vấn: “Thập thế khả tri dã ?”.
Tử viết: “Ân nhân ư Hạ lễ, sở tổn ích khả tri dã; Chunhân ư Ân lễ, sở tổn ích khả tri dã. Kỳ hoặc kếChugiả, tuy bách thế, khả tri dã”.
Tử Trương hỏi: Có thể biết được (về lễ) 10 đời sau không ?
Khổng tử đáp: Nhà Ân dựa theo lễ nhà Hạ, bớt hay thêm có thể hiểu được. Nhà Chu theo lễ nhà Ân, thêm bớt có thể hiểu được. Tương lai nhà Chu hoặc trăm đời sau cũng có thể đoán được.
Tử viết: “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm dã. Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã”.
Khổng tử nói:
Không phải tổ tiên của mình mà lại cúng tế, đó là siểm nịnh.
Thấy việc chính nghiã mà không làm, chẳng phải kẻ dũng.
Lời bàn:
Câu “Không phải tổ tiên…” e khó tính quá, thầy Khổng cố chấp chăng?