Khám phá Mặt trăng

sửa

Một trong các hình vẽ cổ của con người về Mặt Trăng có thể là hình khắc trên đá vào 5000 năm trước ở di sản văn hóa thế giới Knowth của Ireland.[24]

Tìm hiểu về các chu kỳ liên quan đến Mặt Trăng là một phần của hoạt động thiên văn học thời kỳ đầu: vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các nhà thiên văn Babylon đã ghi chép chu kỳ saros khoảng 18 năm của nguyệt thực và nhật thực,[167] và các nhà thiên văn Ấn Độ đã mô tả cự giác hàng tháng của Mặt Trăng.[168][169] Nhà thiên văn học Trung Quốc Thạch Thân, vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, đã hướng dẫn cách tiên đoán nhật thực.[170]:411 Tiếp theo đó là việc hình thành các hiểu biết về hình dạng của Mặt Trăng và cơ chế tạo nên ánh sáng Mặt Trăng: nhà triết học Hy Lạp cổ đại Parmenídis (475 trước công nguyên) cho rằng ánh sáng của Mặt Trăng là ánh sáng phản chiếu lại, và sách Chu Bễ ở Trung Quốc, khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 4 trước công nguyên, cũng ghi chép rằng Mặt Trời tạo nên ánh sáng Mặt Trăng.[170]:227 Nhiều học giả Trung Quốc, từ cuối thời Chiến Quốc đến đời nhà Hán, đã ghi nhận hình dạng cầu của Mặt Trăng và Mặt Trời, và giải thích nhật thực gây bởi Mặt Trăng che Mặt Trời, mặc dù bị phản bác bởi những người theo học thuyết cho rằng Mặt Trăng là thái âm và Mặt Trời là thái dương.[170]tr.411-414


Bản vẽ Mặt Trăng của Galileo Galilei trong cuốn sách (1610).[171]

Bản đồ Mặt Trăng trong cuốn (1647), bởi Johannes Hevelius, một trong những bản đồ đầu tiên có thể hiện các vùng lộ ra bởi hiện tượng bình động.[172]tr.132 Đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Arístarkhos xứ Sámios đã sử dụng hình học và một số căn cứ quan sát để ước lượng kích thước Mặt Trăng.[173]tr.67-70 Arkhimídis, cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, đã thiết kế một mô hình vũ trụ có thể tính toán chuyển động của Mặt Trăng và các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời.[174] Vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Sélefkos Seleukos đã nhận định thủy triều gây ra bởi sức hút của Mặt Trăng, và độ cao của thủy triều phụ thuộc vào vị trí Mặt Trăng so với Mặt Trời.[175][176] Sang đến thế kỷ thứ 2, Claudius Ptolemaeus đã cải thiện các kết quả tính toán về khoảng cách đến Mặt Trăng, vào cỡ 59 lần bán kính Trái Đất, và đường kính Mặt Trăng, vào cỡ 0,292 đường kính Trái Đất, rất sát với các con số đã biết hiện nay, là 60 và 0,273.[173]tr.71-73

Năm 499, nhà thiên văn Ấn Độ Aryabhata ghi chép trong cuốn sách của ông về hiện tượng nguyệt thực là do Mặt Trăng đi vào bóng râm của Trái Đất, và nhật thực là do Mặt Trăng tạo bóng râm trên Trái Đất, kèm theo công thức tính toán khá chính xác về kích thước các bóng râm, thời gian kéo dài của nguyệt thực và nhật thực, và các thông số quỹ đạo của Mặt Trăng.[177] Nhà thiên văn học và vật lý học người Ả Rập Alhazen (965–1040), bên cạnh nhiều phát hiện liên quan đến Mặt Trăng, có nêu ra trong sách rằng Mặt Trăng không phản xạ giống như một cái gương, mà phản xạ khuếch tán về mọi hướng.[178] Nhà thiên văn Trầm Quát của nhà Tống đã viết vào năm 1086 về các pha trăng rằm và trăng tối, so sánh chúng với hình tượng quả cầu bạc có một nửa sơn bột trắng, sẽ có hình lưỡi liềm nếu nhìn từ bên cạnh, và giải thích rằng thiên thực không xảy ra thường xuyên do bạch đạo lệch với hoàng đạo.[170]tr.415-416

Những bản vẽ chi tiết bề mặt Mặt Trăng đầu tiên, trước khi kính viễn vọng được sử dụng, là bản vẽ bởi Leonardo da Vinci khoảng năm 1505 đến 1508, và bản đồ của Williams Gilbert năm 1600, thể hiện tên riêng một số đặc điểm Mặt Trăng.[172]tr.123-125 Năm 1610, Galileo Galilei đã xuất bản những bức vẽ đầu tiên về hình ảnh Mặt Trăng quan sát qua kính viễn vọng, trong quyển sách , và ghi chép rằng thiên thể này không nhẵn mà có các núi non và các hố.[172]tr.125-126 [171] Thomas Harriot cũng đã vẽ bản đồ Mặt Trăng chi tiết gần thời gian này, nhưng không xuất bản.[172]tr.129 Việc vẽ bản đồ Mặt Trăng được phát triển tiếp trong thế kỷ 17, dựa vào quan sát từ kính viễn vọng.[172]tr.130-132 Các nỗ lực của Giovanni Battista Riccioli và Francesco Maria Grimaldi, năm 1651, một phần dựa trên các công trình trước đó của Michael Florent van Langren, Johannes Hevelius và những người khác, đã tạo ra hệ thống đặt tên các đặc điểm Mặt Trăng được sử dụng rộng rãi ngày nay, trong đó các hố va chạm được đặt tên theo các nhà khoa học lớn đã khuất.[172]tr.134 Wilhelm Beer và Johann Heinrich Mädler năm 1836 đã xây dựng bản đồ , xuất bản vào năm 1837 trong cuốn sách , chứa những nghiên cứu vi trắc chính xác về đường kính của 148 hố va chạm và chiều cao của 830 ngọn núi.[3]tr.246 Các hố trên Mặt Trăng, lần đầu được ghi chép bởi Galileo, đã từng được cho là gây bởi hoạt động núi lửa, cho đến khi Franz von Gruithuisen, năm 1829, và Richard Proctor, năm 1873, đề xuất rằng chúng được tạo ra bởi các vụ va chạm.[179]:3 Quan điểm này được nhà địa chất thực nghiệm Grove Karl Gilbert đồng tình vào năm 1893, và tiếp tục được củng cố qua các nghiên cứu thực hiện từ các năm 1936 đến 1963, hình thành nên những hiểu biết về địa tầng học Mặt Trăng, một nhánh mới của địa chất thiên văn.[179]tr.4-5