Những điều nên biết về Hàn Quốc/Xã hội/Phúc lợi xã hội

Tuyển dụng sửa

Cơ cấu tuyển dụng của Hàn Quốc đã thay đổi rõ rệt từ đầu thập kỷ 1960 khi quá trình công nghiệp hóa mới bắt đầu. Năm 1963, khu vực nông lâm thủy sản chiếm 63% toàn thể nguồn lao động, thế nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 6,6% vào năm 2010. Ngược lại, tỷ lệ tuyển dụng của ngành công nghiệp thứ 3 (ngành dịch vụ) đã tăng từ 28,3% trong năm 1963 đến 76,4% trong năm 2010.

Những năm cuối của thập niên 1970, thị trường lao động Hàn Quốc đã trải qua một loạt những biến đổi quan trọng. Hàn Quốc đã nổi lên như là một quốc gia có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu qua những ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt và giày dép. Những năm 1970 và 1980, chính phủ đã đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao, cung cấp dịch vụ giải quyết việc làm cho lao động tay nghề thấp để giải quyết hiện tượng thiếu nguồn lao động do quá trình công nghiệp hóa gây ra.. Từ những năm cuối thập niên 1980 trở về sau, các chính sách được đặt trọng tâm vào mở rộng phúc lợi và bình đẳng Luật Lương tối thiểu (1986), Luật Tuyển dụng Bình đẳng giới (1987), Luật liên quan đến Xúc tiến Tuyển dụng và Phục hồi Chức năng Hướng nghiệp cho Người khuyết tật (1990) đã được lập ra cũng như các biện pháp có liên quan khác cũng được thi hành.

Những năm đầu thập kỷ 1990, để giải quyết một cách có hệ thống vấn đề thất nghiệp xảy ra do kinh tế chậm tăng trưởng, chính phủ đã thông qua những dự thảo luật quan trọng như Luật Bảo hiểm Tuyển dụng (1993), Luật Chính sách Tuyển dụng Cơ bản (1995), Luật Xúc tiến Đào tạo Nghề nghiệp cho Người lao động (1997) v.v...

Tháng 10 năm 1999, chính phủ đã tăng cường mạng lưới an toàn xã hội để đối phó với vấn đề thất nghiệp bằng cách mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng bảo hiểm tuyển dụng ra tất cả những người lao động bao gồm cả đối tượng làm theo giờ và làm tạm thời.

Chế độ Chương trình Hành động Cá thể (IAP) dành cho những người hưởng lương phụ cấp thất nghiệp được mở rộng phạm vi áp dụng cho cả giới trẻ và người già cũng như hỗ trợ những tầng lớp này tìm việc làm mới.

Thêm vào đó, nhu cầu về năng lực học tập suốt đời ngày càng tăng thêm khiến chính phủ dần dần mở rộng đầu tư vào dạy nghề. Ngoài ra, nhiều biện pháp đa dạng cũng được tiến hành để gia tăng tuyển dụng nữ giới do tỷ lệ sinh đẻ thấp và dân số lao động bị lão hóa, trong đó bao gồm cả những biện pháp giảm bớt phân biệt trong tuyển dụng nam nữ, hỗ trợ để phụ nữ có thể tiến hành công việc tại cơ quan song song với việc nhà, nghỉ đẻ và chăm sóc con v.v… Các biện pháp mở rộng và ổn định tuyển dụng người già như nâng cao độ tuổi nghỉ hưu, cải tiến chế độ tiền lương, giảm bớt phân biệt độ tuổi trong tuyển dụng cũng được tiến hành khá đa dạng.

Nhà ở sửa

Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành song song với quá trình đô thị hóa cũng giống như các nước khác. Năm 1960 chỉ có 27,7% dân số sống ở thành thị nhưng đến năm 2000, đến 88,3% là cư dân tại các thành phố. Thế nhưng xu thế này đã cho thấy sự suy giảm xuống còn 81,5% vào năm 2005.

Dân số khu vực thành thị nhanh chóng gia tăng dẫn đến thiếu nhà ở và giá đất thành phố tăng vọt. Chính phủ đã đặt việc dành đất dành cho cư trú và mở rộng xây dựng nhà ở quy mô nhỏ là những điều cần ưu tiên hàng đầu để giải quyết vấn đề thiếu nhà cửa và ổn định giá nhà.

Theo đó chính phủ đã hoàn thành quy chế tái phát triển, tái xây dựng và có kế hoạch cung cấp nhà ở cho 1.500.000 gia đình đến năm 2018 theo kế hoạch cung cấp ‘Bogeum jari’ được lập ra năm 2008.

Từ giữa năm 2000 đến năm 2008, chính phủ đã cung cấp nhà ở cho từ 600.000 đến 700.000 gia đình/ năm. Giá đất tăng cao, lối sinh hoạt hiện đại được ưa chuộng nên tỷ lệ số người sống tại các khu căn hộ tiếp tục tăng lên. Năm 1985, chỉ có 13,5% gia đình cư trú tại các căn hộ nhưng con số đó đã lên tới 52,5% vào năm 2005. Phần lớn căn hộ của Hàn Quốc đều là sở hữu của từng gia đình với chế độ cùng quản theo hình thức condominiums của Mỹ.

Sức khỏe và dịch vụ y tế sửa

Trong 40 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, sức khỏe của người Hàn Quốc cũng được nâng cao rõ rệt trên toàn diện. Tuổi thọ trung bình vào năm 1960 của nam là 51 tuổi và của nữ là 54 tuổi. Chỉ số này đã tăng lên 77 tuổi ở nam và 83,8 tuổi ở nữ vào năm 2009. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và thai phụ đã giảm đáng kể.

Sự phát triển này có liên quan trực tiếp đến chất lượng thức ăn được nâng cao cùng với sự cải tiến của dịch vụ sức khỏe, y tế. Chi phí y tế cho một người dân đã tăng từ 85.000 won và Dịch vụ Sức khỏe Y tế được cung cấp dưới hình thức Bảo hiểm Sức khỏe và Hỗ trợ Y tế được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1977. Phạm vi áp dụng chế độ này chỉ có 29,5% toàn thể dân số vào năm 1980 nhưng hiện nay, tính đến tháng 12 năm 2008 đã có 96,6% người tham gia và 3,4% còn lại là chưa tham gia dịch vụ.

Số nhân lực y tế và bệnh viện cũng tăng đều đặn. Số bệnh viện và cơ sở khám bệnh trong nước (bao gồm cả phòng khám đông y) từ 11.183 cơ sở đã tăng tới 52.914 cơ sở trong năm 2007. Mặt khác, số bác sĩ có giấy phép khám chữa bệnh đã tăng từ 19.588 người năm 1975 đến 116.693 người năm 2009.

Hàn Quốc đặc biệt cung cấp dịch vụ y tế vượt bậc tại các lĩnh vực như chữa trị ung thư dạ dày, ghép gan, giải phẫu thẩm mỹ v.v… Với trình độ kỹ thuật y tế phát triển cao và chi phí y tế hợp lý, con số bệnh nhân người nước ngoài đến Hàn Quốc với mục đích chữa bệnh đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để những bệnh nhân nước ngoài có thể hưởng được dịch vụ tại một điểm (one-stop) thông qua các Tổng đài Y tế. Tổng đài Y tế cung cấp dịch vụ tư vấn cho các bệnh nhân nước ngoài có thể xử lý được những bất tiện trong quá trình chữa bệnh hoặc những bất mãn liên quan đến sai lầm trong y khoa (số điện thoại 82-1577-7129).

Chế độ phúc lợi xã hội sửa

Nhiều chế độ phúc lợi xã hội đã được thi hành từ cuối những năm 1980, ví dụ như mở rộng về mặt nguyên tắc phạm vi áp dụng bảo hiểm sức khỏe và hỗ trợ y tế ra toàn dân, đưa ra chế độ Lương hưu Quốc dân (1988) và Bảo hiểm Tuyển dụng (1995). Theo cách này, chính phủ đã xây dựng được nền tảng thiết lập mạng lưới an toàn xã hội bao quát. Tất cả công dân trên 18 tuổi và dưới 60 tuổi cư trú tại Hàn Quốc đều là đối tượng được tham gia Lương hưu Quốc dân bất kể mức thu nhập.

Trong khi mục tiêu ban đầu của các chế độ trên đây là cung cấp dịch vụ bảo đảm ở mức thấp nhất cho dân số hoạt động kinh tế, các chế độ phúc lợi dành cho dân số không hoạt động kinh tế cũng khá đa dạng. Chương trình hỗ trợ cộng đồng này bao gồm hai lĩnh vực lớn là trợ cấp chi phí sinh hoạt và hỗ trợ y tế.

Mức sống tăng lên, dịch vụ y tế được cải thiện khiến độ tuổi trung bình của người Hàn Quốc cũng tăng lên đột biến, điều này có nghĩa dân số cao tuổi cũng tăng lên đáng kể. Năm 1960 dân số trên 65 tuổi chiếm 2,9% tổng dân số thì đến cuối năm 2009 đã tăng lên 10,7% và dự tính sẽ tăng lên 14,3% vào năm 2018.

Các chính sách nâng cao phúc lợi dành cho người già như trực tiếp chi tiền trợ cấp cho đối tượng các gia đình có thu nhập dưới mức chuẩn sinh hoạt thấp nhất, mở rộng cơ hội tuyển dụng người già qua việc tạo việc làm phù hợp và mở trung tâm tuyển dụng. Chế độ y tế sức khỏe dành cho người già đã được tăng cường thông qua chế độ Bảo hiểm Chăm sóc Người cao tuổi dài hạn, mở ra nhiều công trình công cộng đa dạng dành cho người già. Theo chế độ Lương hưu Tuổi già Cơ bản được đưa ra vào tháng 1 năm 2008, tầng lớp thu nhập thấp từ 65 tuổi trở lên có thể nhận được trợ cấp hưu trí. Mặt khác, chế độ Bảo hiểm Chăm sóc Người cao tuổi dài hạn được áp dụng vào tháng 7 năm 2008 là chế độ nhằm nâng cao sức khỏe toàn diện cho người già, giảm bớt gánh nặng kinh tế và đặc biệt dành cho những người già mắc các chứng bệnh do tuổi già như lẫn và liệt.

Cùng với sự tăng cường các chế độ phúc lợi xã hội, chế độ phúc lợi dành cho người khuyết tật cũng phát triển mạnh. Hàn Quốc phân thành 15 loại khuyết tật. Năm 2008, có 2.430.000 người trong tổng số 49.000.000 dân số đăng ký là người khuyết tật. Chính phủ bắt đầu cung cấp trợ cấp khuyết tật cho tất cả người khuyết tật trẻ em và người lớn và nỗ lực để tạo việc làm cho người khuyết tật.

Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định Quyền lợi của Người khuyết tật. Theo đó, Luật Cấm Phân biệt Đối xử với người khuyết tật có hiệu lực từ tháng 4 năm 2008 và Hàn Quốc là nước thứ hai tại châu Á đã công bố Luật Cấm Phân biệt Đối xử với Người khuyết tật.

Phụ nữ sửa

Vai trò của phụ nữ trong xã hội truyền thống Hàn Quốc bị giới hạn trong gia đình. Phụ nữ Hàn Quốc được học về tính phục tùng và nhẫn nại từ nhỏ để thực hiện vai trò người vợ, người mẹ trong tương lai. Trước đây, phụ nữ thường không được tham gia xã hội tích cực như nam giới và bị giới hạn ở vai trò nội trợ.

Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc được thành lập năm 1948 đã bảo vệ phụ nữ Hàn Quốc về mặt Hiến pháp, mang lại cho họ cơ hội bình đẳng được học tập, làm việc và hoạt động cộng đồng.

Tháng 3 năm 2005, chính phủ đã xóa bỏ chế độ Chủ hộ - một chế độ phân biệt đối xử phụ nữ tiêu biểu khiến Hàn Quốc đã tiến một bước dài vào xã hội bình đẳng giới. Chế độ Chủ hộ bị xóa bỏ đã đặt những viên gạch đầu tiên của một văn hóa gia đình mới trên nền tảng giá trị dân chủ và bình đẳng giới. Kinh tế phát triển, điều kiện sinh hoạt được cải tiến khiến những thành quả về mặt giáo dục của phụ nữ cũng được nâng cao.

Tại Hàn Quốc, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là nghĩa vụ bắt buộc và được miễn phí. Năm 2005 hiện tại có 100% trẻ em Hàn Quốc đang đi học tiểu học. Tỷ lệ nam nữ của học sinh phổ thông cơ sở và trung học gần như bằng nhau. Tỷ lệ học tiếp lên đại học của học sinh trung học phổ thông là 81,6% đối với nam và là 82,4% đối với nữ. Tỷ lệ học tiếp lên đại học của học sinh nữ ngày càng cao hơn học sinh nam.

Tỷ lệ nguồn lao động nữ thông qua quá trình công nghiệp hóa tăng đều từ 37,3% năm 1965 đến 49,4% năm 2010. Xét về cơ cấu nghề nghiệp, nếu như năm 1975 chỉ có 2% lao động nữ làm công việc quản lý hoặc chuyên môn, 3,7% làm công việc văn phòng thì trong năm 2010, có đến 21% lao động nữ làm công việc chuyên môn hoặc quản lý và 17,8% làm công việc văn phòng. Phụ nữ Hàn Quốc ngày nay đang tham gia tích cực vào nhiều lĩnh vực đa dạng và đóng góp đáng kể cho xã hội.

Gần đây, sự xâm nhập vào chính phủ của phụ nữ được mở rộng. Ví dụ, số ủy viên Quốc hội nữ Khóa 16 (2000-2004) chỉ là 16 người (chiếm 5,9%) thì khóa 18 (2008-2012) đã tăng rõ rệt lên 43 người (14,4%). Con số người thi đỗ Kỳ thi tuyển Công chức Tư pháp được tổ chức gần đây nhất có đến 41,5% là nữ. Nữ chiếm 47,7% và tới 60% trong số những người vượt qua kỳ thi tuyển công chức Hành chính và Ngoại vụ. Phần lớn những người này được bổ nhiệm làm thẩm phán, công tố viên, viên chức nhà nước hoặc cán bộ ngoại giao.