Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Văn học

VĂN HỌC HÀN QUỐC

Văn học Hàn Quốc thông thường được chia thành văn học cổ điển và văn học cận hiện đại theo thời đại. Văn học cổ điển của Hàn Quốc phát triển trên bối cảnh tín ngưỡng dân gian truyền thống. Nó cũng chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo, trong đó Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất và đến thời kỳ Joseon thì chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo.

Mặt khác, văn học cận đại của Hàn Quốc trong quá trình tiến hành cận đại hóa đã phát triển thông qua sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây và chịu ảnh hưởng không chỉ từ tư tưởng của Cơ đốc giáo mà còn từ nhiều khuynh hướng tư duy nghệ thuật khác nhau đến từ phương Tây. Sau khi “Tân giáo dục” và “Phong trào quốc ngữ - văn học nước nhà” được triển khai, chữ Hán đại diện cho văn hóa của giai cấp thống trị đã đánh mất vị thế về văn hóa - xã hội đã được hưởng bấy lâu.

Hyangga ở thời kỳ Silla là sự khởi đầu của một thể thơ độc đáo của văn học Hàn Quốc. Hyangga được ghi chép bằng hyangchal là loại ký tự mượn âm và nghĩa của chữ Hán để ghi lại toàn bộ câu tiếng Hàn Quốc. Có 14 bài hyangga của Silla đã được ghi lại trong Samgungnyusa (Tam quốc Di sự: những sự kiện quan trọng của thời đại Ba vương quốc).

Đặc điểm của văn học thời kỳ Goryeo là chữ Hán được sử dụng ngày càng nhiều, Hyangga biến mất và Goryeogayo (bài ca Goryeo) xuất hiện. Goryeogayo được lưu truyền cho đến tận thời kỳ Joseon dưới hình thức văn học truyền miệng. Việc sáng tạo bảng chữ cái tiếng Hàn - Hangeul vào đầu thời kỳ Joseon là một bước ngoặt lớn trong lịch sử văn học Hàn Quốc. Akjang (lời nhạc) của những bài ca như Yongbieocheonga (Long Phi Ngự Thiên ca: bài hát về những con rồng bay trên bầu trời) được viết bằng Hangeul.

Sijo (Thời điệu: giai điệu hiện tại) là thể loại thơ tiêu biểu của thời kỳ Joseon. Thể thơ này được hình thành vào cuối thời kỳ Goryeo nhưng nó lại phát triển rực rỡ bởi ảnh hưởng của hệ tư tưởng thống trị mới của thời kỳ Joseon là Seongnihak (Tân Nho giáo nổi dậy vào thời nhà Tống Trung Quốc). Một thể loại khác của thơ ca thời kỳ Joseon là Gasa có nội dung không giới hạn ở những cảm xúc cá nhân mà còn đề cập đến cả nội dung giáo huấn đạo đức.

Những tiểu thuyết cổ truyền đầu tiên của Hàn Quốc có thể kể đến Geumosinhwa (Kim Ngao tân thoại: câu chuyện về Kim Ngao) bằng chữ Hán của Kim Si-seup và Honggildongjeon (Hồng Cát Đồng Truyền: câu chuyện về Hồng Cát Đồng) bằng Hangeul của Heo Gyun. Cùng với thời gian, Hangeul dần dần được sử dụng rộng rãi trong xã hội và mang đến sự phát triển của văn học tiếng Hàn Quốc. Văn học cận đại Hàn Quốc hình thành khi xã hội phong kiến Joseon suy tàn và các tư tưởng phương Tây mới mẻ được du nhập vào. Những thể loại văn học cận đại được đón chào là Changga (Xướng ca) và sinchesi (Tân thể thi).