Những điều nên biết về Hàn Quốc/Văn hóa/Âm nhạc và múa

ÂM NHẠC VÀ MÚA

Âm nhạc và múa từng là phương tiện hoạt động tôn giáo và truyền thống này cũng được nối tiếp ở thời kỳ Ba vương quốc. Ở thời kỳ Ba vương quốc có đến hơn 30 loại nhạc cụ được sử dụng. Nhạc cụ đáng chú ý nhất là dàn dây hyeonhakgeum (Geomungo) được Wang San-ak thời Goguryeo cải tiến lại từ đàn 7 dây của nhà Tần Trung Quốc và đàn gayageum được sử dụng lần đầu tại Gaya (42-562) vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Thời kỳ đầu của Goryeo vẫn theo truyền thống âm nhạc của Silla và phát triển thành nhiều thể loại đa dạng hơn khi bước vào thời kỳ cuối. Có ba thể loại âm nhạc ở Goryeo là Dangak (Đường nhạc: âm nhạc của nhà Đường Trung Quốc), Hyangak (Hương nhạc: âm nhạc đồng quê) và Aak (Nhã nhạc: âm nhạc cung đình). Một phần của âm nhạc Goryeo được kế thừa đến Joseon và vẫn được sử dụng đặc biệt trong những sự kiện liên quan đến việc tôn thờ tổ tiên. Cũng như âm nhạc, nghệ thuật múa ở thời kỳ đầu Goryeo cũng theo truyền thống của thời kỳ Ba Vương quốc nhưng về sau đã phát triển thành nhiều thể loại đa dạng hơn nữa khi múa cung đình và múa tôn giáo của nhà Tống Trung Quốc được truyền bá sang.

Âm nhạc thời đại Joseon được tôn trọng như một yếu tố quan trọng của các nghi thức tế lễ và sự kiện. Trong thời đầu Joseon, có hai cơ quan phụ trách liên quan đến âm nhạc được lập ra và đã có nhiều cố gắng để sắp xếp lại các bài nhạc. Kết quả là vào năm 1493, Akhakgwebeom - một cuốn sách quy định về nhạc được ban hành. Cuốn sách này phân thành 3 phạm trù lớn là Aak, Dangak và Hyangak. Đặc biệt vào thời vua Seongjong, có nhiều nhạc cụ mới được sáng tạo ra. Cùng với âm nhạc cung đình, những âm nhạc truyền thống dân gian như Dangak và Hyangak… cũng tiếp tục phát triển.

Những điệu múa dân gian bao gồm điệu múa của những người nông dân, múa Shaman giáo, điệu múa của các nhà sư cùng với múa mặt nạ tên gọi là Sandaenori và điệu múa rối được yêu thích vào cuối thời Joseon. Múa mặt nạ kết hợp cả múa và hát, chứa đựng những yếu tố Shaman giáo có sức hút mạnh với tầng lớp dân thường. Khi biểu diễn, có nhiều trường hợp chứa nội dung trào phúng châm biếm giới quý tộc yangban mang lại sự thú vị cho khán giả.

Múa truyền thống chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo và Phật giáo. Ảnh hưởng của Nho giáo có nhiều trường hợp mang tính chất áp bức, còn Phật giáo tương đối có tính bao dung hơn như cho thấy ở các điệu múa Shaman dành cho người chết hoặc trong múa cung đình lộng lẫy. Nhiều điệu múa truyền thống đã mất đi dưới thời cai trị của Nhật và những thập niên 1960, 1970 do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cao độ. Những nỗ lực khôi phục lại những điệu múa đã bị lãng quên trong thời gian này bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980. Ngày nay chỉ có một vài thể loại trong số 56 thể loại múa cung đình là được biết đến nhiều.

Các điệu múa Cheoyongmu (múa mặt nạ) thời kỳ Silla, Hakchum (Múa hạc) thời kỳ Goryeo và Chunaengjeon (Điệu múa chim sơn ca hót vào mùa xuân) thời kỳ Joseon được chính phủ xếp hạng Di sản Văn hóa Phi vật thể để bảo tồn. Những nghệ sĩ chuyên múa những điệu múa này được chỉ định là Di sản Văn hóa sống. Di sản Văn hóa sống là danh hiệu vinh dự nhất được trao tặng cho những tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật truyền thống và kỹ nghệ thủ công...

Những người tiên phong như Jo Taek-won và Choe Seung-hui - những nghệ sĩ hoạt động tích cực trong thời kỳ của thực dân Nhật chiếm đóng đã cống hiến rất nhiều vào sự phát triển của múa hiện đại Hàn Quốc. Đoàn Ba lê Seoul được sáng lập vào năm 1950 sau ngày giải phóng đã lần đầu tiên đưa những buổi biểu diễn ba lê lên sân khấu.

Âm nhạc phương Tây được biểu diễn lần đầu tiên ở Hàn Quốc khi tập thánh ca Cơ đốc giáo được giới thiệu vào năm 1893 và bắt đầu được giảng dạy tại trường học vào năm 1904. Mặt khác, Changga - một hình thức hát mới theo các giai điệu của âm nhạc phương Tây đã thịnh hành trên khắp đất nước.

Khi cả nước trải qua những thay đổi mạnh mẽ như buộc phải mở cửa đối với phương Tây và trải qua thời kỳ thống trị kéo dài của thực dân Nhật, Changga được hát để đẩy mạnh tình yêu nước và được nhận được sự yêu thích của nhân dân vốn khát khao độc lập cho đất nước, đây là một hình thức văn hóa mới. Năm 1919, Hong Nanpa đã sáng tác Bongseonhwa (Phượng tiên hoa) theo hình thức Changga. Sau giải phóng năm 1945, Đoàn Giao hưởng Goryeo - dàn nhạc theo phong cách phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc đã được sáng lập. Hiện nay có hơn 50 dàn nhạc giao hưởng tại Seoul và các tỉnh.

Ngày nay ngày càng có nhiều nhạc sĩ danh tiếng người Hàn Quốc được khán giả hoan nghênh khi biểu diễn ở nước ngoài và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế. Tiêu biểu cho số các nghệ sĩ nổi tiếng người Hàn Quốc có Chung Trio gồm nhà chỉ huy dàn nhạc kiêm nghệ sĩ piano, nghệ sĩ piano Chung Myung-whun, nghệ sĩ cello Chung Myung-wha và nghệ sĩ violin Chung Kyung-wha.

Trong số các ca sĩ dòng nhạc thính phòng, các giọng nữ cao Jo Sumi, Shin Young-ok và Hong Hye-gyong đang có những hoạt động sôi nổi đầy ấn tượng trong làng âm nhạc quốc tế. Họ đã thu âm album với các hãng âm nhạc nổi tiếng trên thế giới, đóng vai chính tại Nhà hát New York Metropolitan Opera và một số sân khấu nổi tiếng khác. Tháng 8 năm 1997, vở nhạc kịch Myeongseong Hwanghu (Hoàng hậu Minh Thành, tên tiếng Anh là ‘The Last Empress’) mô tả những năm cuối đời của Hoàng hậu Đại Hàn Đế quốc được trình diễn tại New York và được báo chí Mỹ đánh giá cao. Tác phẩm nhạc kịch tự sự này là một cơ hội quý báu để giới thiệu lịch sử và văn hóa của Hàn Quốc ra nước ngoài.

Năm 1951, Viện Quốc nhạc Quốc gia được thành lập để gìn giữ và phát triển hơn nữa nền âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hàn Quốc. Năm 1993, chính phủ thành lập trường đại học quốc gia với tên gọi là Trường Nghệ thuật Tổng hợp Hàn Quốc để cung cấp một nền giáo dục nghệ thuật với trình độ quốc tế và đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Trường đại học này bao gồm các Viện Âm nhạc, Viện Kịch nói, Viện Múa, Viện Mỹ thuật, Viện Hình ảnh và Viện Nghệ thuật Truyền thống. Các trung tâm nghệ thuật nhà nước và tư nhân như Trung tâm Nghệ thuật Seoul và Trung tâm Nghệ thuật LG đã giới thiệu nhiều buổi công diễn nghệ thuật đa dạng đến với khán giả Hàn Quốc. Từ năm 2004, các thành viên của Hội đồng Biểu diễn Nghệ thuật Lễ hội Hàn Quốc đã giao lưu các thông tin liên quan đến biểu diễn nghệ thuật và nghiên cứu về các loại lễ hội, đồng thời đã mời các đoàn biểu diễn nước ngoài tham gia cùng sản xuất các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật. Hội chợ Nghệ thuật Seoul (PAMS) được bắt đầu khai mạc từ năm 2005 đã thực hiện vai trò quảng bá các đoàn biểu diễn nghệ thuật Hàn Quốc trên sân khấu trong và ngoài nước một cách có hiệu quả.