Những điều nên biết về Hàn Quốc/Cuộc sống/Tôn giáo/Đạo Nho
Nho giáo do Không tử sáng lập vào thế kỷ 6 TCN, gần với khái niệm hướng dẫn hành động về mặt luân lý hơn là một tín ngưỡng tôn giáo. Nho giáo là một hệ thống nguyên tắc luân lý như Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín giúp cho gia đình và xã hội được duy trì đúng đắn. Nho giáo không có thần linh nhưng vẫn có thể được coi là một loại tôn giáo bởi lẽ thời gian trôi qua, một số những người theo đạo đã coi Khổng tử như thần linh và làm theo những nguyên tắc cơ bản của hệ thống Nho giáo như một tôn giáo.
Nho giáo được truyền bá vào Bán đảo Triều Tiên cùng với một số tài liệu ghi chép của Trung Quốc khoảng trước và sau công nguyên. Thời kỳ Tam quốc Goguryeo, Baekje, Silla đều để lại những ghi chép cho thấy tất cả đã chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ sớm. Tại Goguryeo, trường đại học quốc gia được gọi là Taehak đã được xây dựng vào năm 392 và các cơ sở giáo dục tư nhân dạy Nho học đã được mở ở các địa phương. Baekje đã xây dựng những trường học giống như trên vào thời kỳ sớm hơn Goguryeo. Silla Thống nhất đã phái cử đoàn đại biểu gồm những học giả đến nhà Đường để trực tiếp học hỏi và mang về một số lượng lớn các sách vở có liên quan. Thế kỷ thứ 10 tại Goryeo, Phật giáo là Quốc giáo và Nho giáo tạo nên cơ sở về mặt triết học, cơ cấu của quốc gia. Vào cuối thế kỷ 10, qua các kỳ thi Khoa cử - kỳ thi tuyển quan lại lấy mô hình từ chế độ của Trung Quốc, việc học tập kinh sách Nho giáo được khuyến khích và các giá trị Nho giáo đã bám rễ thật sâu vào tư tưởng của người Hàn Quốc.
Joseon được lập ra vào năm 1392 đã đón nhận Nho giáo là hệ tư tưởng quốc gia và đã phát triển giáo dục, nghi lễ, chế độ hành chính theo đó. Cuối thế kỷ 19, khi các nước lớn ở phương Tây và Nhật Bản đã cưỡng ép Joseon phải mở cửa và dùng quân sự để xâm chiếm, các nhà Nho học đã lập ra đội Nghĩa binh để chiến đấu chống lại chúng.
Mặt khác cũng có những cố gắng để cải cách Nho giáo cho thích ứng với sự biến đổi của thời đại. Những nhà cải cách này đã đón nhận văn minh phương Tây và cố gắng thành lập chính phủ độc lập hiện đại. Trong thời gian là thuộc địa của Nhật, họ đã tham gia vào vô số các cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại đế quốc Nhật Bản. Tư tưởng sùng bái tổ tiên vẫn còn tỏa rộng và chữ hiếu vẫn là một giá trị đạo đức được tôn trọng trong xã hội Hàn Quốc ngày nay.