Những điều nên biết về Hàn Quốc/Cuộc sống/Lễ hội

LỄ HỘI HÀN QUỐC

Lễ hội vốn là các nghi thức tôn giáo linh đình. Thậm chí trước thời Tam quốc, các sự kiện cảm ơn trời sau khi kết thúc thu hoạch ở các vương quốc có quy mô nhỏ còn được tổ chức ở cấp quốc gia. Tiêu biểu là yeonggo (trống gọi thần) của Buyeo, dongmaeng (sùng bái tổ tiên) của Goguryeo, mucheon của Dongye (điệu múa sùng bái ông trời)… Thông thường lễ hội thường được mở ra vào tháng 10 âm lịch khi kết thúc thu hoạch. Phong tục tận hưởng vụ mùa thu hoạch và vui vẻ đón chào năm mới được tiếp diễn đến tận sau thời kỳ Tam quốc dù có biến hình đôi chút.

Người Hàn Quốc ngày nay do cuộc sống bận rộn nên một số lớn quên đi lễ tết truyền thống. Tuy nhiên vẫn có những dịp lễ tết được tổ chức lớn. Một trong số đó là ngày Tết ‘Seollal’ ngày 1 tháng 1 âm lịch tương ứng với cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Vào ngày Seollal, tất cả gia đình đều quây quần lại một nơi, mặc hanbok hoặc đồ vest cúng giỗ tổ tiên. Cúng xong, mọi người cúi lạy người lớn tuổi trong gia đình.

Một lễ hội lớn chính nữa là rằm tháng giêng, là ngày trăng rằm đầu tiên sau khi ngày Seollal trôi qua. Vào ngày này, nông dân và ngư dân cúng cầu mong được mùa, các gia đình bình thường thì chuẩn bị những món ăn đặc biệt bằng rau đúng mùa, đánh đuổi tà khí và cầu mong cho sự may mắn cho cả năm.

Ngày 5 tháng 5 âm lịch được gọi là Dano (Đoan Ngọ). Trong ngày này, nông dân ngừng làm việc, tham gia lễ hội chúc mừng việc kết thúc việc gieo hạt, phụ nữ thì gội đầu bằng nước cây iris để ngăn chặn vận xấu. Trong quá khứ đây là một dịp tết lớn nhưng ngày nay, trừ một số vùng thì mối quan tâm về Tết Đoan Ngọ đã giảm bớt.

Ngày 15 tháng 8 âm lịch có trăng rằm là tết trung thu ‘chuseok’, đây có lẽ là ngày Tết mà người Hàn Quốc mong đợi nhất ngày nay. Trong kỳ nghỉ dài kéo dài 3 ngày, đường cao tốc chật ních xe ô tô, nhiều cơ quan và cửa hàng đóng cửa. Cả gia đình quây quần lại, cúng bái tổ tiên và đến thăm mộ tổ tiên. Những người sống ở thành phố về quê để ăn Tết trung thu. Vé tàu hỏa và máy bay về quê thường phải đặt mua từ nhiều tháng trước.

Ngoài ra còn có lễ Đức Phật đản sinh vào ngày 8 tháng 4 âm lịch và lễ Giáng sinh ngày 25 tháng 12. Lễ Giáng sinh không chỉ có những người theo đạo Cơ đốc mà phần lớn giới trẻ đều tận hưởng ngày này. Trong ngày lễ Phật đản, rất nhiều tín đồ Phật giáo tổ chức diễu hành ở trung tâm Seoul và đèn lồng hoa sen được treo ở những con đường chính.

Có những ngày hội gia đình mà tất cả người Hàn Quốc đều coi trọng và kỷ niệm với bữa tiệc rộn ràng. Baegil là ngày em bé chào đời được 100 ngày và dol là sinh nhật đầu tiên của em bé. Hoegap (hwangap) chỉ sinh nhật lần thứ 60, được coi là đã quay đủ một vòng chu kỳ 60 năm (tương tự như 12 cung Hoàng đạo của phương Tây). Những ngày hội gia đình này đặc biệt được coi trọng trong thời kỳ tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao và tuổi thọ trung bình thấp.

Ngày lễ tết của Hàn Quốc trước đây là ngày hội chung vui với cả họ hàng xa nhưng ngày nay, phần lớn chỉ có những thành viên gia đình gần gũi mới tụ họp. Trong dịp hoegap, có nhiều người hưởng thụ đi du lịch nước ngoài hơn là ở nhà nhận sự chúc mừng của gia đình.

Xem thêm về cuộc sống người Hàn Quốc sửa