Hiểu rõ cái đức của trời đất thì là thấy được cái gốc lớn, cái tôn chỉ lớn, mà hoà hợp với trời; quân bình thiên hạ mà hoà hoà hợp với người. Hoà hợp với người thì vui, hoà hợp với trời thì chia cái vui với trời. Vô vi thì vui vẻ, vui vẻ thì không lo lắng gì cả mà trường thọ. Hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là gốc của vạn vật. Theo đạo ấy mà tiến thân, giúp đời thì lập được sự nghiệp lớn, nổi danh và thống nhất được thiên hạ. [Theo đạo ấy,] tĩnh [nghĩa là ẩn cư] thì thành thánh, mà động [ra giúp đời] thì thành vua. Vô vi mà được tôn trọng, thuần phác mà không ai ganh với đức của mình được.

Đạo trời vận hành không ngừng mà làm cho vạn vật sinh thành, đạo vua thi hành không ngừng mà thiên hạ qui phụ, đạo thánh thi hành không ngừng nên bốn bể khâm phục. Hiểu đạo trời thì hiểu đạo thánh và hiểu được đức của đế vương mọi thời và mọi nơi[377], mà hồn nhiên hành động một cách âm thầm, yên lặng[378]. Thánh nhân yên lặng, không phải vì coi sự yên lặng là tốt, mà vì lòng mình không bị vạn vật làm náo động. Nước mà tĩnh thì phản chiếu được râu và lông mày; mặt nó thật phẳng, có thể làm bình chuẩn cho thợ mộc được. Nước tĩnh mà còn sáng được [nghĩa là còn phản chiếu được các vật], huống hồ là tinh thần, cái tâm linh của thánh nhân. Tâm đó là tám gương của vũ trụ. Sự hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là bình chuẩn của vũ trụ, mức chí cao của đạo đức. Cho nên các đế vương, thánh nhân để cho tâm thần nghỉ ngơi. Tâm thần nghỉ ngơi thì mới hư không, hư không thì đầy, đầy thì đủ[379]. Tâm thần hư không thì tĩnh, do cái tĩnh đó mà phát động thì việc nào cũng hợp nghi. Tĩnh thì vô vi, người trên mà vô vi thì người dưới làm tròn trách nhiệm.

Vô vi thì vui vẻ, vui vẻ thì không lo lắng gì cả mà trường thọ.

Hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là gốc của vạn vật. Người hiểu lẽ đó mà trị dân là vua Nghiêu; người hiểu lẽ đó mà thờ vua là vua Thuấn. Theo đạo ấy mà ở ngôi cao thì là có cái đức của đế vương, thiên tử; còn ở ngôi thấp thì thành ông thánh tối tăm [ít người biết tới] hoặc ông vua không ngôi[380]. Theo đạo ấy mà ẩn cư, nhàn nhã ngao du thì được tất cả các kẻ sĩ yêu cảnh sông biển, núi rừng cảm phục. Theo đạo ấy mà tiến thân, giúp đời thì lập được sự nghiệp lớn, nổi danh và thống nhất được thiên hạ. [Theo đạo ấy,] tĩnh [nghĩa là ẩn cư] thì thành thánh, mà động [ra giúp đời] thì thành vua. Vô vi mà được tôn trọng, thuần phác mà không ai ganh với đức của mình được.

Hiểu rõ cái đức của trời đất thì là thấy được cái gốc lớn, cái tôn chỉ lớn, mà hoà hợp với trời; quân bình thiên hạ mà hoà hoà hợp với người. Hoà hợp với người thì vui, hoà hợp với trời thì chia cái vui với trời.

Trang tử bảo:

Hỡi đại tôn sư của tôi, đại tôn sư của tôi!

Người làm cho mọi vật điêu tàn mà không phải là tàn nhẫn,

Người gia ân cho tới vạn đại mà không phải là vì nhân.

Người có trước thời thượng cổ mà không phải là thọ,

Người che chở trời đất, đục đẽo mọi hình thể mà không phải là khéo;

Đó là cái vui của trời.[381]

Cho nên bảo: Ai biết được cái vui của trời thì sống là hành động thuận với trời, chết là biến hoá cũng như mọi vật, tĩnh thì cũng tịch mịch như khí âm, động thì cũng xô đẩy, biến thiên như khí dương. Ai biết được cái vui của trời thì không bị trời giận, không bị người chê, không bị luỵ vì vật, không bị quỉ thần trách.

Cho nên bảo: Người đó động thì như trời, tĩnh thì như đất, tâm thần hợp với vũ trụ mà làm vua thiên hạ, quỉ thần không gây hoạ được, tâm hồn không bao giờ mệt mỏi; tâm thần hợp với vũ trụ, vạn vật phải qui phục. Nghĩa là đem cái hư tĩnh truyền khắp vũ trụ, tới vạn vật; như vậy gọi là cái vui của trời. Cái vui của trời là cái lòng của thánh nhân để nuôi thiên hạ[382].

Cái đức tháo của đế vương là lấy trời làm căn bản, lấy đạo đức làm chủ, lấy vô vi làm qui tắc. Theo qui tắc vô vi thì trị được thiên hạ mà còn dư sức, nên hữu vi thì bị thiên hạ sai khiến mà vẫn không đủ sức. Cho cổ nhân rất trọng sự vô vi. Người trên mà vô vi, người dưới cũng vô vi nữa, thế là dưới cũng có đức như trên mà không có bề tôi nữa. Cũng vậy, nếu người dưới hữu vi, người trên cũng hữu vi, thế là trên dưới cùng một đạo, mà không có vua nữa. Vậy trên phải vô vi mà trị thiên hạ, dưới phải hữu vi để giúp thiên hạ, đó là luật bất di bất dịch[383]. Cho nên cổ nhân trị thiên hạ, tuy trí tuệ có thể bao quát thiên hạ mà không dùng nó để mưu tính gì cả; tài ngôn luận tuy có thể hơn cả thiên hạ mà cũng không dùng tới; tài năng tuy vượt cả mọi người trong bốn bể, mà cũng không dùng tới.

Trời không có ý sinh sản mà vạn vật tự nhiên sinh hoá, đất không có ý nuôi cho lớn mà vạn vật tự nhiên được nuôi lớn. Bậc đế vương vô vi mà thiên hạ tự nhiên thành công. Cho nên bảo không có gì thần diệu bằng trời, không có gì phong phú bằng đất, không có gì lớn bằng đế vương. Cho nên bảo đức của đế vương ngang với trời đất. Đó là cái đạo cưỡi trời đất, rong ruổi vạn vật, sai khiến mọi người.

Cái chính ở trong tay người trên, cái phụ trong tay người dưới; đại thể thuộc về vua, chi tiết thuộc về bề tôi. Quân đội và binh khí[384] là cái phụ của cái đức; thưởng phạt, lợi hại, ngũ hình[385] là cái phụ của giáo dục; lễ, pháp, điển chương, so sánh, thẩm sát, chức tước, là cái phụ của việc trị nước; tiếng chuông, tiếng trống, các đồ trang sức bằng bông, là cái phụ của nhạc; gào thét, thống thiết, phân biệt các tang phục là cái phụ của việc để tang. Năm cái phụ đó phải vận động tinh thần, tâm thuật mới có hiệu quả[386]. Đó là cái học thấp nhất [mạt học], cổ nhân cũng có người dùng, nhưng không cho là chính.

Vua đề xướng rồi bề tôi theo; cha đề xướng rồi con theo; anh đề xướng rồi em theo; già đề xướng rồi trẻ theo; trai đề xướng rồi gái theo; chồng đề xướng rồi vợ theo. Có quí có hèn; có trước có sau, đó là trật tự của trời đất; thánh nhân theo trật tự ấy.

Trời cao, đất thấp, đó là vị trí của thần minh. Xuân hạ trước rồi mới tới thu đông, đó là trật tự của bốn mùa. Vạn vật sinh trưởng, hình trạng khác nhau, thịnh suy khác nhau, đó là dòng biến hoá của vũ trụ. Như trời đất cực thần minh kia mà còn có tôn ti, trước sau, huống hồ là người. Ở tôn miếu thì trọng những bậc vào hàng ông cha mình, ở triều đình thì trọng chức tước, ở hương đảng thì trọng người già, xử sự thì trọng người hiền, đó là trật tự của đại đạo[387]. Nói tới đạo mà không nói tới trật tự thì không còn là đạo nữa. Nói tới đạo mà không thi hành theo trật tự của đạo thì làm sao gọi là giữ đạo được?

Cổ nhân muốn làm sáng đại Đạo thì trước hết làm sáng cái luật trời (tự nhiên)[388], rồi tới Đạo và Đức; sau Đạo và Đức tới nhân nghĩa, rồi tới chức vụ, rồi tới danh phận; tuỳ tài năng mà giao nhiệm vụ, rồi quan sát [kẻ dưới làm việc ra sau], khen hay chê, thưởng hay phạt; như vậy người khôn kẻ ngu được đặt đúng chỗ, sang và hèn ở đúng địa vị, hiền tài và bất tài làm việc theo khả năng của mình. Phải chia ra nhiều hạng theo khả năng rồi tuỳ khả năng mà định danh phận. Phải theo cách ấy mà thờ người trên, nuôi kẻ dưới, trị dân và tu thân. Không dùng trí mưu mà cứ theo luật thiên nhiên, như vậy gọi là cực trị.

Sách có câu: “Phải phân biệt chức vụ và danh phận”. Người xưa đã phân biệt như vậy nhưng không cho đó là quan trọng. Người xưa luận về đại đạo cho sự phân biệt chức vụ và danh phận đứng vào hàng thứ năm, sự thưởng phạt đứng vào hàng thứ chín. Vội vàng mà xét tới sự phân biệt chức vụ và danh phận thì không biết được qui tắc của nó, vội vàng mà xét tới sự thưởng phạt thì không được biết nguyên do của nó. Như vậy là nói ngang, ngược với đạo, sẽ bị người khác cai trị mình chứ làm sao cai trị người được. Người nào vội vàng xét tới chức vụ và danh phận, thưởng và phạt, mới chỉ là biết khí cụ để cai trị, chứ không biết nguyên tắc cai trị, như vậy thì phải để cho thiên hạ sai khiến mình chứ không đáng sai khiến thiên hạ. Đó là hạng biện sĩ[389] chỉ biết được một thuật nào đó thôi. Cổ nhân biết rõ lễ pháp, chế độ, chức vụ và danh phận, cách thẩm sát. Đó là những cái người dưới dùng để thờ người trên, chứ không phải người trên dùng để nuôi người dưới.[390]

Xưa ông Thuấn hỏi vua Nghiêu:

– Bệ hạ dụng tâm ra sao?

Vua Nghiêu đáp:

– Quả nhân không khinh hạng dân không biết kêu ca, không bỏ kẻ bần cùng, chia buồn với những gia đình có người chết, chung vui với những gia đình có trẻ con, thương xót đàn bà cô quả. Quả nhân dụng tâm như vậy.

– Tốt đẹp rồi đấy, nhưng chưa phải là vĩ đại.

– Vậy quả nhân phải làm sao nữa.

Ông Thuấn đáp:

– Ai hoà hợp với đức trời thì tuy hành động mà vẫn ở yên, như mặt trời mặt trăng chiếu khắp, bốn mùa vận hành, hết ngày đến đêm, mây tới thì mưa đổ.

– Chính sách của quả nhân phiền phức, đa sự thật. Như ông là hoà hợp với đức trời, quả nhân chỉ hợp với người thôi. Người xưa cho trời đất là lớn. Vua Hoàng Đế, vua Nghiêu, vua Thuấn đều ca tụng đức của trời đất. Cho nên người xưa cai trị dân có làm gì khác là noi gương trời đất đâu.

Khổng Tử qua phương Tây[391] để gởi sách của mình vào đồ thư quán của nhà Chu. Môn đệ là Tử Lộ thưa:

– Con nghe nói có một vị giữ đồ thư quán tên là Lão Đam nay đã từ chức mà về vườn. Thầy muốn gởi sách vào đồ thư quán thì thử lại hỏi ông ấy xem sao.

Khổng Tử đáp:

– Ý kiến đó hay.

Rồi lại yết kiến Lão Đam. Lão Đam không chấp nhận. Khổng Tử bèn trình bày đại ý trong mười hai cuốn kinh[392] để thuyết phục Lão Đam.

Nghe xong và đồng ý rồi, Lão Đam bảo:

– Rườm quá, ông tóm tắt lại đại cương đi.

– Đại cương chỉ gồm nhân và nghĩa.

– Xin hỏi nhân và nghĩa có phải là bản tính con người không?

– Phải.

Người quân tử không có nhân thì không hoàn thiện được, không có nghĩa thì không sống được. Nhân và nghĩa quả là bản tính con người, không có hai cái đó thì còn làm gì được nữa?

– Xin hỏi thế nào là nhân và nghĩa.

– Trong lòng vui vẻ yêu mến mọi người, không riêng tư, phân biệt, như vậy là nhân và nghĩa.

– A, cơ hồ là thuyết người ta bày đặt ra sau này [chứ hồi nguyên thuỷ, bản tính con người đâu phải vậy]. Nói tới kiêm ái chẳng phải là viễn vong ư? Rán cho vô tư, tức là còn cái ý thiên tư rồi đấy. Ông muốn cho thiên hạ còn được nuôi nấng không? Nếu muốn thì xét những luật nhất định của trời đất kìa. Mặt trăng mặt trời có ánh sáng riêng, tinh tú có hàng có lối, cầm thú có bầy có đàn, cây cối tự sinh trưởng được. Ông chỉ nên để cho mỗi loài thuận theo cái đức của mình mà phát triển hợp với đạo trời, như vậy sẽ hoàn thiện. Tại sao lại cứ đề cao nhân nghĩa, khác gì đánh trống để tìm người thất lạc vậy? Ông chỉ làm cho mê loạn bản tính con người thôi.[393]

Sĩ Thành Khỉ[394] lại yết kiến Lão tử, bảo:

– Nghe tiếng ông là một bậc thánh cho nên tôi không ngại đường xa tới đây xin yết kiến. Đi cả trăm ngày đường[395], chân chai lên mà không dám nghỉ. Bây giờ tôi thấy ông không phải là ông thánh. Chung quanh hang chuột thấy ông bỏ phí những rau thừa, như vậy là bất nhân. Những thức ăn sống và chín bày la liệt trước mặt, sao ông chất chứa nhiều đến thế?

Lão tử thản nhiên không đáp.

Hôm sau Sĩ Thành Khỉ trở lại yết kiến, bảo:

– Hôm qua tôi chỉ trích ông, hôm nay tôi thấy trong lòng không yên. Sao vậy?

Lão tử đáp:

– Người ta có khen tôi là khôn khéo, sáng suốt, thần hay thánh, tôi cũng không quan tâm tới; và hôm qua chú có gọi tôi là bò, là ngựa, ừ thì là bò, là ngựa. Người ta cho tôi một cái tên, nếu xứng, mà tôi không nhận thì bị người ta chê trách tới hai lần. Thái độ tôi lúc nào cũng an nhiên, không miễn cưỡng.

Sĩ Thành Khỉ [xấu hổ] đi ngang ngang dang ra, tránh dẫm lên bóng của Lão tử, rồi vội vàng[396] quay trở lại, tới gần Lão tử, hỏi về cách tu thân.

Lão tử đáp:

– Nét mặt chú kiêu căng, mắt chú láo liên, trán chú dồ, miệng chú rộng, thái độ chú tự cao, chú như con ngựa đang chạy mà bị cột lại; chú hung hăng muốn hành động nhưng nên tự kìm lại, chú muốn bật ra như cái máy, chú nhận xét, tự biết rằng mình trí xảo, nên có thái độ kiêu căng. Không tin tôi thì cứ coi bọn ăn trộm ở biên giới sẽ biết[397].

Lão tử bảo:

– Đạo lớn tới nỗi không biết đâu là cùng, mà nhỏ tới nỗi không sót một vật nào. Cho nên vạn vật đều có đủ trong đó. Nó rộng tới nỗi cái gì cũng dung nạp được, sâu tới nỗi không ai dò được. Hình thể, đạo đức, nhân nghĩa chỉ là những nhánh nhỏ của tinh thần, chỉ bậc chí nhân mới cho chúng một định nghĩa được[398]. Chỉ bậc chí nhân làm chủ được thế giới mà không bị luỵ về nó; mọi người đều tranh nhau quyền bính, chí nhân thì không dự vào. Chí nhân giữ kĩ cái Đạo, không vì lợi lộc mà đổi lòng. Biết rõ được bản chân của sự vật, giữ được cái bản nguyên chung, cho nên vượt được trời đất, bỏ lại vạn vật mà tinh thần hoàn toàn tự do. Chí nhân hiểu Đạo, hợp nhất với Đức, gạt nhân nghĩa ra, bỏ lễ nhạc, nên lòng được yên tĩnh.

Cái đạo mà người đời quí được chép ở trong sách. Sách chẳng qua chỉ là lời. Lời sở dĩ quí là nhờ ý. Ý tuỳ thuộc một cái gì không dùng lời mà truyền được. Nhưng người đời quí lời mà truyền lại trong sách. Mặc dù mọi người quí sách, tôi vẫn cho nó không đáng quí, vì cái mà người ta quí trong sách, tôi cho không phải là quí. Nhìn mà thấy được là hình và sắc; nghe mà thấy được là tên và tiếng. Buồn thay! Người đời cho rằng hình và sắc; tên và tiếng diễn được chân tính của sự vật. [Điều đó không đúng], vì người biết thì không nói, người nói thì không nói. Người đời đâu hiểu được lẽ ấy.

Một hôm vua [Tề] Hoàn công đọc sách ở trên nhà, người đóng xe tên Biển đang đẽo bánh xe ở dưới sân, bỏ cái búa cái đục, bước lên hỏi Hoàn công:

– Kính hỏi nhà vua đọc đó là những lời gì vậy?

Hoàn công đáp:

– Lời thánh nhân.

– Những thánh nhân đó còn sống không?

– Chết cả rồi.

– Vậy là nhà vua đọc đó là đọc cái cặn bã của cổ nhân.

– Trẫm đương đọc sách, một tên đóng xe sao dám luận bàn? Giảng mà có lí thì tha cho, vô lí thì bị xử tử.

Người đóng xe đáp:

– Thần xin lấy nghề của thần làm thí dụ: Thần đẽo bánh xe mà chầm chậm thì ngọt tay mà không bén; nếu đẽo mau thì mệt sức mà không vô[399]. Phải đừng chậm, đừng mau, vừa với tay mình và hợp với lòng mình. Không diễn ra được, có cái gì huyền diệu ở trong đó. Cho nên thần không truyền lại cho con được mà chúng cũng không học được của thần. Vì vậy mà bảy chục tuổi rồi mà thần vẫn phải đẽo lấy. Cổ nhân và những điều họ không thể truyền lại được nay tiêu diệt hết rồi, sách nhà vua đọc đó chỉ là cặn bã của cổ nhân thôi.

Chú thích

sửa

[377] Nguyên văn: Lục thông, tứ tịch. Lục thông là trên dưới, đông tây nam bắc; tứ tịch là bốn mùa.

[378] Nghĩa là hành động một cách vô tâm, không ai thấy, biết (vì hợp với tự nhiên).

[379] Nguyên văn: hư tắc thực, thực giả luân hĩ. Vương Thúc Mân bảo chữ luân đó phải sửa là bị (đủ). Có sách giữ chữ luân và dịch là: hư thì hợp với đạo chân thực, đạo chân thực là luân lí tự nhiên.

[380] Nguyên văn: tố vương. Danh từ này xuất hiện trong đời Hán. Khổng Tử được coi là một vị tố vương.

[381] Đoạn này chỉ khác đoạn trong Đại tôn sư – 6 có vài chữ. Khác nhiều nhất là cuối câu này. Trong Đại tôn sư, đây là lời của Hứa Do, nghĩa là lời Trang tử tự đặt vào miệng Hứa Do.

[382] Nguyên văn: thánh nhân chi tâm dĩ súc thiên hạ dã. L.K.h. dịch là: cái lòng của thánh nhân được duy trì trong vũ trụ. Âu Dương Tu, một văn hào đời Tống chê đoạn này viết dở quá.

[383] V.P.C. bảo: Đây không phải là ý nghĩa vô vi của Lão, Trang, mà có lẽ là tư tưởng của Lí Tư dưới đời Tần Thuỷ Hoàng.

[384] Nguyên văn: tam quân, ngũ binh: ba đạo quân và năm thứ binh khí; mỗi thuyết một khác, đại khái là cung, tên, cái mâu, ngọn giáo, cây kích.

[385] Ngũ hình: mỗi thuyết một khác, đại khái là tội chết, tội đày có hạn, đày không hạn, giam, phạt tiền.

[386] Có lẽ tác giả muốn nói: nếu chỉ có hình thức thì không có hiệu quả.

[387] Rõ ràng bài này do một người theo đạo Nho viết.

[388] Nguyên văn là thiên.

[389] Tức như hạng Tô Tần, Trương Nghi.

[390] Đây rõ ràng là lời của bọn hình danh gia, mà có pha chút tư tưởng Nho giáo, chứ không phải tư tưởng của Trang tử.

[391] Vì Lỗ, quê hương của Khổng Tử ở phương Đông, Chu ở phương Tây.

[392] Khổng Tử chỉ có lục kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Dịch; thêm sáu cuốn vĩ nữa mới mười hai. Sáu cuốn vĩ này do người Hán viết, vậy bài này rõ ràng là của đời Hán. Kinh chính nghĩa là dọc, vĩ chính nghĩa là ngang. Vĩ thư là những sách mượn nghĩa trong các kinh để giảng về những phù pháp, bói toán.

[393] Đây chỉ là truyện tưởng tượng, chắc là viết sau cái hoạ đốt sách đời Tần Thuỷ Hoàng.

[394] Cũng đọc là Ỷ.

[395] Nguyên văn: bách xá là [phải nghỉ ở] trăm quán trọ ban đêm.

[396] Nguyên văn: lí hành là đi giày hay dép. Theo lễ phải để giày dép ở ngoài. Sĩ Thành Khỉ mất bình tĩnh nên quên điều đó.

[397] Nguyên văn: Phàm dĩ bất tín, biên cánh hữu nhân yên, kì danh vi thiết. Câu này tối nghĩa. Có sách dịch là: Những hành vi ấy đều trái tự nhiên. Ở biên giới có hạng người [như vậy], người ta gọi là kẻ trộm.

[398] Nguyên văn: (phi chí nhân) thục năng định chi. L.K.h. dịch như vậy, tôi thấy không ổn. H.C.H. dịch là: ai có thể định tâm vào thái độ vô vi được? Theo tôi Hoàng cũng đoán mò nữa. Tiền Mục giảng: mới làm cho chúng ngưng tụ, kết thành được. Tôi vẫn không hiểu.

[399] Có thể hiểu là làm dối trá, khó lắp bánh vô.