Nam Hoa chân kinh/Nhượng vương
Biết trọng sinh mệnh thì dù là phú quí cũng không nên hưởng thụ nếu có hại cho thân mình, còn như nghèo hèn thì không nên vì lợi lộc mà làm tội cái hình hài. Ngày nay, những kẻ chức cao tước lớn chỉ lo mất địa vị, thấy các lợi mà quên hẳn thân mình. Như vậy chẳng là mê muội ư? Không tự chủ được thì cứ thuận theo lòng mình, như vậy tinh thần được yên, không oán ghét cái gì cả. Vì người nào không tự chủ được mà cứ miễn cưỡng ép mình thì tinh thần bị thương tổn đến hai lần, không thể sống lâu được.
1
sửaVua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Hứa Do, Hứa Do không nhận, bèn nhường cho Tử Châu Chi Phụ[717]. Tử Châu Chi Phụ đáp:
– Tôi cũng muốn là thiên tử, nhưng hiện tôi đau một bệnh ngầm[718], còn phải lo trị nó đã, chưa rảnh mà trị thiên hạ được.
Trị thiên hạ là việc rất quan trọng mà còn không muốn hại sức khoẻ vì nó, huống hồ là việc khác. Chỉ người nào không quan tâm tới việc trị thiên hạ là mới có thể giao thiên hạ cho được thôi.
Vua Thuấn muốn nhường thiên hạ cho Tử Châu Chi Bá (cũng là Tử Châu Chi Phụ trong đoạn trên). Tử Châu Chi Bá đáp:
– Tôi đương đau một bệnh ngầm, còn phải lo trị nó đã, chưa rãnh mà trị thiên hạ được.
Ngôi thiên tử là tối cao mà ông ấy không chịu đem sinh mệnh của mình ra đổi. Người đạt Đạo khác người thường ở điểm ấy.
Vua Thuấn muốn nhường thiên hạ cho [một ẩn sĩ là] Thiện Quyển. Thiện Quyển đáp:
– Tôi sống trong vũ trụ, mùa đông bận áo da lông, mùa hè bận áo vải thô, mùa xuân đủ sức cày ruộng gieo lúa, tới mùa thu gặt hái, đủ để ăn và nghỉ ngơi. Mặt trời mọc thì dậy làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ, tiêu dao trong khoảng trời đất mà lòng thư thái sung sướng. Thế thì tôi nhận thiên hạ làm gì? Buồn thay, ông chẳng hiểu tôi chút nào cả.
Từ chối rồi, Thiện Quyển bỏ đi, vô trong rừng sâu, không ai biết nơi nào.
Vua Thuấn muốn nhường ngôi cho một người bạn nông phu ở Thạch Hộ. Người bạn ấy đáp:
– Phải gắng trị nước. Làm vua như bác thực là lao khổ!
Lời đó có ý chê đức của vua Thuấn chưa được hoàn toàn[719]. Rồi nông phu đó cõng con, vợ đội ít đồ dùng trong nhà, dắt nhau ra biên, suốt đời không trở về nữa.
2
sửaVua Thái Vương Đản Phụ ở đất Bân[720], rợ Địch tấn công đất Bân hoài. Ông bèn cống họ da thú và lụa, họ không nhận; cống chó ngựa cũng không nhận; cống châu ngọc cũng không nhận; rợ Địch chỉ muốn chiếm đất đai thôi. Thái Vương Đản Phụ [họp dân chúng lại] bảo:
– Tôi không muốn nhẫn tâm để con em các người ra trận mà chết, như vậy có khác gì tôi giết họ. Các người gắng ở lại đây. Làm thần dân của tôi hay của người Địch thì cũng vậy. Tôi nghe nói không nên đem cái dùng để nuôi người [tức đất đai] mà hại người [tức bắt dân ra trận].
Rồi ông chống gậy ra đi, dân chúng dắt dìu nhau theo ông mà lập một nước ở chân núi Kì Sơn [tại Thiểm Tây ngày nay]. Có thể bảo ông là người trọng sinh mệnh.
Biết trọng sinh mệnh thì dù là phú quí cũng không nên hưởng thụ nếu có hại cho thân mình, còn như nghèo hèn thì không nên vì lợi lộc mà làm tội cái hình hài. Ngày nay, những kẻ chức cao tước lớn chỉ lo mất địa vị, thấy các lợi mà quên hẳn thân mình. Như vậy chẳng là mê muội ư?[721]
3
sửaTrong ba đời liên tiếp, người Việt giết vua. Thái tử tên Sưu lo quá, chạy trốn vào động Đan, thế là nước Việt không có vua. Người Việt bèn đi tìm thái tử, theo dấu vết đến động Đan. Thái tử không chịu ra, họ phải đốt lá ngải hun động và đánh xe của vua chờ ở ngoài. Khi nắm được dây leo lên xe, thái tử ngửa mặt lên trời than: “Làm vua! Làm vua! Tại sao không tha cho tôi, cứ phải tôi mới được?”. Thái tử Sưu không sợ làm vua mà sợ cái hoạ làm vua. Có thể bảo ông là không vì ngôi vua mà làm hại sinh mệnh của mình, chính vì vậy mà người Việt mới muốn ông làm vua.
4
sửaHai nước Hàn và Nguỵ cùng tranh nhau lấn đất. Tử Hoa tử [người nước Nguỵ], lại yết kiến Chiêu Hi Hầu nước Hàn, thấy nhà vua có vẻ lo, nên bảo:
– Nay có người muốn nhường thiên hạ, và viết trước mặt nhà vua một minh ước như vầy: “Ai mà tay trái lấy tờ minh ước này thì tay phải bị chặt, tay phải lấy thì tay trái bị chặt; nhưng lấy được nó thì sẽ được cả thiên hạ”. Như vậy nhà vua có chịu lấy không? Chiêu Hi Hầu đáp:
– Quả nhân không chịu.
Tử Hoa tử bảo:
– Hay lắm! Vậy là nhà vua coi hai cánh tay trọng hơn thiên hạ; thân thể còn trọng hơn hai cánh tay nữa. Mà nước Hàn lại khinh [nhỏ, không quan trọng] hơn thiên hạ nhiều, và phần đất hai bên tranh nhau lại khinh hơn nước Hàn nhiều. Sao nhà vua lại vì phần đất nhỏ đó mà âu sầu lo lắng, hại cho sinh mạng mình như vậy.
Chiêu Hi Hầu bảo:
– Hay! Đã nhiều người khuyên quả nhân mà quả nhân chưa được nghe lời nào như lời ông.
Tử Hoa tử là người biết phân biệt khinh và trọng.
5
sửaVua Lỗ nghe tiếng [ẩn sĩ] Nhan Hạp là người đạt Đạo, sai sứ giả mang tơ lụa lại làm lễ phẩm đón rước. Nhan Hạp đứng bên một cửa ngõ tồi tàn, bận áo vải thô, đương cho bò ăn. Sứ giả tới, Nhan Hạp đích thân tiếp. Sứ giả hỏi:
– Đây phải là nhà Nhan Hạp không? Nhan Hạp đáp: – Phải, đây là nhà của Hạp. Sứ giả dâng lễ phẩm.
Nhan Hạp bảo:
– Tôi ngờ rằng sứ giả nghe lầm, coi chừng bị tợi đấy. Về hỏi lại cho kĩ đi.
Sứ giả về hỏi lại chắc chắn rồi trở lại thì Nham Hạp đã dọn đi đâu rồi. Nhan Hạp quả là người ghét phú quí. Cho nên bảo: “Cái tinh tuý của Đạo là để trị bản thân mình, cái dư thừa của Đạo để trị nước, cái cặn bã của Đạo để trị thiên hạ”. Do đó mà xét thì công nghiệp của đế vương là việc thừa của thánh nhân, không thể dùng nó để toàn thân, dưỡng sinh được. Hiện nay bọn quân tử[722] trong đời hầu hết là chạy theo vật chất mà làm nguy hại thân mình, huỷ bỏ sinh mệnh mình. Chẳng đáng buồn ư?
Trước khi làm việc gì, bậc thánh nhân cũng xét làm cách nào và mục đích gì. Nay có người lấy hòn ngọc của Tuỳ Hầu[723] làm viên đạn để bắn con chim sẻ bay cao một ngàn nhẫn[724] thì tất bị thiên hạ chê cười vì dùng một vật quí để đạt một kết quả không đáng một chút gì. Mà sinh mệnh chẳng quí hơn hòn ngọc Tuỳ Hầu ư?
6
sửaBài này y hệt bài VIII.6 trong cuốn Liệt tử, chúng tôi đã dịch rồi – bản Lá Bối trang 154. Đại ý: Liệt tử đói mà không nhận lúa vua cho.
7
sửaSở Chiêu vương mất nước, một người bán thịt cừu tên là Thuyết chạy theo vua. Khi trở về nước, Chiêu vương thưởng những người chạy theo mình; tới phiên người bán thịt cừu, người này đáp[725]:
– Đại vương mất nước thì Thuyết tôi cũng mất quán thịt cừu. Đại vương trở về nước thì tôi cũng lấy lại quán thịt cừu. Vậy là tước lộc của tôi đã được phục hồi, có gì mà phải thưởng?
Chiêu vương ra lệnh ép phải nhận, người đó thưa:
– Trước đại vương mất nước không phải là tội của tôi, nên tôi không dám ở lại để bị tội chết; nay đại vương trở về, không phải là công của tôi, nên tôi không dám nhận thưởng.
Chiêu vương ra lệnh cho người đó vô yết kiến. Người đó bảo:
– Theo luật pháp nước Sở, phải có công lớn, được trọng thưởng mới được vua cho yết kiến. Tôi tài trí không đủ để giữ nước, dũng cảm không đủ để giết địch. Quân nước Ngô vô kinh đô [Dĩnh], Thuyết tôi sợ tai nạn nên chạy trốn, không phải cố ý đi theo vua. Nay đại vương định bỏ pháp luật, qui ước mà cho tôi vô yết kiến, tôi không muốn nhờ cách đó mà được người ta nhắc tới trong thiên hạ.
Chiêu vương bèn bảo quan tư mã là Tử Cơ:
– Người bán thịt cừu đó địa vị thấp mà tính tình thật cao thượng. Ông thay quả nhân mà đề cử người đó lên một trong các chức tam công[726]. Người bán thịt cừu hay lệnh đó, đáp:
– Tôi biết rằng chức tam công quí hơn nghề bán thịt cừu, bổng lộc được vạn chung[727], nhiều hơn cái lợi bán thịt cừu, nhưng tôi đâu dám ham tước lộc mà để vua mang tiếng lạm phong chức tước! Thuyết tôi không dám nhận, chỉ mong được trở về bán thịt cừu thôi. Và người đó từ chối.
8
sửaNguyên Hiến[728] ở nước Lỗ, trong một căn nhà chật hẹp, mái lợp bằng cỏ tươi, cánh cửa tạm bợ bằng cỏ bồng, then cửa bằng cành dâu, cửa sổ hay phòng làm bằng cái vò lủng đáy, che bằng vải thô. Nhà dột mà đất thì ẩm thấp. Nguyên Hiến ngồi ngay ngắn, gảy đờn và hát.
Tử Cống ngồi xe, thắng ngựa lớn, mà tàn bằng lụa, trong màu tía, ngoài màu trắng, cao quá nên xe không vô ngõ được. Nguyên Hiến đội cái nón bằng vỏ cây, dép vẹt gót, chống một cây gậy bằng cành lê, đích thân ra cửa tiếp bạn [vì không có tiểu đồng].
Tử Cống bảo:
– Ôi! Sao tiên sinh khốn khổ như vậy?
Nguyên Hiến đáp liền:
– Hiến tôi nghe nói không có tiền của thì là nghèo, học mà không hành được thì mới là khốn. Hiến tôi nghèo chứ không khốn khổ. Tử Cống đứng sửng lại, xấu hổ. Nguyên Hiến cười bảo:
– Hành động để chiều lòng người, ai cũng kết thân được; học để cầu danh, dạy học để cầu lợi, giả nhân nghĩa mà làm điều gian ác, đi đâu thì xe ngựa lộng lẫy, cái đó, Hiến tôi không nhẫn tâm làm được.
9
sửaTăng tử ở nước Vệ, bận áo bằng gai mà không có lót, mặt sưng phù lên, chân tay đều chai cả, ba ngày không nhóm bếp, mười năm không may áo. Hễ sửa lại cái mũ thì dây đứt, kéo tay áo ra thì lòi khuỷ tay, xỏ chân vào giày thì gót giày bung. Lết đôi giày rách đó mà hát những bài tụng[729] đời Thương, tiếng hát vang xa như tiếng nhạc cụ bằng đồng bằng đá hợp tấu. Thiên tử[730] không vời ông ta làm bề tôi được, các vua chư hầu không kết bạn với ông ta được. Người nào tu dưỡng tâm chí [như ông ấy] thì quên hình hài của mình, người nào bảo dưỡng hình hài thì quên lợi lộc, còn người đạt Đạo thì quên tâm trí đi.
10
sửaKhổng Tử bảo Nhan Hồi:
– Hồi, lại đây! Nhà con nghèo, địa vị con thấp hèn, sao con không ra làm quan?
Nhan Hồi đáp:
– Con không muốn làm quan. Con có năm chục mẫu ruộng ngoài thành khỏi lo cơm cháo, hai mẫu vườn ở trong thành khỏi lo tơ, gai [tức quần áo], con gảy đàn cầm đủ để tiêu khiển, theo học đạo của thầy đủ để vui thích. Con không muốn làm quan.
Khổng Tử tỏ vẻ mừng, bảo:
– Ý đó hay. Thầy nghe nói: “Người biết tri túc thì không vì lợi lộc mà luỵ thân; người nào chỉ tìm sự vui vẻ của tâm hồn thì mất mát gì cũng không lo buồn; người nào biết tu dưỡng nội tâm thì không xấu hổ vì không có chức vị”. Thầy đã tụng những lời đó từ lâu, nay mới thấy con theo được. Đó là một sự thành công của thầy.
11
sửaNguỵ công tử tên là Mâu được phong đất Trung Sơn bảo Chiêm tử [một người hiền nước Nguỵ]:
– Thân tôi ở [nơi hẻo lánh] bờ sông góc biển này mà lòng tôi lưu luyến cảnh [lộng lẫy ở] cung điện nước Nguỵ. Làm sao bây giờ?
Chiêm tử bảo:
– Công tử nên trọng sự dưỡng sinh, trọng dưỡng sinh thì khinh lợi [tức vật chất].
Công tử Mâu bảo:
– Tôi biết được vậy mà không tự chủ được.
– Không tự chủ được thì cứ thuận theo lòng mình, như vậy tinh thần được yên, không oán ghét cái gì cả. Vì người nào không tự chủ được mà cứ miễn cưỡng ép mình thì tinh thần bị thương tổn đến hai lần, không thể sống lâu được[731].
Mâu là công tử nước Nguỵ có vạn cổ xe [tức một nước lớn], mà ở một nơi núi hang hẻo lánh, tất thấy khó chịu hơn một kẻ sĩ áo vải (tức hạng bình dân). Ông ấy chưa đạt được Đạo nhưng có thể bảo là tâm ý cũng đã đáng khen.
12
sửaKhi Khổng Tử bị vây ở khoảng giữa nước Trần và nước Thái, bảy ngày ăn toàn rau, không được một hột cơm, dung nhan tiều tuỵ mà vẫn gảy đàn ca hát trong phòng. Nhan Hồi hái rau ở ngoài, nghe Tử Lộ và Tử Cống nói với nhau:
– Thầy chúng mình bị đuổi ra khỏi nước Lỗ, rồi phải trốn khỏi nước Vệ; tại nước Tống, người ta đốn cây dưới đó thầy đã ngồi; thầy bị cùng khốn ở nước Thương và nước Chu, bây giờ lại bị vây ở đây. Có lệnh ai giết thầy mình cũng vô tội, ai muốn sỉ nhục thầy mình cũng không bị cấm. Vậy mà thầy không dứt tiếng đàn, và tiếng ca hát. Một người quân tử mà vô liêm sĩ tới bực đó ư?
Nhan Hồi không biết đáp hai người đó ra sao, vô kể lại cho thầy nghe. Khổng Tử gạt cây đàn cầm sang một bên, thở dài, bảo:
– Do với Tử (tức Tử Lộ và Tử Cống) là bọn tiểu nhân thiển cận. Gọi chúng vô đây, ta giảng cho.
Tử Lộ và Tử Cống vô. Tử Lộ bảo:
– Tình cảnh lúc này có thể gọi là khốn cùng rồi.
Khổng Tử bảo:
– Nói gì vậy? Người quân tử mà hiểu đạo thì gọi là thông đạt, không hiểu đạo thì gọi là khốn cùng. Nay ta giữ vững đạo nhân nghĩa mà gặp tai nạn thời loạn, có gì đâu mà bảo là khốn cùng? Ta tự xét lòng ta, thấy không có gì là không hiểu Đạo, gặp tai nạn ta vẫn giữ được Đức của ta. Tới mùa đông, sương tuyết đổ xuống mới biết cây tùng cây bách là xanh tốt. Tai nạn ở giữa Trần và Thái này chẳng phải là cái may cho ta ư?
Nói rồi, Khổng Tử cầm cây đàn cầm lên tiếp tục gảy và ca hát. Tử Lộ phấn khởi cầm cái mộc mà múa. Tử Cống bảo:
– Từ trước tới nay tôi không biết trời cao tới đâu, đất dày tới đâu. Cổ nhân mà đạt Đạo thì khốn cùng vũ trụ cũng vui, hiển đạt cũng vui. Khốn cùng và hiển đạt đều không ảnh hưởng gì tới cái vui cả. Còn giữ được Đạo và Đức thì cùng và thông chỉ như lạnh và nóng, mưa và gió nối tiếp nhau thôi. Cho nên Hứa Do vui ở phía Bắc sông Dinh mà Cung Bá tiêu dao ở núi Cung sơn[732].
13
sửaVua Thuấn muốn nhường thiên hạ cho một người bạn là Vô Trạch ở phương Bắc. Vô Trạch đáp:
– Nhà vua kì dị thật! Xuất thân ở đồng ruộng mà lại tới triều đình vua Nghiêu! Như vậy chưa đủ sao mà còn muốn dùng hành vi ô nhục đó làm dơ bẩn tôi nữa.
Nói rồi, Vô Trạch gieo mình xuống vực Thanh Lãnh[733] tự tử.
14
sửaVua Thang trước khi đem quân đánh vua Kiệt[734], hỏi kế Biện Tuỳ.
Biện Tuỳ đáp:
– Đó không phải là việc của tôi.
Vua Thang hỏi:
– Vậy tôi phải hỏi ai bây giờ?
– Tôi không biết.
Vua Thang lại hỏi kế Vụ Quang. Vụ Quang cũng đáp:
– Đó không phải là việc của tôi.
Vua Thang hỏi:
– Vậy tôi phải hỏi ai bây giờ?
– Tôi không biết.
– Ông Y Doãn[735] là người ra sao?
– Ông ấy mạnh mẻ và chịu được điều sỉ nhục, ngoài ra tôi không biết.
Vua Thang bèn cùng Y Doãn lập kế đánh Kiệt, thắng, rồi nhường ngôi cho Biện Tuỳ. Biện Tuỳ từ chối:
– Nhà vua hỏi ý tôi trước khi đánh vua Kiệt, tức cho tôi là kẻ cướp; thắng vua Kiệt rồi nhường ngôi cho tôi, tức cho tôi là tham (phú quí). Tôi sinh vào thời loạn mà một người vô đạo hai lần làm dơ bẩn tôi bằng những hành vi ô nhục. Thôi đừng nói nữa, tôi không nghe nữa đâu.
Nói rồi Biện Tuỳ gieo mình xuống sông Chu[736] mà chết.
Vua Thang lại nhường ngôi cho Vụ Quang, bảo:
– Người có trí tuệ thì mưu tính việc thiên hạ, người có vũ lực thì bình định thiên hạ, người có lòng nhân thì lên ngôi trị thiên hạ, đó là Đạo thời xưa. Sao ông không lên ngôi?
Phế vua, không phải là việc nghĩa; giết vua không phải là việc nhân; dân chúng mạo hiểm gian nan mà mình hưởng vinh hoa phú quí, như vậy không phải là liêm. Tôi nghe nói: Nhà vua bất nghĩa thì mình không nên nhận bổng lộc, nước mà vô đạo thì mình không nên ở. Làm sao tôi chịu để ông tôn sùng được. Thôi, tôi không muốn thấy cái cảnh đó nữa đâu.
Nói rồi, Vụ Quang cột một phiến đá lớn vào lưng, gieo mình xuống sông Lư[737] mà chết.
15
sửaXưa kia, khi nhà Chu mới phát, nước Cô Trúc có hai kẻ sĩ: Bá Di và Thúc Tề[738]. Hai người đó bảo nhau:
– Nghe nói ở phương Tây có một người hình như đạt Đạo, mình thử lại đó xem sao.
Khi họ tới phía Nam núi Kì[739], vua Võ vương hay tin sai là Đán lại hội kiến, đề nghị với họ như sau:
“Chúng tôi sẽ tặng hai ông bổng lộc hạng nhì [chỉ kém người trong họ vua], quan chức hạng nhất. [Nếu hai ông chịu thì] chúng ta sẽ chép lời thề, vấy máu bò lên lời thề rồi chôn xuống đất”.
Bá Di và Thúc Tề nhìn nhau cười:
– Ha! Lạ thay, cái mà chúng tôi gọi là Đạo đâu phải vậy. Xưa kia, khi vua Thần Nông làm chủ thiên hạ rồi, mỗi mùa đều tế lễ để tỏ lòng cung kính trời đất quỉ thần mà không cầu phúc. Ông trị dân thì hết lòng trung tín mà không đòi hỏi dân điều gì. Ai vui vẻ tham dự việc nước thì ông để cho tham dự, ai vui vẻ tự ý quản trị thì ông nhường cho quản trị. Ông không nhận người ta suy bại mà dựng sự nghiệp cho mình, không thấy người ta hèn kém mà đề cao mình, không lợi dụng thời cơ mà mưu tư lợi cho mình. Nay nhà Chu thấy nhà Ân loạn mà đoạt chính quyền của Ân, dùng mưu mô, đem tước lộc ra dụ thiên hạ[740], trông cậy vào binh lực để bảo vệ uy quyền, sát sinh để thề mà mong được tín nhiệm, khoe hành vi của mình để làm vui lòng dân chúng, tấn công các nước láng giềng để làm giàu, như vậy là dẹp loạn [của nước Ân] để thay vào bằng sự bạo ngược.
Chúng mình nghe nói kẻ sĩ thời xưa gặp thời trị thì không trốn trách nhiệm, nhưng gặp thời loạn thì bỏ chức vụ đi, không cẩu thả ngồi lại. Ngày nay thiên hạ ở trong cảnh hôn ám, đức nhà Chu[741] đã suy, ở với Chu để cho hành vi của Chu làm dơ bẩn thân mình sao bằng rời bỏ Chu để bảo tồn sự thanh khiết của mình.
Quyết định rồi, hai ông ấy lên phía Bắc, ở ẩn trong núi Thú Dương mà chịu chết đói.[742] Hạng người như Bá Di, Thúc Tề dù đem phú quí tặng họ, họ cũng nhất định không nhận[743]. Tiết tháo họ thanh cao, khác hẳn thế tục, chỉ vui với lí tưởng của mình mà không cạnh tranh với đời. Tiết tháo của Bá Di và Thúc Tề như vậy.
NHẬN ĐỊNH
sửaTô Đông Pha cho rằng chương này (cũng như các chương Đạo Chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ) lời lẽ thiển lậu.
Một phần lớn là những cố sự về các ẩn sĩ thời cổ, không thèm làm vua, không ham phú quí (như bài 1, 3, 5, 7, 13…); có cố sự chép đúng như bài Thái vương Đản Phụ y hệt bài 15 Lương Huệ vương hạ (Mạnh tử); có cố sự chép sai hoặc tác giả tự sửa đổi cho hợp với chủ trương của mình như bài 13 về Bá Di, Thúc Tề.
Đại ý toàn chương là khuyên chúng ta tìm cái vui trong cuộc sống thanh khiết, hợp đạo. Nhưng xét về tư tưởng thì có chỗ mâu thuẫn. Ví dụ bài 1 bảo: “Trị thiên hạ là việc rất quan trọng mà còn không muốn hại cho sức khoẻ vì nó, huống hồ là việc khác”. Thế mà bài 13 lại đề cao những người như Vô Trạch, Biện Tuỳ, Vụ Quang tự cho là bị sỉ nhục vì vua muốn nhường ngôi cho, rồi gieo mình xuống sông, vực mà chết.
Bút pháp cũng có bài rất dở; dở nhất là bài 12, Tử Lộ và Tử Cống chê Khổng Tử:
“Thầy chúng mình bị đuổi ra khỏi nước Lỗ, rồi phải trốn khỏi nước Vệ; tại nước Tống, người ta đốn cây dưới đó thầy đã ngồi; thầy bị cùng khốn ở nước Thương và nước Chu, bây giờ lại bị vây ở đây. Có lệnh ai giết thầy mình cũng vô tội, ai muốn sỉ nhục thầy mình cũng không bị cấm. Vậy mà thầy không dứt tiếng đàn, và tiếng ca hát. Một người quân tử mà vô liêm sĩ tới bực đó ư?”.
Bài đó cũng như bào 8, 9, 10, không phải là cố sự, chỉ có thể coi là ngụ ngôn, nhưng tác giả đã cho Tử Lộ và Tử Cống (hai môn đệ giỏi của Khổng Tử) là hạng ngu độn, không hiểu gì về thầy mà lại có giọng quá vô lễ với thầy.
Vì tư tưởng có chỗ mâu thuẫn, bút pháp không đều, nên chúng tôi nghĩ rằng chương này do nhiều người viết. Không có gì cho ta quyết đoán được rằng những tác giả đó thuộc môn phái Lão hay môn phái Trang. Chúng ta chỉ có thể cho họ là Đạo gia vì có khuynh hướng ẩn dật.
Một điểm nên để ý: Nhiều bài trong chương này cũng thấy chép trong các sách khác, như bài 2 chép trong Mạnh tử, vài 6 trong Liệt tử và ba bài 1, 11, 15 chép của Lữ thị Xuân Thu. Có một số học giả còn thấy một số cố sự chép trong Hoài Nam tử và Hàn Phi ngoại truyện. Vậy chương này xuất hiện vào đời Hán.
Chú thích
sửa[717] Một ẩn sĩ, họ Tử, tên Châu. Chi Phụ là tên tự.
[718] Nguyên văn: u ưu chi bệnh. U là tối tăm, ưu là lo lắng. H.C.H. dịch là: bệnh nặng.
[719] Nếu đức mà hoàn toàn, nghĩa là đạt Đạo thì có thể “vô vi” mà trị nước, không khó nhọc gì cả.
[720] Đản Phụ là tổ nhà Chu, cha Vương Quí, ông nội Văn vương. Đất Bân ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay.
[721] Trừ hai câu cuối, bài này gần y hệt bài 15 chương Lương Huệ Vương hạ trong bộ Mạnh tử. Kết như tác giả bài này đã lạc đề mà còn nông cạn.
[722] Chữ quân tử ở đây trỏ bọn có chức tước chứ không nhất định là người đức hạnh.
[723] Đây là thứ ngọc trai quí ở sông Bộc tỉnh Sơn Đông. Tương truyền một con rắn thần muốn đáp ơn vua nước Tuỳ, nhả ra tặng vua.
[724] Mỗi nhẫn là tám thước đời Chu.
[725] Đáp với một vị quan coi về việc thưởng công, chứ không phải đáp với vua.
[726] Ba chức lớn nhất trong triều thời đó: thái sư, thái phó, thái bảo.
[727] Mỗi chung là 64 đấu lúa.
[728] Một môn sinh của Khổng Tử.
[729] Kinh Thi gồm ba phần: phong là ca dao của dân gian các nước; nhả là những bài ca dùng trong những yến tiệc, tế lễ ở triều đình, miếu đường; và tụng là những bài ca khen các vua các đời Hạ, Thương, Chu.
[730] Tức vua nhà Chu.
[731] Lời khuyên này có thể tốt cho Nguỵ Mâu nhưng không thể áp dụng cho mọi trường hợp.
[732] Cung Bá là một người hiền đời Chu, khi Chu Lệ vương chết, chư hầu tôn ông làm thiên tử, ông miễn cưỡng nhận tước vương thôi, ở ngôi được 14 năm rời nhân một lần đại hạn, lập Tuyên vương lên thay mình, trở về làm chư hầu. Có sách đọc là Công. Cung sơn ở Hà Bắc ngày nay.
[733] Vực Thanh Lãnh ở Hả Nam ngày nay.
[734] Kiệt là vua cuối cùng đời Hạ. Thang là vua sáng lập đời Thương.
[735] Biện Tuỳ và Vụ Quang đều là ẩn sĩ. Y Doãn: coi chú thích bài 6 chương Canh Tang Sở.
[736] Ở Hà Nam ngày nay. Có sách chép là sông Đồng. Hai chữ đó hơi giống nhau.
[737] Có sách nói ở Liêu Đông, có sách bảo ở miền Bắc Kinh.
[738] Cô Trúc là một nước chư hầu ở Liêu Tây ngày nay. Bá Di và Thúc Tề là hai người con của vua Cô Trúc. Coi chú thích Đại Tôn sư 1.
[739] Núi Kì ở Thiểm Tây ngày nay, nơi đó có kinh đô nhà Chu.
[740] Nguyên văn: thượng mưu nhi hạ hành hoá. Cũng có thể hiểu là người trên mưu mô thì người dưới hối lộ. Tôi sở dĩ dịch như trên là muốn cho hợp với việc Đán đem tước lộc dụ Bá Di và Thúc Tề.
[741] Chu là nước thiên tử. Cô Trúc là nước chư hầu.
[742] Truyện Bá Di Thúc Tề này, Sử kí của Tư Mã Thiên có chép, nhưng khác. Tư Mã Thiên đáng tin hơn.
[743] Nguyên văn: kì ư phú quí dã, cẩu khả đắc dĩ, tác tất bất lại. Các sách đều dịch “lại” là nhờ, ý thật khó hiểu. Theo Chương Bính Lân, câu đó là một phương ngôn và chữ lại có nghĩa là lấy.