Nam Hoa chân kinh/Ngư phủ
Không phải việc của mình mà mình làm, như vậy là lạm; người ta không muốn nghe mà mình cứ cố khuyên bảo, như vậy là “nịnh”; đoán trước ý người để làm vừa lòng người, như vậy là hót, siểm; chẳng lựa phải trái [cứ nói theo ý người ta], như vậy là a dua; thích vạch cái xấu của người, như vậy là gièm pha; làm cho bạn bè người ta giận nhau, thân thích người ta xa nhau, như vậy là gây loạn (tặc); khen kẻ gian trá, bài xích kẻ khác mình, như vậy là gian tà; chẳng phân biệt tốt hay xấu, cứ dong nạp hết ngầm gợi điều người ta thích, như vậy là hiểm. Tám tật ấy, ngoài thì làm loạn người khác, trong thì làm loạn cho bản thân, người quân tử không kết bạn với bọn người ấy, mà vua chúa không dùng họ làm bề tôi.
1
sửaKhổng Tử đi chơi trong rừng Màn Đen, ngồi nghỉ trên Gò hạnh[772]. Trong khi môn đệ đọc sách, Khổng Tử gãy đàn cầm và hát, chưa được nửa khúc thì thấy một ông chài ghé thuyền tiến lại, râu và lông mày đều bạc, tóc xoã, tay áo phe phẩy[773], lên tới chỗ cao rồi ngừng lại, tay trái đặt lên đầu gối, tay phải chống cằm, ngồi nghe. Khi khúc hát chấm dứt ông lão vẫy Tử Cống và Tử Lộ tới, rồi trỏ Khổng Tử, hỏi:
– Ai vậy?
Tử Lộ đáp:
– Vị quân tử nước Lỗ.
– Họ gì?
– Họ Khổng.
– Thầy Khổng đó làm nghề gì?
Tử Lộ làm thinh.
Tử Cống đáp:
– Thầy Khổng bản tính trọng trung tín, thi hành nhân nghĩa, sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân[774], trên đối với vua thì trung, dưới thì giáo hoá dân chúng, làm lợi cho thiên hạ. Đó, thầy Khổng làm những việc ấy.
Ông lão lại hỏi:
– Có làm vua người nào không?
Tử Cống đáp:
– Không.
– Thế có phụ tá cho một ông vua nào không?
– Không.
Ông lão cười, quay trở về, vừa đi vừa nói:
– Có lòng nhân thật đấy, nhưng ta ngại rằng thầy ấy không tự cứu được đâu. Đã khổ tâm, mệt thân mà lại nguy cho cái bản chân. Hởi ơi, như vậy là rời cái Đạo quá xa.
Tử Cống trở về kể lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử đẩy cây đàn cầm qua một bên, đứng dậy bảo:
– Ông ấy là bậc thánh chăng?
Rồi bước xuống gò, đi tìm ông lão, tới bờ thì thấy ông lão đương chống cái sào có móc [dùng để kéo thuyền]. Thấy Khổng Tử, ông ta quay lại, đứng yên. Khổng Tử lùi lại, vái hai vái rồi tiến tới.
Ông lão hỏi:
– Thầy muốn gì?
Khổng Tử đáp:
– Vừa rồi cụ nói chưa hết lời rồi đi. Khâu tôi ngu muội, không hiểu ý cụ, nên xin phép cụ đứng dưới gió[775], mong được cụ chỉ giáo chỗ kém cõi của tôi.
– A, thầy chịu học hỏi thật!
Khổng Tử vái hai vái nữa rồi đứng ngay lại, thưa:
– Khâu tôi ham học từ hồi trẻ, tới bây giờ sáu mươi chín tuổi, chưa được nghe lời chí lí nào, cho nên đâu dám không hư tâm để học thêm?
Ông lão bảo:
– Luật tự nhiên trong vũ trụ là đồng thanh tương ứng, đồng loại tương tòng[776]. Tôi xin đem sở đắc của tôi để luận hành vi của thầy. Hành vi của ngài thuộc về nhân sự. Nếu thiên tử, chư hầu, đại phu và dân chúng, bốn hạng người đó cùng làm tròn phận sự của mình thì xã hội cực trị rồi; trái lại, nếu không làm tròn phận sự của mình thì không loạn gì bằng. Cho nên quan lại phải làm hết sức của mình, dân phải lo công việc của mình, không vượt cái phận của mình [thì mới hết loạn].
Ruộng nương bỏ hoang, nhà cửa dột nát, ăn mặc không đủ, thuế má không nộp, vợ chồng không hoà thuận nhau, trẻ không kính già, đó là điều đáng lo cho dân thường.
Không làm tròn nhiệm vụ, bỏ bê việc quan, không thanh liêm, người dưới quyền làm biếng, công nghiệp, thanh danh không có gì đáng khen, tước lộc không giữ được, đó là điều đáng lo của các quan đại phu. Triều đình không có trung thần, quốc gia hỗn loạn, bách công kĩ nghệ không khéo, phẩm vật để tiến cống [thiên tử] không tốt, xuân thu hai kì triều bái thiên tử thì tới trễ, không theo mệnh lệnh thiên tử, đó là điều đáng lo cho chư hầu.
Âm dương bất hoà, nóng lạnh không hợp thời tiết làm hại cho vạn vật, chư hầu bạo loạn, đánh chiếm lẫn nhau khiến dân tàn mạt, lễ nhạc không có pháp độ, tài chính thiếu thốn, nhân luân không giữ được, trăm họ dâm loạn, đó là điều đáng lo của thiên tử.
Nay thầy, trên không có quyền thế của một thiên tử hay một chư hầu, dưới không có quan chức của một đại thần mà đòi sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, để giáo hoá dân chúng, chẳng là đa sự quá ư?
Vả lại người ta có tám cái tật, sự việc có bốn cái đáng lo, điều đó không thể không xét được.
Không phải việc của mình mà mình làm, như vậy là lạm[777]; người ta không muốn nghe mà mình cứ cố khuyên bảo, như vậy là “nịnh”[778]; đoán trước ý người để làm vừa lòng người, như vậy là hót, siểm; chẳng lựa phải trái [cứ nói theo ý người ta], như vậy là a dua; thích vạch cái xấu của người, như vậy là gièm pha; làm cho bạn bè người ta giận nhau, thân thích người ta xa nhau, như vậy là gây loạn (tặc); khen kẻ gian trá, bài xích kẻ khác mình, như vậy là gian tà; chẳng phân biệt tốt hay xấu, cứ dong nạp hết ngầm gợi điều người ta thích, như vậy là hiểm. Tám tật ấy, ngoài thì làm loạn người khác, trong thì làm loạn cho bản thân, người quân tử không kết bạn với bọn người ấy, mà vua chúa không dùng họ làm bề tôi.
Bốn điều đáng lo là: thích kinh doanh việc lớn, thay đổi chế độ cũ để cầu danh, như vậy là quá lạm (thao); tự cho mình là thông minh mà chuyên quyền, xâm lấn người ta, chỉ theo ý mình, như vậy là tham; biết lỗi mà không sửa, người can mà không nghe, lại còn làm điều ác hơn nữa, như vậy là lì (ngận); đồng ý với mình thì khen, trái ý mình thì chê, như vậy là kiêu căng.
Chỉ người nào bỏ được tám tật và tránh được bốn điều đáng lo kể trên thì mới có thể dạy được.
Khổng Tử xấu hổ thở dài, lại cuối xuống, vái hai vái rồi ngửng lên, thưa:
– Khâu tôi bị đuổi hai lần ở nước Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn đốn ở Tề; ở Tống người ta đốn cây dưới đó tôi đã ngồi, rồi bị vây ở khoảng giữa Trần và Thái[779], tôi không biết đã mắc lỗi gì mà bị bốn lần gièm pha như vậy.
Ông lão để lộ vẻ buồn rầu, đáp:
– Thầy khó giác ngộ thật! Một người sợ cái bóng của mình, ghét những vết chân của mình bèn chạy trốn; nhưng càng bước nhiều thì vết chân càng nhiều, càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn chậm lại càng rán chạy mau hơn nữa, không ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết. Người đó cực ngu, không biết rằng đứng vào chỗ tối thì sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa[780]. Thầy cũng vậy, xét về nhân nghĩa, phân biệt sự đồng dị (giống nhau và khác nhau), coi sự biến hoá của động tĩnh, tìm qui tắc để thích nghi sự cho và sự nhận, điều lí các tình cảm yêu và ghét, điều tiết sự vui thích và giận dữ, thì làm sao tránh được tai hoạ. Thầy nên cẩn thận sửa mình, giữ gìn bản chân để cho người và vật tự thích nghi[781], thì sẽ tránh được tai hoạ. Nay thầy không sửa mình, mà lại đi cầu ở người [hoặc trách người], như vậy chẳng là quá coi trọng ngoại vật ư?
Khổng Tử xấu hổ, hỏi:
– Xin cụ giảng cho thế nào là bản chân?
Ông lão đáp:
– Bản chân là cái cực tinh thành. Không tinh thành thì không cảm động người được. Cho nên kẻ gượng khóc thì bề ngoài tuy bi thảm mà trong lòng không thương tiếc; kẻ làm bộ giận thì tuy nghiêm mà không uy; kẻ gượng thân ái thì tuy cười mà không thật vui vẻ. Thực bi thảm thì không gào khóc mà trong lòng thương tiếc; thực giận dữ thì tuy chưa lộ sắc giận mà đã uy nghiêm; thực thân ái thì tuy không cười mà đã vui vẻ. Bản chân ở trong lòng thì tinh thần biểu lộ ra ngoài, vì vậy mà người ta quí cái bản chân. Đem bản chân dùng vào phương diện nhân luân như thờ cha mẹ thì hiếu thuận, thờ vua thì trung trinh, uống rượu thì vui, đưa ma thì buồn. Trong sự trung trinh, cần nhất là lập công; trong sự uống rượu, cần nhất là vui; trong sự đưa ma, cần nhất là sự buồn thảm; trong sự thờ cha mẹ, thì cần nhất là làm cho cha mẹ vui lòng; thành công có nhiều cách, không phải chỉ có một đường mà thôi. Như thờ cha mẹ thì cần làm vui lòng cha mẹ, bất luận dùng cách nào; uống rượu cần vui, bất luận dùng thứ chén nào; đưa ma cần bi thảm, chẳng cần biết nghi lễ. Lễ là do thế tục đặt ra; còn bản chân là cái trời cho, nó tự nhiên, không hề biến đổi. Cho nên thánh nhân lấy trời làm phép tắc và quí bản chân, không câu nệ thế tục; còn kẻ ngu thì trái lại, không biết lấy trời làm phép tắc mà chỉ lo không hợp với thế tục, không biết quí bản chân mà chỉ theo mọi người, bị thế tục biến hoá, cho nên lòng không thoả mãn[782]. Tiếc thay, thầy sớm chìm đắm vào sự giả dối, trễ rồi mới được nghe giảng về đại Đạo.
Khổng Tử lại vái hai vái, rồi ngửng lên, thưa:
– Hôm nay tôi gặp được cụ thật là may mắn, do trời dun giủi. Xin tiên sinh đừng lấy là xấu hổ mà cho tôi được phục dịch, và đích thân dạy dỗ tôi. Xin cho biết tiên sinh ở đâu để tôi tới thụ nghiệp mà học đại Đạo.
Ông lão đáp:
– Tôi nghe nói: Kẻ nào theo nổi mình thì hãy dắt kẻ đó tới cái Đạo huyền diệu, bằng không thì đừng dắt dẫn, như vậy mình mới khỏi mang lỗi. Thầy gắng sức đi.
Thôi tôi đi đây.
Dứt lời, ông lão xô thuyền ra rồi biến mất trong đám lau.
Nhan Uyên quay xe lại, Tử Lộ chìa cho Khổng Tử sợi dây để nắm leo lên xe, nhưng Khổng Tử không quay lại, đợi cho nước hết gợn sóng, không nghe thấy tiếng động của chiếc thuyền nữa rồi mới dám lên xe.
Tử Lộ ngồi ở một bên, hỏi thầy:
– Con phục dịch thầy đã từ lâu, chưa hề thấy thầy kính sợ ai như vậy. Ông vua các nước có vạn cổ xe và ngàn cổ xe hễ tiếp thầy thì coi thầy như ngang hàng, mà thầy còn có vẻ ngạo mạn là khác nữa. Nay ông chài đó đứng chống cái sào trước mặt thầy mà thầy cúi gập mình xuống, vái hai vái rồi mới đáp, như vậy chẳng thái quá ư? Bọn chúng con đều lấy làm lạ, ông chài đó có cái gì mà được thầy kính trọng tới mức đó?
Khổng Tử cúi dựa vào cái thanh ngang của xe, thở dài:
– Do (tên Tử Lộ), anh thật là khó cải hoá. Anh hụp lặn trong lễ nghĩa bao lâu nay rồi mà chưa bỏ được cái lòng bỉ lậu ấy đi. Lại đây, ta nói cho nghe. Gặp người già mà không biết kính thì không biết lễ; thấy người hiền mà không biết tôn thì là không có đức nhân. Nếu ông lão ấy không phải là bậc chí nhân thì làm sao khiến cho người khác phải cúi mình ngưỡng mộ; cúi mình ngưỡng mộ mà không chân thành thì là mất bản chân mà hại cho bản thân. Ôi! Không có lỗi nào lớn bằng bất nhân mà anh mắc đúng cái lỗi ấy. Vả lại, Đạo sinh ra vạn vật; vật nào mất cái Đạo thì chết, có nó thì sống, hành động trái nó thì thất bại, thuận nó thì thành công. Cho nên thánh nhân tôn trọng Đạo, bất luận là nó ở đâu. Có thể bảo rằng ông lão đánh cá ấy có được cái Đạo, làm sao ta không kính ông?
NHẬN ĐỊNH
sửaChương này rất ngắn và chỉ gồm một bài.
Có một câu kể nỗi gian truân của Khổng Tử, chữ dùng y hệt trong chương Đạo Chích. Nội dung cũng là đả đảo Khổng Tử (chẳng hạn thói câu nệ lễ nhạc của Khổng), nhưng giọng không quá thô lậu như trong Đạo Chích, và tác giả cũng có tinh thần xây dựng hơn: đề cao bản chân và Đạo của Lão, Trang. Nhưng thuyết “giữ được bản chân thì cực tinh thành, không tinh thành thì không cảm được lòng người” cũng không khác gì thuyết “Thành giả, thiên chi đạo; thành chi giả, nhân chi đạo dã”[783] trong Trung Dung, chương 20. Tác giả chắc quên điều đó nên mới cho ông chài đem ra giảng cho Khổng Tử nghe. Theo La Căn Trạch, tác giả có lẽ là một ẩn sĩ trong phái Đạo gia ở cuối Tần đầu Hán.
Chú thích
sửa[772] Cây hạnh tức cây mận ngoài Bắc (VN), tựa như cây mơ.
[773] Nguyên văn: bị phát du duệ. L.K.h. dịch là tóc dày, cổ tay áo vén lên.
[774] Nguyên văn: tuyển nhân luân. D.N.L. dịch là: tuyển chọn nhân tài.
[775] Lời nói nhún, người dưới nói chuyện với người trên thì đứng ở dưới gió.
[776] Nghĩa là cùng một loại thì theo nhau.
[777] Quá lạm, tức như lấn.
[778] Chữ nịnh ở đây nên hiểu là giả đạo đức hoặc thích khéo nói.
[779] Mấy hàng này gần giống hệt bài 1 chương Đạo Chích.
[780] Câu này chắc sách in thiếu; tôi xin tạm bổ sung bằng mấy chữ nghiêng: “Người đó cực ngu, không biết rằng đứng vào chỗ tối thì sẽ không còn cái bóng và sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa”. Nguyên văn: Bất tri xử âm dĩ hưu ảnh, xử tỉnh dĩ tức tích, ngu diệt thâm hĩ. 不知處陰以休影, 處靜以息跡, 愚亦甚矣.
[781] Nguyên văn hơi khó hiểu: hoàn dĩ vật dữ nhân. L.K.h. dịch là: để của cải của thầy cho người khác.
[782] Nguyên văn: cố bất túc. Diệp Ngọc Lân dịch là: không thảnh công. L.K.h. dịch sát là: không đủ.
[783] Phan Văn Các dịch là: “Thành vốn là đạo của Trời. Muốn đạt được thành, là đạo của người.