Nước Mỹ với chiến tranh, thịnh vượng và suy thoái/6

Những căng thẳng trong vấn đề nhập cư

Trong những năm 1920, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ bắt đầu cấm người nhập cư từ nước ngoài. Từ lâu nay, dòng người nhập cư lớn từ nước ngoài đã gây ra những căng thẳng xã hội sâu sắc, nhưng những người này chủ yếu là từ Bắc Âu – những người nếu không nhanh chóng đồng hóa thì cũng có những nét tương đồng với hầu hết dân Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, đại đa số dân nhập cư đến Hoa Kỳ là người Nam Âu và Đông Âu. Theo thống kê năm 1900, dân số Mỹ chỉ khoảng 76 triệu người. 15 năm sau, hơn 15 triệu người nhập cư đã đến sinh sống trên đất Mỹ.

Khoảng 2/3 trong số những người này là thuộc các dân tộc cấp tiến và các nhóm dân tộc thiểu số khác – người Do Thái gốc Nga, người Ba Lan, người Slavic, người Hy Lạp, người Nam Italia. Họ là những người không theo đạo Tin Lành, cũng không theo đạo Thiên Chúa Bắc Âu, và nhiều người Mỹ e ngại rằng những người nhập cư mới này không chịu đồng hóa. Họ thường làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm và được trả công thấp – nhưng họ cũng là nguyên nhân khiến tiền lương của những người Mỹ định cư bị giảm đi. Họ thường sống tập trung trong những khu vực riêng tồi tàn của từng dân tộc và vẫn giữ những phong tục địa phương của Cựu Thế giới, biết rất ít tiếng Anh và ủng hộ các bộ máy chính trị xấu xa phục vụ cho những nhu cầu của họ. Những người theo chủ nghĩa dân Mỹ chính gốc muốn gửi trả những người dân mới nhập cư này về châu Âu còn các nhà xã hội thì muốn Mỹ hóa họ. Cả hai giới này đều cho rằng họ là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa Mỹ.

Tạm chững lại do Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, làn sóng nhập cư đã trở lại vào năm 1919, nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm dân cư trong xã hội Mỹ như Liên đoàn Lao động Mỹ và tổ chức Klux Klan. Hàng triệu người dân Mỹ không thuộc cả hai tổ chức này đã đồng tình với quan điểm của nhiều người cho rằng những người di cư đến từ các dân tộc không thuộc Bắc Âu là những người thấp kém hơn họ, và do đó ủng hộ quan điểm hạn chế nhập cư. Tất nhiên cũng có những quan điểm ủng hộ người nhập cư để dân tộc Mỹ trưởng thành hơn, nhưng với điều kiện phải hạn chế số lượng nhập cư.

Năm 1921, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Nhập cư Khẩn cấp Hạn chế. Nó đã được thay thế bởi Đạo luật Johnson-Reed National Origins Act năm 1924. Đạo luật này quy định một hạn ngạch nhập cư cho mỗi một quốc tịch. Các hạn ngạch này được xây dựng dựa trên số liệu điều tra dân số năm 1890 – năm mà trào lưu nhập cư mới chưa để lại dấu ấn của nó. Đạo luật này đã vấp phải sự phản đối của những người nhập cư từ Nam và Đông Âu, và làm giảm số lượng người nhập cư đi đáng kể. Sau năm 1929, những ảnh hưởng kinh tế của cuộc Đại suy thoái cũng là nguyên nhân làm cho lượng người nhập cư ít ỏi đó lại di cư ra khỏi nước Mỹ – cho đến khi các người dân tị nạn từ các nước châu Âu phát xít bắt đầu gây áp lực để được cho phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.