Nước Mỹ với cải cách và tăng trưởng/8
Cảnh tuyệt vọng của thổ dân da đỏ
Cũng như ở phía Đông, việc các thợ mỏ, người chăn nuôi gia súc và người định cư tiến ra các đồng cỏ và núi non đã dẫn đến xung đột ngày càng gia tăng với thổ dân da đỏ ở phía Tây. Nhiều bộ lạc thổ dân da đỏ – từ Utes thuộc vùng Great Basin cho tới Nez Perces thuộc vùng Idaho – đã thi thoảng chiến đấu chống lại người da trắng. Nhưng bộ lạc Sioux ở vùng Đồng bằng phía bắc và bộ lạc Apache ở vùng Tây Nam là những bộ lạc chống lại việc tiến ra vùng biên giới mạnh mẽ nhất. Được lãnh đạo bởi những thủ lĩnh giàu tiềm lực như Red Cloud và Crazy Horse, bộ lạc Sioux đặc biệt tinh nhuệ với việc chiến đấu trên lưng ngựa đang phi ở tốc độ cao. Bộ lạc Apache cũng giỏi tương đương và rất khó tìm thấy họ khi họ chiến đấu trên sa mạc và trong hẻm núi.
Xung đột với người da đỏ vùng đồng bằng trở nên tồi tệ hơn sau sự kiện người Dakota (một nhánh của người Sioux) giết năm người da trắng, tuyên chiến với Chính phủ Hoa Kỳ do những bất đồng từ lâu. Các cuộc nổi loạn và tấn công vẫn tiếp tục trong suốt thời kỳ Nội chiến. Năm 1876 cuộc chiến nghiêm trọng cuối cùng với người Sioux nổ ra khi dòng người đào vàng đổ xô đến Black Hills ở Dakota. Quân đội có nhiệm vụ ngăn không cho thợ mỏ đến khu vực săn bắn của người Sioux nhưng lại không làm gì để bảo vệ đất đai của người Sinoux. Tuy nhiên khi được lệnh hành động chống lại các nhóm người Sioux đi săn trên phạm vi quy định của hiệp định thì quân đội lại thực hiện quá nhanh và mạnh.
Năm 1876, sau một vài lần chạm trán lẻ tẻ, Đại tá George Custer dẫn đầu một phân đội kỵ binh giao chiến với lực lượng tinh nhệ đông đảo của bộ lạc Sioux và đồng minh của họ trên bờ sông Little Bighorn. Custer và binh lính dưới quyền đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau, sự nổi loạn của người Mỹ da đỏ đã bị đàn áp. Sau đó, vào năm 1890, một lễ nghi nhảy múa kỳ quái tại vùng đất dành riêng cho người Sioux phía Bắc ở Wounded Knee bang Nam Dakota đã biến thành một cuộc nổi dậy và cuộc chiến cuối cùng đầy bi thương này đã kết thúc với gần 300 người Sioux cả nam, nữ, trẻ em bị giết chết.
Những từ trước đó rất lâu thì lối sống của người Mỹ da đỏ vùng Plains đã bị hủy hoại do sự bành trướng của người da trắng, của các tuyến xe lửa, của việc giết mổ trâu bò, hầu hết đều bị tàn sát trong thập niên sau năm 1870 do những người định cư đã săn bắn bừa bãi.
Những cuộc giao tranh với bộ lạc Apache tại miền Tây Nam kéo dài cho đến tận khi Geronimo, thủ lĩnh quan trọng cuối cùng của bộ lạc, bị bắt vào năm 1886.
Chính sách của Chính phủ cho tới tận thời Chính quyền Tổng thống Monroe là đưa người Mỹ da đỏ ra khỏi biên giới của người da trắng. Những rõ ràng là vùng đất riêng của người da đỏ ngày càng bị thu hẹp và trở nên đông đúc. Một số người Mỹ bắt đầu phản đối cách cư xử của chính phủ đối với thổ dân da đỏ. Chẳng hạn như Helen Hunt Jackson, một người miền Đông đến sinh sống tại miền Tây đã viết cuốn Một thế kỷ nhục nhã (năm 1881) kể lại cảnh khốn khổ của người da đỏ và khơi dậy lương tâm của cả nước Mỹ. Hầu hết các nhà cải cách đều cho rằng thổ dân da đỏ cần được đồng hóa vào nền văn hóa lớn. Chính phủ liên bang thậm chí đã xây dựng một trường học ở Carlisle bang Pennsylvania với nỗ lực áp đặt giá trị và niềm tin của người da trắng đối với thanh niên thổ dân da đỏ (Chính tại ngôi trường này Jim Thorpe, người thường được coi là vận động viên giỏi nhất mà Mỹ từng có, đã trở nên nổi tiếng trong đầu thế kỷ XX).
Vào năm 1887 Đạo luật Dawes (Luật phân đất) đã thay đổi chính sách của Chính phủ đối với thổ dân da đỏ, luật này cho phép tổng thống chia đất của các bộ lạc và chia nhỏ 65 hec -ta đất cho người chủ của mỗi gia đình. Việc phân đất này được tiến hành với sự ủy thác của chính phủ trong suốt 25 năm và sau khoảng thời gian này người chủ mảnh đất sẽ có đầy đủ tư cách và quyền công dân. Tuy nhiên những mảnh đất không được phân chia cho người da đỏ sẽ được bán cho người định cư. Chính sách này tuy có dụng ý tốt những lại gây ra bất hạnh do chính sách này cho phép việc chiếm đoạt thêm đất của thổ dân da đỏ. Ngoài ra, sự can thiệp của chính sách này vào mô hình tổ chức xã hội của các bộ lạc đã đẩy nhanh sự băng hoại nền văn hóa truyền thống của họ. Năm 1934, chính sách của Chính phủ Mỹ được thay đổi lại một lần nữa với việc ban hành Đạo luật Tái tổ chức người da đỏ nhằm duy trì lối sống bộ lạc và cộng đồng tại những vùng đất dành riêng cho người da đỏ.