Nước Mỹ với cải cách và tăng trưởng/6
Miền Nam bị chia rẽ
Sau công cuộc Tái thiết, các nhà lãnh đạo miền Nam đã cố gắng thu hút phát triển công nghiệp. Các bang đã đưa ra nhiều khuyến khích lớn và giá nhân công rẻ để các nhà đầu tư phát triển ngành thép, gỗ, thuốc lá sợi và dệt may. Tuy nhiên cho đến đầu thế kỷ XX thì tỷ trọng công nghiệp của miền Nam so với tỷ trọng công nghiệp của cả nước vẫn giữ ở mức như năm 1860. Ngoài ra, cái giá phải trả cho xu thế công nghiệp hóa này rất cao: Bệnh tật và lao động trẻ em là hiện tượng phổ biến ở các thị trấn có nhà máy. Ba mươi năm sau Nội chiến, miền Nam vẫn còn nghèo, chủ yếu là sống nhờ nông nghiệp và bị phụ thuộc về kinh tế. Hơn nữa, quan hệ chủng tộc ở miền Nam không chỉ phản ánh di sản của chế độ nô lệ mà còn phản ánh một vấn đề đang nổi lên như là chủ đề trọng tâm của lịch sử Hoa Kỳ – quyết tâm duy trì sự ưu việt của người da trắng bằng mọi giá.
Những người da trắng miền Nam không chịu khoan nhượng tìm nhiều cách thâu tóm quyền quản lý chính quyền bang để duy trì sự thống trị của người da trắng. Một số phán quyết của Tòa án Tối cao cũng đã ủng hộ những nỗ lực này bằng cách tán thành những quan điểm truyền thống của miền Nam về việc phân chia hợp lý quyền lực của chính quyền bang và liên bang.
Năm 1873 Tòa án Tối cao thấy rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 của Hiến pháp (quyền công dân không thể bị tước đoạt) không trao đặc ân hay miễn trách nào nhằm bảo vệ người Mỹ gốc Phi trước quyền lực của bang. Hơn nữa, năm 1883 Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 không bảo vệ được cá nhân trước những hành động phân biệt đối xử của chính quyền bang. Và trong vụ án Plessy kiện Ferguson (năm 1896), Tòa án Tối cao thấy rằng không gian công cộng tách biệt nhưng ngang bằng dành cho người Mỹ gốc Phi như chỗ trên tàu hỏa và trong nhà hàng không vi phạm quyền của họ. Ngay lập tức nguyên tắc phân biệt chủng tộc được tiến hành rộng rãi ở khắp mọi lĩnh vực cuộc sống ở miền Nam từ tàu hỏa cho tới nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, trường học. Ngoài ra, bất cứ lĩnh vực cuộc sống nào mà không được phân biệt theo luật thì sẽ bị phân biệt theo phong tục và thông lệ. Tiếp theo là việc tước bớt quyền bầu cử. Những vụ hành hình người da đen do bọn du côn tiến hành liên tiếp xảy ra đã càng nhấn mạnh thêm quyết tâm của miền Nam nô dịch hóa nhóm dân Mỹ gốc Phi.
Đối mặt với những sự phân biệt tràn lan, nhiều người Mỹ gốc Phi đã đi theo Booker T. Washington, người tư vấn cho họ tập trung vào những mục tiêu kinh tế khiêm tốn và chấp nhận tạm thời tình trạng phân biệt trong xã hội. Những người da đen khác dưới sự lãnh đạo của nhà trí thức gốc Phi W.E.B Du Bois lại muốn đấu tranh chống lại nạn phân biệt thông qua hành động chính trị. Nhưng với việc cả hai chính đảng lớn nhất đều không quan tâm tới vấn đề này và học thuyết khoa học thời đó thường cũng chấp nhận sự thấp kém của người da đen nên yêu cầu đòi bình đẳng về sắc tộc đã ít nhận được sự ủng hộ.