Nước Mỹ với cải cách và tăng trưởng/5
Cách mạng trong nông nghiệp
Cho dù đạt được những thành tựu lớn trong công nghiệp nhưng nông nghiệp của Mỹ vẫn là ngành có lực lượng lao động chủ yếu. Cuộc cách mạng trong nông nghiệp – đồng thời diễn ra với cách mạng công nghiệp sau cuộc Nội chiến – đã chuyển lao động chân tay sang lao động máy móc và từ sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ 1860 đến 1910, số lượng nông trang ở Mỹ tăng gấp ba lần, từ hai triệu lên sáu triệu nông trang trong khi diện tích canh tác tăng lên hơn hai lần, từ 160 triệu hec-ta lên 352 triệu hec-ta.
Từ 1860 đến 1890, việc sản xuất các mặt hàng nguyên liệu cơ bản như lúa mỳ, ngô, bông vượt xa những con số trước đó của Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ này dân số Hoa Kỳ tăng lên gấp đôi với tốc độ tăng nhanh nhất là ở các thành phố. Nhưng nông dân Mỹ đã trồng đủ ngũ cốc và bông, nuôi đủ bò và lợn, cắt lông cừu đủ làm len không những cho công nhân Mỹ mà còn tạo ra một lượng dư thừa lớn chưa từng có.
Thành quả rực rỡ này là do một vài yếu tố. Một trong những yếu tố đó là sự mở rộng về phía Tây. Yếu tố nữa là cuộc cách mạng công nghệ. Vào đầu thế kỷ XIX, với liềm cắt bằng tay thì nông dân chỉ mong cắt được một phần năm hec-ta lúa mỳ một ngày. 30 năm sau, với hái có khung gạt người nông dân có thể cắt bốn phần năm hec-ta một ngày. Vào năm 1840, Cyrus McCormich thể hiện một điều kỳ diệu khi cắt từ hai đến hai hec-ta rưỡi một ngày với chiếc máy gặt mà ông đã mất gần 10 năm nghiên cứu chế tạo. Ông tiến về phía tây tới những thị trấn mới trên thảo nguyên của Chicago. Tại đây ông thành lập nhà máy và tới năm 1860 thì ông đã bán được 250.000 chiếc máy gặt.
Những máy móc nông nghiệp khác cũng đạt được những thành công nhanh chóng: máy tự động buộc, máy đập, máy gặt đập hay máy kết hợp tất cả các chức năng. Máy trồng cây, cắt cây, máy xay xát, máy bóc vỏ xuất hiện và đồng thời cũng xuất hiện máy tách kem, máy bón phân, máy trồng khoai tây, máy sấy cỏ, lò ấp trứng gia cầm và hàng loạt các phát minh khác nữa.
Không kém phần quan trọng so với máy móc trong cách mạng nông nghiệp là khoa học nông nghiệp. Vào năm 1862, Đạo luật Cấp đất cho các trường Đại học mang tên Morill đã giao đất công cho từng bang để thành lập các trường đại học công nghiệp và nông nghiệp. Các trường này vừa là cơ sở giáo dục vừa là các trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Sau đó Quốc hội phân bổ ngân sách cho việc thành lập các cơ sở thí nghiệm nông nghiệp trên khắp cả nước và giao ngân sách trực tiếp cho Bộ Nông nghiệp để tài trợ cho các mục đích nghiên cứu. Vào đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học trên khắp nước Mỹ tham gia rất nhiều các dự án nông nghiệp.
Một trong số các nhà khoa học này, Mark Carleton, chuyển từ Bộ Nông nghiệp sang Nga. Ở Nga, ông đã tìm ra và xuất khẩu về quê nhà loại lúa mỳ mùa đông chịu hạn và chống được bệnh gỉ sắt và hiện giờ giống lúa mỳ này chiếm tới hơn một nửa sản lượng lúa mỳ của Mỹ. Một nhà khoa học khác, Marion Dorset, đã khống chế được bệnh tả của lợn và một nhà khoa học khác, George Mohler, đã giúp chống lại bệnh lở mồm long móng. Từ Bắc Phi, một nhà nghiên cứu đã mang về giống ngô Kaffir; từ Turkestan, một nhà nghiên cứu khác nhập khẩu về loại cỏ linh lăng hoa vàng. Luther Burback ở bang California sản xuất ra rất nhiều loại rau hoa quả mới; ở bang Winconsin, Stephen Babcock đã phát minh ra cách kiểm tra để xác định hàm lượng mỡ bơ trong sữa; tại Học viện Tuskegee ở bang Alabama, nhà khoa học Mỹ gốc Phi George Washington Carver tìm ra hàng trăm cách sử dụng hạt lạc, khoai lang và hạt đậu.
Ở những mức độ khác nhau, sự phát triển của khoa học nông nghiệp và kỹ thuật đã ảnh hưởng đến nông dân trên khắp thế giới, năng suất tăng lên, số người sản xuất ít đi, tạo ra làn sóng di cư lên thành phố. Hơn nữa, đường sắt và tàu hơi nước bắt đầu khiến cho các thị trường khu vực hòa nhập thành một thị trường chung cho cả thế giới với giá cả được cập nhật liên tục giữa hai bờ Đại Tây Dương thông qua cáp và dây điện. Tin tốt cho người tiêu dùng thành thị, giá nông sản giảm sút đe dọa cuộc sống của nhiều nông dân Mỹ và gây ra một làn sóng bất bình của nông dân.