Taft và Wilson

Uy tín của Roosevelt lên đến đỉnh cao khi chiến dịch tranh cử năm 1908 đang đến gần, nhưng ông không muốn phá vỡ truyền thống vì chưa có tổng thống nào giữ cương vị tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Ông ủng hộ William Howard Taft, người đã làm việc trong chính quyền của ông với cương vị là Thống đốc Philippines và Bộ trưởng Chiến tranh. Trong cuộc vận động tranh cử, Taft cam kết tiếp tục các chương trình cải cách của Roosevelt. Ông đã đánh bại Bryan – người đã ba lần tranh cử chức tổng thống và đây cũng là lần tranh cử cuối cùng của ông này.

Vị tổng thống mới tiếp tục làm trong sạch các công ty độc quyền, nhưng với thái độ mềm dẻo hơn Roosevelt, ông tiếp tục củng cố quyền lực cho ủy ban Thương mại Liên bang, thành lập một ngân hàng tiết kiệm bưu điện và một hệ thống bưu phẩm, mở rộng các ngành dịch vụ dân sự và bảo trợ việc ban hành hai Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua năm 1913.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 16 của Hiến pháp – chỉ được phê chuẩn ngay trước khi Tổng thống Taft kết thúc nhiệm kỳ – đã cho phép thực hiện thuế thu nhập liên bang; Điều bổ sung sửa đổi thứ 17 – được thông qua một vài tháng sau đó – đã cho phép dân chúng trực tiếp bầu các Thượng nghị sỹ, thay thế cho hệ thống trước đó khi mà các thượng nghị sỹ được cơ quan lập pháp bang lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu này, Tổng thống Taft đã cho phép duy trì một biểu thuế quan mới có mức độ bảo hộ cao hơn; ông cũng đã chống lại việc bang Arizona gia nhập Liên bang vì Hiến pháp tự do của bang này; và tổng thống ngày càng dựa nhiều hơn vào cánh bảo thủ trong Đảng của mình.

Năm 1910, đảng của Taft đã bị chia rẽ ghê ghớm. Vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Quốc hội. Hai năm sau đó, Woodrow Wilson, Thống đốc tiến bộ thuộc Đảng Dân chủ của bang New Jersey đã tiến hành một chiến dịch tranh cử cạnh tranh với Taft – ứng cử viên Đảng Cộng hòa, và cạnh tranh với Roosevelt – lúc này cũng tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên của Đảng Tiến bộ mới. Wilson đã đánh bại hai đối thủ này trong một chiến dịch tranh cử rất quyết liệt.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Wilson đã đưa ra những chương trình lập pháp nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhiệm vụ đầu tiên là sửa đối thuế quan. Wilson đã nói “Các mức thuế quan cần phải được sửa đổi”. Chúng ta phải bãi bỏ tất cả những gì mang tính đặc quyền. Biểu thuế Underwood đã được ký ngày 3/10/1913, nhằm giảm thuế nhập khẩu đối với các loại nguyên liệu thô và thực phẩm quan trọng, đối với các mặt hàng len, vải thô, với sắt và thép; đồng thời, biểu thuế này cũng bãi bỏ các loại thuế đánh vào hơn một trăm mặt hàng khác. Tuy đạo luật này vẫn còn nhiều điểm mang tính bảo hộ, nhưng nó là một nỗ lực thực sự làm giảm chi phí sinh hoạt. Để bù đắp cho các khoản thất thu thuế nhập khẩu đó, đạo luật này đã áp dụng một mức thuế tương đối thấp đánh vào thu nhập.

Công việc thứ hai trong chương trình của Đảng Dân chủ là việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng và tiền tệ. Wilson nói, “Việc kiểm soát phải là của nhà nước chứ không phải là của một cá nhân. Chính phủ phải có nhiệm vụ kiểm soát để ngân hàng trở thành công cụ, chứ không trở thành ông chủ của các hoạt động kinh doanh và của các doanh nghiệp và sáng kiến cá nhân.

Bộ luật Dự trữ Liên bang ban hành ngày 23/12/1913 là một trong những thành công về lập pháp của Wilson. Các đảng viên Bảo thủ đã ra sức ủng hộ việc thành lập một ngân hàng trung ương. Nhưng bộ luật mới của Wilson – được ban hành theo chủ trương của đại biểu Đảng Dân chủ Jeffersonian – lại chia đất nước thành 12 quận, mỗi quận có một Ngân hàng Dự trữ Liên bang, tất cả các ngân hàng này đều do ủy ban Dự trữ Liên bang giám sát và chỉ có quyền hạn nhất định trong việc đưa ra các mức lãi suất khác nhau. Đạo luật này đảm bảo cho hoạt động cung tiền được linh hoạt hơn và giúp cho khoản dự trữ tiền tệ của các ngân hàng dự trữ liên bang đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Hệ thống này được tập trung hóa ở mức độ cao hơn vào những năm 1930.

Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là điều tiết các công ty độc quyền và điều tra các vụ vi phạm pháp luật trong các công ty. Quốc hội đã cho phép ủy ban Thương mại Liên bang ban hành các lệnh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các giao dịch buôn bán liên bang. Bộ luật Chống độc quyền Clayton đã cấm nhiều hoạt động của các tập đoàn đang vi phạm luật pháp như việc các ban giám đốc cấu kết với nhau, phân biệt đối xử về giá đối với các khách hàng, sử dụng mệnh lệnh trong những cuộc tranh chấp với người lao động và việc một công ty sở hữu cổ phần trong nhiều doanh nghiệp tương tự nhau.

Nông dân và những người lao động khác cũng không bị quên lãng. Bộ luật Smith-Lever năm 1914 đã thành lập một hệ thống mở của các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ nông dân trên khắp quốc gia. Các Bộ luật tiếp theo đã cho phép nông dân vay tiền với lãi suất thấp. Bộ luật Seamen ban hành năm 1915 cũng đã cải thiện các điều kiện sống và làm việc trên các tàu biển. Bộ luật Bồi thường cho người lao động Liên bang năm 1916 đã đảm bảo cấp tiền trợ cấp cho người lao động bị tàn phế khi đang làm việc trong các ngành dịch vụ dân sự, và xây dựng một hình mẫu trợ cấp tương tự áp dụng trong các doanh nghiệp tư nhân. Bộ luật Adamson ban hành cùng năm đó đã thiết lập chế độ làm việc tám giờ một ngày cho lao động ngành đường sắt.

Những thành tựu này đã khiến Wilson chiếm được một vị trí vững chắc trong lịch sử nước Mỹ với tư cách là một trong những nhà cải cách chính trị tiên tiến nhất của dân tộc. Tuy nhiên, uy tín đối nội của ông đã nhanh chóng bị lu mờ trước những thành tích trong công việc đối ngoại với tư cách là một vị tổng thống thời chiến tranh, người đã dẫn đất nước tới chiến thắng, nhưng sau đó lại không thể duy trì được sự ủng hộ của dân chúng đối với nền hòa bình.