Nước Mỹ với Chính sách kinh tế mới và Chiến tranh Thế giới thứ hai/7

Tổng động viên cho cuộc chiến

Nước Mỹ đã nhanh chóng thích ứng với việc động viên dân chúng và huy động toàn bộ ngành công nghiệp của đất nước cho cuộc chiến tranh. Sau ba năm rưỡi, ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh đã đạt được những những mục tiêu sản xuất đáng kinh ngạc: 300.000 máy bay, 5.000 tàu vận tải, 60.000 tàu đổ bộ và 86.000 xe tăng. Phụ nữ Mỹ, được thể hiện qua hình ảnh tiêu biểu của cô thợ tán đinh Rosie, đã có những đóng góp quan trọng hơn bao giờ hết vào sản xuất công nghiệp. Tổng số binh sỹ trong quân đội Mỹ tính đến cuối cuộc chiến là khoảng 12 triệu người. Tất cả các hoạt động của quốc gia như trồng trọt, sản xuất, khai thác mỏ, buôn bán, lao động, đầu tư, truyền thông, thậm chí giáo dục và văn hóa, trên một khía cạnh nào đó đều được diễn ra dưới sự kiểm soát mới và trên phạm vi rộng.

Vì hậu quả của cuộc tấn công Trân Châu Cảng và nỗi khiếp sợ đối với các gián điệp châu Á, người Mỹ đã phạm phải một hành động mà sau này bị đánh giá là thiếu khoan dung: đó là việc giam giữ những người Mỹ gốc Nhật. Tháng 2/1942, gần 120.000 người Mỹ gốc Nhật sống ở California đã bị cưỡng bức rời khỏi nhà của họ và bị giam giữ đằng sau hàng rào dây thép gai trong 10 khu trại tạm giam, sau đó, họ bị chuyển tới các trung tâm tái định cư ở ngoại vi các thành phố biệt lập ở miền Tây Nam nước Mỹ.

Gần 63% người Mỹ gốc Nhật này được sinh ra trên đất Mỹ và là công dân Mỹ. Một số ít trong số họ là người Nhật nhưng không có bằng chứng nào chứng tỏ họ có hoạt động gián điệp. Những người khác thì tình nguyện tòng quân cho quân đội Mỹ và đều chiến đấu rất xuất sắc và can đảm trong hai đơn vị bộ binh tại mặt trận Italia. Một số khác làm phiên dịch và biên dịch trên các hạm đội Thái Bình Dương.

Vào năm 1983, Chính phủ Mỹ đã công nhận sự bất công trong việc giam giữ này và đã trả một khoản tiền bồi thường lớn cho những người Mỹ gốc Nhật hiện còn sống và đã phải chịu đựng những bất công tại thời điểm đó.