Thỏa hiệp năm 1850

Cho đến năm 1845, dường như chế độ chiếm hữu nô lệ sẽ chỉ giới hạn ở những khu vực mà nó đã từng tồn tại từ trước. Chế độ nô lệ đã được xác định ranh giới theo thỏa hiệp Missouri đưa ra năm 1820 và chế độ nô lệ không có cơ hội để vượt ra khỏi ranh giới đó. Nhưng các vùng lãnh thổ mới đã khiến cho việc mở rộng ranh giới của chế độ chiếm hữu nô lệ trở thành một khả năng thực tế có thể xảy ra.

Nhiều người miền Bắc tin rằng nếu không được phép mở rộng thì chế độ chiếm hữu nô lệ cuối cùng sẽ suy sụp và cáo chung. Để biện hộ cho sự phản đối của mình đối với việc bổ sung thêm các bang có chế độ nô lệ, họ nêu ra những tuyên bố của Washington và Jefferson, và cả Sắc lệnh năm 1787 cấm việc mở rộng chế độ nô lệ sang miền Tây Bắc. Vùng Texas vốn đã cho phép chế độ nô lệ tồn tại đã đương nhiên nhập vào liên bang với tư cách một bang có chiếm hữu nô lệ. Nhưng California, New Mexico và Utah không có chế độ nô lệ. Ngay từ đầu đã xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt về việc các bang này theo chế độ nào.

Những người miền Nam khăng khăng cho rằng tất cả đất đai đoạt được ở Mexico phải được trao công khai cho những người chiếm hữu nô lệ. Những người miền Bắc chống chế độ nô lệ lại yêu cầu các vùng mới phải ngăn chặn không cho chế độ nô lệ lan tới. Một nhóm những người ôn hòa đề nghị rằng ranh giới trong thỏa hiệp Missouri nên được kéo dài tới vùng Thái Bình Dương với những bang tự do ở phía bắc và các bang nô lệ ở phía nam. Một nhóm khác yêu cầu vấn đề này phải được dành cho “chủ quyền của nhân dân”, tức là chính phủ nên cho phép dân định cư tới những vùng lãnh thổ mới có hoặc không có nô lệ như họ muốn và khi tổ chức lại vùng đó thành các bang thì chính dân chúng sẽ phải tự quyết định vấn đề này.

Hầu hết người miền Bắc đều không muốn thách thức sự tồn tại của chế độ nô lệ ở miền Nam cho dù phong trào bãi nô rất sục sôi ở miền Bắc. Tuy nhiên nhiều người miền Bắc chống lại việc mở rộng các bang nô lệ. Vào năm 1848 có gần 300.000 người bỏ phiếu ủng hộ các ứng cử viên của Đảng Đất tự do, những người tuyên bố rằng chính sách tốt nhất là hạn chế, khu biệt và ngăn chặn nạn chiếm hữu nô lệ”. Tuy nhiên, sau cuộc chiến với Mexico thì quyền tự chủ của nhân dân được nhiều người ủng hộ nhất.

Tháng 1/1848, việc phát hiện ra vàng ở California đã thúc đẩy cuộc đổ xô vội vã của hơn 80.000 dân định cư đi tìm vàng chỉ nội trong năm 1849. Quốc hội phải nhanh chóng xác định quy chế của vùng đất mới này nhằm thành lập một chính quyền có tổ chức. Thượng nghị sỹ đáng kính của bang Kentucky tên là Henry Clay, người đã hai lần trước đây đưa ra những biện pháp thỏa hiệp vào những giai đoạn khủng hoảng, giờ đây lại đưa ra một kế hoạch phức tạp được cân nhắc kỹ lưỡng. Đối thủ cũ của ông, Thượng nghị sỹ Daniel Webster của bang Massachusetts, đã ủng hộ kế hoạch này. Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Illinois, Stephen A. Douglas, người đứng đầu nhóm ủng hộ quyền tự chủ của nhân dân, đã làm rất nhiều để đưa kế hoạch này ra Quốc hội.

Thỏa hiệp năm 1850 gồm những điều khoản sau:

  1. California được gia nhập liên bang với tư cách là bang tự do;
  2. phần còn lại của đất đai mới chiếm được của Mexico phải được chia thành hai vùng lãnh thổ của bang New Mexico và Utah và được tổ chức làm sao không dính dáng gì tới chế độ nô lệ;
  3. những đòi hỏi của Texas với phần đất phân chia cho bang New Mexico sẽ được làm thỏa mãn bằng việc thanh toán 10 triệu đô-la;
  4. một bộ luật mới (Đạo luật Nô lệ bỏ trốn) được thông qua để bắt lại những nô lệ chạy trốn và trả lại các chủ của họ;
  5. việc mua và bán nô lệ (nhưng không phải là chế độ nô lệ) bị bãi bỏ ở Quận Columbia.

Nước Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm. Trong ba năm sau đó, thỏa hiệp này dường như đã giải quyết được toàn bộ các điểm khác biệt. Tuy nhiên, Đạo luật Nô lệ bỏ trốn đã ngay lập tức trở thành nguồn gốc căng thẳng. Luật này đã khiến những người dân miền Bắc bất bình sâu sắc, nhiều người đã từ chối tham gia vào việc bắt giữ nô lệ. Một số người chủ động dùng bạo lực để chống lại luật này. Các con đường sắt bí mật trở nên hiệu quả hơn và táo bạo hơn trước đây.