Chính sách kinh tế công bằng

Chính sách kinh tế công bằng (The Fair Deal) là tên của chương trình quốc nội của Harry Truman. Khi xây dựng kế hoạch này dựa trên Chính sách kinh tế mới của Tổng thống tiền nhiệm Roosevelt, Truman cho rằng, Chính phủ Liên bang nên đảm bảo cơ hội kinh tế và sự ổn định xã hội. Ông đã tranh đấu nhằm đạt được các mục tiêu đó, bất chấp sự chống đối dữ dội về chính trị từ những nhà lập pháp bảo thủ đang cương quyết hạ thấp vai trò của chính phủ.

Ưu tiên thứ nhất của Truman trong giai đoạn ngay sau khi chiến tranh chấm dứt là thực hiện bước quá độ sang nền kinh tế thời bình. Các quân nhân muốn nhanh chóng trở về quê hương, nhưng khi về đến nhà, họ phải đối mặt với việc mất nhà cửa và việc làm. Dự luật G.I. được thông qua trước khi chiến tranh kết thúc đã giúp các quân nhân dễ dàng hòa nhập với đời sống dân sự, thông qua việc cung cấp các khoản phúc lợi như: các khoản tiền cho vay có bảo đảm để mua nhà ở, trợ giúp cho việc đào tạo nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Điều gây lo lắng hơn là sự bất ổn trong tầng lớp lao động. Vì nền sản xuất phục vụ chiến tranh đã chấm dứt nên nhiều công nhân lâm vào tình trạng thất nghiệp. Những người khác muốn được tăng lương, một sự tăng lương mà họ cảm thấy đã phải chờ đợi quá lâu. Vào năm 1946, 4, 6 triệu công nhân đã bãi công – một con số lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Họ thách thức các ngành công nghiệp ôtô, thép và điện lực. Khi họ tiếp tục bãi công ở các tuyến đường sắt và các mỏ than mềm, thì Truman đã phải can thiệp để ngăn chặn sự đòi hỏi thái quá của các công đoàn, nhưng điều đó chỉ làm cho nhiều người lao động thêm xa lánh ông mà thôi.

Trong khi phải giải quyết những vấn đề rất cấp bách, Truman cũng đưa ra một nghị trình hành động toàn diện hơn. Chưa đầy một tuần sau khi chiến tranh chấm dứt, ông đã trình lên Quốc hội một chương trình 21 điểm, nhằm đấu tranh chống lại những hiện tượng thuê nhân công bất bình đẳng, đòi một mức lương tối thiểu cao hơn, các khoản tiền bồi thường thất nghiệp lớn hơn và trợ giúp nhà cửa nhiều hơn. Sau đó vài tháng, ông đã bổ sung các khoản đề nghị khác về bảo hiểm y tế và luật năng lượng nguyên tử. Nhưng cách tiếp cận rời rạc này đã khiến cho những ưu tiên của Truman trở nên không rõ ràng.

Đảng Cộng hòa nhanh chóng tấn công. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1946, họ hỏi “Chúng ta đã thấy chán ngấy chưa?” và các cử tri đáp lại rằng họ đã quá chán. Chiếm đa số trong cả hai Viện của Quốc hội, lần đầu tiên từ năm 1928, Đảng Cộng hòa đã quyết tâm xoay ngược xu hướng tự do như của những năm dưới thời Roosevelt.

Truman đã tranh đấu với Quốc hội vì Quốc hội đã cắt giảm chi tiêu và giảm thuế. Vào năm 1948, ông vẫn thử tái ứng cử mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng ông ít có cơ hội thắng cử. Sau một chiến dịch tranh cử mạnh mẽ, Truman đã thắng điểm, một trong những kết quả gây bất ngờ lớn trong nền chính trị Mỹ khi ông đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa, Thomas Dewey, thống đốc bang New York. Bằng cách làm hồi sinh tinh thần Liên minh đoàn kết của Chính sách kinh tế mới trước đây, Truman đã tranh thủ được các cử tri thuộc tầng lớp lao động, giới chủ nông trại và người Mỹ gốc Phi.

Khi Truman mãn nhiệm vào năm 1953, Chính sách Kinh tế Công bằng của ông có đạt được một số thành công. Tháng 7/1948, ông đã cấm nạn phân biệt chủng tộc trong quy trình tuyển dụng cán bộ của Chính phủ Liên bang và ra lệnh chấm dứt nạn chia rẽ sắc tộc trong quân đội. Mức tiền lương tối thiểu được gia tăng và các chương trình an ninh xã hội được mở rộng. Chương trình nhà ở đã mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn còn nhiều gia đình có nhu cầu chưa được đáp ứng. Bảo hiểm y tế quốc gia, các biện pháp trợ giúp giáo dục, trợ cấp nông nghiệp và chương trình ban hành đạo luật quyền dân sự của ông chưa được Quốc hội thông qua. Mối bận tâm của Truman về các vấn đề của Chiến tranh Lạnh là mục tiêu quan trọng nhất của ông, đã khiến ông đặc biệt khó khăn trong việc giành được sự ủng hộ đối với cách thức cải cách xã hội trong hoàn cảnh bị phản đối kịch liệt.