Nước Mỹ những thập niên 1960-1980/3
Phong trào của người Mỹ La-tinh
Ở nước Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Mỹ gốc Mexico và Puerto Rico cũng phải đương đầu với nạn phân biệt chủng tộc. Những người mới di cư đến từ Cuba, Puerto Rico, Mexico và Trung Mỹ thường không có chuyên môn nghề nghiệp và không nói được tiếng Anh, cũng bị phân biệt đối xử. Một số lao động nói tiếng Tây Ban Nha làm việc ở nông trại và đôi khi bị bóc lột tàn tệ; những người khác thì đổ về các đô thị, và ở đó, cũng giống như những nhóm dân nhập cư trước kia, họ phải đối mặt với những khó khăn khi mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, những người Chicanos, tức là người Mỹ gốc Mexico, được huy động vào các tổ chức như Hiệp hội Quốc gia người Mỹ gốc Mexico, cũng chưa có ý phản kháng cho mãi đến thập niên 1960. Với hy vọng chương trình chống nghèo đói của Lyndon Johnson sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho họ, người Chicanos đã vô cùng thất vọng khi thấy rằng, giới quan chức đã không đáp ứng được những yêu cầu của các nhóm dân cư thấp cổ bé họng trong xã hội. Đặc biệt, tấm gương về phong trào hoạt động của người da đen đã cho người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha một bài học về tầm quan trọng của sức ép chính trị trong một xã hội đa sắc tộc.
Đạo luật về Quan hệ Lao động Xã hội Quốc gia năm 1935 đã không cho nông dân được quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhưng Cesar Chavez, người sáng lập Tổ chức Công nhân trong nông nghiệp mà chủ yếu thành viên là những người nói tiếng Tây Ban Nha, đã chứng tỏ rằng hành động đấu tranh trực tiếp là cách tốt nhất để giành được sự công nhận của giới chủ đối với công đoàn của mình. Các chủ trang trại nho ở California đã phải đồng ý thương lượng với công đoàn của anh sau khi Chavez kêu gọi người tiêu dùng trên toàn quốc tẩy chay nho. Những cuộc tẩy chay tương tự đối với rau diếp và các sản phẩm khác cũng đã thành công. Tuy các chủ nông trại đã tìm cách cản trở hoạt động của tổ chức của Chavez, nhưng cơ sở hợp pháp đã được xác lập, cho phép nông dân nhập cư có quyền đòi hỏi những khoản lương cao hơn và các điều kiện lao động tốt hơn thông qua các tổ chức đại diện cho họ.
Người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha cũng đã trở nên tích cực hơn về mặt chính trị. Năm 1961, Henry B.Gonzalez đã thắng cử vào Quốc hội ở bang Texas. Ba năm sau đó, Elizo (“Kika”) de la Garza, một người Texas khác đã tiếp bước ông, cùng với Joseph Montoya bang New Mexico trúng cử vào Thượng viện. Sau này, cả Gonzalez và De la Garza đều lên tới chức Chủ tịch ủy ban Thượng viện. Vào hai thập niên 1970 và 1980, nhịp độ hoạt động chính trị của người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha đã gia tăng. Nhiều người đã được bổ nhiệm vào nội các của Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush.