Nước Mỹ những thập niên 1960-1980/2
Phong trào phụ nữ
Trong hai thập niên 1950 và 1960, càng ngày càng có nhiều phụ nữ có gia đình tham gia lực lượng lao động, nhưng vào năm 1963, một phụ nữ đi làm chỉ có mức lương trung bình bằng 63% mức lương của một lao động nam giới tương đương. Vào năm đó, tác giả Betty Friedan đã xuất bản cuốn Điều huyền bí của phái nữ, một tác phẩm phê phán gây chấn động, chỉ trích những mô thức sống của tầng lớp trung lưu, mà bà cho là lối sống đó đã khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy không hài lòng. Chỉ ra rằng phụ nữ thường không có cách nào khác để bày tỏ suy nghĩ tình cảm của mình ngoài việc lấy chồng và đẻ con, Friedan đã khuyến khích độc giả tìm kiếm những vai trò và những trách nhiệm mới, và tìm ra bản sắc nghề nghiệp và bản sắc cá nhân, hơn là buông xuôi theo một xã hội do nam giới ngự trị.
Phong trào phụ nữ vào những thập niên 1960 và 1970 đã lấy cảm hứng từ phong trào đòi quyền công dân. Phong trào này chủ yếu bao gồm các thành viên của giai cấp trung lưu, do vậy, đã tiếp nhận phần nào tinh thần nổi loạn của thanh niên thuộc tầng cấp trung lưu trong thập niên 1960.
Các luật về cải cách cũng thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội. Trong cuộc tranh luận về dự luật Quyền Công dân năm 1964, phái đối lập hy vọng sẽ làm phá sản hoàn toàn dự luật này bằng cách đề xuất một Điều bổ sung sửa đổi nhằm cấm sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính và chủng tộc. Lúc đầu, điều luật bổ sung này đã được thông qua, sau đó, chính Đạo luật Quyền Công dân đã được thông qua và đem lại cho phụ nữ một công cụ pháp lý giá trị.
Năm 1966, 28 phụ nữ đi làm, trong đó có bà Betty Friedan, đã thành lập Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW) để hành động nhằm đưa phụ nữ Mỹ hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội chính yếu của nước Mỹ ngày nay. Mặc dù NOW và các tổ chức phụ nữ tương tự tự hào rằng ngày nay mình đã có một số lượng thành viên đông đảo, ta có thể nói rằng những tổ chức này đã có ảnh hưởng lớn nhất vào đầu thập niên 1970, thời mà nhà báo Gloria Steinem và một số phụ nữ khác đã lập ra tạp chí Ms. Họ cũng thúc đẩy sự ra đời của các nhóm chống bình đẳng nghề nghiệp cho phụ nữ, thường cũng do phụ nữ đứng đầu, bao gồm người vận động chính trị nổi tiếng nhất là Phyllis Schlafly. Các nhóm này ủng hộ vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình và phản đối Điều bổ sung sửa đổi hiến pháp được đề xuất mang tên Quyền bình đẳng.
Được Quốc hội thông qua năm 1972, Điều bổ sung sửa đổi đó đã tuyên bố rằng Quyền bình đẳng theo luật định sẽ không bị Hoa Kỳ hay bất kỳ bang nào trên đất nước Hoa Kỳ phủ nhận vì lý do giới tính. Trong vài năm sau đó, 35 bang trong số 38 bang đã phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi này. Các tòa án cũng ra tay để mở rộng quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1973, trong vụ Roe kiện Wade, Tòa án Tối cao đã thừa nhận phụ nữ có quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai. Đây là một trong những thắng lợi quan trọng đối với phong trào phụ nữ, nhưng Roe cũng đã tạo ra một phong trào phản đối việc phá thai của phụ nữ.
Tuy nhiên, vào thời kỳ giữa và cuối thập niên 1970, phong trào phụ nữ dường như đã bị ngưng trệ. Phong trào đã không làm cho những lời kêu gọi của mình đến được với những tầng lớp xã hội khác, ngoài tầng lớp trung lưu. Những chia rẽ và bất đồng đã bắt đầu xuất hiện giữa các phái ôn hòa và cấp tiến. Phái bảo thủ đối lập đã tổ chức một chiến dịch phản đối Điều bổ sung sửa đổi Các quyền bình đẳng trong Hiến pháp, và Điều bổ sung sửa đổi này đã bị hủy bỏ năm 1982 vì không có đủ sự tán thành của 38 bang, một điều kiện cần thiết để được Quốc hội phê chuẩn.