Nixon, Việt Nam và Chiến tranh Lạnh

Quyết tâm đạt được hòa bình trong danh dự, Nixon đã dần dần rút quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời tăng mạnh viện trợ vũ khí phương tiện để miền Nam Việt Nam có thể tiếp tục cuộc chiến. Ông cũng ra lệnh tiến hành một loạt các cuộc tấn công dữ dội, mà cuộc tấn công quan trọng nhất là xâm lược Campuchia vào năm 1970 nhằm cắt đứt các tuyến đường cung cấp của miền Bắc tới miền Nam Việt Nam chạy qua Campuchia. Hành động này đã làm dấy lên những cuộc phản đối và biểu tình mới. Sinh viên ở nhiều trường đại học đã biểu tình trên đường phố. Tại Kent State, bang Ohio, các đơn vị vệ binh quốc gia được gọi tới để duy trì trật tự đã làm chết bốn sinh viên.

Tuy nhiên, cho đến mùa thu năm 1972, số binh sỹ Mỹ có mặt tại Việt Nam đã rút xuống còn dưới 50.000 người, và lệnh quân dịch vốn đã gây ra sự bất bình to lớn tại các khu sinh viên, đã không còn hiệu lực. Cuối cùng, vào năm 1973, lệnh ngừng bắn do Henrry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia của Chính quyền Nixon, tiến hành đàm phán thay mặt Hoa Kỳ đã được ký kết. Tuy các đơn vị quân đội Mỹ đã rút đi, song chiến tranh vẫn còn kéo dài cho tới mùa xuân năm 1975, khi Quốc hội Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ cho miền Nam Việt Nam, và Bắc Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát trên toàn bộ đất nước.

Cuộc Chiến tranh Việt Nam đã để lại một nước Việt Nam bị tàn phá với hàng triệu người chết và tàn tật. Cuộc chiến cũng để lại đằng sau một nước Mỹ đau thương. Hoa Kỳ đã tiêu phí hơn 150 tỷ đô-la vào một nỗ lực vô ích với cái giá là 58.000 sinh mạng người Mỹ. Cuộc chiến tranh này cũng chấm dứt sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại của Chiến tranh Lạnh và khiến nhiều người Mỹ lo ngại về những hành động khác nữa của dân tộc họ tại nước ngoài.

Khi chiến tranh chấm dứt, chính quyền Nixon đã tiến hành các bước đi lịch sử để thắt chặt quan hệ với các cường quốc cộng sản quan trọng. Bước đi ngoạn mục nhất là việc thiết lập quan hệ cởi mở với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong suốt hai mươi năm, kể từ khi Mao Trạch Đông giành chiến thắng, Hoa Kỳ đã biện thuyết rằng Chính phủ Quốc dân Đảng ở Đài Loan mới là đại diện cho Trung Quốc. Vào những năm 1971 và 1972, Nixon đã làm dịu đi lập trường của Mỹ, giảm nhẹ những hạn chế mậu dịch và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Bắc Kinh. Tuyên bố Thượng Hải được ký kết trong chuyến thăm này là mốc ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc: nước Mỹ công nhận chỉ có một nước Trung Hoa, Đài Loan chỉ là một phần của Trung Quốc và những tranh luận hòa bình của Trung Quốc cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ.

Với Liên Xô, Nixon đã thành công như đối với Trung Quốc trong việc theo đuổi chính sách mà ông và Ngoại trưởng Henry Kissinger gọi là sự hòa dịu. Nixon đã có một vài cuộc gặp gỡ thân mật với nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev trong đó họ thỏa thuận hạn chế kho dự trữ tên lửa, hợp tác thám hiểm không gian và giảm nhẹ những hạn chế về mậu dịch. Những cuộc đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) đã đạt được thành công vào năm 1972 bằng Hiệp định Kiểm soát Vũ khí, hạn chế việc tăng cường các kho vũ khí hạt nhân và hạn chế hệ thống chống tên lửa đạn đạo.