Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong văn học/Việt Nam
Hình tượng con hổ cũng xuất hiện nhiều qua văn học Việt Nam,[1] bên cạnh những câu chuyện cổ tích xuất hiện từ lâu như như Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời, Thỏ rừng và hùm xám, Con hổ có lá gan chuột nhắt, Mèo vẫn hoàn mèo, thì hổ còn được nhắc đến trong các tác phẩm văn học thời cổ như: Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Lĩnh Nam Chích Quái, Mãnh hổ hành" (Bài hành về con hổ dữ) của nhà thơ Nguyễn Hành (nhà thơ), Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Cũng như những tác phẩm thời kỳ cận đại và hiện đại như: Thần Hổ của Tchya, Đường Rừng của Lan Khai, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Tây Tiến của Quang Dũng (với câu thơ: Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người), Như những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp và đặc biệt là bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ khi tác giả mô tả chân thực cảnh một con hổ trong vườn bách thú và hình dung ra hình ảnh của nó khi tự do trong rừng, thông qua hình ảnh con hổ, Thế Lữ dùng để biểu tượng về hình ảnh của một đất nước, dân tộc Việt Nam đang thời kỳ Pháp thuộc. Trong đó câu than thở Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! đã trở nên trứ danh.[1]
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta là chúa tể muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Thế Lữ, Nhớ rừng (trích)
Trong truyện cổ tích Trí khôn của ta đây người Việt đã lý giải sự tích của những hình thù vằn vện trên mình hổ, con hổ được đóng vai trò là kẻ xấu và truyện nhằm đề cao trí khôn của con người trong công cuộc chống lại những loài thú giữ trong đó con hổ hiền lành, dại dột, bị người lừa. Trong truyện cóc kiện trời thì hổ đóng vai trò quan trọng, là một trog những con vật theo cóc lên thiên đình để kiện trời, hổ đóng vai trò quan trọng khi là con vật mạnh nhất trong đoàn quân của nhân gian, chính hổ đã xé xác thiên lôi buộc Ngọc Hoàng phải điều đình với đoàn quân của nhân gian.
Trong câu chuyện Chú Cuội, kể việc Cuội vào rừng sâu tìm cây thì trông thấy một cái hang cọp, có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Ngoài ra trong nhiều truyện kể dân gian, cọp đóng vai thần cứu tinh, như trong Tống Trân Cúc Hoa được truyền tụng trong giới người Kinh lẫn người Thượng phía Bắc, theo đó mô tả chi tiết Sơn Thần thương tình biến thành mãnh hổ, tình nguyện mang thư Cúc Hoa sang Tần. Trong câu chuyện Thoại Khanh, Châu Tuấn, hổ xuất hiện giữa rừng khuya, cọp cõng Thoại Khanh và mẹ chồng sang tận nước Tề để tìm chồng. Giai thoại Con hổ có nghĩa đã được đưa vào Sách giáo khoa ở Việt Nam cho thấy hổ cũng là con vật có tình nghĩa, biết đền ơn xứng đáng người đã giúp đỡ mình.[1]
Trong tuồng hát bội Hổ Thành Nhân, thế kỷ XIX cũng có kể chuyện hổ sinh ra người. Truyện dân gian có Ông Nghè hóa cọp chế diễu những người chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng. Giai thoại về bác Ba Phi(Nguyễn Long Phi, 1884-1964) ở Cà Mau còn có chuyện bắt cọp xay lúa, xử án cọp,[1][2] người ta cũng kể câu chuyện về việc bác Ba Phi từng đánh bại hổ dữ, theo đó, ở vùng U Minh có con hổ đực rất khôn ngoan, nhiều người lạc chân trong rừng thường mất tích một cách bí ẩn mà người ta nghi bị nó ăn thịt, sau này khi nó bắt một người phụ nữ đang làm ruộng thì bác Ba Phi được mời tới để đánh hạ con hổ dữ này, một cuộc chiến quyết liệt đã xảy ra và bác Ba Phi đã đánh thắng con hổ.[3]
Trong truyện Lục vân Tiên hổ cũng được bố trí xuất hiện ba lần một lần cởi trói cho tiểu đồng và đưa ra đại lộ, một lần dưới dạng du thần đưa Vân Tiên ra khỏi hang Thương Tòng và lần cuối, cọp bắt hai mẹ con Thể Loan bỏ lại trong hang Thương Tòng để quả báo nhưng không ăn thịt. Tác phẩm này, Nguyễn Đình Chiểu đã mô tả về hổ trên góc độ cái nhìn của nhân dân Nam bộ, theo đó hai diện mạo: khuôn mặt tự nhiên là ác thú vì Trên cơ bản, cọp vẫn là ác thú ăn thịt người do đó Trịnh Hâm mới bắt tiểu đồng trói vào gốc cây để trước cho hùm cọp ăn mày/Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong/Vân Tiên ngồi những đợi trông/Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn (Truyện Lục Vân Tiên câu 875-878) và khuôn mặt cứu tinh, lại là một nhân vật hư cấu có suy tính khi hành động: Sơn quân ghé lại một bên/Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.
Nhà văn Tchya đã phản ánh hình tượng con hổ vào tiểu thuyết Thần Hổ xuất bản năm 1937, và Ai hát giữa rừng khuya vào năm 1942 của tác giả Vũ Ngọc Phan (1902-1987). Trong tiểu thuyết này đã mô tả về Thần Hổ xuất thân từ những con hổ đã ăn thịt hơn trăm người, trong tai nổi lên hơn trăm tia máu đỏ, nghe được ngàn dặm, và nếu có chạm mình vào lá cũng không quên. Vị thần Hổ đây là con hổ xám, hổ vàng, và khi họp hội đồng cơ mật dưới gốc một đại thụ, vị thần Hổ thường trút bỏ bộ lông trắng, biến thành một ông già đầu râu tóc bạc đường bệ. Bị hổ vồ là có số, những kẻ bị giống mãnh thú ấy xơi đã có tên trong quyển sổ do thần Hổ giữ. Thật là một sự định mệnh, không sao trốn thoát được. Rồi những người mang họ Đèo trong truyện Thần Hổ của Tchya mà tất cả con cháu phải làm mồi cho hổ chỉ vì ông tổ của họ đã dám phạm đến một con hổ già, làm hắn chột một mắt và tuyệt đường sinh sản, là một họ rất am tường số mệnh. Sự báo thù thật là ghê gớm tất cả con cháu họ Đèo khi đã sa vào nanh vuốt hổ, người nào cũng bị móc mất một mắt và cắn xé mất hạ bộ. Thần Hổ ra oai và gieo vạ cho cả dòng giống những người đã dám phạm đến thần.
Ngoài ra, trong Truyện Đường Rừng, 1940, Lan Khai (1906-1945) kể chuyện Người hóa hổ, người và súc vật có thể hóa kiếp cho nhau. Hình ảnh của hổ với sự kỳ bí về bộ lông tráng lệ, oai phong lẫm liệt, và hành tung bí ẩn được thể hiện qua Trái Tim Hổ trong nhóm mười truyện Như những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp, đăng trên báo Văn Nghệ 1987, xuất bản thành sách 1988 theo đó ở bản Hua Tát có con hổ kỳ dị người ta đồn có trái tim khác thường, chỉ nhỏ bằng hòn sỏi và trong suốt, là bùa hộ mệnh cùng là vị thuốc thần. Hình ảnh con hổ qua văn học đã gây ảnh hưởng và điều kiện hóa đời sống tinh thần người dân với hình ảnh của muông thú đang và đáng được bảo vệ là tài sản thiên nhiên, uy dũng, hùng tráng diễm lệ và kỳ ảo, cọp là vẻ đẹp của một trần thế đang phôi pha. Tác phẩm Bí mật trên đồi Hổ táng (1985) của nhà văn Bá Dũng cũng nhắc đến truyền thuyết về con hổ có nghĩa.[1]