Phần 3: Quy định về các biện pháp phát hiện và xử lý tham nhũng
c. Phát hiện tham nhũng thông qua phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng

Phản ánh, tố cáo về các hành vi tiêu cực trong xã hội là quyền của con người. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp rất khó phân định phản ánh với tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể hiểu khái quát rằng phản ánh là cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về những hành vi, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Còn tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân[1]. Xét về mức độ thì các thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có cơ sở rõ ràng hơn so với các thông tin phản ánh.

Tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, khi một người phát hiện vụ việc hoặc cá nhân có dấu hiệu tham nhũng thì có quyền phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Việc xử lý, giải quyết các phản ánh, tố cáo tham nhũng hiện nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân và pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo.

Phản ánh, tố cáo tham nhũng trong thời gian qua đã trở thành một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý tham nhũng. Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho thấy qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng[2].

So với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bổ sung nội dung phản ánh, báo cáo hành vi tham nhũng. Những nội dung này gắn với quyền và trách nhiệm của các chủ thể cụ thể.

Thứ nhất, phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo.

Thứ hai, về báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng

Báo cáo về hành vi tham nhũng là quy định mới trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, quy định này ràng buộc trách nhiệm của những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì người được báo cáo quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định nguyên tắc trong bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo hành vi tham nhũng. Cụ thể là việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo


Chú thích
  1. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018
  2. Chính phủ: Báo cáo số 330/BC-CP ngày 22 tháng 9 năm 2016 tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng