Phần 1: Quy định chung về hành vi và chủ thể tham nhũng
a. Quy định về hành vi tham nhũng

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vẫn tiếp tục kế thừa quan niệm chung về tham nhũng theo tinh thần Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và phù hợp với quan niệm phổ biến của cộng đồng quốc tế, theo đó, tham nhũng được xác định là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Tuy nhiên, một điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 là đã bước đầu mở rộng chủ thể của tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước. Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 xác định hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước như sau:

Thứ nhất, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm:

  • Tham ô tài sản;
  • Nhận hối lộ;
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; 3
  • Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
  • Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
  • Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
  • Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
  • Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Thứ hai, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

  • Tham ô tài sản;
  • Nhận hối lộ;
  • Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Như vậy, tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước chỉ được xác định giới hạn trong hành vi tham ô và liên quan đến hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn. Khu vực ngoài nhà nước được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định theo phương pháp loại trừ. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội. Những doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không phải là cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước nói trên[1].

Phần tiếp theo: 1b. Quy định về chủ thể tham nhũng


Chú thích
  1. Khoản 9, Khoản 10, Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018