Chính trị nhà Trần/Bộ máy chính quyền/Tuyển quan/1
Nhà nước Trần vừa là Nhà nước quân chủ quý tộc đồng tộc vừa là Nhà nước quân chủ quan liêu. Khi mới thiết lập vương triều, nhà Trần sử dụng đội ngũ quý tộc đồng tộc vào bộ máy của triều đình trung ương. Tầng lớp quý tộc tôn thất, được triều đình trọng dụng và đãi ngộ ưu hậu. Họ được giữ những chức vụ cao trong triều như các chức Tam thái, Tam thiếu, Tam tư, đứng đầu hai ban văn võ. "Chức Tể tướng thì chọn trong tôn thất người nào tài giỏi, có đạo đức nghệ thuật, thông hiểu thi thư thì cho làm"[1]. Chức Phiêu kỵ tướng quân thì không giao cho ai ngoài Hoàng tử. Những đại thần trong triều đều là người tôn thất. Sử chép: "Tháng 2 năm Bính Thân (1236), định quan hàm các đại thần; phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là thái sư, thái phó, thái bảo, thái úy, hoặc là tư đồ tả hữu tướng quốc, đều kiêm hàm kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự"[2]. Nghi đồng tam ty nghĩa là nghi thức của tam ty hay tam công. Bình chương sự chi chức tể tướng và đồng bình chương sự nghĩa là ngang với chức tể tướng. Các đại thần tôn thất đều được lãnh những chức vụ cao trong triều. Và, xét trong chính sử chúng ta thấy, những tôn thất được triều đình sử dụng vào việc nước đều tài giỏi, những chức vụ trọng yếu trong bộ máy nhà nước đều do tôn thất đảm nhiệm như Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Triều, Trần Khánh Dư... hoặc người được ban quốc tính như Trần Khát Chân,... Họ đều là những người văn võ song toàn, không chi nổi tiếng đương thời mà đến nay tên tuổi của họ là niềm tự hào của biết bao thế hệ con cháu, nhưng tiếc thay không có tư liệu nào cho biết cách thức nhà Trần đào tạo và tuyển chọn họ như thế nào. Sử cũ chi chép rằng con em các văn quan và tụng quan được vào học ở Quốc tử viện và có viên quan với chức Thượng tri thư trông coi "Mùa Đông, tháng 10 năm Bính Thân (1236), cho Phạm Ứng Thần làm Thượng tri thư Quốc tử viện, trông nom cho con em các văn quan và tụng quan vào học"[3]. Đến năm 1272, nhà vua mới xuống Chiếu "tìm người hiền lương thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc tử giám, người biết giảng dạy tứ thư ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách"[4]. Năm 1274 "chọn người Nho học trong nước người nào có đức hạnh sung vào hầu Đông cung. Lấy Lê Phụ Trần làm Thiếu sư, kiêm chức Sử cung (cung thái tử) giáo thụ". Nhưng tư liệu này chỉ cho chúng ta biết việc học tập của nhà vua và thái tử mà thôi. Nhà vua còn trực tiếp làm bài minh, sử chép: "Tân Hợi (1251), vua (Trần Thái Tông) thân làm bài minh cho các hoàng tử, dạy về trung hiếu hòa tốn, ôn lương cung kiệm"[5]. Vua Trần Thánh Tông cũng vậy, đã viết thơ và làm tập Di hậu lục để dạy hoàng tử. Còn các vương hầu tôn thất không phải đội ngũ được tuyển chọn qua thi cử Nho học nhưng sự tài giỏi của họ trong quá trình xây dựng đất nước đã đưa triều Trần đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hoá và xã hội. Vua Trần Nhân Tông là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, chắc hẳn phải nghiên cứu kinh Phật đến độ thiên kinh vạn quyển. Trần Thủ Độ được các sử thần nhà Lê nhận xét: Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. "Khi làm Tể tướng mà phàm công việc không việc gì là không để ý. Vì thể mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ quý mến khác người"[6]. Trần Hưng Đạo được Ngô Thì Sĩ hết lời ca ngợi: "Tài văn võ đủ làm phép cho muôn nước, mà không dám cậy tài năng; Anh hùng nổi tiếng hai nước mà không dám nhận công nghiệp. Thế lực có thể lật sông núi, đuổi sấm sét, mà lúc nào cũng coi uy nhan vua ở trước mặt. Nay xem ra theo nghĩa phái mà không theo lời cha. Biết có nước mà không biết đến nhà, bẻ mũi gậy để đi theo hầu vua, giơ gươm mà kể tội con. Lòng trung thành sáng như mặt trời"[7]. Trần Quang Khải thì: “Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất... Ông nghe rộng biết nhiều, hiểu các tiếng người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang ta, ông được chọn vào thù tiếp. Ông rất chăm học hay làm thơ"[8]. Trần Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông khen là người vừa tài trí lại mưu lược và lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi của thiên tử) và được phong chức Phiêu kỵ Đại tướng quân, một chức chỉ dành riêng cho hoàng tử. Sử chép: "Khi quân Nguyên sang cướp, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhân chỗ sơ hở đánh úp. Thượng hoàng khen là có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam. Sau khi đánh người Man ở núi thắng trận to, phong Phiêu kỵ Đại tướng quân. Chức Phiêu kỵ tướng quân không phải là hoàng tử thì không được phong, vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có mệnh ấy. Rồi từ tước hầu tăng lên mãi đến từ phục thượng vị hầu"[9]. Tuy nhiên không phải cứ là tôn thất thì đều được trọng dụng. Nếu là tôn thất mà không có tài thì triều đình cũng không giao chức vụ. Cung Túc vương Dục, con trưởng của vua cũng không được chọn để kế tục ngai vàng vì "là người phóng đãng quá", không đủ tư cách và uy tín. Bảo Hưng vương là người tôn thất được vua Trần Anh Tông rất yêu quý, nhưng không được vua ủy thác cho làm việc chính sự "vì là không có tài làm được"[10].
- Chú thích
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 21.
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 14.
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 14.
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 42
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 23
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 52.
- ▲ Ngô Thì Sĩ, Việt sứ liêu án, quyển 3, Bản đánh máy cùa Viện Sử học.
- ▲ Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, tr. 223.
- ▲ Toàn thư, quyển V, tập II, tr. 52
- ▲ Toàn thư, quyển VI, tập II, tr. 100.