ĐỊA LÝ ĐẠI CƯƠNG VỀ THẾ GIỚI

Giới thiệu chung


0  • 1  • 2  • 3  • 4  • 5  • 6


Mở đầu

Giới thiệu chung

Con người chúng ta đang sinh sống trên Trái Đất cùng với vô vàn các loài sinh vật khác. Trái Đất của chúng ta tính từ lúc hình thành đến nay đã hơn 4,5 tỷ năm và đã thay đổi không ngừng trong suốt khoảng thời gian dài đó. Vào khoảng 3,5 tỷ năm trước, mầm mống của sự sống đã bắt đầu xuất hiện. Các sinh vật liên tục thay đổi, các sinh vật thế hệ sau nhận được đặc tính từ thế hệ trước và tiến hóa cho tới thời đại của con người chúng ta ngày nay.

Trái Đất từ lúc khai sinh dưới sự tác động của nội lực và ngoại lực đã biến đổi không ngừng. Thế giới chúng ta đang sinh sống hiện nay gồm 6 châu lục[1] là châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Nam Cực và 4 đại dương[2] là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương.

Năm 2020, dân số thế giới là 7,8 tỷ người. Châu Á hiện là châu lục có dân số đông nhất, chiếm hơn 50% dân số của cả hành tinh. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc với con số 1,4 tỷ người và Ấn Độ với con số 1,3 tỷ người, đều thuộc châu Á. Dân cư trên thế giới đa dạng về chủng tộc, bản sắc văn hóa.

Ước tính năm 2019, GDP của cả thế giới đạt 73.640 tỷ USD. Các hoạt động kinh tế của con người diễn ra trên khắp thế giới. Thế giới trong thế kỉ 21 đang nổi lên hai siêu cường kinh tế là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương đều là các quốc gia phát triển, cường quốc kinh tế, trong khi đó đa số các quốc gia ở châu Phi và một số quốc gia châu Á xếp vào các quốc gia kém phát triển.

Con người cũng phải đối mặt với các vấn đề lớn trong thế kỉ 21 này, như vấn đề biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, chiến tranh, đói nghèo.

Điều hướng

0  • 1  • 2  • 3  • 4  • 5  • 6

Chú thích

  1. Có một số tài liệu của nước ngoài chia làm 7 châu lục, trong đó châu Mỹ thì tách ra 2 châu lục riêng biệt là Bắc Mỹ và Nam Mỹ (Mỹ Latin).
  2. Còn có một đại dương thứ năm mang tên Nam Đại Dương, để chỉ một vùng biển rộng bao quanh châu Nam Cực. Khái niệm này mới được biết đến trong thời gian gần đây và nhiều sách giáo khoa không liệt kê đây là một đại dương chính thức. Cuốn sách này nói về Nam Đại Dương tại chương châu Nam Cực.