Đế quốc Đại Minh/Lịch sử/Sự biến Thổ Mộc Bảo

Tháng 7 năm 1449, thủ lĩnh tộc Ngõa Lạt là Dã Tiên, phát động chiến dịch xâm lược nhà Minh. Sau vài chiến bại của quân Minh, hoạn quan Vương Chấn khích lệ Minh Anh Tông (1435-1449)[1] đích thân cầm quân đánh giặc. Minh Anh Tông rời kinh đô, để người em cùng cha khác mẹ Chu Kỳ Ngọc nhiếp chính tạm thời. Ngày 8 tháng 9 năm 1449, Dã Tiên đại phá quân Minh, bắt sống Minh Anh Tông trong sự biến Thổ Mộc bảo. Người Ngõa Lạt định giữ lại Minh Anh Tông để đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, kế hoạch của họ phá sản khi em trai hoàng đế lên ngôi với niên hiệu Cảnh Thái (1449-1457), tức Minh Đại Tông. Quân Ngõa Lạt bị đẩy lùi khi tâm phúc của Minh Đại Tông, Thượng thư Binh bộ Vu Khiêm (1398-1457), giành được quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang của nhà Minh. Chừng nào vẫn còn người khác ngồi trên ngai vàng thì việc lấy Minh Anh Tông để mặc cả là vô ích, vì vậy người Ngõa Lạt đành phải phóng thích Minh Anh Tông. Cựu hoàng bị quản thúc nghiêm ngặt trong hoàng cung cho đến khi lật đổ Minh Đại Tông vào năm 1457, bằng một cuộc đảo chính gọi là “Đoạt Môn chi biến”. Minh Anh Tông lên ngôi với niên hiệu mới là Thiên Thuận (1457-1464).

Một con hươu cao cổ châu Phi được quốc vương Bengal tặng cho Minh Thành Tổ. Theo một số thuyết thì kỳ lân được cách điệu theo con hươu cao cổ này.

Triều đình nhà Minh gặp nhiều khó khăn trong những năm Thiên Thuận. Lực lượng Mông Cổ trong cơ cấu quân đội tiếp tục có vấn đề. Ngày 7 tháng 8 năm 1461, Tào Khâm và binh lính gốc Mông Cổ của ông tổ chức một cuộc đảo chính chống lại Minh Anh Tông vì sợ rằng mình sẽ là người tiếp theo trong danh sách thanh trừng sau Đoạt Môn chi biến. Tào Khâm cùng người của mình cố gắng phóng hỏa cổng phía đông và phía tây Hoàng thành (vốn đã dầm mưa trong suốt trận chiến), giết được một vài đại thần trước khi bị dồn vào chân tường rồi buộc phải tự sát.

Trong khi Minh Thành Tổ từng năm lần thảo phạt người Ngõa Lạt và Mông Cổ ở phía bắc Vạn lý Trường Thành, triều đình nhà Minh từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16 lại phải gia cố Vạn lý Trường thành để đối phó với mối đe dọa xâm lược liên tục từ người Ngõa Lạt. John Fairbank lưu ý rằng “điều đó đã được chứng minh là một động thái quân sự vô ích, nhưng thể hiện một cách sinh động tâm thế vây hãm của người Trung Quốc.”[2] Vạn lý Trường Thành không phải là một công sự phòng thủ thuần túy, hệ thống tháp canh của nó hoạt động như một dạng đèn hiệu và trạm truyền tin, có chức năng cảnh báo nhanh cho những đơn vị lân cận biết về các đợt tiến công của quân địch.


Chú thích
  1. Minh Anh Tông là hoàng đế nhà Minh duy nhất có hai niên hiệu với hai khoảng thời gian cai trị.
  2. Công thành, chiến tranh bao vây là điểm đặc trưng của các trận chiến ở Trung Quốc thời xưa.