Đế quốc Đại Minh/Khoa học, kỹ thuật

So với sự phát triển rực rỡ của khoa học và công nghệ thời nhà Tống, có lẽ thời nhà Minh chứng kiến ít tiến bộ hơn so với tốc độ khám phá của thế giới phương Tây. Trên thực tế, những tiến bộ khoa học quan trọng cuối thời nhà Minh được thúc đẩy nhờ sự giao thoa với châu Âu. Năm 1626, Johann Adam Schall von Bell viết Viễn kính thuyết, chuyên luận về kính thiên văn đầu tiên ở Trung Quốc. Năm 1634, Minh Tư Tông mua lại kính viễn vọng của Johann Schreck (1576–1630) quá cố. Mô hình hệ mặt trời nhật tâm đã bị các nhà truyền đạo Công giáo ở Trung Quốc bác bỏ, nhưng quan niệm của Johannes Kepler và Galileo Galilei vẫn từ từ du nhập vào Trung Quốc, bắt đầu với tu sĩ Dòng Tên người Ba Lan Michael Boym (1612–1659) vào năm 1627, luận thuyết của Adam Schall von Bell vào năm 1640, cuối cùng là Joseph Edkins, Alex Wylie và John Fryer vào thế kỷ 19. Các tu sĩ Dòng Tên quảng bá thuyết Copernic ở triều đình, nhưng đồng thời vẫn chấp nhận hệ Ptolemy trong các ghi chép của họ. Mãi tới năm 1865, tu sĩ Công giáo ở Trung Quốc mới bảo trợ cho mô hình nhật tâm như những người đồng cấp Tin Lành đã làm. Mặc dù Trầm Quát (1031–1095) và Quách Thủ Kính (1231–1316) đã đặt nền móng cho lượng giác Trung Quốc, không có công trình lớn nào khác về lượng giác được xuất bản mãi cho đến khi Từ Quang Khải và Matteo Ricci cho ra mắt tác phẩm của họ vào năm 1607. Trớ trêu thay, cuối thời nhà Minh, một số phát minh có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại lại du nhập ngược trở lại nước này từ châu Âu, chẳng hạn như máy nghiền lưu động.

Quy trình nấu chảy quặng sắt để tạo thành gang và sau đó là rèn sắt. Hình minh họa bên phải cho thấy những người đàn ông đang làm việc trong một lò cao, lấy từ bách khoa toàn thư Thiên công khai vật, 1637.
Bản đồ thế giới đã biết của Trịnh Hòa: Ấn Độ ở trên cùng, Tích Lan ở phía trên bên phải và Đông Phi ở phía dưới. Hướng thuyền buồm và khoảng cách được đánh dấu bằng cách sử dụng châm lộ hoặc la bàn xoay.
Biểu đồ la bàn 24 điểm được Trịnh Hòa sử dụng trong các chuyến thám hiểm của mình.

Nông lịch cần phải được cải cách vì nó đo lường không đủ một năm chí tuyến với 365 ¼ ngày. Sai số là 10 phút 14 giây trên một năm, tương đương với một ngày đầy đủ sau mỗi 128 năm. Mặc dù nhà Minh áp dụng Thụ thời lịch của Quách Thủ Kính–có độ chính xác như lịch Gregory–vào năm 1281, nhưng Khâm thiên giám lại không thể tinh chỉnh định kỳ bộ lịch. Điều này có lẽ là do họ thiếu chuyên môn vì các chức quan ở Khâm thiên giám vốn là cha truyền con nối và triều đình thì cấm tư nhân tham gia nghiên cứu thiên văn học. Hậu duệ đời thứ sáu của Minh Nhân Tông, “Thế tử” Chu Tái Dục (1536–1611), đã đề xuất sửa lịch vào năm 1595, nhưng bị Ti thiên giám bảo thủ khước từ. Ông cũng là người khám phá ra hệ thống điều chỉnh cao độ “bình quân luật”, gần như cùng lúc với Simon Stevin (1548–1620) ở châu Âu. Ngoài lý thuyết âm nhạc, Chu Tái Dục còn cho xuất bản các phát kiến về lịch của mình vào năm 1597. Một năm trước đó, Hình Vân Lộ từng đề xuất cải tiến lịch, nhưng rồi lại bị Chiêm sự Khâm thiên giám từ chối do luật cấm hành nghề thiên văn tư nhân. Năm 1629, Hình Vân Lộ giúp Từ Quang Khải cải cách lịch theo chuẩn châu Âu. Khi tìm thấy các thiết bị cơ khí trong cung điện nhà Nguyên tại Đại Đô, Minh Thái Tổ liên hệ chúng với sự diệt vong của nhà Nguyên rồi cho tiêu hủy hết. Các tu sĩ Dòng Tên như Matteo Ricci và Nicolas Trigault từng đề cập ngắn gọn về đồng hồ Trung Quốc có bánh xe dẫn động. Tuy nhiên, cả Ricci và Trigault đều nhanh chóng chỉ ra rằng đồng hồ châu Âu thế kỷ 16 tiên tiến hơn nhiều so với các thiết bị đo thời gian phổ biến tại Trung Quốc mà họ liệt kê như đồng hồ nước, hương chung, và sa lậu.

Một khẩu súng thần công trong Hỏa long kinh do Tiêu Túc và Lưu Bá Ôn biên soạn.
Chân dung Matteo Ricci, có tên được Latinh hóa thành Emmanuel Pereira, ghi ngày tháng năm mất.

Người Trung Quốc bị hấp dẫn bởi công nghệ châu Âu, và người châu Âu cũng hứng thú với công nghệ Trung Quốc. Năm 1584, Abraham Ortelius (1527–1598) đã giới thiệu trong tập bản đồ Theatrum Orbis Terrarum sáng kiến đặc biệt của người Trung Quốc trong việc gắn thêm buồm cho những chiếc xe rùa tương tự như trên thuyền mành. Sáng kiến này tiếp tục được đề cập trong các tác phẩm của Gonzales de Mendoza, Gerardus Mercator (1512–1594), John Milton (1608–1674), và Andreas Everardus van Braam Houckgeest (1739–1801). Nhà bác học Tống Ứng Tinh (1587–1666) đã ghi lại một loạt công nghệ, quy trình luyện kim, quy trình công nghiệp trong cuốn từ điển bách khoa Thiên công khai vật năm 1637 của ông. Thiên công khai vật viết về các thiết bị cơ khí hỗ trợ thủy lực cho nông nghiệp và thủy lợi, công nghệ hàng hải, quy trình trồng dâu nuôi tằm và dệt khung cửi, quy trình luyện kim, quy trình sản xuất, cách sử dụng các loại vũ khí thuốc súng.

Tập trung vào nông nghiệp trong cuốn Nông chỉnh toàn thư của mình, nhà nông học Từ Quang Khải (1562–1633) quan tâm tới thủy lợi, phân bón, công tác cứu đói, cây trồng kinh tế và cây trồng dệt may, quan sát thực nghiệm các nguyên tố, mang lại cái nhìn sâu sắc về những tri thức hóa học sơ khai.

Đầu thời nhà Minh, vũ khí thuốc súng có nhiều tiến bộ và thiết kế mới, nhưng từ giai đoạn giữa triều đại trở đi, người Trung Quốc bắt đầu thường xuyên sử dụng pháo và súng cầm tay kiểu châu Âu. Hỏa long kinh được Tiêu Túc và Lưu Bá Ôn biên soạn trước khi Lưu Bá Ôn qua đời vào ngày 16 tháng 5 năm 1375 (phần lời tựa được Tiêu Túc thêm vào năm 1412), liệt kê nhiều loại vũ khí thuốc súng tiên tiến nhất đương thời. Có thể kể đến đạn pháo rỗng ruột nhồi thuốc súng; địa lôi có cơ chế kích hoạt phức tạp, thủy lôi; tên lửa có cánh gắn vây để điều khiển khí động học, tên lửa nhiều tầng; và đại bác cầm tay.

Lý Thời Trân (1518–1593) sinh sống vào cuối thời nhà Minh, là một trong những nhà dược học và thầy thuốc nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc. Ông là tác giả của Bản thảo cương mục, một cuốn sách giáo khoa y học mô tả 1.892 loại dược liệu.[1] Dù có thể khởi nguồn từ nền y học dân gian lâu đời, mãi tới thế kỷ 16, phương pháp tiêm chủng mới được trình bày chi tiết trong các văn bản của người Trung Quốc. Dưới thời nhà Minh, khoảng năm mươi văn bản liên quan tới điều trị bệnh đậu mùa đã được xuất bản.[2] Bàn chải đánh răng hiện đại được người Trung Quốc phát minh vào năm 1498 với phần lông bàn chải làm bằng lông lợn cứng.[3]


Danh sách chú thích tham khảo
  1. Zohara Yaniv; Uriel Bachrach (2005). Handbook of Medicinal Plants. Psychology Press. tr. 37. ISBN 978-1-56022-995-7. https://books.google.com/books?id=QN78GmmPGBQC&pg=PA37. 
  2. Donald R. Hopkins (2002). The Greatest Killer: Smallpox in History. University of Chicago Press. tr. 110. ISBN 978-0-226-35168-1. https://archive.org/details/greatestkillersm0000hopk. "Inoculation had been a popular folk practice ... in all, some fifty texts on the treatment of smallpox are known to have been published in China during the Ming dynasty" 
  3. "Who invented the toothbrush and when was it invented?". The Library of Congress. 4 April 2007. Archived on 2011-06-28. Bản mẫu:Citation error. https://www.loc.gov/rr/scitech/mysteries/tooth.html. Retrieved 18 August 2008.